Quy định mới về tiêu chuẩn bổ nhiệm Chấp hành viên các cơ quan thi hành án dân sự (Phần III)

08/10/2009

Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 quy định ngạch chấp hành viên theo cấp hành chính, gồm có hai cấp là chấp hành viên cấp tỉnh và chấp hành viên cấp huyện, thực tiễn cho thấy đã phát sinh bất cập, gây khó khăn cho việc sắp xếp, điều động, luân chuyển chấp hành viên. Để tạo thuận lợi và linh hoạt hơn trong công tác điều động, luân chuyển chấp hành viên nhằm đáp ứng yêu cầu công việc thi hành án, khắc phục những hạn chế của Pháp lệnh Thi hành án dân sự, khoản 1 Điều 17 Luật Thi hành án dân sự đã quy định: "Chấp hành viên là người được Nhà nước giao nhiệm vụ thi hành các bản án, quyết định theo quy định tại Điều 2[1] của Luật này. Chấp hành viên có ba ngạch là chấp hành viên sơ cấp, chấp hành viên trung cấp và chấp hành viên cao cấp".



Theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 thì tiêu chuẩn để được bổ nhiệm chấp hành viên bao gồm các yêu cầu về phẩm chất đạo đức, có trình độ cử nhân luật trở lên, đã được đào tạo về nghiệp vụ thi hành án, có đủ sức khoẻ và thời gian làm công tác pháp luật theo quy định (từ bốn năm trở lên đối với chấp hành viên cấp huyện và đã làm chấp hành viên cấp huyện từ 05 năm trở lên đối với chấp hành viên cấp tỉnh). Những người đủ tiêu chuẩn này sẽ được Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định bổ nhiệm chấp hành viên trên cơ sở Tờ trình đề nghị của Hội đồng tuyển chọn chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự địa phương.

Kế thừa Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đã quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm chấp hành viên bao gồm các tiêu chuẩn chung như là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, trung thực, liêm khiết, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ cử nhân luật trở lên, có sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao và các điều kiện cụ thể đối với từng ngạch chấp hành viên, cụ thể:

Một là,đối với ngạch Chấp hành viên sơ cấp còn phải có đủ các điều kiện sau đây:

- Có thời gian làm công tác pháp luật từ 03 năm trở lên;

- Đã được đào tạo nghiệp vụ thi hành án dân sự;

- Trúng tuyển kỳ thi tuyển Chấp hành viên sơ cấp.

Hai là,đối với ngạch Chấp hành viên trung cấp còn phải có đủ các điều kiện sau đây:

- Có thời gian làm Chấp hành viên sơ cấp từ 05 năm trở lên;

- Trúng tuyển kỳ thi tuyển Chấp hành viên trung cấp.

Ba là,đối với ngạch Chấp hành viên cao cấp còn phải có đủ các điều kiện sau đây:

- Có thời gian làm Chấp hành viên trung cấp từ 05 năm trở lên;

- Trúng tuyển kỳ thi tuyển Chấp hành viên cao cấp.

Ngoài ra, người đang là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên chuyển công tác đến cơ quan thi hành án dân sự có thể được bổ nhiệm làm Chấp hành viên ở ngạch tương đương mà không qua thi tuyển.

Như vậy, điểm mới cơ bản trong tiêu chuẩn bổ nhiệm chấp hành viên theo quy định tại Điều 18 Luật Thi hành án dân sự đó là thứ nhất, Luật quy định cụ thể hơn về thời gian làm công tác pháp luật đối với từng ngạch chấp hành viên. Trong trường hợp đặc biệt, người có đủ tiêu chuẩn là công dân Việt Nam, trung thành với Tổ quốc, trung thực, liêm khiết, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ cử nhân luật trở lên, có sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 10 năm trở lên thì có thể được bổ nhiệm Chấp hành viên trung cấp hoặc đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 15 năm trở lên thì có thể được bổ nhiệm Chấp hành viên cao cấp. Thứ hai, một trong các tiêu chuẩn bắt buộc để được bổ nhiệm làm chấp hành viên đó là phải tham gia và trúng tuyển kì thi tuyển chấp hành viên ở các ngạch tương ứng. Quy định mới về thi tuyển chấp hành viên này nhằm khắc phục hạn chế trong quy trình, thủ tục tuyển chọn bổ nhiệm chấp hành viên theo quy định của Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004, thông qua thi tuyển sẽ cho phép lựa chọn được người có đủ tiêu chuẩn, năng lực để bổ nhiệm chấp hành viên, tạo khả năng thu hút cán bộ hoạt động ở những lĩnh vực khác, phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính. Tuy nhiên, việc thi tuyển chấp hành viên trong thời gian trước mắt cũng có trường hợp ngoại lệ đểphù hợp với điều kiện cụ thể về nguồn công chức làm công tác thi hành án tại cácđịa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa trong giai đoạn hiện nay.Nghị quyết số 24/2008/NQ-QH12 ngày 14/11/2008 của Quốc hội về việc thi hành Luật Thi hành án dân sự đã nhất trí giao cho Chính phủ quy định nhữngcơ quan thi hành án dân sự cụ thể các địa bàn nàyđược tuyển chọn người có trình độ cử nhân luật làm chấp hành viên không qua thi tuyển trong thời hạn năm năm, kể từ ngày Luật Thi hành án dân sự có hiệu lựcthi hành.

