Vậy, Điều 42 Luật thi hành án dân sự quy định những nội dung gì về niêm yết công khai văn bản thông báo về thi hành án?
1. Khi nào thì thực hiện niêm yết công khai văn bản thông báo về thi hành án?
Niêm yết công khai thông báo về thi hành án là việc dán (treo) văn bản thông báo về thi hành án lên một vị trí nhất định để thông báo cho công chúng (và cho người được thông báo).
Điều 42 Luật thi hành án dân sự được thiết kế thành 3 khoản để quy định về niêm yết công khai. Khoản 1 quy định về những trường hợp nào, hay khi nào thì hình thức niêm yết công khai văn bản thông báo về thi hành án được sử dụng; ai là người thực hiện việc niêm yết công khai. Khoản 2 quy định về thủ tục niêm yết, trong đó quy định nơi niêm yết và cách thức thể hiện kết quả niêm yết văn bản thông báo để lưu hồ sơ thi hành án. Khoản 3 quy định về thời gian văn bản thông báo được niêm yết, quy định cách thức xác định thời điểm việc thông báo bằng hình thức niêm yết được coi là hợp lệ.
Theo quy định của Điều 42 Luật thi hành án dân sự, việc niêm yết công khai văn bản thông báo về thi hành án chỉ được thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp không thể thông báo trực tiếp cho người được thông báo, cụ thể là bốn trường hợp sau đây:
a) Không rõ địa chỉ của người được thông báo;
b) Người được thông báo không có người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú;
c) Người được thông báo có người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú nhưng người đó từ chối nhận văn bản thông báo;
d) Người được thông báo vắng mặt mà không rõ thời điểm trở về.
Từ quy định trên cho thấy, trường hợp thứ nhất dẫn đến việc phải niêm yết văn bản thông báo là do không xác định được địa chỉ (nơi ở ghi trên giấy tờ) của người được thông báo. Thông thường, địa chỉ của người được thông báo được xác định từ nhiều nguồn khác nhau. Trước hết là nguồn thông tin có được từ việc phân tích bản án, quyết định của Toà án. Thông thường bản án, quyết định của Toà án sau khi xác định danh tính của đương sự thì cũng xác định địa chỉ cụ thể của đương sự. Địa chỉ của đương sự nhiều khi cũng được xác định bằng cách chính người phải thi hành án, người được thi hành án hoặc người khác cung cấp. Địa chỉ của đương sự còn được xác định do kết quả xác minh của Chấp hành viên mang lại. Tuy nhiên cũng có những bản án, quyết định, nhất là bản án, quyết định xét xử các hành vi phạm tội hình sự có những trường hợp không xác định được địa chỉ chính xác của đương sự, thậm chí có bản án xác định đương sự thuộc diện “lang thang”. Mặt khác, có những bản án, quyết định xác định được địa chỉ cụ thể của đương sự ở thời điểm xét xử nhưng kết quả xác minh nhiều khi cho thấy địa chỉ được xác định đó với thời gian đã có sự thay đổi (ví dụ như đương sự thay đổi nơi làm việc, thay đổi nơi cư trú nên đã có địa chỉ mới); cũng có trường hợp địa chỉ đã được bản án, quyết định của Toà án xác định ngay tại thời điểm xét xử đã không tồn tại trong thực tế (tại địa phương đó hoàn toàn không có địa chỉ như vậy), hoặc có tồn tại trong thực tế nhưng không phải là địa chỉ của đương sự đó (mà là của người khác).
Thường thì việc xác định địa chỉ của người được thông báo có thể xác định dựa vào quy định của pháp luật về cư trú. Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Chỗ ở hợp pháp mà công dân sử dụng để cư trú bao gồm nhà ở, phương tiện (tàu, thuyền, phương tiện khác nhằm mục đích để ở và phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân) hoặc nhà khác (không thuộc diện trên nhưng được sử dụng nhằm mục đích để ở và phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân). Chỗ ở hợp pháp trên có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú (nơi thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú) hoặc nơi tạm trú (nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú); trường hợp không xác định được nơi cư trú của công dân theo quy định trên thì nơi cư trú của công dân là nơi người đó đang sinh sống và có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn.
