Những khó khăn trong việc trả tiền, tài sản, giấy tờ cho người được thi hành án là phạm nhân.

01/08/2013
Thi hành án dân sự đối với người phải thi hành án đang ở trong trại giam đã khó nhưng thi hành án dân sự đối với người được thi hành án là phạm nhân trong những trường hợp trả lại tài sản khó hơn nhiều lần. Vì nếu như những trường hợp người phải thi hành án là phạm nhân phải nộp án phí, tiền phạt, bồi thường… thì có thể người nhà sẽ nộp thay; còn trong trường hợp trả lại tiền, giấy tờ, tài sản cho người được thi hành án đang chấp hành hình phạt tù giam thì người nhà muốn đến nhận thay phải có giấy uỷ quyền của người đang chấp hành án trong trại giam. Để có được giấy uỷ quyền để trả tài sản cho người nhận uỷ quyền đã rất khó, nhưng người được uỷ quyền có đến nhận tài sản không còn là một vấn đề khó khăn hơn trong công tác thi hành án đối với những vụ việc này.


Theo quy định tại Điều 129 Luật thi hành án dân sự thì việc trả lại tiền, tài sản cho người được thi hành án đang chấp hành hình phạt tù được thực hiện như sau:

1. Chấp hành viên gửi thông báo, quyết định về việc nhận lại tiền, tài sản cho người được thi hành án đang chấp hành hình phạt tù thông qua Giám thị trại giam, Trại tạm giam.

Trường hợp người được thi hành án ủy quyền cho người khác nhận tiền, tài sản thì văn bản ủy quyền phải có xác nhận của Giám thị trại giam, Trại tạm giam. Chấp hành viên trả tiền, tài sản cho người được ủy quyền.

2. Trường hợp người được thi hành án có yêu cầu và được nhận tiền, tài sản tại nơi đang chấp hành hình phạt tù theo quy định của pháp luật thì chấp hành viên gửi tiền, tài sản cho người đó thông qua Giám thị trại giam, Trại tạm giam. Chi phí cho việc gửi tiền, tài sản do người được thi hành án chịu. Khi giao tiền, tài sản cho đương sự, Giám thị trại giam, Trại tạm giam lập biên bản và gửi cho cơ quan Thi hành án dân sự.

3. Trường hợp người được thi hành án đang chấp hành hình phạt tù từ chối nhận lại tiền, tài sản bằng văn bản có xác nhận của Giám thị trại giam, Trại tạm giam thì chấp hành viên xử lý tiền, tài sản để sung quỹ nhà nước hoặc tiêu huỷ theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.

Mặc dù quy định của pháp luật là như vậy, nhưng thực tế áp dụng còn nhiều khó khăn, bất cập.

Tại Bản án số 207/HSST ngày 19/9/2012 của Tòa án nhân dân huyện A, thành phố H xử tội “Tàng trữ trái phép chất ma tuý” đối với hai đương sự Vương Đức Hùng và Phạm Trung Hiếu, địa chỉ tại Phường C, thị xã K, tỉnh B. Phần Quyết định của bản án tuyên bị cáo Phạm Trung Hiếu 26 tháng tù giam, Vương Đức Hùng 24 tháng tù giam. Mỗi bị cáo nộp 200.000đ án phí hình sự sơ thẩm, trả lại Hiếu 01 điện thoại di động Sam Sung Viettel 1100T màu đen và 01 ví da, 01 chứng minh thư nhân dân mang tên Hiếu; Trả lại bị cáo Hùng 01 ví da, 01 chứng minh thư nhân dân mang tên Hùng.

Đối với khoản án phí hình ưự sơ thẩm của 2 đương sự, Chi cục Thi hành án huyện A đã uỷ thác về Chi cục Thi hành án thị xã K nơi có Hộ khẩu thường trú của Hùng và Hiếu. Đối với khoản trả lại các tài sản và chứng minh thư nhân dân cho đương sự hiện đang chấp hành hình phạt tù giam, Chấp hành viên đã gửi Công văn đề nghị C83, Tổng cục VIII cho biết địa chỉ trại giam của đương sự thì được trả lời: tại cơ sở dữ liệu của Tổng cục VIII không có hai phạm nhân trên. Tuy nhiên, sau đó 2 ngày, chấp hành viên nhận được Thông báo của trại giam Thanh Lâm cho biết đương sự Phạm Trung Hiếu đang chấp hành hình phạt tù giam tại trại giam Thanh Lâm.

