Một là, Nghị định số 164/2004/NĐ-CP ngày 14/9/2004 (NĐ164), Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 (NĐ 173) của Chính Phủ, Công văn số 404/TP-THA ngày 24/02/2005 của Bộ Tư Pháp và các văn bản khác đã hướng dẫn thi hành Pháp lệnh 2004 tương đối kịp thời. Nhưng việc triển khai vẫn trong tình trạng không đồng bộ, từ tuyên truyền phổ biến cho công dân, tổ chức đến tổ chức thực hiện trong các cơ quan chuyên trách và các cơ quan chỉ đạo, quản lý, phối hợp, cũng như người có quyền và nghĩa vụ trực tiếp thi hành. Cho nên, Luật THADS càng chi tiết, cụ thể sẽ dễ đi vào đời sống xã hội. Việc thi hành Luật THADS đòi hỏi sự thống nhất cả về nhận thức và về áp dụng sát đúng từng sự kiện xảy ra. Cho nên cần thường xuyên quan tâm cả việc phổ biến, tuyên truyền và việc áp dụng nội dung Luật THADS.
Hai là, về cơ cấu tổ chức cơ quan quản lý công tác thi hành án dân sự (THADS) và cơ quan THADS như quy định hiện hành chưa tập trung thống nhất. Mô hình tổ chức các cơ quan trong bộ máy nhà nước ta hiện có nhiều; hệ thống dọc, từ trung ương đến cơ sở như Thuế, Kiểm lâm vẫn đảm bảo thống nhất trong nội bộ Ngành và quan hệ có hiệu quả với địa phương. Nhằm đảm bảo tính độc lập trong hoạt động tư pháp; tuân thủ pháp luật hiện hành trong tổ chức thi hành nghiêm chỉnh các bản án, quyết định của Toà án; khi cấp dưới khó khăn, lúng túng có cấp trên chỉ đạo, hướng dẫn hoặc lấy lên tổ chức thi hành. Việc tham khảo, áp dụng mô hình của ngành Thuế hoặc Kiểm lâm,... trong xây dựng cơ cấu tổ chức cơ quan quản lý công tác THADS và cơ quan THADS là cần thiết.
Ba là, về tiêu chuẩn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chấp hành viên (CHV), Thẩm tra viên (TTV), Trưởng Thi hành án (Trưởng THA), Phó Trưởng Thi hành án (Phó Trưởng THA) cần pháp điển hoá các quy định hiện hành theo chính sách, chủ trương chung của Đảng về công tác cán bộ. Đồng thời cần có chính sách “thu hút” người có trình độ, năng lực cần thiết nhận việc và yên tâm công tác lâu dài tại cơ quan THA. Trong chính sách thu hút nên xác định các chức danh : CHV, TTV theo trình độ : sơ cấp, trung cấp, cao cấp hoặc là CHV, TTV; cao hơn là CHV Chính, TTV Chính và cao hơn nữa là CHV Cao cấp, TTV Cao cấp. Không nên gắn các chức danh này với cấp hành chính : huyện hay tỉnh. Khi cùng chức danh thì các thao tác trong trình tự, thủ tục nghiệp vụ đều có yêu cầu giống nhau, ở một đơn vị thường phải bố trí cán bộ công chức có trình độ khác nhau. Cơ quan THADS dù ở cấp nào cũng phải làm các công việc như nhau; có thể mức độ, phạm vi có khác nhau nhưng nhiệm vụ của họ về bản chất là giống nhau. Việc bổ nhiệm lại Chấp hành viên, Thẩm tra viên, Trưởng Thi hành án, Phó Trưởng Thi hành án cần thiết thực hơn về thủ tục; tập trung xem xét kỹ những trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật. THADS là một công việc đòi hỏi phải có tâm huyết, kinh nghiệm, chuyên môn; mà điều đó rất cần thời gian.