Như vậy, lý do của việc phải thực hiện thông báo bằng hình thức niêm yết trong trường hợp này là do không xác định được địa chỉ của đương sự hoặc không xác định được đương sự tại địa chỉ đó để thực hiện thông báo trực tiếp.
Căn cứ thứ hai và thứ ba liên quan đến việc xác định được địa chỉ của đương sự, đương sự sinh sống cố định ở địa chỉ đó nhưng tại thời điểm thực hiện thông báo thì họ không có mặt tại địa chỉ đó, việc vắng mặt chỉ trong thời gian ngắn. Đến địa chỉ đó, không gặp được người được thông báo mà gặp được người khác thuộc diện người thân thích có năng lực hành vi dân sự cùng cư trú với người được thông báo và họ đồng ý nhận thì việc thông báo trực tiếp được thực hiện. Nếu tại địa điểm và thời điểm đó mà không gặp được người nhận thay do người được thông báo không có người thân thích, hoặc có người thân thích nhưng không đáp ứng đủ các yêu cầu cần thiết (có năng lực hành vi, cùng cư trú) hoặc có người thân thích nhưng người đó từ chối nhận thì việc thông báo trực tiếp kết thúc và được chuyển sang hình thức khác, đó là niêm yết công khai.
Căn cứ thứ tư “người được thông báo vắng mặt mà không rõ thời điểm trở về” nên không thông báo trực tiếp được là khi đã xác định được địa chỉ của đương sự, nhưng người đó không có mặt tại địa chỉ đó và điều quan trọng là vì lý do nào đó (đi tìm việc, đi làm ăn...) thông tin về việc lúc nào người đó sẽ quay trở về địa chỉ lại không có. Đây không phải là việc vắng mặt ngày một ngày hai, đây là việc vắng mặt tương đối dài ngày và không xác định, như vậy, cơ quan thi hành án không xác định được thời gian đương sự sẽ quay trở lại có mặt tại địa điểm đó để thực hiện việc thông báo trực tiếp cho họ.
Khi thuộc một trong bốn trường hợp trên đây thì việc thông báo được thực hiện theo hình thức niêm yết công khai.
2. Văn bản thông báo về thi hành án được niêm yết tại đâu?
Khi thực hiện việc thông báo bằng hình thức niêm yết công khai, Cơ quan thi hành án dân sự có thể tự mình trực tiếp thực hiện việc niêm yết hoặc uỷ quyền cho Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được thông báo hoặc uỷ quyền cho cá nhân, tổ chức khác có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thực hiện việc niêm yết công khai. Như vậy, Luật thi hành án dân sự quy định rõ ràng hơn về người thực hiện niêm yết so với Pháp lệnh thi hành án dân sự hiện hành.
Việc niêm yết ( dán, treo) văn bản thông báo về thi hành án được thực hiện ở đâu?
Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 42 Luật thi hành án dân sự thì văn bản thông báo được niêm yết tại “ trụ sở cơ quan thi hành án dân sự, trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được thông báo”.
Với nội dung này, hiện đang có hai cách hiểu khác hẳn nhau. Cách hiểu thứ nhất cho rằng, điều luật quy định hai địa điểm phải niêm yết văn bản thông báo, đó là:
a) Niêm yết văn bản thông báo tại trụ sở cơ quan thi hành án dân sự;
b) Niêm yết văn bản thông báo tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được thông báo.
Cách hiểu thứ hai cho rằng, văn bản thông báo cần được dán (treo) tại ba địa điểm:
a) Niêm yết văn bản thông báo tại trụ sở cơ quan thi hành án dân sự;
b) Niêm yết văn bản thông báo tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã;
c) Niêm yết văn bản thông báo tại nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được thông báo.
