Vĩnh Phúc: Hiệu quả từ mô hình Ban chỉ đạo thi hành án

18/03/2008

Được thành lập từ rất sớm (1998), 10 năm nay, Ban chỉ đạo thi hành án dân sự (THADS) các cấp ở Vĩnh Phúc đã góp phần quan trọng trong việc làm giảm án tồn đọng, là sợi dây kết nối giữa các ngành, chung sức giải quyết những khó khăn của THA



Cấp xã cũng có Ban chỉ đạo

Tái lập năm 1996, cả tỉnh Vĩnh Phúc chỉ có 33 biên chế cho các cơ quan THA (trong đó chỉ có 10 chấp hành viên). 13/33 cán bộ thời kỳ đó đang theo học ĐH Luật tại chức, 10 người chỉ có trình độ trung cấp pháp lý. Cơ sở vật chất hầu như không có gì, tuy nhiên hàng năm khối lượng việc THA của tỉnh này rất lớn. Nhiều vụ phức tạp từ thời còn tỉnh Vĩnh Phú cũ chuyển sang không có điều kiện thi hành. Tính bình quân, mỗi năm toàn tỉnh phải thi hành trên 4 ngàn việc, trong đó số vụ việc có điều kiện thi hành chiếm 64-65%. Đặc biệt trong số án có điều kiện thi hành thì có đến 30% phải áp dụng biện pháp cưỡng chế nhà đất gắn liền với quyền sử dụng đất. Đây là một vấn đề khó khăn phức tạp hàng đầu của công tác THA vì nó động chạm đến quyền lợi của các bên. Trong điều kiện đó thì đầu năm 1998, Ban Chỉ đạo THA đã được thành lập ở cấp tỉnh, do Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban chỉ đạo, Giám đốc Sở Tư pháp làm Phó ban. Với sự tham gia của các ngành như đại diện Tài chính, địa chính, Công an, VKS, Hội nông dân, Toà án… Từ sự thể nghiệm của Ban chỉ đạo THA tỉnh, đến nay 9/9 huyện, thị và 2/3 số xã, phường, thị trấn đã có Ban chỉ đạo THA. Cái được - theo ông Trần Diện- Phó Giám đốc Sở Tư pháp Vĩnh Phúc - thông qua hoạt động của Ban chỉ đạo THA đã làm chuyển biến một bước về nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền về công tác THADS. ý thức chấp hành pháp luật của các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế, xã hội, đoàn thể quần chúng và công dân được nâng lên một bước rõ rệt. Hệ thống các cơ quan THADS trong tỉnh đã được quan tâm, kiện toàn về tổ chức và cơ sở vật chất.

Hiệu quả nhất trong hoạt động của Ban chỉ đạo THADS các cấp là nhiều vụ việc tồn đọng nhiều năm đã được giải quyết dứt điểm. Với sự theo dõi, kiểm tra thường xuyên của Ban chỉ đạo THADS đối với cơ quan THA đã giúp hạn chế những nhũng nhiễu, cửa quyền, tiêu cực do tâm lý trước đây “THA một mình một sân”.

Vẫn còn hình thức.

Mặc dù sự ra đời và hoạt động của các Ban chỉ đạo THA đã góp phần làm giảm tỷ lệ án tồn đọng qua từng năm tuy nhiên, mô hình này ở Vĩnh Phúc còn bộc lộ nhiều tồn tại. Đó là, trong nhiều vụ việc cụ thể, Ban chỉ đạo THA còn can thiệp sâu vào nghiệp vụ THA (đây là vấn đề không chỉ riêng Vĩnh Phúc mà nhiều địa phương khác đang gặp phải). Đặc biệt là trong các vụ án mà bên phải THA là các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội. Do đó, số việc và tiền tồn đọng kéo dài với số lượng lớn khiến đương sự khiếu nại gay gắt.

Nhận thức về công tác THA trong chính các thành viên Ban chỉ đạo cũng là vấn đề khó “thông”. Nhiều thành viên Ban chỉ đạo chưa coi công tác THA là nhiệm vụ chung, mà cho rằng đó là nhiệm vụ của Tư pháp, của THA nên có biểu hiện đùn đẩy, khoán trắng cho tư pháp. Tâm lý này cũng xuất phát từ lý do các thành viên hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, ít có thời gian cho công tác THA, việc phân công trách nhiệm khó cụ thể đến từng thành viên và khi họ không hoàn thành thì không có cơ chế xử lý. Thực chất toàn bộ hoạt động của nhiều Ban chỉ đạo THA vẫn là hoạt động của cơ quan Tư pháp và THADS  cùng cấp. Vì thế, không phát huy được sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị, của các cơ quan ban ngành trong công tác THA. Đặc biệt là ở cấp xã. mặc dù đã được thành lập nhưng do cán bộ phải làm nhiều việc, hiểu biết về THA hạn chế, bên cạnh đó công tác kiểm tra, đôn đốc của Ban chỉ đạo cấp trên với cấp dưới chưa thường xuyên nên hoạt động cầm chừng và hình thức.

Các ngành phải cùng tham gia giám sát THA.

Nói đến những hạn chế của Ban chỉ đạo THA, không thể không nói đến bản thân năng lực của cơ quan THA, của chấp hành viên. Đó là sự yếu kém trong công tác tham mưu cũng như tác nghiệp. Thực trạng này đang diễn ra ở nhiều địa phương. Do đó, để nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo THADS, thì cơ quan Tư pháp và THA cần làm tốt vai trò tham mưu của mình trong việc xây dựng quy chế hoạt động, phân công trách nhiệm từng thành viên; liên tục củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo các cấp; xây dựng chương trình kế hoạch hàng năm. Đối với những vụ việc phức tạp có thể ảnh hưởng tới an ninh trật tự địa phương cần đưa ra bàn bạc và đề xuất phương án giải quyết để Ban Chỉ đạo cho ý kiến.

Để tránh hình thức, các thành viên Ban chỉ đạo THA các cấp cũng phải thường xuyên ngồi lại với nhau, đánh giá và rút kinh nghiệm trong hoạt động. Cũng theo ông Trần Diện, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Vĩnh Phúc thì tăng cường công tác kiểm tra của các cơ quan quản lý cấp trên, của Ban pháp chế, Hội đồng nhân dân và các cơ quan chức năng đối với công tác THA cũng là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao năng lực hoạt động của các Ban chỉ đạo THADS.

Thu Hằng – Báo Pháp luật VN