Theo Pháp lệnh Thi hành án năm 1993, kể từ ngày 01/7/1993, công tác thi hành án dân sự ở huyện Hà Trung được tách ra từ Toà án và thành lập cơ quan Thi hành án độc lập trực thuộc cơ quan Chính phủ. Từ khi chuyển giao, cơ quan Thi hành án được tăng cường về biên chế, cơ sở vật chất, phương tiện, công cụ hỗ trợ v.v... Điều đó đã tạo nên sự chuyển biến trong kết quả thi hành án cả về số lượng và chất lượng. Thi hành án về việc và tiền đều đạt kết quả cao, năm sau cao hơn năm trước, chất lượng giải quyết nhanh gọn và bài bản hơn, giảm đáng kể được lượng án tồn đọng.
I. Thực tiễn công tác thi hành án trên địa bàn trong những năm gần đây:
1. Kết quả đạt được:
Hàng năm Thi hành án dân sự Huyện Hà Trung thụ lý từ 300 đến 350 việc với tổng số tiền từ 1,5 tỷ đến 1,8 tỷ đồng. Lượng án giải quyết và thi hành xong khoảng 150 đến 180 việc đạt 50%, tương ứng với số tiền từ 300 đến 400 triệu đồng đạt 20 đến 25%.
2. Tồn tại hạn chế:
Cho đến ngày 01/01/2008 trên địa bàn toàn huyện Hà Trung còn tồn đọng 154 việc với số tiền phải thi hành 1.242.388.000đ, trong đó: Số lượng án có giá trị tiền thi hành từ 50.000đ đến 3.000.000đ còn tồn đọng chiếm hơn 50% tổng số lượng về án.
Về công tác tổ chức thi hành án: Mặc dù trong những năm vừa qua cơ quan Thi hành án Hà Trung cùng với chính quyền địa phương đã hết sức nỗ lực nhưng lượng án và tiền còn tồn đọng hàng năm vẫn cao, đặc biệt là loại án có giá trị tiền thi hành thấp. Vậy đâu là những nguyên nhân, và giải pháp khắc phục nguyên nhân đó như thế nào?
3. Nguyên nhân của tồn tại hạn chế: Có nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng điểm lại thì nổi bật lên một số nguyên nhân cơ bản là:
a. Nhiều đối tượng phải thi hành án không có tài sản, không rõ địa chỉ hoặc đang chấp hành hình phạt tù mà giá trị tiền thi hành không lớn. Gia đình và người thân chưa hỗ trợ, giúp đỡ người phải thi hành án thực hiện trách nhiệm dân sự theo Bản án, Quyết định của Toà án.
b. Việc tổ chức thi hành án từ trước tới nay chưa phát huy tối đa được sự phối kết hợp của cơ quan Thi hành án với chính quyền cơ sở, các tổ chức đoàn thể xã hội, khu dân cư, dòng họ .
Một số địa phương còn xem nhẹ hoặc chưa quan tâm đến công tác Thi hành án dẫn đến sự khó khăn trong việc phối kết hợp giải quyết án.
c. Nhận thức về pháp luật nói chung và pháp luật về thi hành án nói riêng của đại đa số nhân dân chưa cao dẫn đến ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế.
II. Giải pháp để khắc phục những hạn chế trong công tác Thi hành án hiện nay:
Từ nguyên nhân và thực trạng xã hội trên địa bàn huyện như đã nói ở trên song song với các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật về thi hành án thì một trong những giải pháp khắc phục trong giai đoạn hiện nay đó là: "Thông báo về thi hành án qua hệ thống truyền thanh cơ sở".
1. Cơ sở pháp lý :
- Tất cả các Bản án, Quyết định của Toà án đều được xét xử và công bố công khai, một số trường hợp đặc biệt có thể xét xử bí mật nhưng khi tuyên án phải công khai (Điều 18 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 và Điều 15 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2005).
- Theo quy định tại Điều 34, Pháp lệnh Thi hành án năm 2004 thì việc thông báo về thi hành án được thực hiện như sau: Các quyết định, giấy báo, giấy triệu tập về thi hành án được thông báo cho người phải thi hành án, người được thi hành án, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bằng các hình thức:
+ Chấp hành viên, Cán bộ thi hành án giao trực tiếp các giấy tờ nói trên cho những người được thông báo; nếu người được thông báo vắng mặt thì giao cho thủ trưởng cơ quan nơi họ công tác, cán bộ Tư pháp cấp xã hoặc người thân thích có năng lực hành vi đầy đủ cùng sống trong gia đình nhận thay. Người nhận thay phải cam kết chuyển kịp thời đúng thời gian quy định cho người thông báo.
Trong trường hợp không thực hiện được việc thông báo nói trên thì phải niêm yết công khai bản chính thông báo tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người được thông báo nếu xác định được nơi cư trú cụ thể của người đó.
