Kinh nghiệm bài báo nêu
Bài báo có đoạn: “…Vì vậy, chúng tôi cho rằng: qua kinh nghiệm vụ việc cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng, các cơ quan thi hành án dân sự địa phương cần lưu ý thực hiện hết trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật đối với các bản án, quyết định của Tòa án, nhất là đối với những vụ án phức tạp, dư luận không đồng tình. Theo đó, cơ quan Thi hành án dân sự địa phương cần nghiên cứu kỹ bản án, quyết định của Tòa án để phát hiện ra những điểm chưa rõ gây khó khăn cho việc thi hành án và yêu cầu bằng văn bản gửi Tòa án đã ra bản án, quyết định giải thích. Trường hợp phát hiện thấy những vấn đề chưa phù hợp, bất thường hoặc phát hiện bản án, quyết định có sai lầm và có căn cứ để xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án được thi hành, đặc biệt là những bản án, quyết định đã ban hành mà không nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, của các cơ quan thông tấn báo chí thì phải kịp thời kiến nghị với người có thẩm quyền xem xét lại bản án, quyết định đó trước khi tổ chức thi hành.
Ngoài ra, cơ quan Thi hành án dân sự cần phải chú trọng thích đáng đến công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của công dân, cơ quan, tổ chức; phát hiện, uốn nắn, khắc phục kịp thời những sai sót của cán bộ, công chức trong quá trình tác nghiệp và áp dụng thống nhất, có hiệu quả các quy định pháp luật về thi hành án dân sự”.
Nội dung quyết định của Tòa án
Đọc bài báo, chúng tôi nghĩ về một quyết định của Tòa án mà cơ quan Thi hành án dân sự đang tổ chức thi hành theo đơn yêu cầu, đã bị khiếu nại gay gắt, chưa giải quyết được. Đó là Quyết định công nhận sự thỏa thuận số 60/2014/QĐST-DS ngày 11/7/2014 của Tòa án nhân dân thành phố KT, xử: Bà Hồ Thị Như L phải trả cho bà Dương Thị Thu Tr số tiền 3.200.000.000 đồng (ba tỉ, hai trăm triệu đồng), như sau: Trả 500.000.000 đồng (năm trăm triệu đồng), trả vào ngày 18/7/2014 (bà Tr phải có trách nhiệm đề nghị Tòa án mở phong tỏa tài sản để bà L bán trả nợ số tiền trên). Trả 500.000.000 đồng (năm trăm triệu đồng) tiếp theo, trả vào ngày 18/9/2014 (trong thời hạn 02 tháng từ ngày 18/7/2014 đến ngày 18/9/2014 bà L bán được tài sản đứng tên bà L thì bà L trả cho bà Tr số tiền trên). Số tiền còn lại 2.200.000.000 đồng (hai tỷ, hai trăm triệu đồng), bà L trả dần trong thời hạn 44 tháng, mỗi tháng trả 50.000.000 đồng (năm mươi triệu đồng), bắt đầu từ tháng 10/2014 trả vào ngày 18 hàng tháng. (Trong thời gian trả nợ bà Hồ Thị Như L bán được tài sản đứng tên bà L thì bà L sẽ trả cho bà Tr 10% giá trị tài sản bán được). Bà L phải trả cho bà Tr tiền lãi là 1,125%/tháng số tiền chậm trả tại thời điểm trả nợ.
Kể từ thời điểm các đương sự thỏa thuận và bà Dương Thị Thu Tr có đơn yêu cầu thi hành án mà bà Hồ Thị Như L chưa trả đủ số tiền nêu trên thì bà Hồ Thị Như L còn trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà Nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán”.
Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi chỉ trao đổi về quyết định của Tòa án đã tuyên có khó thi hành?Theo quyết định của Tòa án, bà Tr phải có trách nhiệm đề nghị Tòa án mở phong tỏa tài sản để bà L bán trả nợ số tiền trên. Nhưng trước đó, ngày 03/7/2014 (trước 07 ngày) Tòa án ra Quyết định số 336/2014/QĐ-BPKCTT, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời tại quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 277/2014/QĐ-BPKCTT ngày 30/5/2014 của Tòa án nhân dân TP KT. Rõ là Tòa án “cầm đèn chạy trước ô tô”.
Đến hạn, bà L không trả nợ, ngày 06/10/2014 bà Dương Thị Thu Tr ủy quyền cho chồng là ông Đỗ Văn H toàn quyền thực hiện việc được thi hành án. Ông H có đơn yêu cầu thi hành án ngày 07/10/2014, yêu cầu thi hành: Bà L phải trả bà Tr 500.000.000 đồng và lãi suất chậm thi hành án. Chi cục trưởng Chi cục THADS thành phố KT ra Quyết định thi hành án theo đơn số 60/QĐ-CCTHA ngày 09/10/2014, cho thi hành: Buộc bà Hồ Thị Như L phải trả cho bà Dương Thị Thu Tr số tiền 500.000.000 đồng (năm trăm triệu đồng) và lãi suất chậm thi hành án.
Cần nói thêm, sau khi được Tòa án ra quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời. Vợ chồng bà L đã bán nhà đất (nhà, đất đã bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quyết định số 277/2014/QĐ-BPKCTT ngày 30/5/2014 của Tòa án nhân dân TP KT) cho người khác. Hợp đồng chuyển nhượng, công chứng ngày 30/7/2014, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua vào ngày 11/9/2014. Nhưng bà L không thực hiện nghĩa vụ phải trả nợ như đã thỏa thuận.
Quyết định của Tòa án khó thi hành?
Trước hết, đây là một quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, mà Tòa án căn cứ vào Điều 187 và 188 Bộ luật Tố tụng dân sự để ban hành.
Theo quyết định của Tòa án đã tuyên, rõ ràng có hai phần, phần trả nợ và phần lãi suất do chậm trả nợ. Phần trả nợ, bà L phải trả cho bà Tr 3.200.000.000 đồng, nhưng được trả ba lần, hạn cuối cùng là ngày 18/5/2017. Để trả được nợ, bà L phải bán tài sản của mình (đã được Tòa án hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời). Nhưng ở đoạn dưới tiếp theo, Quyết định công nhận sự thỏa thuận số 60/2014/QĐST-DS ngày 11/7/2014, lại ghi: (Trong thời gian trả nợ bà Hồ Thị Như L bán được tài sản đứng tên bà L thì bà L sẽ trả cho bà Tr 10% giá trị tài sản bán được).
Vậy, bà L phải trả cho bà Tr số tiền 3.200.000.000 đồng, làm ba lần? Hay phải trả cho bà Tr 10% giá trị tài sản bán được? Hay phải trả cho bà Tr 10% giá trị tài sản bán được cho số tiền còn lại 2.200.000.000 đồng? Nếu trả nợ cho bà Tr 10% giá trị tài sản bán được, thì tài sản bán được là bao nhiêu? Nếu trả 10% giá trị tài sản bán được thì bà L có trả hết nợ cho bà Tr?
Về lãi suất chậm trả nợ, Quyết định công nhận sự thỏa thuận số 60/2014/QĐST-DS ngày 11/7/2014, ghi: "Bà L phải trả cho bà Tr tiền lãi là 1,125%/tháng số tiền chậm trả tại thời điểm trả nợ".Nhưng đoạn dưới liền kề ghi: "Kể từ thời điểm các đương sự thỏa thuận và bà Dương Thị Thu Tr có đơn yêu cầu thi hành án mà bà Hồ Thị Như L chưa trả đủ số tiền nêu trên thì bà Hồ Thị Như L còn trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà Nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán".Tuyên như vậy, bà L phải trả lãi suất chậm thi hành án 1,125%/tháng, hay theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà Nước công bố?
