Lo án tồn đọng…
Trong 6 tháng đầu năm 2008, một số địa phương đã có nhiều sáng kiến triển khai hoạt động THA, nhờ đó giải quyết xong nhiều vụ việc phức tạp, đạt tỷ lệ thi hành xong hoàn toàn (trong tổng số những vụ việc có điều kiện thi hành) tương đối cao. Nhưng cũng có những địa phương đạt tỷ lệ còn thấp như Bạc Liêu, Khánh Hoà chỉ đạt 25%; Vĩnh Long 29%; Long An, Tây Ninh đạt 31%... về việc; Bắc Kạn chỉ đạt 5%, Hải Phòng, Quảng Trị 9%, Kon Tum 12%... về tiền. Bên cạnh đó, tỷ lệ án được xác định là không có điều kiện thi hành trong toàn quốc còn quá lớn (43,6%), thậm chí tỷ lệ này ở Hải Phòng lên đến 74%, Thừa Thiên - Huế 65%, Yên Bái 69,5%... Điều đó cho thấy hệ quả là một lượng lớn các vụ việc THA còn bị tồn đọng. Dường như đây là mối lo “truyền kiếp” của công tác THADS, nhất là khi các tranh chấp trong xã hội ngày càng gia tăng về số lượng và độ phức tạp, đòi hỏi cơ quan chức năng (trong đó TAND, cơ quan THADS) can thiệp để đảm bảo quyền lợi cho cá nhân, tổ chức liên quan.
Từ trước đến nay, án tồn đọng dường như là “câu chuyện dài bất tận” của công tác THADS. Trong câu chuyện đó trước hết phải kể đến ảnh hưởng của điều kiện kinh tế - xã hội nước ta còn chưa tạo điều kiện cho cơ quan THADS thực thi nhiệm vụ. Tình trạng chưa có cơ chế quản lý tài sản, thu nhập cá nhân một cách chặt chẽ, minh bạch nên tình trạng tẩu tán tài sản hoặc chây ỳ không THA… đã trở thành nguyên nhân quen thuộc trong câu chuyện án tồn đọng của công tác THADS. Thêm nữa, Cục THADS (Bộ Tư pháp) xác định, chính việc một số cơ quan THADS chưa tích cực tổ chức THA (chậm ra quyết định THA, chưa kịp thời xác minh điều kiện THA hoặc không kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế THA mặc dù người phải THA có điều kiện thi hành…) cũng khiến án tồn đọng trở thành vấn đề “tồn đọng” lớn nhất trong việc cản trở tính hiệu quả của công tác THADS.
Một vấn đề làm án tồn đọng cứ kéo dài qua ngày qua tháng cũng bắt nguồn từ chính việc chậm chỉ đạo nghiệp vụ của Cục THADS trong một số vụ việc. Theo ý kiến nhiều Trưởng THADS địa phương, tình trạng này cần được giải quyết ngay vì khi địa phương lúng túng, không biết cách giải quyết đành “cầu cứu” đến Cục THADS mà Cục “im hơi lặng tiếng” thì đương nhiên vụ việc sẽ trở thành “án tồn đọng”.
Rồi lo thiếu nhân sự
Tính đến hết năm 2007, cả nước còn 18 cơ quan THADS chỉ có 01 chấp hành viên (CHV); 14 cơ quan THADS thiếu Trưởng THA. Nhưng trong 6 tháng đầu năm 2008 mới chỉ giảm được 3 cơ quan THADS có 01 CHV, thậm chí số cơ quan THADS chưa có Trưởng THA không giảm mà còn tăng thêm 6 cơ quan so với năm 2007. Việc tuyển dụng, bổ sung biên chế cho các cơ quan THADS còn chậm. Đến tháng 4 năm nay, còn hơn 600 chỉ tiêu biên chế chưa được thực hiện, trong đó có nhiều địa phương (Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Nghệ An, Gia Lai, Bình Định…) còn từ 15 biên chế trở lên. Đã vậy, số cán bộ, CHV xin chuyển hoặc nghỉ công tác lại có chiều hướng gia tăng. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm đã có 27 trường hợp xin chuyển công tác, 32 trường hợp xin nghỉ thôi việc hoặc nghỉ theo diện tinh giản biên chế.