+ Trong trường hợp không thực hiện được thông báo trực tiếp, niêm yết công khai không có hiệu quả thì việc thông báo được thực hiện liên tiếp 2 lần trên báo, đài phát thanh hoặc truyền hình của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nếu xác định được đương sự đang ở tại địa phương đó; trên báo, đài phát thanh hoặc truyền hình của trung ương nếu xác định đương sự đang không ở tại địa phương đó. Mặc dù pháp luật thi hành án chưa quy định đồng thời việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng với một trong hai hình thức trên nhưng quy định trên của pháp luật thi hành án có nghĩa là việc thông báo về thi hành án trên các phương tiện thông tin đại chúng vẫn được thực hiện mà không vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật đời tư hay nhân quyền.
2. Cơ sở thực tiễn:
Hiện nay dân cư trên địa bàn huyện Hà Trung sống tập trung hình thành các làng bản, thôn xóm; cấu thành nên nó là sự gắn kết các tổ chức đoàn thể xã hội, các dòng họ, gia đình. Trong các cụm dân cư này hầu hết đã có hệ thống loa truyền thanh công cộng. Đây được coi là phương tiện chủ yếu để đưa chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân.
Ngoài ra, hầu hết các đối tượng phải thi hành án không có điều kiện thi hành bản án đều đang sống chung trong một gia đình gồm nhiều thế hệ. Mối quan hệ gia đình có sự gắn kết chặt chẽ như: quan hệ vợ chồng, con cái, bố mẹ, ông bà, anh chị em ruột.... Hành vi của mỗi cá nhân, gia đình thường bị chi phối bởi các quan điểm, quan niệm của dòng họ; hương ước, quy ước của làng xóm. Việc thông báo thi hành án không chỉ tác động đến người phải thi hành án mà còn tác động đến gia đình, dòng họ, làng xóm, các tổ chức đoàn thể nơi họ hoặc người thân của họ đang sinh hoạt. Từ đó có sự động viên, hỗ trợ, giúp đỡ người phải thi hành án nhanh chóng thực hiện xong nghĩa vụ về thi hành án, đặc biệt đối với loại án có giá trị thấp. Điều này đồng nghĩa với việc giảm đáng kể lượng án và tiền tồn đọng trên địa bàn toàn huyện.
3. Nội dung giải pháp "Thông báo về thi hành án qua hệ thống truyền thanh cơ sở".
- Cơ quan Thi hành án rà soát, sau đó xác định các đối tượng cần thông báo.
- Mỗi một vụ việc lập riêng một thông báo. Nội bám sát với nội dung Bản án, Quyết định của Toà án và Quyết định thi hành án như:
+ Họ tên, tuổi, nơi cư trú của người phải thi hành án.
+ Nội dung vụ việc theo Bản án, Quyết định nào của Toà án.
+ Tổng số tiền còn phải thi hành.
+Sau thời hạn bao nhiêu ngày phải tự nguyện nộp tiền tại đâu, nếu không tự nguyện thi hành sẽ bị áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.
+Cá nhân tổ chức nào biết địa chỉ của người thi hành án, nơi cất giữ tài sản hay phát hiện người phải thi hành án tẩu tán tài sản cần thông báo ngay cho chính quyền hoặc cơ quan Thi hành án.
+ Khuyến khích gia đình, người thân của người phải thi hành án giúp đỡ, hỗ trợ họ nghĩa vụ về thi hành án.
4.Mục đích, ý nghĩa của của giải pháp:
Như đã nói ở trên các cụm dân cư được hình thành, và nhiều cụm dân cư có hương ước, quy ước. Vậy việc thực hiện thông báo trực tiếp hoặc gián tiếp theo điểm a và b, Điều 54 Pháp lệnh thi hành án đồng thời với việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng cấp xã có tác dụng:
a- Nâng cao hiệu quả trong công tác Thi hành án:
Một lượng lớn án tồn đọng hiện nay không có điều kiện thi hành án là do đương sự không có tài sản, đi làm ăn xa không rõ địa chỉ hoặc đang chấp hành hình phạt tù. Thực tế đối tượng phải thi hành án là người trực tiếp có nghĩa vụ thực hiện phần dân sự trong bản án, nhưng không có tài sản riêng, chủ yếu sống nhờ vào bố mẹ, người thân. Việc thông báo thi hành án có mục đích sau:
-Thứ nhất: Thông thường khi giải quyết việc thi hành án cơ quan Thi hành án không thể tiếp xúc với tất cả thành viên trong gia đình, dòng họ... Qua việc thông báo về thi hành án, một số thành viên trong gia đình, dòng họ của người phải thi hành án biết và có thể sẵn sàng hỗ trợ người phải thi hành án thực hiện xong nghĩa vụ dân sự trong bản án. Đối với người đang chấp hành hình phạt tù, việc thi hành xong nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự là điều kiện để người phải thi hành án được xét miễn giảm hình phạt.
