Căn cứ ra Quyết định thi hành án dân sự theo quy định tại Điều 35, Điều 36 Luật Thi hành án dân sự; Điều 5 Nghị định 125/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2003 sửa đổi bổ sung Nghị định 58/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự ( dưới đây gọi tắt là NĐ125/NĐ-CP). Tuy nhiên, trong thời gian qua, một số cơ quan thi hành án còn lúng túng khi thực hiện thủ tục ra quyết định thi hành án cho thấy việc áp dụng các quy định pháp luật cũng như nội dung các quy định pháp luật còn nhiều vấn đề cần phải bàn để tìm ra các biện pháp khắc phục và giải quyết.
1. Một số vướng mắc, khó khăn thực tế trong việc ra quyết định thi hành án
1.1. Khó khăn trong việc ra một hay nhiều quyết định thi hành án trong một bản án, quyết định của Tòa án
- Bản án số 21/2014/HSST ngày 16/6/2014 của Tòa án nhân dân tỉnh S tuyên:
Án phí HSST: mỗi bị cáo phải chịu 200.000 đ;
Án phí DSST, bị cáo Dương Văn Thương phải chịu: 271.235 đồng, bị cáo Danh Sam phải chịu: 265.000 đ, bị cáo Danh Thương phải chịu: 265.000 đồng.
Phạt sung quỹ nhà nước số tiền: 850.000 đồng tiền thu lợi bất chính của bị cáo Danh Thương.
Tịch thu tiêu hủy tang vật…
Trong trường hợp này, Cơ quan thi hành án dân sự tỉnh S gặp khó khăn khi ra mỗi người một Quyết định thi hành án theo quy định tại Khoản 1, Khoản 3, Điều 5 Nghị định 125/2013/NĐ-CP của Chính phủ thì đối với phần tịch thu tiêu hủy nên ra trong Quyết định thi hành án nào vì theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 Nghị định 125/NĐ-CP không có hướng dẫn cụ thể.
-Bản án số 121/2014/HSST ngày 04/7/2014 của TAND tỉnh S, tại phần quyết định của bản án tuyên:
Án phí HSST: mỗi bị cáo phải chịu 200.000 đồng;
Án phí DSST bị cáo Thái Văn Tú phải chịu: 580.000 đồng; bị cáo Phan Thanh Toàn phải chịu: 450.000 đồng; bị cáo Huỳnh Văn Thiện phải chịu 580.000 đồng.
Tuyên tịch thu tiêu hủy tang vật…
Đối với trường hợp này, tại Cục THADS tỉnh S có 02 quan điểm trái ngược nhau:
- Một là, ra một quyết định thi hành án chung cho các khoản thuộc diện chủ động căn cứ Khoản 1 Điều 5 Nghị định 125/2013/NĐ - CP quy định về việc Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra một quyết định thi hành án chung cho các khoản thuộc diện chủ động thi hành trong một bản án, quyết định.
- Hai là, áp dụng Khoản 3 Điều 5 Nghị định 125/NĐ-CP đối với trường hợp trong một bản án, quyết định có nhiều người phải thi hành nhiều khoản chủ động khác nhau thì đối với mỗi người phải thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra một quyết định thi hành án chung cho các khoản thuộc diện chủ động thi hành án mà người đó phải thi hành trong một bản án, quyết định có nhiều người phải thi hành án một khoản chủ động.
1.2. Khó khăn trong việc xác định khoản ra quyết định thi hành án chủ động hay ra quyết định thi hành án theo đơn
Bản án số 97/2013/HSST của Tòa án nhân dân tỉnh Đ và Bản án số 201/2014/HSPT của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại ĐN tuyên các bị cáo Ngô Thị Bông, Nguyễn Thị Thu Hồng, Đặng Thị Ngân, Nguyễn Thị Minh, Lê Văn Đức phạm tội “Trốn thuế”. Ngoài việc phải chấp hành hình phạt tù, các bị cáo còn phải thi hành phần trách nhiệm dân sự, cụ thể như sau:
Chấp nhận bị cáo Ngô Thị Bông đã tự nguyện khắc phục nộp 8.245.856.000 đồng tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đ. Chuyển trả lại cho Chi cục thuế huyện C, tỉnh B số tiền 4.268.086.000 đồng; cho Chi cục thuế huyện M, tỉnh N số tiền 1.974.496.060 đồng; cho Chi cục thuế thị xã L, tỉnh N số tiền 2.003.274.000 đồng.