Theo quy định tại Nghị định số 74/2009/NĐ-CP thì điều kiện tham dự thi tuyển Chấp hành viên đó là: có đủ tiêu chuẩn của ngạch Chấp hành viên quy định tại Điều 18 Luật Thi hành án dân sự và không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang bị xem xét xử lý kỷ luật nhưng chưa có kết luận và quyết định cuối cùng của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Việc xác định tiêu chuẩn và bổ nhiệm Chấp hành viên trong một số trường hợp đặc biệt được quy định tại Điều 16 Nghị định số 74/2009/NĐ-CP như sau:

Một là, trường hợp điều động cán bộ, công chức từ cơ quan khác sang cơ quan thi hành án để bổ nhiệm Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án, nếu có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 7 Điều 18[2]Luật Thi hành án dân sự thì có thể được bổ nhiệm làm Chấp hành viên trung cấp hoặc cao cấp mà không phải qua thi tuyển.

Hai là,trong trường hợp do nhu cầu cán bộ của cơ quan thi hành án, người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 18[3]Luật Thi hành án dân sự tuy chưa làm Chấp hành viên sơ cấp hoặc đã làm Chấp hành viên sơ cấp trong thời gian chưa đủ 05 năm nhưng có thời gian làm công tác pháp luật từ 10 năm trở lên, có năng lực thi hành những vụ việc thuộc thẩm quyền của cơ quan thi hành án dân sự có thể được thi tuyển Chấp hành viên trung cấp.

Ba là,trong trường hợp do nhu cầu cán bộ của cơ quan thi hành án, người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Thi hành án dân sự, tuy chưa làm Chấp hành viên trung cấp nhưng có thời gian làm công tác pháp luật từ 15 năm trở lên, có năng lực thi hành những vụ việc thuộc thẩm quyền của cơ quan thi hành án dân sự tỉnh có thể được thi tuyển Chấp hành viên cao cấp. (Còn nữa).

Nguyễn Văn Nghĩa - Cục Thi hành án dân sự


[1]Điều 2. Bản án, quyết định được thi hành

“Những bản án, quyết định được thi hành theo Luật này bao gồm:

1. Bản án, quyết định quy định tại Điều 1 của Luật này đã có hiệu lực pháp luật:

a) Bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm;

b) Bản án, quyết định của Toà án cấp phúc thẩm;

c) Quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Toà án;

d) Bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài đã được Toà án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam;

đ) Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh mà sau 30 ngày kể từ ngày có hiệu lực pháp luật đương sự không tự nguyện thi hành, không khởi kiện tại Toà án;

e) Quyết định của Trọng tài thương mại.

2. Những bản án, quyết định sau đây của Toà án cấp sơ thẩm được thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị:

a) Bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả lương, trả công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tổn thất về tinh thần, nhận người lao động trở lại làm việc;

b) Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời”.  

[2]Khoản 7 Điều 18. Tiêu chuẩn bổ nhiệm Chấp hành viên

“Trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định, người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này, đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 10 năm trở lên thì có thể được bổ nhiệm Chấp hành viên trung cấp hoặc đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 15 năm trở lên thì có thể được bổ nhiệm Chấp hành viên cao cấp”.

[3]Khoản 1 Điều 18. Tiêu chuẩn bổ nhiệm Chấp hành viên

Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, trung thực, liêm khiết, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ cử nhân luật trở lên, có sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao thì có thể được bổ nhiệm làm Chấp hành viên”.