Xác minh điều kiện THA: Đúng sai trông ở việc này!

21/11/2008

Trước khi thi hành được trên thực tế bản án (có hiệu lực pháp luật) của TAND, trừ trường hợp các đương sự tự nguyện THA, cơ quan THADS sẽ phải tiến hành xác minh điều kiện THA của người phải THA trong thời hạn không quá 2 tháng kể từ ngày ra quyết định THA.



Không chỉ dựa vào trình bày của đương sự

Điều 8 Nghị định 173/2004/NĐ-CP của Chính phủ đã qui định chính quyền địa phương, cơ quan đăng ký quyền sở hữu, sử dụng, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm và các tổ chức, cá nhân liên quan phải “tạo điều kiện, cung cấp các thông tin cần thiết theo quy định của pháp luật cho cơ quan THA trong việc xác minh điều kiện THA của đương sự”. Như vậy, cùng với cơ quan THADS, pháp luật cũng qui định quyền và trách nhiệm của người được THA trong việc chứng minh điều kiện THA của người phải THA. Nhưng trong điều kiện nền kinh tế “tiền mặt”, “phi đăng ký” ở nước ta hiện nay, đây không phải là công việc đơn giản đối với cơ quan THADS (cụ thể là CHV được phân công trực tiếp xác minh điều kiện THA của đương sự trong vụ việc).

Thực tế rất nhiều trường hợp mua bán, chuyển đổi, chuyển nhượng các tài sản thuộc diện phải đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng nhưng các bên mua, bán đó không thực hiện quy định này nhằm trốn tránh việc THA. Vì vậy, khi xác minh trực tiếp, CHV phải xác minh cụ thể hiện trạng tài sản, điều kiện kinh tế, không chỉ căn cứ vào nội dung trình bày của đương sự hoặc xác nhận của UBND cấp xã mà phải căn cứ vào những xác nhận của cả các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Để có căn cứ kê biên tài sản, CHV cần xác minh chính xác tài sản đó đó được mua bán, chuyển nhượng, chuyển đổi, tặng cho hợp pháp hay chưa hoặc có tranh chấp hay không. Việc xác minh phải căn cứ vào hợp đồng mua bán, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc tặng cho; thông qua chủ sở hữu, chính quyền địa phương, cơ quan có chức năng đăng ký quyền sở hữu, sử dụng, đăng ký giao dịch bảo đảm hoặc người làm chứng, như: xác nhận của người bán, của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng về việc mua bán...; mặt khác, có thể thông báo rộng rãi để người có quyền, nghĩa vụ liên quan bảo vệ lợi ích của họ.

Trong nhiều trường hợp, tài sản để THA lại được cầm cố, thế chấp hợp pháp nên không thuộc diện được kê biên theo quy định tại khoản 4 Điều 41 Pháp lệnh THADS 2004. Vì thế, CHV phải thông báo cho người nhận cầm cố, thế chấp biết nghĩa vụ của người phải THA và đợi đến khi người cầm cố, thế chấp thanh toán nghĩa vụ theo hợp đồng cầm cố, thế chấp mới tiến hành kê biên được tài sản.

Yêu cầu THA trở lại khi có điều kiện

Kết quả xác minh điều kiện THA sẽ là căn cứ để CHV xác định người phải THA có hay chưa có điều kiện THA theo khoản 2 Điều 8 Nghị định số 173. Người phải THA được coi là chưa có điều kiện thi hành nghĩa vụ về tài sản nếu không có thu nhập hoặc mức thu nhập thấp, chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải THA và gia đình; không có tài sản tại thời điểm xác minh hoặc tuy có tài sản nhưng tài sản có giá trị nhỏ, không đủ hoặc chỉ đủ để chi phí về THA, tài sản mà theo quy định của pháp luật không được xử lý để THA hoặc tài sản không bán được, tài sản chung chưa được phân chia hoặc vì lý do khách quan khác nên không xử lý được để THA; lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra. Đối với những người phải tự mình thi hành nghĩa vụ theo bản án, quyết định có hiệu lực của TAND, người phải THA được coi là chưa có điều kiện nếu đang ốm nặng hay vì lý do khách quan khác mà không thể thực hiện được nghĩa vụ đó.

Trên cơ sở xác minh, tuỳ từng trường hợp cụ thể, nếu việc THA chưa có điều kiện thi hành thì Thủ trưởng cơ quan THADS có thẩm quyền ra quyết định hoãn THA (Điều 26 Pháp lệnh THADS 2004) hoặc trả lại đơn yêu cầu THA (Điều 29 Pháp lệnh THADS 2004). Trong trường hợp Thủ trưởng cơ quan THA đó ra quyết định trả lại đơn yêu cầu THA, pháp luật cũng cho phép người được THA có quyền chứng minh việc người phải THA có tài sản để THA và yêu cầu THA trở lại.

Thực tế những vụ việc không thể thi hành vì người phải THA không hoặc chưa có điều kiện THA chiếm tỷ lệ tương đối cao. Vì thế, điều kiện THA đã trở thành một nguyên nhân khiến “án tồn đọng” luôn là vấn đề không cũ trong công tác THADS hàng năm…/.

Thu Trà