Sự cần thiết của việc ban hành Thông tư số 06/2008/TT-BTP hướng dẫn một số nội dung về tổ chức cán bộ cơ quan thi hành án dân sự địa phương

15/10/2008

Nghị định số 50/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về “cơ quan quản lý thi hành án dân sự,cơ quan thi hành án dân sự và cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự”; Quyết định số 1148/2005/QĐ-BTP ngày 18 tháng 5 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp“ về việc ban hành quy chế uỷ quyền cho giám đốc Sở Tư pháp tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương quản lý một số mặt công tác tổ chức, cán bộ của Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thi hành án dân sự huyện,quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh” đã có hiệu lực được hơn 3 năm.



Nhiều nội dung trong các văn bản nêu trên giao cho Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện nhưng cho đến nay Bộ vẫn chưa có văn bản mang tính quy phạm pháp luật để hướng dẫn các địa phương thực hiện. Vì vậy, để tạm thời tháo gỡ cho các địa phương trong công tác tổ chức, Lãnh đạo Bộ Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự đã phải ký nhiều Công văn hướng dẫn. Song, các văn bản này không mang tính quy phạm, lại chắp vá nên gây rất nhiều khó khăn vướng mắc cho các địa phương trong quá trình thực hiện. Chính vì vậy, việc hệ thống các hướng dẫn của Cục thành một văn bản quy phạm là hết sức cần thiết, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác tổ chức cán bộ của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương.

Bên cạnh những vấn đề nêu trên, trong những năm qua, Chính phủ, Bộ Nội vụ đã ban hành nhiều văn bản về cán bộ, công chức. Tuy nhiên, có một số vấn đề mặc dù đã được pháp luật quy định nhưng vẫn còn chung chung hoặc có những vấn đề không phù hợp với đặc thù riêng của cơ quan.Thi hành án. Vì vậy, việc hướng dẫn những vấn đề này có ý nghĩa rất quan trọng cho các địa phương trong quá trình thực hiện.

Trong khi Thông tư số 555/TT-THA ngày 10/6/1993 của Bộ Tư pháp “hướng dẫn một số vấn đề về công tác thi hành án dân sự” được ban hành nhằm hướng dẫn thực hiện Nghị định số 30/CP ngày 02/6/1993 của Chính phủ về “tổ chức nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý công tác thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và chấp hành viên” và Chỉ thị số 266/TTg ngày 2/6/1993 của Thủ tướng Chính phủ “về triển khai việc bàn giao và tăng cường công tác thi hành án dân sự”, đến nay không còn phù hợp với tình hình mới và Nghị định số 30/CP ngày 02/6/1993 đã được thay thế bằng Nghị định số 50/2005/NĐ-CP ngày 11/4/2005 của Chính phủ về “cơ quan quản lý thi hành án dân sự,cơ quan thi hành án dân sự và cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự ”; Chỉ thị số 266/TTg ngày 2/6/1993 cũng đã được thay thế bằng Chỉ thị số 21/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ “về việc tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự”. Riêng Thông tư số 555/TT-THA ngày 10/6/1993 của Bộ Tư pháp “hướng dẫn một số vấn đề về công tác thi hành án dân sự” vẫn chưa có văn bản nào thay thế, trong khi bộ máy cơ quan Thi hành án ngày càng kiện toàn, công tác tổ chức cán bộ đòi hỏi phải thực hiện công khai minh bạch, đáp ứng yêu cầu của cải cách hành chính, trong đó có việc cải cách các thủ tục hành chính, thủ tục đơn giản nhưng chặt chẽ và quản lý hiệu quả  hơn nhằm đảm bảo nguồn cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó.

Xuất phát từ các yêu cầu trên, ngày 26/9/2008 Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã ký ban hành Thông tư 06/2008/TT-BTP để “Hướng dẫn một số nội dung về tổ chức cán bộ các cơ quan thi hành án dân sự địa phương” Thông tư này thay thế Thông tư số 555/TT-THA ngày 10/6/1993, nhằm hướng dẫn một cách thống nhất, toàn diện trình tự thủ tục thực hiện công tác tổ chức cơ quan thi hành án .

Nhằm tạo điều kiện để bạn đọc và các cán bộ làm công tác tổ chức của cơ quan Thi hành án, tiện theo dõi, sử dụng. Cục Thi hành án dân sự trân trọng giới thiệu Thông tư số 06/2008/TT-BTP

                Về cơ cấu Thông tư được quy định thành 7 phần: hướng dẫn chi tiết thống nhất và toàn diện các trình tự thủ tục liên quan đến việc tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ công chức; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức chức danh chấp hành viên; nâng bậc lương, nâng ngạch, chuyển ngạch cho cán bộ công chức...Cụ thể:

           Phần thứ nhất: Tuyển dụng, tiếp nhận công chức.

Phần thứ hai: Nâng bậc lương, chuyển xếp lương, nâng ngạch,chuyển ngạch,chuyển loại công chức.

Phần thứ ba: Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, thôi giữ chức vụ Trưởng Thi hành án, Phó trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện, Trưởng phòng, Phó trưởng phòng thuộc Thi hành án dân sự cấp tỉnh, giao Quyền trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện và thực hiện chế độ phụ cấp chức vụ.

Phần tư: Điều động, luân chuyển, biệt phái, thuyên chuyển công chức.

Phần năm: Xử lý kỷ luật công chức.

Phần thứ sáu: Giải quyết chế độ thôi việc cho công chức.

Phần thứ bảy: Tổ chức thực hiện và hiệu lực thi hành.

 

Trần Minh Phượng - Cục THADS