Bức tranh nhân sự của các cơ quan THADS được miêu tả gồm hai mảng màu “thiếu và yếu”. Nhiều năm qua, cái khó lớn nhất cho công tác kiện toàn tổ chức ở các cơ quan THADS vẫn chính là thiếu nguồn nhân lực. Điều đó càng nghiêm trọng hơn ở các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa. So với các công việc khác trong ngành Tư pháp, công việc THADS rất vất vả nhưng chế độ đãi ngộ cho CHV, cán bộ làm công tác THADS còn hạn hẹp, mà lại thiếu chính sách thu hút nhân lực từ các địa phương khác lên công tác tại các địa phương vùng sâu, vùng xa...
Mặc dù thiếu nhân sự trầm trọng nhưng nhiều Trưởng THADS cấp tỉnh chưa làm tốt công tác đề nghị Giám đốc Sở Tư pháp trong việc kịp thời tuyển dụng biên chế. Bên cạnh đó, công tác tạo nguồn bổ nhiệm CHV ở một số địa phương chưa được tốt; cơ chế luân chuyển, điều động CHV cấp tỉnh xuống làm Trưởng THADS cấp huyện còn rườm rà, bất cập…nên nhân sự cho các cơ quan THADS đã thiếu lại càng thiếu theo từng ngày.
Và lo về cơ sở vật chất
Với những yêu cầu ngày càng cao đối với công tác THADS thì mối lo về cơ sở vật chất (đặc biệt là kho vật chứng, trụ sở làm việc) và kinh phí hoạt động cho các cơ quan THADS cũng trở nên bức thiết. Hiện Bộ Tư pháp đang thực hiện các đề án về xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của Bộ Tư pháp (trong đó có trụ sở làm việc cho các cơ quan THADS địa phương), đề án đầu tư trang thiết bị làm việc cho các cơ quan THADS địa phương. Nhưng các đề án này dự kiến phải đến năm 2009 – 2010 mới hoàn thành nên nhiều năm qua, cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động cho công tác THADS dù đã được tăng cường song chưa thể đảm bảo yêu cầu hiện đại hoá công sở, phương tiện và nơi làm việc.
Từ năm 2002, Bộ Tư pháp đã tiến hành lập đề án đầu tư xây dựng kho vật chứng cho các cơ quan THADS địa phương. Theo thiết kế của đề án xây dựng kho vật chứng cho các cơ quan THADS, ở tỉnh, Bộ sẽ xây dựng cụm kho của THADS tỉnh và thành phố, thị xã thuộc tỉnh; ở quận 2-3 quận liền kề sẽ có 1 cụm kho; các huyện thị còn lại xây theo đơn vị hành chính. Song thực tế, việc xây dựng trụ sở cơ quan THADS và kho vật chứng còn chậm một phần do công tác bố trí địa điểm, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, nhất là ở Hà Nội và TP.HCM. Bên cạnh đó, với nguồn ngân sách hạn hẹp, trung bình chỉ đầu tư xây dựng được 10-15 kho/năm nên vẫn phải xem xét ưu tiên cho những đơn vị có nhiều vụ việc và nhiều vật chứng được xây dựng kho vật chứng trước. Do đó, thiếu kho vật chứng vẫn khiến công tác THADS ở nhiều địa phương gặp khó khăn.
THADS được đánh giá là một giai đoạn quan trọng sau khi bản án, quyết định của TAND đã có hiệu lực thi hành. Để công tác THADS thực sự phát huy hết hiệu quả mong muốn thì trước hết trong 6 tháng cuối năm 2008, cần phải quán triệt Chỉ thị 21/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ngày 1/7/2008) về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác THADS. Và về lâu dài thì cần tìm cách “giải phóng” cho công tác THADS khỏi những lo toan mà nó vẫn phải “gánh vác” bấy lâu nay./.
Huy Long