Chuyển giao bản án, quyết định từ Toà án sang cơ quan Thi hành án

22/09/2008

Hiện nay, việc giao nhận các bản án, quyết định giữa Toà án và Thi hành án được thực hiện theo quy định chung, ghi nhận sự kiện này chỉ có biên bản giao nhận bản án, quyết định giữa hai cơ quan. Sau đó, cơ quan thi hành án dân sự sẽ tiến hành thụ lý theo thủ tục về thi hành án dân sự.



 Vì vậy, ở một số địa phương có hiện tượng Toà án chậm chuyển giao bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của đương sự nhưng hầu như Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp không có ý kiến gì về vấn đề này. Nhiều đương sự đến cơ quan Thi hành án thắc mắc tại sao bản án, quyết định chưa được thi hành, mặc dù vụ án đã được giải quyết xong theo thủ tục tố tụng. Đến Toà án hỏi thì được giải thích là bản án, quyết định đã được chuyển sang cơ quan thi hành án. Đến cơ quan thi hành án thì qua kiểm tra sổ nhận án thì cơ quan thi hành án chưa nhận được bản án nên không có bản án để thi hành…khiến đương sự thắc mắc.

Theo chúng tôi, để hình thành nên việc thi hành án dân sự, cơ quan Thi hành án dân sự tiếp nhận bản án, quyết định từ 03 nguồn ( còn gọi là đầu vào ): do Toà án chuyển giao ( có đóng dấu: Án đã có hiệu lực ); do đương sự nộp kèm theo đơn yêu cầu hoặc do cơ quan Thi hành án địa phương khác uỷ thác. Trong đó, bản án, quyết định do Toà án chuyển giao là nguồn chủ yếu, cơ bản nhất tạo nên khối lượng công việc của cơ quan Thi hành án ( nhất là ở Thi hành án dân sự cấp tỉnh ).  Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003  chỉ quy định việc giao bản án và quyết định phúc thẩm cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền trong trường hợp bản án phúc thẩm có tuyên hình phạt tiền, tịch thu tài sản và quyết định dân sự  trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tuyên án hoặc kể từ ngày ra quyết định ( Điều 254 ) mà không có điều khoản nào quy định thời hạn Toà án phải chuyển giao bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật cho cơ quan Thi hành án.

Dự thảo tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự quy định nội dung chuyển giao bản án, quyết định từ Toà án sang cơ quan Thi hành án dân sự, về cơ bản không có gì mới so với Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004. Các bản án, quyết định về dân sự bao gồm các bản án, quyết định được quy định tại  Điều 3 của dự thảo Luật này.

 Về vấn đề này, chúng tôi đề nghị nên quy định Chánh án Toà án đã xét xử sơ thẩm ra Quyết định chuyển giao bản án, quyết định sang cơ quan thi hành án dân sự để thi hành ( kèm theo là bản án, quyết định, biên bản chuyển giao và các tài liệu có liên quan ). Quy định như vậy dễ dàng xác định đâu là những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, đâu là bản án chưa có hiệu lực nhưng được đưa ra thi hành , xác định được trách nhiệm của cơ quan xét xử, cơ quan thi hành án  và tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát của Viện kiểm sát thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc chuyển giao bản án, quyết định./.

Hà Tuấn Phương