Theo quy định của pháp luật, chấp hành viên đã gửi công văn đề nghị Ban giám thị trại giam tống đạt Quyết định thi hành án đối với Phạm Trung Hiếu, đồng thời gửi mẫu giấy ủy quyền kèm theo. Sau khi gửi bảo đảm các mẫu văn bản kèm theo công văn đề nghị phối hợp đến Trại giam Thanh Lâm, chấp hành viên nhận được giấy ủy quyền đã được phạm nhân ký và có xác nhận của trại giam. Sau hai lần chấp hành viên gọi cho người được ủy quyền là em gái phạm nhân (có số điện thoại trong Giấy ủy quyền) thì cô em gái phạm nhân mới đến nhận. Cô nói: Lẽ ra em chẳng đến đâu nhưng vì hôm nay tiện đường với lại gọi nhiều quá thì em mới đến. Chứ cái ví này thì còn giá trị gì đâu? chứng minh thư nhân dân thì lúc nào ra trại anh Hiếu đến lấy cũng được. Có sao đâu ạ?

Với đương sự thì “có sao đâu ạ?”, nhưng với chấp hành viên để án tồn như thế này không chỉ ảnh hưởng đến chỉ tiêu giảm án tồn, ảnh hưởng đến việc tồn vật chứng trong kho vật chứng mà còn ảnh hưởng đến những vấn đề liên quan khác.

Đúng là may mắn mới xong được một hồ sơ vì đã được trại giam thông báo. Nhưng còn Vương Đức Hùng thì sao? Không có trại giam nào thông báo cho cơ quan Thi hành án biết nơi Hùng đang thụ án. Trong bản án ghi bố mẹ Hùng đều chết. Vì vậy, chấp hành viên đã gọi điện hỏi em gái của Hiếu, hy vọng cùng ở phường S thì cô sẽ biết được về gia đình của Hùng để chấp  hành  viên “đi tìm” Hùng. Cô cho số điện thoại của mẹ mình và nói hãy gọi cho mẹ cô để hỏi thì rõ hơn. Sau nhiều lần gọi cho mẹ của đương sự Hiếu, chấp hành viên mới xin được số điện thoại của một người bác của Hùng. Gọi người bác thì bác Hùng  không biết nơi Hùng đang chấp hành án mà cho số điện thoại của bạn Hùng. Từ số này mới gọi được số của chị gái Hùng.

Tưởng như vậy là công cuộc tìm kiếm sắp đến đích rồi thì chấp hành viên được chị gái Hùng cho biết: Em đến thăm Hùng ở Xưởng gạch Đồng Trúc, cán bộ cho Hùng đi lao động ở đó, nhưng em không biết ở đó là thuộc trại giam nào đâu?.

Lại một hành trình khi “mò” tìm vất vả, cuối cùng chấp hành viên mới biết được Hùng đang chấp hành án tại một trại giam ở Ba Vì, Hà Nội. Chấp hành viên lại tiến hành những thủ tục tiếp theo với trình tự đã được quy định để trả tài sản cho người được thi hành án là phạm nhân.

Ngoài những vụ việc trên, có những Bản án tuyên trả lại duy nhất một cái quần bò, một cái ví cũ, một móc chìa khóa bằng gấu bông hay một cái điện thoại không còn sử dụng được...Đây là những vụ việc quá khó để thi hành xong khi mà đương sự thì ở trong trại giam, người nhà đương sự thì chẳng ai muốn đến nhận những thứ đồ “lặt vặt”, không còn giá trị sử dụng, nhất là khi họ lại cư trú ở các tỉnh xa với nơi xử án.

Vậy giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan Thi hành án dân sự trong những vụ việc như thế này, cũng để đảm bảo quyền lợi của những người được thi hành án đang chấp hành tại trại giam?. Có phải chỉ là do cơ chế phối hợp không?.

Vướng mắc về cơ chế phối hợp đã phần nào được tháo gỡ khi ngày 01/4/2013, Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT/BTP-BCA-BTC ngày 06/02/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an và Bộ Tài chính về Hướng dẫn Thủ tục trả tiền, giấy tờ cho người được thi hành án là phạm nhân có hiệu lực thi hành.

