Bất cập trong quy định về thông báo bán đấu giá quyền sử dụng đất để thi hành án khi áp dụng Luật thi hành án dân sự năm 2008

26/08/2009

Trong hệ thống các quy phạm về thi hành án dân sự, quy định về thông báo làm một nội dung hết sức quan trọng và đều được quy định rõ trong các văn bản pháp luật về thi hành án. Luật Thi hành án dân sự năm 2008 cũng đã dành 5 điều để quy định về thông báo là:



Điều 39. Thông báo về thi hành án

Điều 40. Thủ tục thông báo trực tiếp cho cá nhân

Điều 41. Thủ tục thông báo trực tiếp cho cơ quan, tổ chức

Điều 42. Niêm yết công khai

Điều 43. Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng

Còn các thông báo khác liên quan tới thủ tục thi hành án dân sự được quy định ở các văn bản dưới luật, trong đó có thông báo về bán đấu giá tài sản để thi hành án.

Trước đây, Thông báo bán đấu giá tài sản trước đây không được quy định tại Pháp lệnh thi hành án mà được quy định tại Điều 12 Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản  như sau:

Điều 12. Niêm yết, thông báo công khai việc bán đấu giá tài sản

1. Người bán đấu giá tài sản phải niêm yết việc bán đấu giá tài sản tại nơi bán đấu giá, nơi trưng bày tài sản, nơi đặt trụ sở của người bán đấu giá tài sản, nơi có bất động sản bán đấu giá chậm nhất là bảy ngày đối với động sản, ba mươi ngày đối với bất động sản trước ngày mở cuộc bán đấu giá tài sản.

Trong trường hợp người có tài sản bán đấu giá có yêu cầu thì thời hạn niêm yết việc bán đấu giá tài sản có thể rút ngắn theo thoả thuận của các bên.

2. Đối với tài sản bán đấu giá là động sản có giá khởi điểm từ mười triệu đồng trở lên và bất động sản thì đồng thời với việc niêm yết, người bán đấu giá tài sản phải thông báo công khai ít nhất hai lần, mỗi lần cách nhau ba ngày trên phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương hoặc địa phương về việc bán đấu giá tài sản. Thời hạn thông báo công khai được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Việc thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng cũng được thực hiện đối với tài sản bán đấu giá là động sản có giá khởi điểm dưới mười triệu đồng, nếu người có tài sản bán đấu giá yêu cầu.

3. Niêm yết, thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất để thi hành án được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

4. Niêm yết, thông báo công khai về bán đấu giá tài sản có các nội dung chủ yếu sau đây:

a. Tên, địa chỉ của người bán đấu giá tài sản;

b. Thời gian, địa điểm bán đấu giá tài sản;

c. Danh mục tài sản, số lượng, chất lượng của tài sản bán đấu giá;

d. Giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá;

đ. Địa điểm, thời hạn trưng bày tài sản bán đấu giá;

e. Địa điểm, thời hạn tham khảo hồ sơ tài sản bán đấu giá;

g. Địa điểm, thời hạn đăng ký mua tài sản bán đấu giá;

h. Những thông tin cần thiết khác liên quan đến tài sản bán đấu giá, gồm cả những thông tin mà người có tài sản bán đấu giá yêu cầu thông báo công khai.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định số 05/2005/NĐ-CP đã dẫn chiếu việc áp dụng Điều 24 Nghị định 164/2004/NĐ-CP ngày 14/9/2004 của Chính phủ về kê biên, đấu giá quyền sử dụng đất để đảm bảo thi hành án.

Điều 24 Thông báo về việc đấu giá quyền sử dụng đất đã kê biên:

1. Trước khi mở cuộc đấu giá quyền sử dụng đất, Chấp hành viên phải thông báo và niêm yết công khai về thời gian, địa điểm, loại đất, hạng đất, diện tích đất, tình trạng đất, giá khởi điểm quyền sử dụng đất đấu giá tại trụ sở cơ quan thi hành án, uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có đất bị kê biên và phải thông báo bằng văn bản cho Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp, người phải thi hành án, người được thi hành án, người có quyền, lợi ích liên quan đến việc thi hành án.

2. Thời hạn thông báo, hình thức thông báo đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản.

Như vậy, trước khi Luật thi hành án dân sự năm 2008 có hiệu lực thi hành thì việc quy định về thông báo bán đấu giá quyền sử dụng đất để thi hành án dân sự chỉ được quy định tại văn bản duy nhất là Nghị định 164/2004/NĐ-CP.

Vấn đề này sinh là kể từ ngày 01/7/2009, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 có hiệu lực pháp luật dẫn đến việc hết hiệu lực pháp luật của một loạt văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004; Theo hướng dẫn tại công văn số: 2315 /BTP-THA về việc áp dụng quy định pháp luật ngày 17/7/2009 của Bộ Tư pháp thì toàn bộ Nghị định 164/2004/NĐ-CP ngày 14/9/2004 của Chính phủ về kê biên, đấu giá quyền sử dụng đất để đảm bảo thi hành án không được áp dụng kể từ ngày 01/7/2009.