-Thứ hai: Nhiều trường hợp đối tượng phải thi hành án có tài sản riêng do người khác đang quản lý hoặc tài sản góp vốn với các cá nhân, tổ chức khác... khi tiến hành xác minh cơ quan Thi hành án không phát hiện ra thì việc thông báo sẽ tác động đến những cá nhân, tổ chức đang quản lý tài sản của người phải thi hành án, từ đó họ sẽ cung cấp thông tin về tài sản cho cơ quan Thi hành án hoặc cùng với người phải thi hành án thực hiện nghĩa vụ theo án tuyên.
-Thứ ba: Đối với các đối tượng phải thi hành án đi làm ăn xa không rõ địa chỉ, trên thực tế có thể gia đình họ , qua việc thông báo nhân dân biết và cung cấp thông tin về địa chỉ của đối tượng từ đó cơ quan Thi hành án có hướng giải quyết phù hợp theo quy định của pháp luật.
-Thứ tư: Việc thông báo thi hành án sẽ giúp cho các làng văn hoá, khu phố văn hoá, các tổ chức chính trị xã hội, dòng họ, gia đình ... động viên công dân, hội viên, thành viên, người thân của mình thực hiện nghĩa vụ thi hành án, hoặc động viên thân nhân của người phải thi hành án thực hiện thay trách nhiệm của của người phải thi hành án .
-Thứ năm: Đối với người được thi hành án, người có quyền lợi liên quan thì việc thông báo thi hành án giúp họ thấy được quyền lợi của mình theo bản án đang được pháp luật bảo vệ từ đó giảm bớt việc khiếu nại, khiếu kiện đồng thời củng cố và tăng thêm lòng tin lòng tin của nhân dân đối với chính quyền.
b- Tạo điều kiện cho việc thực hiện xã hội hoá công tác thi hành án:
Việc thông báo thi hành án trên hệ thống truyền thanh cơ sở không chỉ tác động trực tiếp đến người phải thi hành án mà còn tác động đến mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội nhằm huy động họ tham gia tích cực vào quá trình giải quyết việc thi hành án, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan Thi hành án giải quyết dứt điểm vụ án.
c- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật:
Phần trách nhiệm dân sự trong bản án và quyết định của Toà án, các quyết định thi hành án của cơ quan Thi hành án, nó là kết quả của quá trình giải quyết các vụ việc liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như: hình sự, tranh chấp dân sự, lao động, kinh tế, đất đai... Tương ứng với mỗi lĩnh vực thì có một hoặc một số h luật điều chỉnh. Từ trước tới nay việc tuyên truyền vẫn được thể hiện dưới nhiều dạng như: sân khấu hoá, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, phát tờ rơi ... nhưng hiệu quả vẫn chưa cao. Trên thực tế, một vụ việc xảy ra trên địa phương luôn tạo được sự quan tâm của dư luận, như vậy việc thông báo thi hành án nhằm công khai kết quả giải quyết của các cơ quan tiến hành tố tụng đồng thời sẽ tạo nên một luồng dư luận rộng rãi trong nhân dân từ đó giúp họ hiểu rõ hơn về các quy định của pháp luật và tránh vi phạm khi gặp trường hợp tương tự.
Mặt khác, đây là thông báo của cơ quan Thi hành án, bởi vậy nó sẽ giúp cho chính quyền, các cơ quan chuyên môn, các đoàn thể và nhân dân hiểu được chức năng nhiệm vụ của cơ quan Thi hành án. Từ đó tạo nên sự phối hợp chặt chẽ trong công tác thi hành án.
III. Phương pháp tổ chức thực hiện:
1. Thông qua chương trình, kế hoạch với Ban chỉ đạo thi hành án và thường trực UBND huyện Hà Trung.
2. Tham mưu cho chủ tịch UBND huyện Hà Trung ra chỉ thị cho UBND các xã, thị trấn thực hiện thông báo về thi hành án trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở; UBND xã, Mặt trận tổ quốc xã chủ trì việc chỉ đạo phối hợp với cơ quan Thi hành án trong công tác thi hành án.
3. Cơ quan Thi hành án cùng với Phòng tư pháp xây dựng chương trình kế hoạch hàng tuần, tháng để phổ biến tuyên truyền và thi hành pháp luật trên địa bàn toàn huyện.
4. Cơ quan Thi hành án rà soát và lập danh sách các vụ việc cần thiết phải thông báo trên địa bàn.
- Lập thông báo đối với từng vụ cụ thể giao cho UBND các xã, thị trấn thực hiện việc thông báo trên hệ thống loa truyền thanh.
5. Hàng quý, năm cơ quan Thi hành án cùng với Phòng tư pháp tổ chức kiểm tra, đôn đốc, sơ tổng kết từ đó kịp thời chấn chỉnh và rút ra bài học kinh nghiệm.
Nguyễn Viết Lệ
Thi hành án dân sự huyện Hà Trung - Thanh Hoá