Theo đó, Thông tư quy định rõ Giám thị trại giam, Thủ trưởng cơ quan Thi hành án hình sự, Công an cấp huyện có trách nhiệm thông báo cho cơ quan Thi hành án dân sự nơi Tòa án đã xét xử sơ thẩm họ, tên, địa chỉ của phạm nhân là người phải thi hành án dân sự hoặc phạm nhân là người được thi hành án theo bản án hình sự, trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày, kể từ ngày tiếp nhận phạm nhân vào trại giam. Tuy nhiên, có một số trại giam, trại tạm giam không thông báo phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù tại trại mình phụ trách cho cơ quan Thi hành án dân sự biết, do đó, rất khó khăn cho các cơ quan Thi hành án dân sự khi thực hiện việc thông báo việc trả lại tiền, giấy tờ, tài sản... cho người phải thi hành án là phạm nhân. Chính vì vậy dẫn đến rất nhiều khó khăn kế tiếp mà chấp hành viên là người phải chịu trách nhiệm, nhất là khi chỉ tiêu giảm án tồn còn là một trong những “gánh nặng” đối với chấp hành viên. Nếu như các Trại giam, Trại tạm giam đều thông báo đầy đủ cho cơ quan Thi hành án như  Điều 3, Thông tư 07 trên thì khó khăn phần nào đã được giảm bớt.

Tại Điều 10, Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT/BTP-BCA-BTC quy định trường hợp phạm nhân là người được thi hành án dân sự ủy quyền cho người khác nhận thay tiền, giấy tờ thì Giám thị trại giam, Thủ trưởng cơ quan Thi hành án hình sự, Công an cấp huyện có trách nhiệm xác nhận vào giấy ủy quyền và gửi giấy ủy quyền cho người được ủy quyền; người được ủy quyền nhận tiền chịu trách nhiệm gửi giấy ủy quyền đó cho cơ quan Thi hành án dân sự. Cơ quan Thi hành án dân sự có trách nhiệm trả tiền, giấy tờ cho người được uỷ quyền theo quy định của pháp luật.

Đối với việc uỷ quyền nhận tài sản tại cơ quan Thi hành án dân sự, khó khăn chính là việc người được ủy quyền không đến cơ quan Thi hành án để nhận tài sản vì họ cho rằng tài sản đó quá nhỏ, không đáng giá, bỏ đi cũng được. Tuy nhiên, việc “bỏ đi” những tài sản đó là cả vấn đề với cơ quan Thi hành án. Vì để tiêu hủy tài sản đó do đã hư hỏng, không còn giá trị sử dụng thì người được thi hành án là phạm nhân phải có văn bản từ chối nhận tài sản, đề nghị tiêu hủy và đơn từ chối đó có xác nhận của giám thị trại giam để cơ quan Thi hành án xử lý theo quy định pháp luật.

Vậy gốc rễ, mấu chốt vấn đề cần phải giải quyết khó khăn này chính là phần quyết định của Bản án. Nếu như những tài sản không có giá trị hoặc hư hỏng thì Tòa án nên tuyên tiêu hủy đối với vật chứng đó, không nên tuyên trả lại cho bị cáo, nhất là khi bị cáo phải chịu hình phạt tù giam với thời gian dài.

Tại Điều 76, Bộ Luật tố tụng hình sự về việc xử lý vật chứng, tại điểm đ, Điều 2 đã quy định: Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu huỷ.Vậy thì với những tài sản như ví da, một cái quần bò, một cái ví cũ, một móc chìa khóa bằng gấu bông hay một cái điện thoại không còn sử dụng được..., nếu như Tòa án tuyên tiêu hủy thì sẽ bớt đi bao nhiêu vất vả khó khăn, tốn kém công  sức, thời gian...của các cơ quan Thi hành án dân sự, của Nhà nước.

Hơn nữa, nhằm nâng cao việc giải quyết hồ sơ thi hành án trong những trường hợp trả lại tài sản cho người được thi hành án là phạm nhân, để tăng cường sự phối hợp của Bộ Công an trong thi hành án dân sự, trong quá trình sửa đổi bổ sung Luật Thi hành án dân sự, kiến nghị bổ sung Điều 169, Khoản 3 về nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Công an: Chỉ đạo trại giam, trại tạm giam nơi người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù thu các khoản tiền, tài sản mà người phải thi hành án, thân nhân của người phải thi hành án nộp để thi hành án. Cần bổ sung thêm một nội dung: Chỉ đạo trại giam, trại tạm giam có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự trong việc trả lại tiền, tài sản cho người được thi hành án là phạm nhân.

Nguyễn Linh Anh