Tại khoản 6 Điều 101 quy định về Bán tài sản đã kê biên của Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định:

“Thủ tục bán đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản.” ( K6 Điều 101).

Như vậy, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đã cho phép áp dụng các quy định về thông báo bán đấu giá tài sản nói chung cho việc bán đấu giá tài sản đã kê biên để thi hành án (bao gồm cả quyền sử dụng đất).

Hiện nay, văn bản duy nhất quy định về thông báo bán đấu giá tài sản có hiệu lực thi hành lại là Điều 12 Nghị định số 05/2005/NĐ-CP. Nhưng vướng mắc ở đây là Nghị định số 05/2005/NĐ-CP lại không quy định về thông báo, niêm yết về bán đấu giá đối với tài sản là quyền sử dụng đất để thi hành án.

3. Niêm yết, thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất để thi hành án được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.( K3, Điều 12, Nghị định số 05/2005/NĐ-CP);

Từ những phân tích nêu trên, ta có thể đi đến kết luật:

Sau ngày 01/7/2009, khi Luật thi hành án dân sự năm 2008 có hiệu lực thi hành thì không có quy định về thông báo và niêm yết về bán đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất để thi hành án ( Chính xác là từ khi có công văn số: 2315 /BTP-THA về việc áp dụng quy định pháp luật ngày 17/7/2009 của Bộ Tư pháp hướng dẫn không áp dụng Nghị định 164/2004/NĐ-CP).

Vướng mắc trên chỉ được giải quyết khi Nghị định về bán đấu giá tài sản mới ra đời thay thế Nghị định số 05/2005/NĐ-CP theo dự thảo ngày 20/8/2009 Điều 25 Nghị định về bán đấu giá tài sản được đăng tải tại website của Bộ Tư pháp: moj.gov.vn.

Nội dung điều 25 của dự thảo Nghị định về bán đấu giá tài sản:

Điều 25. Niêm yết, thông báo công khai việc bán đấu giá

  1. Tổ chức bán đấu giá tài sản phải niêm yết việc bán đấu giá tài sản là động sản tại nơi bán đấu giá, nơi trưng bày tài sản và nơi đặt trụ sở của tổ chức bán đấu giá tài sản chậm nhất là bảy ngày trước khi tiến hành bán đấu giá.

Đối với bất động sản, tổ chức bán đấu giá tài sản phải niêm yết việc bán đấu giá tài sản tại nơi bán đấu giá, nơi có bất động sản bán đấu giá và Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có bất động sản bán đấu giá chậm nhất là ba mươi ngày trước ngày mở cuộc bán đấu giá.

Đối với tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức thời hạn niêm yết việc bán đấu giá tài sản có thể được rút ngắn theo sự thoả thuận của các bên.

2. Đối với tài sản bán đấu giá là động sản có giá khởi điểm từ ba mươi triệu đồng trở lên và bất động sản thì đồng thời với việc niêm yết, tổ chức bán đấu giá tài sản phải thông báo công khai ít nhất hai lần, mỗi lần cách nhau ba ngày trên phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương hoặc địa phương nơi có tài sản bán đấu giá về việc bán đấu giá tài sản. Thời hạn thông báo công khai được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Việc thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng cũng được thực hiện đối với tài sản bán đấu giá là động sản có giá khởi điểm dưới ba mươi triệu đồng, nếu người có tài sản bán đấu giá yêu cầu.

3. Niêm yết, thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên, địa chỉ của tổ chức bán đấu giá tài sản;

b) Thời gian, địa điểm bán đấu giá tài sản;

c) Danh mục tài sản, số lượng, chất lượng của tài sản bán đấu giá;

d) Giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá;

đ) Địa điểm, thời hạn trưng bày tài sản bán đấu giá;

e) Địa điểm, thời hạn tham khảo hồ sơ tài sản bán đấu giá;

g) Địa điểm, thời hạn đăng ký mua tài sản bán đấu giá;

h) Những thông tin cần thiết khác liên quan đến tài sản bán đấu giá, gồm cả những thông tin mà người có tài sản bán đấu giá yêu cầu thông báo công khai.

Vì quyền sử dụng đất thường có giá trị rất lớn, nên việc bán đấu giá quyền sử dụng đất đòi hỏi phải có quy định về thủ tục thật chặt chẽ. Cũng như để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của đương sự, hoạt động thực tiễn của cơ quan Thi hành án dân sự và các tổ chức bán đấu giá tài sản được đúng luật, thì trong khi đợi Nghị định về bán đấu giá tài sản mới được ban hành và có hiệu lực, Bộ Tư pháp cần sớm có văn bản hướng để giải quyết vướng mắc trên.

Đình Nam