Thái Nguyên: tổ chức Hội nghị chỉ đạo, đôn đốc thi hành án tín dụng ngân hàng

14/07/2023


Ngày 13/7/2023, Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị chỉ đạo, đôn đốc thi hành án tín dụng ngân hàng năm 2023. Dự và chủ trì Hội nghị có đồng chí Nguyễn Xuân Tùng - Cục trưởng Cục THADS tỉnh, đồng chí Bùi Văn Khoa - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên; đại diện các cơ quan THADS tỉnh và các tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Chỉ thị số 32/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và các quy chế phối hợp liên ngành của Trung ương và địa phương, Cục THADS tỉnh đã chỉ đạo các Chi cục THADS trực thuộc thành lập tổ công tác theo dõi án tín dụng, ngân hàng thường xuyên rà soát, thống kê các vụ việc thi hành án có liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng; chủ động chủ trì, phối hợp với các tổ chức tín dụng và cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức thi hành dứt điểm từng vụ việc. 09 tháng năm 2023 (từ 01/10/2023 đến 30/6/2023) các cơ quan THADS tỉnh thụ lý 196 việc với số tiền 709 tỷ 950 triệu 233 nghìn đồng (chiếm 2,14% về việc và 51,80% về tiền so với tổng số việc và tiền phải thi hành), so với năm 2022 số việc phải thi hành tăng 43 việc (30,7%) và tăng 339 tỷ 187 triệu 921 nghìn đồng (91,48%). Kết quả: trong số việc loại này, đã thi hành được 17 việc thu được số tiền là 39 tỷ 201 triệu 302 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 15,74% về việc và 15,44% về tiền, số việc thi hành xong giảm 15 việc (46,88%) và 50 tỷ 442 triệu 989 nghìn đồng (56,27%), tỷ lệ thi hành xong giảm 16,58% về việc và 18,63% về tiền.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, chỉ ra một số khó khăn, hạn chế như: tình hình thị trường bất động sản đã trầm lắng, không còn sôi động so với cùng kỳ năm trước, các Ngân hàng thắt chặt việc cho vay vốn dẫn đến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nên việc bán tài sản là bất động sản bị hạn chế; người phải thi hành án không còn tài sản, chưa có điều kiện thi hành; số lượng các vụ việc Ngân hàng làm đơn yêu cầu nhưng người phải thi hành án không có tài sản thế chấp (vay tín chấp) cao hơn so với năm 2023; tài sản bảo đảm thi hành án một địa phương nhưng người phải thi hành án lại có địa chỉ ở địa phương khác nên rất khó khăn trong công tác giải quyết, giao nhận giấy tờ, làm việc với người phải thi hành án; việc nắm bắt thông tin từ giai đoạn xét xử, xác minh...., việc xác minh hiện trạng tài sản bảo đảm là bất động sản. Hiện trạng tài sản và trên Giấy chứng nhận có sự thay đổi, bản án không ghi nhận dẫn đến việc xử lý gặp khó khăn; việc thu hồi tài sản là động sản (giảm so với năm 2022) nhưng vẫn chưa thực hiện được do không truy tìm được tài sản nên chưa giải quyết dứt điểm vụ việc; nhiều vụ việc hoãn thi hành án trong trường hợp Tòa án thụ lý tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm đã được bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực thi hành tuyên kê biên, xử lý để đảm bảo thu hồi khoản nợ cho tổ chức tín dụng; nhiều tài sản đảm bảo thi hành án phải định giá, giảm giá nhiều lần, nhưng do tâm lý e ngại nên không có người mua; nhiều tài sản đảm bảo đối với nhiều khoản rất phức tạp, bao gồm nhiều loại hình tài sản như xe ô tô, nhà cửa, máy móc, hàng hóa nên việc định giá và hoàn thiện các hồ sơ thủ tục luôn mất nhiều thời gian, chi phí, đặc biệt, đối với quyền sử dụng đất khi bán đấu giá thành công thì việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bên mua trúng đấu giá còn khó khăn, kéo dài; việc giao tài sản trúng đấu giá còn một số trường hợp không giao được đúng thời hạn, do sự chống đối của người phải thi hành án ảnh hưởng đến việc bán đấu giá tài sản đảm bảo cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng.
Đồng thời, các đại biểu thảo luận, đề ra các giải pháp giải quyết, tập trung vào các nội dung: đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường có biện pháp chỉ đạo Văn phòng đăng ký đất đai, các Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai trên địa bàn phối hợp tốt với cơ quan THADS trong công tác xác minh, cung cấp hồ sơ tài liệu liên quan đến tài sản thi hành án, cùng cơ quan THADS tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình xử lý tài sản; các tổ chức tín dụng, ngân hàng là bên được thi hành án còn lúng túng trong việc nhận tài sản bán đấu giá để trừ vào khoản vay, việc Chấp hành viên đã vận động, thuyết phục Ngân hàng nhận tài sản giảm giá đã nhiều lần không bán được để trừ vào khoản vay nhưng Ngân hàng không nhận.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Bùi Văn Khoa đánh giá cao kết quả thực hiện công tác phối hợp giữa hai cơ quan trong thời gian qua và khẳng định việc thực hiện Quy chế phối hợp có ý nghĩa quan trọng đối với ngành Ngân hàng và các cơ quan THADS tỉnh góp phần thực hiện mục tiêu giảm nợ xấu của ngành ngân hàng. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng tiếp tục nâng cao hơn nữa công tác phối hợp với các cơ quan THADS tỉnh trong xác minh, tổ chức thi hành án; thẩm định hồ sơ chặt chẽ về tình trạng tài sản thế chấp, bảo lãnh; thẩm định giá đúng giá trị của tài sản trên thực tế; phối hợp chặt chẽ với Tòa án và cơ quan có thẩm quyền trong quá trình tố tụng để đảm bảo bản án, quyết định có tính khả thi nhất là đối với các loại việc công nhận hòa giải thành.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Tùng nhấn mạnh, công tác thi hành án tín dụng ngân hàng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan THADS đã và đang nhận được sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Tổng cục THADS và địa phương. Trong thời gian tới, đồng chí yêu cầu các cơ quan THADS tỉnh kiểm soát chặt chẽ các hồ sơ ngay từ khâu tiếp nhận, thụ lý phải nghiên cứu kỹ nội dung bản án, quyết định của Tòa án để ra quyết định thi hành án và tổ chức thi hành án. Thủ trưởng các cơ quan THADS thường xuyên kiểm tra tiến độ giải quyết hồ sơ của các Chấp hành viên. Giải quyết kịp thời khiếu nại của đương sự trong quá trình tổ chức thi hành án tránh tình trạng khiếu nại gay gắt, khiếu nại vượt cấp. Kịp thời báo cáo và xin ý kiến của Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự đối với những khó khăn, vướng mắc mà cần có sự tham gia giải quyết của các cơ quan hữu quan. Bên cạnh đó, đồng chí cũng đề nghị đồng chí Giám đốc ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các các tổ chức tín dụng, ngân hàng chủ động phối hợp với cơ quan THADS tỉnh nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc liên quan; cung cấp thông tin về tài khoản của người phải thi hành án khi có yêu cầu từ phía các cơ quan THADS.
Nguyễn Ngọc Anh
Văn phòng Cục THADS tỉnh