Việc hiểu đúng các quy định trên là rất cần thiết, để tránh việc áp dụng không thống nhất mỗi nơi một kiểu. Cần phải nói thêm rằng, trong quá trình xây dựng Luật thi hành án dân sự nói chung và đặc biệt là xây dựng các quy định về thông báo thi hành án nói riêng, các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự đã được nghiên cứu, tham khảo và kế thừa, phù hợp với những yêu cầu và đặc thù của hoạt động tổ chức thi hành án dân sự. Với tinh thần đó, Điều 42 của Luật thi hành án dân sự đã tham khảo một cách cơ bản quy định của Điều 154 Bộ luật tố tụng dân sự. như sau:
Điều 154. Thủ tục niêm yết công khai
1. Việc niêm yết công khai văn bản tố tụng chỉ được thực hiện khi không rõ tung tích của người được cấp, tống đạt hoặc thông báo hoặc không thể thực hiện được việc cấp, tống đạt hoặc thông báo trực tiếp.
2. Việc niêm yết công khai văn bản tố tụng do Toà án trực tiếp hoặc uỷ quyền cho Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được cấp, tống đạt hoặc thông báo được thực hiện theo thủ tục sau đây:
a) Niêm yết bản chính tại trụ sở Toà án, Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được cấp, tống đạt hoặc thông báo;
b) Niêm yết bản sao tại nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được cấp, tống đạt hoặc thông báo.
Như vậy, ngoài cơ quan thi hành án và Uỷ ban nhân dân cấp xã, Điều 42 Luật thi hành án dân sự chỉ có thêm điểm mới là bổ sung quy định về việc cơ quan thi hành án dân sự uỷ quyền cho cá nhân, tổ chức khác thực hiện việc niêm yết. Còn quy định về nơi (địa điểm) niêm yết thông báo thì Luật thi hành án dân sự tham khảo Bộ luật tố tụng dân sự gần như nguyên vẹn. Trên tinh thần đó, cần khẳng định rằng, địa điểm niêm yết công khai văn bản thông báo theo cách hiểu thứ hai là hoàn toàn có lý, phù hợp với ý chí của người làm luật.
Việc niêm yết văn bản thông báo tại trụ sở cơ quan thi hành án dân sự là cần thiết. Trụ sở cơ quan thi hành án dân sự là nơi cơ quan có thẩm quyền đang tổ chức thi hành vụ việc. Hàng ngày, người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong quá trình thi hành án đến trụ sở cơ quan thi hành án để giải quyết việc thi hành án. Do đó, thông tin về văn bản thông báo về thi hành án được niêm yết tại trụ sở cũng là một cơ hội công khai với công chúng về hoạt động thi hành án dân sự nói chung và văn bản thông báo đó nói riêng.
Trở lại với quy định về những người thực hiện niêm yết bao gồm không chỉ cơ quan thi hành án dân sự mà còn là Ủy ban nhân dân cấp xã và cá nhân, tổ chức khác được cơ quan thi hành án dân sự ủy quyền. Do đó, câu hỏi đặt ra là, khi cơ quan thi hành án dân sự tự mình thực hiện việc niêm yết công khai văn bản thông báo thì văn bản đó sẽ được cơ quan thi hành án (Chấp hành viên, cán bộ thi hành án) niêm yết tại trụ sở cơ quan thi hành án, trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã và nơi cư trú của đương sự; còn trong trường hợp cơ quan thi hành án uỷ quyền cho Uỷ ban nhân dân cấp xã thực hiện việc niêm yết thì ai ( cơ quan thi hành án hay Uỷ ban nhân dân cấp xã) thực hiện việc niêm yết văn bản cần thông báo tại trụ sở cơ quan thi hành án? Về vấn đề này, Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự cần hướng dẫn cụ thể, theo hướng sau khi trực tiếp thực hiện việc niêm yết văn bản thông báo tại trụ sở, thì cơ quan thi hành án dân sự ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cá nhân, tổ chức khác thực hiện việc niêm yết tại các địa điểm còn lại.