Bốn là, về nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên, Thẩm tra viên, Trưởng Thi hành án, Phó Trưởng Thi hành án, Chuyên viên, Cán sự, … trong cơ quan THADS cần chức trách hoá công việc, gắn nhiệm vụ, quyền hạn với trách nhiệm cụ thể. Chẳng hạn như trong mối quan hệ : quyết định - đề xuất - thực hiện, chủ trì - giúp việc trong hoạt động tác nghiệp, …
Năm là, cơ quan THADS cấp huyện đảm nhận công việc ngày càng tăng theo thẩm quyền của Toà án cùng cấp và lượng việc từ cơ quan THADS nơi khác uỷ thác đến. Cần có chức danh giúp Trưởng THA về hai nhóm việc : nghiệp vụ THA và Hành chính – Tài vụ thì Trưởng THA mới có thể vừa hoàn thành nhiệm vụ quản lý, vừa tổ chức THA với vai trò Chấp hành viên.
Sáu là, trong bối cảnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính và tăng cường phát huy hữu ích của phương tiện tin học cần giảm bớt thủ tục hành chính, chỉ giữ lại những thủ tục pháp lý có ý nghĩa thiết thực về quá trình THADS như nhận và thụ lý việc, xác minh, giải quyết từ động viên (hoà giải) đến áp dụng các biện pháp cưỡng chế. Trong đó, cần bỏ bớt các loại Quyết định và giảm số lượng Quyết định trong những trường hợp không cần thiết.
Chẳng hạn như một số trường hợp theo quy định hiện hành phải ra một số Quyết định như :
Đối với Quyết định thi hành án chủ động (Điều 22 Pháp lệnh 2004, Mẫu số 01 ban hành kèm theo Quyết định số 09/2007/QĐ-BTP ngày 08/10/2007 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp sửa đổi bổ sung Quyết định số 572/2004QĐ-BTP ngày 25/10/2004 về việc ban hành chế độ kế toán nghiệp vụ THA (sau đây gọi là QĐ 09)): chỉ cần ra một Quyết định THA chủ động các khoản như : thu án phí, trả tạm ứng án phí, trả tài sản (tạm giữ trước THADS) tạo thuận lợi cho công tác theo dõi việc thi hành các khoản chủ động của một Bản án, Quyết định của Toà án .
Đối với Quyết định hoãn thi hành án ( Khoản 1 Điều 14 NĐ 173, Mẫu số 02 ban hành kèm theo QĐ 09) : áp dụng đối với việc chủ động theo định kỳ trên, dưới 90 ngày bởi không có điều kiện thi hành là không cần thiết. Đã là án chủ động thì cơ quan THA, CHV phải chủ động từ A đến Z, quy định việc xác minh định kỳ (có thể là 06 tháng hoặc 01 năm) để áp dụng biện pháp THA phù hợp khi người phải THA có điều kiện thi hành thay cho Quyết định hoãn THA nêu trên.
Đối với Quyết định tiếp tục THA (Đoạn cuối khoản 1 và Đoạn cuối khoản 3 Điều 14 NĐ 173, Mẫu số 06 ban hành kèm theo QĐ 09) : cần quy định đương nhiên tiếp tục THA khi hết thời hạn hoặc điều kiện Hoãn THA.
Đối với Quyết định kết thúc việc THA (Điều 30 Pháp lệnh 2004, Mẫu số 07 ban hành kèm theo QĐ 09) : trong trường hợp người có nghĩa vụ THA cần thủ tục để xét miễn, giảm THA phạt tù hay phục vụ giao dịch khác thì cơ quan THA cấp giấy xác nhận (theo yêu cầu; thay cho Quyết định Kết thúc việc THA) để họ kèm theo các chứng từ chứng minh đã thi hành xong nghĩa vụ theo Bản án, Quyết định của Toà án.
