Việc các bản án, quyết định của Toà án có được thực thi triệt để và đem lại hiệu quả trên thực tế hay không phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động của công tác thi hành án dân sự. Với đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - chính trị của Điện Biên thì hoạt động thi hành án dân sự lại càng khó khăn, vất vả hơn. Nhận thức rõ trách nhiệm nặng nề của mình, các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Điện Biên đã và đang quyết tâm phấn đấu, nỗ lực không ngừng để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.
Để triển khai, thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế và tính đặc thù của tỉnh, ngay từ đầu năm Thi hành án dân sự tỉnh đã xây dựng Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác thi hành án dân sự, với nội dung bám sát vào chức năng, nhiệm vụ và Chương trình công tác trọng tâm của ngành, đồng thời phải phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Việc xây dựng kế hoạch chi tiết công tác của năm là một việc làm thiết thực nhằm cụ thể hoá các hoạt động và tiêu chí phấn đấu để các đơn vị thi hành án toàn tỉnh triển khai thực hiện, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình công tác trọng tâm ngành Tư pháp năm 2008 mà Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã phê duyệt.
Hưởng ứng ngày Kỷ niệm 25 năm thành lập ngành Tư pháp Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên), Thi hành án dân sự tỉnh đã xây dựng và đang triển khai thực hiện tháng cao điểm về thi hành án dân sự trên địa bàn toàn tỉnh, mà trọng điểm là ở các đơn vị huyện Điện Biên, huyện Điện Biên Đông và huyện Tuần Giáo. Đây là lần đầu tiên kể từ khi thành lập, Thi hành án dân sự tỉnh tiến hành tổ chức mở đợt cao điểm về thi hành án dân sự. Qua thống kê, hiện tổng số án có điều kiện thi hành đang tồn đọng trong toàn tỉnh là gần 1.200 vụ việc với tổng số tiền phải thi hành là 9.910.910.000 đồng. Lễ phát động mở đợt cao điểm về thi hành án dân sự đã được tiến hành vào ngày 5/5/2008 và dự kiến kết thúc vào ngày 30/5/2008. Việc mở tháng cao điểm tổ chức thi hành án, là nhằm cụ thể hoá Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác thi hành án dân sự năm 2008, mà Thi hành án dân sự tỉnh đã xây dựng từ đầu năm. Bên cạnh đó Thi hành án dân sự tỉnh cũng đang tiến hành xây dựng Kế hoạch kiểm tra chi tiết mọi mặt công tác đối với các cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện, nhằm phát hiện kịp thời những sai sót để qua đó có biện pháp khắc phục, tránh gây hậu quả không tốt, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của toàn ngành.
Nhằm đẩy nhanh, đẩy mạnh kết quả công tác, các đơn vị thi hành án dân sự toàn tỉnh nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm với công việc, cụ thể hoá trách nhiệm cho từng công chức, thông qua công tác phân công nhiệm vụ một cách cụ thể, phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường của từng công chức, khai thác tối đa sức mạnh tri thức của đội ngũ chấp hành viên, công chức thi hành án. Nâng cao trách nhiệm cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường tinh thần đoàn kết, thống nhất ý chí trong mọi hoạt động của đơn vị để hoàn thành thắng lợi Kế hoạch công tác đã đề ra. Tổ chức tiến hành đợt tổng rà soát, xác minh, phân loại án chính xác, đúng quy định hiện hành, đối với các vụ việc có điều kiện thi hành thì giải thích, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành, trong trường hợp đương sự cố tình trốn tránh, chây ỳ thực hiện nghĩa vụ của mình thì kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế phù hợp, nhằm giải quyết dứt điểm số án hiện đang tồn đọng.
Để tập trung, thống nhất ý chí quyết tâm giải quyết án tồn đọng, tháng 3/2008 Thi hành án dân sự tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị chuyên đề về đẩy mạnh, tăng cường công tác thi hành án dân sự. Hội nghị đã thảo luận sâu về một số lĩnh vực công tác mà trọng tâm là công tác thi hành án, qua đó đã thống nhất được phương pháp, cách thức tiến hành thực hiện nhiệm vụ, phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế của mỗi đơn vị nhằm tìm ra các giải pháp, biện pháp giải quyết cơ bản số lượng án tồn đọng trong toàn tỉnh; đồng thời đây cũng là cơ hội để các chấp hành viên có điều kiện bày tỏ quan điểm, suy nghĩ của mình với ngành và học hỏi kinh nghiệm công tác của nhau, điều đó cũng phần nào tạo được không khí làm việc sôi nổi hơn trong các đơn vị, tạo được không khí thi đua nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của các đơn vị.
Song song với việc nâng cao hiệu quả công tác chuyên môn, Thi hành án dân sự tỉnh cũng đã có những biện pháp cụ thể nhằm nâng cao số lượng, chất lượng công chức thi hành án. Số lượng chấp hành viên, công chức thi hành án toàn tỉnh hiện có 93 người, trong đó Chấp hành viên là 27 người, trình độ Đại học là 49 người còn lại là Trung cấp và sơ cấp. Để từng bước chuẩn hoá đội ngũ công chức đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ, Thi hành án dân sự tỉnh đã cử nhiều đợt chấp hành viên, công chức tham gia học tập các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị và quản lý nhà nước. Thông qua đào tạo, bồi dưỡng, trình độ năng lực công tác của phần lớn chấp hành viên, công chức đã được nâng lên, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Bộ máy tổ chức các cơ quan Thi hành án từ tỉnh đến huyện đã và đang từng bước được củng cố, kiện toàn, đủ sức gánh vác nhiệm vụ được giao; có thể nói đội ngũ công chức thi hành án dân sự tỉnh Điện Biên đang lớn dần cả về số lượng và chất lượng.
Để công tác thi hành án dân sự ngày càng trở nên gần gũi, thiết thực với đời sống kinh tế, chính trị của địa phương, các cơ quan Thi hành án từ tỉnh đến huyện đều đang cố gắng để khẳng định vị thế của mình; tuy nhiên để đạt được kết quả công tác như kế hoạch đã đề ra, các cơ quan thi hành án dân sự rất cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp uỷ, chính quyền địa phương, các cơ quan hữu quan, tạo điều kiện thuận lợi để thi hành án dân sự tỉnh Điện Biên thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của mình, góp phần bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương.
Dương Lan