Việc niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã là trụ sở của cơ quan hành chính nhà nước cấp cơ sở, là nơi gần dân nhất, hàng ngày giải quyết các công việc của công dân sở tại. Do đó, nếu không thông báo được cho người được thông báo về thi hành án thì việc niêm yết tại trụ sở cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương là cần thiết.
Việc niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nào thì cần được Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự xác định một cách cụ thể.
Ủy ban nhân dân cấp xã, thông thường, là Ủy ban cấp xã nơi người được thông báo cư trú. Đối với trường hợp niêm yết công khai khi đối với người được thông báo không có người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú hoặc người được thông báo có người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú nhưng người đó từ chối nhận văn bản thông báo, người được thông báo vắng mặt mà không rõ thời điểm trở về thì việc xác định nơi niêm yết là tương đối dễ dàng đối với chấp hành viên và cán bộ thi hành án hoặc người được uỷ quyền thực hiện việc niêm yết. Đó chính là trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được thông báo cư trú.
Trong trường hợp niêm yết công khai do không xác định được địa chỉ của người được thông báo thì việc xác định niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi nào cũng là vấn đề cần được Nghị định hướng dẫn cụ thể. Phương án quy định như thế nào trong Nghị định cũng cần cân nhắc trên cơ sở tùy thuộc vào kết quả xác định địa chỉ của đương sự để quy định. Nếu bản án, quyết định, nhất là bản án, quyết định xét xử các hành vi phạm tội hình sự không xác định được địa chỉ chính xác của đương sự hoặc xác định đương sự thuộc diện “lang thang” thì nên chăng cần căn cứ vào thông tin có được về nơi cư trú hoặc cư trú cuối cùng của đương sự để xác định niêm yết tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hay cư trú cuối cùng. Đối với những bản án, quyết định xác định được địa chỉ cụ thể của đương sự ở thời điểm xét xử nhưng kết quả xác minh nhiều khi cho thấy địa chỉ được xác định cùng với thời gian đã có sự thay đổi (ví dụ như đương sự thay đổi nơi làm việc, thay đổi nơi cư trú nên đã có địa chỉ mới) nhưng không xác định được địa chỉ mới thì niêm yết tại Ủy ban nhân dân cấp xã theo địa chỉ đã xác định tại thời điểm xét xử. Đối với trường hợp địa chỉ đã được bản án, quyết định của Tòa án xác định nhưng không tồn tại trong thực tế (tại địa phương đó hoàn toàn không có địa chỉ như vậy), hoặc có tồn tại trong thực tế nhưng không phải là địa chỉ của đương sự đó (mà là của người khác) nếu xác định được nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của đương sự thì niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đó, nếu không xác định được thì niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã mà Tòa án đã xác định địa chỉ của đương sự.
Văn bản niêm yết còn cần được niêm yết tại nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của đương sự, thay vì quy định niêm yết công khai tại “nơi ở của người được thông báo nếu xác định được nơi ở cụ thể của người đó” mà Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 quy định. Trong trường hợp niêm yết công khai đối với người được thông báo không có người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú hoặc người được thông báo có người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú nhưng người đó từ chối nhận văn bản thông báo, người được thông báo vắng mặt mà không rõ thời điểm trở về thì nơi niêm yết là nơi cư trú của người được thông báo. Trong trường hợp niêm yết công khai do không xác định được địa chỉ của người được thông báo thì việc xác định nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của đương sự thực hiện theo Luật cư trú và văn bản hướng dẫn thi hành để thực hiện việc niêm yết.
Việc niêm yết tại nơi cư trú của đương sự cũng là cơ hội để đương sự được biết về văn bản thông báo. Như vậy, việc niêm yết tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã và tại nơi cư trú, cư trú cuối cùng của người được thông báo về cơ bản là trùng nhau, tức cùng trên một địa bàn cấp xã.