Đối với Quyết định thu phí THA ( Mẫu số 33 ban hành kèm theo QĐ 09) : phải ban hành mỗi khi chi tiền (hoặc xác định giá trị tài sản) thực nhận, mỗi việc THA có thể phải ra nhiều Quyết định thu phí THA không cần thiết. Quy định Chấp hành viên thu phí THA bằng biên lai hiện hành ghi rõ tỷ lệ chịu phí trên số tiền (hoặc giá trị tài sản) thực nhận thay cho Quyết định thu phí THA là phù hợp.
Đối với Quyết định tiêu huỷ vật chứng, tài sản (Điểm a, Khoản 1, Điều 36 Pháp lệnh 2004, Mẫu số 13 ban hành kèm theo QĐ 09) : việc ra Quyết định tiêu huỷ vật chứng tài sản trong trường hợp này là thủ tục lặp lại nội dung Quyết định THA theo Bản án, quyết định của Toà án, cần bỏ quy định này.
Đối với Quyết định trả lại đơn yêu cầu THA trong trường hợp có Quyết định Đình chỉ THA trong Điều 29 Pháp lệnh 2004, Mẫu số 05 ban hành kèm theo QĐ 09; có thể thay bằng quy định ghi thêm nội dung trả lại đơn yêu cầu THA vào trong chính Quyết định đình chỉ THA này, không cần ra một Quyết định riêng kèm theo.
Đối với Quyết định trả lại đơn yêu cầu THA trong trường hợp có căn cứ xác định người phải THA không có tài sản để THA trong Điều 29 Pháp lệnh 2004, Mẫu số 05a ban hành kèm theo QĐ 09; cần pháp điển hoá nội dung hướng dẫn tại Điểm 5.2 Văn bản 404/TP-THA về các trường hợp “chưa có điều kiện THA” tại Khoản 2 Điều 8 NĐ 173 thống nhất với nội dung “không có tài sản để THA” trong Điều 29 Pháp lệnh 2004.
Bảy là, về yêu cầu THA trở lại, sau khi cơ quan THA (nhận uỷ thác) trả lại đơn yêu cầu THA (Điểm b Khoản 3 Điều 13 NĐ 173), cần pháp điển hoá ở mức độ cao quy định hiện hành trên nguyên tắc tôn trọng Bản án, Quyết định có hiệu lực của Toà án trên phạm vi cả nước, cơ quan THA nơi có điều kiện thi hành phải thụ lý, giải quyết yêu cầu hợp pháp của đương sự.
Tám là, về biện pháp cưỡng chế THA (Chương IV Pháp lệnh 2004), cần quy định biện pháp khám người và đồ vật (theo điều kiện, trình tự, thủ tục, chặt chẽ) khi có đủ căn cứ xác định người phải thi hành án không tự nguyện THA, cất giấu và tẩu tán tài sản.
Chín là, vấn đề miễn, giảm thi hành án đối với khoản án phí, tiền phạt (theo Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BTP-BCA-BTC ngày 17/6/2007) : Các điều kiện khác về miễn, giảm là chặt chẽ, nhưng về thời hạn cần thu hẹp để việc miễn, giảm sát với thực tiễn. Thời hạn có thể xem xét là 03 năm đối với số tiền án phí không có giá ngạch, hoặc tiền phạt từ 20 triệu đồng trở xuống; hoặc 06 năm đối với số tiền án phí có giá ngạch, hoặc tiền phạt trên 20 triệu đồng. Đồng thời cần có cơ chế về xét miễn, giảm đối với khoản thu sung công quỹ nhà nước như khoản tiền phạt.
Mười là,về chuyển giao án có giá trị không quá 500.000 đồng cho UBND cấp Xã trực tiếp đôn đốc thi hành.
Từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 20/2001/CT-TTg ngày 11/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ , UBND cấp xã ở Duy Xuyên (Quảng Nam) đã đôn đốc thi hành đạt 100% án chuyển giao đối với 207 việc, có giá trị trên 37 triệu đồng. Đây là số việc có điều kiện thi hành, so với số án trong diện chuyển giao chiếm 31% tổng số việc, 23% giá trị.