Đây là thỏa thuận trái pháp luật, không có cơ sở, không thể thực hiện. Quyết định của Tòa án tuyên không rõ ràng, cụ thể, chính xác. Không đúng thực tế khách quan, không đúng pháp luật, có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người được thi hành án. Làm cho Quyết định của Tòa án không có tính khả thi trên thực tế, khó tổ chức thi hành. Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự, phải căn cứ vào điểm đ khoản 1 Điều 23 luật Thi hành án dân sự có văn bản kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Quyết định công nhận sự thỏa thuận số 60/2014/QĐST-DS ngày 11/7/2014 của Tòa án nhân dân thành phố KT.
Đơn yêu cầu thi hành án đề ngày 07/10/2014, nội dung yêu cầu: Bà L phải trả bà Tr 500.000.000 đồng và lãi suất chậm thi hành án. Vậy, yêu cầu Bà L phải trả bà Tr 500.000.000 đồng lần đầu vào ngày 18/7/2014 hay lần tiếp theo vào ngày 18/9/2014? Về “lãi suất chậm thi hành án”, không liên quan đến nội dung quyết định của Tòa án, nói đúng hơn là không đúng quyết định của Tòa án đã tuyên. Bởi, về lãi suất do chậm trả nợ quyết định của Tòa án không có dòng nào tuyên: “lãi suất chậm thi hành án”, mà tuyên: “Bà L phải trả cho bà Tr tiền lãi là 1,125%/tháng số tiền chậm trả tại thời điểm trả nợ”.Và “Kể từ thời điểm các đương sự thỏa thuận và bà Dương Thị Thu Tr có đơn yêu cầu thi hành án mà bà Hồ Thị Như L chưa trả đủ số tiền nêu trên thì bà Hồ Thị Như L còn trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà Nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán”.
Như đã phân tích, đơn yêu cầu thi hành án của ông H không đúng với quyết định của Tòa án đã tuyên. Trong trường hợp này, căn cứ điểm a khoản 1 Điều 34 Luật Thi hành án dân sự, cơ quan Thi hành án dân sự từ chối nhận đơn và thông báo cho người nộp đơn biết lý do từ chối nhận đơn.
Tuy vậy, cơ quan Thi hành án dân sự đã nhận đơn, ra Quyết định thi hành án và đang tổ chức thi hành.Như vậy, nhận đơn và ra Quyết định thi hành án đã đúng pháp luật qui định?
Trên đây là nhận thức của người viết về một quyết định của Tòa án đang được cơ quan Thi hành án dân sự tổ chức thi hành, hiện đang vấp phải những khó khăn, phức tạp, chưa giải quyết được. Rất mong nhận được sự trao đổi của quí độc giả, nhất là những người làm công tác Thi hành án dân sự.
Thay lời kết: Đọc bài “Bài học về công tác thi hành án dân sự sau vụ ông Đoàn Văn Vươn”, tôi rất tâm đắc về những kinh nghiệm bài viết đã nêu. Nhưng cũng boăn khoăn, trăn trở. Thực tiễn thi hành án dân sự cho thấy, có nhiều Bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ hoặc kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án, có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; dư luận không đồng tình, ủng hộ,gây khó khăn cho việc thi hành án. Tuy vậy, kể từ ngày thành lập cơ quan Thi hành án dân sự đến nay, chưa được cơ quan nào tổng kết đã có mấy bản án, quyết định của Tòa án đã được cơ quan Thi hành án dân sự “yêu cầu bằng văn bản gửi Tòa án đã ra bản án, quyết định giải thích” hoặc có “văn bản kiến nghị với người có thẩm quyền xem xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật đang tổ chức thi hành”, theo quy định của pháp luật. Kết quả giải quyết của Tòa án đối với văn bản của cơ quan Thi hành án dân sự.
Phạm Công Ý
Cục thi hành ná dân sự tỉnh Kon Tum