3. Việc niêm yết công khai văn bản thông báo cần thực hiện theo thủ tục nào?
Về thủ tục niêm yết được quy định tại khoản 3 Điều 42 Luật thi hành án dân sự.
Khi thực hiện niêm yết công khai, người thực hiện niêm yết phải lập biên bản về việc niêm yết công khai. Biên bản phải ghi rõ ngày, tháng, năm niêm yết; số, ngày, tháng, năm, tên của văn bản thông báo; có chữ ký của người chứng kiến. Pháp luật đòi hỏi người thực hiện niêm yết cần lập biên bản với những nội dung chính như trên là để có cơ sở khẳng định việc thông báo về thi hành án đã được thực hiện và thực hiện chính xác, biên bản được lưu vào hồ sơ thi hành án.
Văn bản thông báo cần được niêm yết trong thời hạn bao lâu là một nội dung quan trọng. Thời gian niêm yết thông báo đồng nghĩa với cơ hội để người được thông báo có được thông tin về thông báo đó. Về vấn đề này, Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 không quy định rõ cơ quan thi hành án phải niêm yết công khai văn bản thông báo trong thời gian bao nhiêu ngày. Do đó, mục 2.2. Công văn 404/2005/TP-THA của Bộ Tư pháp có hướng dẫn như sau: “Khi tiến hành niêm yết công khai, chấp hành viên cần ấn định thời gian nhất định (kể từ ngày niêm yết) để người được thông báo thực hiện các quyền, nghĩa vụ của họ. Ví dụ: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày niêm yết, người phải thi hành án phải đến cơ quan thi hành án để giải quyết việc thi hành án. Việc ấn định thời gian bao nhiêu lâu, cần căn cứ vào từng vụ việc cụ thể, nhưng phải đảm bảo cho người được thông báo biết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của họ theo thông báo”. Hướng dẫn này của công văn 404/2005/TP-THA cũng không chỉ rõ thời gian phải niêm yết công khai là bao nhiêu ngày mà chỉ hướng dẫn cách tính thời gian thực hiện quyền và nghĩa vụ của người được thông báo theo nội dung thông báo. Từ việc thiếu quy định như trên, văn bản thông báo về thi hành án không được xác định là phải được niêm yết trong thời hạn bao lâu. Khắc phục nhược điểm này của Pháp lệnh thi hành án dân sự hiện hành, Luật thi hành án dân sự đã quy định văn bản thông báo sẽ được niêm yết trong thời gian 10 ngày, kể từ ngày niêm yết.
Về cách xác định ngày thông báo theo hình thức niêm yết công khai được coi là đã thực hiện một cách hợp lệ, tương tự như quy định về việc xác định ngày được thông báo hợp lệ trong trường hợp thông báo qua người thân thích của người được thông báo, tại khoản 3 Điều 42 Luật Thi hành án dân sự đã quy định rõ“Ngày niêm yết là ngày được thông báo hợp lệ”. Như vậy, kể từ thời điểm cơ quan thi hành án trực tiếp hoặc uỷ quyền cho cá nhân, tổ chức khác thực hiện việc niêm yết công khai văn bản thông báo thì ngày đó được coi là đương sự đã được thông báo.
Trên đây là quy định của Luật thi hành án dân sự về thủ tục niêm yết công khai văn bản thông báo trong trường hợp không thực hiện được việc thông báo trực tiếp cho đương sự vì các lý do khác nhau do pháp luật quy định. Khi thực hiện việc tổ chức bán đấu giá tài sản để thi hành án, cơ quan thi hành án hoặc tổ chức bán đấu giá có thẩm quyền bán tài sản thi hành án có trách nhiệm thực hiện việc niêm yết căn cứ vào quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản hiện đang được Bộ Tư pháp chủ trì sửa đổi, bổ sung./.
Kim Dung