Trước thực trạng mỗi xã chỉ có một chuyên trách về Tư pháp - Hộ tịch, nhiệm vụ quá nhiều; trong đó phải thường xuyên giải quyết công tác chứng thực; đa số cán bộ Tư pháp - Hộ tịch cấp xã chưa qua đào tạo nghiệp vụ chuyên môn. UBND cấp xã khó hoàn thành tốt nhiệm vụ đôn đốc thi hành án được chuyển giao. Hơn nữa Chấp hành viên – cơ quan THA vẫn phải chịu trách nhiệm đối với việc đã chuyển giao. Cho nên cấp xã không chủ động thực hiện nhiệm vụ đôn đốc THA, mà đa số vẫn giữ ở mức phối hợp với Chấp hành viên. Về thủ tục trong chuyển giao án quá nhiều, chi phí cho thủ tục và hoạt động đôn đốc có khi nhiều hơn số tiền chuyển giao. Cho nên đề nghị cấp trên không duy trì việc chuyển giao án cho cấp xã đôn đốc thi hành.
Trường hợp mở hướng xã hội hoá công tác THADS thì nên xác định thẩm quyền THADS cho cấp xã : đảm nhận việc tổ chức THA những việc có giá trị nhỏ theo cơ chế Uỷ thác, trên cơ sở chính sách bố trí, tiền lương đối với cán bộ chuyên trách cụ thể.
Mười một là, vấn đề định giá tài sản đã kê biên (Khoản 2 Điều 43 Pháp lệnh 2004; khoản 2 Điều 23 NĐ 173; khoản 2 Điều 18 NĐ 164); định giá vật phải trả (Đoạn 2 Điều 53 Pháp lệnh 2004), định giá lại tài sản (Khoản 5 Điều 43 Pháp lệnh 2004; Điều 24 NĐ 173) : Chấp hành viên phải làm Chủ tịch Hội đồng định giá; Trưởng Thi hành án phải tổ chức định giá lại. Tuy thành phần Hội đồng định giá thì quy định đầy đủ nhưng chưa quy định rõ trách nhiệm từng thành viên và cơ chế phối hợp. Trưởng THA hay Chấp hành viên không có trình độ, kỹ năng trong định giá tài sản. Cơ chế định giá tài sản tranh chấp của Toà án là thực tiễn có thể tham khảo. Đề nghị quy định cơ chế cơ quan THA ra Quyết định trưng cầu định giá tài sản để cơ quan thẩm định giá thực hiện và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Mười hai là, vấn đề xã hội hoá công tác THADS, cần quan tâm một số yếu tố như :
+ Chứng minh về điều kiện của người phải THA thi hành án : Trừ trường hợp người được THA không thể tự thực hiện được bởi quy định hạn chế của pháp luật. Cần quy định nghĩa vụ của người được THA (là cá nhân hay tổ chức) là phải chứng minh về điều kiện thi hành án của người phải THA khi yêu cầu thi hành án. Trong một số trường hợp cần quy định kèm theo quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong quá trình tố tụng cả trước và trong THA để ngăn chặn việc tẩu tán, lẫn tránh việc thi hành nghĩa vụ theo phán quyết của Toà án.
+ Người phải THA thi hành án tự nguyện giao tài sản để THA cần giới hạn trong phạm vi tương ứng với nghĩa vụ phải THA, được người được THA chấp thuận và trong thời hạn tự nguyện THA hoặc trước khi triển khai biện pháp cưỡng chế 01 ngày. Trong giới hạn này các bên có đủ điều kiện về ý chí trong định đoạt tài sản, không ảnh hưởng đến tiến trình tổ chức THA.
Thực tiễn rất sinh động, chúng tôi xin nêu một số nội dung trong tầm nhận thức của mình, quý cấp có thể tham khảo trong việc lập dự thảo Luật THADS.
Nguyễn Phước Huy
THADS huyện Duy Xuyên, Quảng Nam