Thi hành án dân sự tỉnh Tuyên Quang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành và hoạt động thi hành án

28/03/2017
Tuyên Quang là tỉnh miền núi nằm ở phía Bắc, có diện tích 5.867,9 km2, dân số trên 75 vạn người; mật độ dân số 128 người/km2. Tỉnh có 22 dân tộc (trong đó dân tộc Kinh 46%, Tày 26%, Dao 13%, Sán Cháy 8%, còn lại là các dân tộc khác). Toàn tỉnh có 6 huyện, 1 thành phố với 141 xã, phường, thị trấn; 2.090 thôn, bản…

Trong cách mạng Tháng Tám, Tuyên Quang vinh dự là Thủ đô Khu giải phóng, được Trung ương Đảng và Bác Hồ chọn làm trung tâm của cách mạng cả nước. Tại Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử gắn liền với vận mệnh dân tộc: Hội nghị toàn quốc của Đảng quyết định chủ trương lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền và cử ra Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc; Quốc dân Đại hội họp tại đình Tân Trào thành lập Uỷ ban dân tộc giải phóng tức Chính phủ lâm thời do Bác Hồ làm Chủ tịch…Trong kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược, Tuyên Quang một lần nữa vinh dự được chọn làm Thủ đô kháng chiến.
Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tuyên Quang tự hào là đơn vị nằm trên địa danh Thủ đô Khu giải phóng - Thủ đô kháng chiến, phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, trải qua 70 năm xây dựng và trưởng thành, ngành thi hành án tỉnh Tuyên quang không ngừng phát triển, các thế hệ lãnh đạo, công chức, người lao động vẫn đang tiếp nối truyền thống, tận tụy, vì lợi ích của nhân dân, đoàn kết, sáng tạo, kỷ cương, trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao được Bộ Tư pháp, Tổng cục thi hành án dân sự giao.
Xác định rõ sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin đem lại rất nhiều thành tựu to lớn trong các hoạt động của con người; nhằm hòa nhập với xu thế chung của thời đại, cải tiến đổi mới trong hoạt động quản lý nhà nước, thông tin cập nhật nhanh chóng, chính xác, khoa học; thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Bộ Tư pháp và Tổng cục Thi hành án dân sự về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, quản lý điều hành và tổ chức thi hành án, Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã ban hành các kế hoạch công tác và các văn bản chỉ đạo về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác của Cục và các Chi cục trực thuộc.
Qua một thời gian triển khai thực hiện, các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Tuyên Quang đã đạt được kết quả đáng khích lệ, cụ thể: Đã hoàn thành việc cài đặt, triển khai, sử dụng chữ ký số thống nhất trong toàn ngành thi hành án dân sự tỉnh, giúp cho việc gửi, nhận văn bản điện tử trên môi trường mạng, trao đổi thông tin trên địa chỉ thư điện tử giữa Cục và các Chi cục, công chức với nhau được nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm, hạn chế tối đa việc gửi văn bản giấy, phô tô và in tài liệu... Tăng cường sử dụng các tính năng trên Trang thông tin điện tử của Cục để triển khai tới toàn ngành Thi hành án dân sự tỉnh Tuyên Quang các nội dung chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Tổng cục, lãnh đạo Cục; tổ chức vận hành có hiệu quả Trang thông tin về đăng tải, cập nhập, bổ sung, quản lý, khai thác, sử dụng, cung cấp thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành, thông tin hoạt động của ngành và địa phương... đầy đủ kịp thời theo quy định của pháp luật; sử dụng có hiệu quả các phần mềm đã được trang cấp cho Cục và các Chi cục Thi hành án dân sự tỉnh Tuyên Quang (như phần mền Quản lý tài sản; phần mềm kế toán hành chính, nghiệp vụ; phần mềm Quàn lý hồ sơ cán bộ và chức danh Tư pháp; phần mềm quản lý công văn đi, đến...) theo đúng yêu cầu của Bộ Tư pháp, Tổng Cục thi hành án dân sự.
Với những kết quả đạt được như trên đã góp phần bảo đảm tốt nhiệm vụ công tác chuyên môn của cán bộ, công chức, người lao động trong toàn ngành thi hành án dân sự; ngoài ra còn phục vụ lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Để đạt được kết quả tốt hơn nữa trong thời gian tiếp theo, tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, người lao động trong các cơ quan thi hành dân sự tỉnh Tuyên Quang cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chuyên môn, với những nội dung cơ bản như sau:
- Tăng cường trang thiết bị, kiến thức về công nghệ thông tin, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, tổ chức chương trình đào tạo kỹ năng phục vụ cho công tác quản lý, chỉ đạo và điều hành cho cán bộ lãnh đạo, công chức, người lao động trong từng đơn vị.
- Tạo ra các hiệu ứng lan tỏa tích cực trao đổi, ứng dụng công nghệ thông tin một cách triệt để, có hiệu quả, từ đó khuyến khích được việc nâng cao trình độ, tạo môi trường học tập kinh nghiệm giữa các lãnh đạo,  công chức. Bản thân mỗi cá nhân cần có sự đầu tư, nghiên cứu học hỏi những kiến thức mới, những kỹ năng sử dụng máy vi tinh, truy cập Internet… để kịp thời có sự thay đổi, hoàn chỉnh trong việc quản lý, chỉ đạo, điều hành tại đơn vị. 
- Thường xuyên trao đổi thông tin, dữ liệu, văn bản điện tử qua hệ thống Email hiện có để đáp ứng được nhu cầu trao đổi thông tin thường xuyên, vì trong ứng dụng công nghệ thông tin nói chung, Email là một công cụ cơ bản và quan trọng nhất, nó đảm nhận nhiệm vụ chính cho trao đổi thông tin cả trong và ngoài hệ thống.
- Ứng dụng các công nghệ truyền thông đa phương tiện để thực hiện việc trao đổi thông tin, điều hành từ xa. Điều này sẽ nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác lãnh đạo, điều hành, đồng thời tiết kiệm được nhiều thời gian.
- Tiếp tục nghiên cứu, đầu tư có trọng điểm để tạo sự đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin. Trước hết là việc triển khai, sử dụng phần mềm ứng dụng quản lý, điều hành văn bản trên môi trường mạng; triển khai việc hỗ trợ trực tuyến yêu cầu thi hành án theo kế hoạch của Tổng cục.
Cục THADS tỉnh Tuyên Quang