Chấp nhận bị cáo Nguyễn Thị Minh đã tự nguyện khắc phục nộp 800.000.000 đồng tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đ. Chuyển trả cho Chi cục thuế huyện Đ, tỉnh Đ số tiền 800.000.000 đồng. Bị cáo Nguyễn Thị Minh còn phải trả lại 1.196.564 cho Chi cục thuế huyện Đ, tỉnh Đ.
Chấp nhận bị cáo Lê Văn Đức đã tự nguyện khắc phục 1.276.898.500 đồng. Chuyển trả lại cho Chi cục thuế thành phố T, tỉnh Đ số tiền 1.276.898.500 đồng.
Buộc bị cáo Đặng Thị Ngân phải trả 1.701.515.000 đồng cho Chi cục thuế huyện S, tỉnh Đ.
Khó khăn, vướng mắc mà Cục THADS tỉnh Đ là chưa xác định được khoản nào phải ra Quyết định thi hành án chủ động; khoản nào phải ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu. Trong quá trình tổ chức thi hành án, tại Cục THADS tỉnh Đ có nhiều ý kiến trái chiều như sau:
- Ý kiến thứ nhất: nên ra Quyết định thi hành án chủ động, vì tất cả các khoản tiền trên là tiền thuế nộp ngân sách nhà nước.
- Ý kiến thứ hai: nên ra Quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu của đương sự, vì tại Khoản 1 Điều 36 Luật THADS quy định trường hợp trên không phải là khoản chủ động thi hành án; đồng thời, các khoản trên do có tác động của cơ quan tố tụng nên các bị cáo mới nộp tiền khắc phục hậu quả, để hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
- Ý kiến thứ ba: Nên ra Quyết định thi hành án chủ động đối với khoản: “Chuyển trả lại cho Chi cục Thuế huyện C, tỉnh B số tiền 4.286.080.000 đồng; cho Chi cục Thuế huyện M, tỉnh N số tiền 1.974.496.000 đồng; cho Chi cục Thuế huyện L, tỉnh N số tiền 2.003.274.000 đồng đối với bà Ngô Thị Bông. Chuyển trả cho Chi cục Thuế huyện Đ, tỉnh Đ số tiền 800.000.000 đồng đối với bà Nguyễn Thị Minh. Chuyển trả lại cho Chi cục Thuế thành phố B, tỉnh Đ số tiền 1.276.898.500 đồng đối với ông Lê Văn Đức” vì thuộc Khoản 1 Điều 36 Luật THADS; ra Quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu đối với khoản: phải trả lại 1.196.564 đồng cho Chi cục Thuế huyện Đ, tỉnh Đ đối với bà Nguyễn Thị Minh. Phải trả 1.701.515.000 đồng cho Chi cục Thuế huyện Đ, tỉnh Đ đối với bà Đặng Thị Ngân”.
1.3. Khó khăn trong việc xác định có ra quyết định thi hành án hay không?
Theo như bài viết của tác giả Phạm Quang Dũng (Chi cục THADS quận Bắc Từ Liêm - Hà Nội) đăng trên trang tin Thi hành án dân sự của Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp ngày 14/7/2014 thì việc Bản án, quyết định của Tòa án tuyên đương sự không phải nộp án phí thì có nên ra quyết định thi hành án hay không? Quan điểm của tác giả là Cơ quan Thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án vì tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự quy định: Bản án, quyết định được thi hành là những bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (theo khoản 1 Điều 2) và những bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm được thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị (theo khoản 2, Điều 2). Tác giả khẳng định: những bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật phải được thi hành là phù hợp với nguyên tắc hiến định “Bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành” (Điều 106 Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2014). Việc ra quyết định thi hành án có thể có 02 trường hợp: Buộc thực hiện công việc nhất định (có thể là phải nộp án phí, tiền phạt, tiền truy nộp hoặc xung công…) hoặc không phải thực hiện công việc nhất định (không phải nộp án phí…). Mặt khác, để pháp luật có tính nghiêm minh, khách quan, công bằng và thống nhất, cơ quan Thi hành án phải ra quyết định thi hành án dân sự chủ động để đảm bảo thực hiện đúng Luật. Tại Điều 36 Luật Thi hành án dân sự quy định ra quyết định thi hành án, tại khoản 1 quy định: Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành đối với phần bản án, quyết định sau đây: a. Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí. Tác giả cho rằng: khoản án phí có thể phải thu và cũng có thể không phải thu nên cơ quan thi hành án vẫn phải ra quyết định thi hành án chủ động.
