Theo Dự thảo, Thừa phát lại có quyền ra quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 61 Luật THADS. Khi áp dụng biện pháp cưỡng chế, thừa phát lại có quyền và nghĩa vụ như đối với Chấp hành viên.
Tuy nhiên, vấn đề này trong chính Tổ biên tập cũng còn nhiều quan điểm khác nhau. Có ý kiến cho rằng, quyền cưỡng chế chỉ được trao cho các cơ quan thi hành án, tổ chức thừa phát lại là của tư nhân, do tư nhân thành lập thì không nên được quyền này.
Cũng băn khoăn về vấn đề trên, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính nhấn mạnh: Thừa phát lại mà yêu cầu Công an phối hợp để tổ chức cưỡng chế như cơ quan Thi hành án liệu Công an họ có chịu không? Tư nhân mà yêu cầu nhà nước phải làm xem ra là khó.
Thực tế hiện nay, việc phối hợp cưỡng chế giữa cơ quan Thi hành án và công an cũng còn nhiều bất cập. Muốn lực lượng này tham gia có khi Thi hành án phải gửi văn bản trước hàng tháng. Đến giờ cưỡng chế Công an không có mặt thì cũng coi như đổ bể, nhất là trong những vụ việc đương sự tụ tập, chống đối.
Ông Phan Chí Hiếu, Phó Văn phòng Bộ Tư pháp lại đặt ra một vấn đề khác: Thừa phát lại là tổ chức tư, thu tiền của đương sự, trong khi Công an và các lực lượng khác tham gia cưỡng chế lại sử dụng ngân sách nhà nước. Phải tính toán thế nào về chi phí thi hành án?
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính yêu cầu tổ biên tập cần xem xét kỹ các nội dung liên quan đến vấn đề này. Được biết, đây là lần đầu tiên, Dự thảo Nghị định được đưa ra báo cáo và thảo luận sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại tại TP. Hồ Chí Minh.
Thu Hằng