Vậy trong thực tế các cơ quan THADS có ra quyết định thi hành án trong trường hợp này hay không vì rõ ràng tình huống phát sinh này chưa được văn bản pháp luật về thi hành án dân sự quy định dẫn đến việc xử lý của các cơ quan Thi hành án chưa thống nhất?
2. Quan điểm giải quyết một số vướng mắc khó khăn
- Đối với việc ra một hay nhiều quyết định thi hành án và việc ra quyết định thi hành án đối với phần tiêu hủy cần căn cứ Khoản 1, Khoản 3 Điều 5 Nghị định 125/NĐ-CP để thực hiện. Khoản 1 Điều 5 áp dụng trong trường hợp ra một quyết định thi hành án chung cho các khoản thuộc diện chủ động thi hành trong một bản án, quyết định, nhưng phải loại trừ khi bản án, quyết định đó có các khoản chủ động về trả lại tiền, tài sản thì đối với mỗi người được thi hành án, Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự ra một quyết định thi hành án đối với các khoản đó ( Khoản 2 Điều này) hoặc trường hợp trong một bản án, quyết định có nhiều người phải thi hành nhiều khoản chủ động khác nhau thì đối với mỗi người phải thi hành án, Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự ra một quyết định thi hành án chung cho các khoản thuộc diện chủ động thi hành án mà người đó phải thi hành (Khoản 3 Điều này). Như vậy, trường hợp được đưa ra tại phần 1.1 có 03 người phải thi hành án (nhiều người) đối với khoản án phí, phạt sung quỹ…( nhiều khoản) thì cần áp dụng khoản 3 Điều 5 Nghị định 125/NĐ-CP để ra 03 Quyết định thi hành án. Đối với phần tiêu hủy cũng như phần tịch thu sung công tài sản là vật chứng thu được trong bản án, có thể không xác định là tài sản của bị cáo nào, trường hợp này Luật Thi hành án dân sự và các văn bản có liên quan đều chưa đề cập đến, trong thực tế hầu hết phần tiêu hủy vật chứng trong trường hợp tách án thì nên đưa vào Quyết định thi hành án đối với người phải thi hành án là người đầu vụ trong một bản án, quyết định của Tòa án để thực hiện các thủ tục giải quyết tiếp theo.
- Đối với việc ra quyết định thi hành án chủ động hay quyết định thi hành án theo đơn được đề cập đến tại phần 1.2 nêu trên thì nên ra quyết định thi hành án chủ động đối với các khoản thi hành án. Căn cứ nội dung án tuyên như trên có thể thấy: về bản chất vụ việc cũng như về tội danh của các bị cáo đã được Tòa án xác định trong bản án, các khoản chuyển trả cho Cơ quan thuế là các khoản truy thu số tiền thuế giá trị gia tăng mà các bị cáo dùng thủ đoạn để chiếm đoạt của Nhà nước một cách trái pháp luật, nhằm thu lợi bất chính. Theo điểm a khoản 1 Điều 36 Luật THADS: “Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành đối với phần bản án, quyết định về việc “truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính”. Do đó, trong trường hợp này, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đ cần ban hành quyết định thi hành án chủ động đối với các khoản tiền mà bản án, quyết định của Tòa án tuyên các bị cáo phải thi hành án nêu trên. Tuy nhiên, nếu như văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự có quy định rõ ràng về việc ra quyết định thi hành án chủ động đối với trường hợp này thì các cơ quan Thi hành án dân sự sẽ không phải lúng túng khi thực hiện.
- Đối với trường hợp Bản án, quyết định tuyên không có khoản phải thi hành án mà Luật thi hành án và các văn bản hướng dẫn chưa quy định thì quan điểm của tác giả Phạm Quang Dũng cho rằng nên ra quyết định thi hành án. Trong thực tế, các Cơ quan Thi hành án dân sự không ra quyết định thi hành án chủ động vì đương sự không phải chịu án phí nên cơ quan Thi hành án không phải thực hiện bất cứ thủ tục thi hành án gì như thu án phí, viết biên lai, sung công án phí vào ngân sách của Nhà nước... Đối với quyết định này chỉ cần lưu tại bộ phận nhận án và chú thích vào sổ nhận bản án, quyết định về việc “lưu án do không có khoản phải thi hành”. Rõ ràng nếu ra quyết định thi hành án thì phải vào sổ thụ lý, phân công chấp hành viên lập hồ sơ và tổ chức thi hành, phải làm thủ tục kết thúc việc thi hành án, xóa sổ thụ lý và đưa vào lưu trữ…nhưng thực tế kết quả nhận lại là con số 0, nhưng nếu cứ áp dụng các căn cứ như tác giả đưa ra để ra quyết định thi hành án đối với việc không thi hành khoản án phí thì cũng không sai. Như vậy, các văn bản về thi hành án dân sự cần dự liệu các vấn đề này và có quy định đối với những trường hợp này tránh gây lung túng cho các cơ quan Thi hành án dân sự hoặc giữa các cơ quan Thi hành án có sự không thống nhất trong quá trình tổ chức thi hành.
3. Đề xuất hướng sửa đổi
Hiện nay, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và theo Nghị quyết số 45/2013/NQ-QH của Quốc hội sẽ được thông qua vào kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2014). Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự chủ yếu sửa đổi, bổ sung những quy định về thủ tục thi hành án dân sự, sau khi được Quốc hội thông qua sẽ tiếp tục soạn thảo Nghị định cho phù hợp với thực tiễn thi hành án dân sự. Cùng với việc tổng kết thực hiện Luật Thi hành án dân sự, lấy ý kiến của các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương, một trong những thủ tục cần lưu ý chính là việc ra quyết định thi hành án.
Theo đó, để tránh các vướng mắc về việc ra một hay nhiều quyết định thi hành án, thiết nghĩ các quy định về thủ tục ra quyết định thi hành án không nên chia tách quá nhiều như quy định tại Điều 5 Nghị định 125/2013/NĐ-CP như hiện hành mà chỉ nên tập trung vào các vấn đề sau:
Một là, chỉ tách riêng đối với việc trả lại tiền, tài sản, theo đó, với mỗi người được trả lại tiền, tài sản sẽ ra một quyết định thi hành án. Lưu ý trường hợp trong một bản án, quyết định, đương sự vừa là người được thi hành án (được trả tiền, tài sản) nhưng vừa là người phải thi hành án thì cần ra chung một quyết định để việc xử lý tiền, tài sản đảm bảo thi hành án được thuận lợi.
Hai là, đối với các khoản chủ động khác chỉ nên ra chung trong một quyết định thi hành án, không nên quy định các trường hợp nhiều người, nhiều khoản thì với mỗi người tách thành một quyết định, vừa thiếu quy định về các khoản như tiêu hủy, tịch thu sung công… không biết đưa vào quyết định nào, vừa tốn kém thời gian, kinh phí cho việc sao lục bản án, ra nhiều quyết định thi hành án và thực hiện một loạt các thủ tục giống nhau… Hơn nữa, sẽ dẫn đến số liệu việc thi hành án dân sự có sự chênh lệch khá lớn so với số liệu xét xử của Tòa án.
Ba là, cần bổ sung quy định đối với những trường hợp bản án, quyết định tuyên không có khoản phải thi hành án thì cơ quan Thi hành án không phải ra quyết định thi hành án.
Bốn là, xác định rõ các khoản thi hành án chủ động, thi hành án theo đơn yêu cầu, nhất là đối với các khoản trả lại tiền, tài sản cho cơ quan nhà nước để sung công quỹ nhà nước thuộc diện phải ra quyết định thi hành án chủ động.
Trên đây là một số ý kiến về thủ tục ra quyết định thi hành án dân sự, rất mong trong quá trình xây dựng, sửa đổi Nghị định hướng dẫn Luật Thi hành án dân sự được Ban soạn thảo, Tổ biên tập quan tâm, góp phần hoàn thiện văn bản pháp luật về thi hành án dân sự, tránh những khó khăn vướng mắc cho các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương trong quá trình thực hiện.
Nguyễn Thị Nhàn
Vụ Nghiệp vụ 2 - Tổng cục THADS