Nỗi khó khăn của cơ quan thi hành án
Thực tiễn trong những biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự theo quy định tại điều 71 Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì áp dụng biện pháp cưỡng chế theo khoản 5 điều này cho trường hợp cưỡng chế giao nhà theo điều 115 và chuyển giao quyền sử dụng đất theo điều 117 là một trong những biện pháp cưỡng chế phức tạp và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nhất trong giai đoạn tổ chức thi hành của chấp hành viên. Tuy nhiên, cho dù khó khăn thì trách nhiệm của chấp hành viên, cơ quan thi hành án vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước đã giao. Đơn cử như vụ cưỡng chế vào ngày 28/10/2016, Chi cục thi hành án dân sự Tp Tuy Hòa đã tổ chức một vụ cưỡng chế giao nhà cho người mua trúng đấu giá rất phức tạp và khó khăn trong năm 2016. Căn cứ theo Quyết định số 04/QĐ-KDTM- ST ngày 05/5/2015 của Toà án nhân dân thành phố Tuy Hòa, Phú Yên và đơn yêu cầu thi hành án, Chi cục đã ra Quyết định thi hành án số 1358/QĐ-CCTHADS ngày 14/8/2015 về thi hành khoản: “Buộc ông Diệp Tư cường phải trả nợ cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Phú Yên số tiền 3.736.443.167đ và tiếp tục trả lãi trên dư nợ gốc còn lại phát sinh theo hợp đồng tín dụng số 01/2012/THINGAN ngày 14/12/2012.
Nếu ông Diệp Tư Cường không trả nợ thì Ngân hàng TNCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Phú Yên được quyền yêu cầu phát mãi tài sản thế chấp để thu hồi nợ là nhà và đất tại số 46 Lê Lợi, phường 3, TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số BA709553 do UBND thành phố Tuy Hòa cấp ngày 20/9/2011 vào sổ số CH00204”.
Ở giai đoạn cưỡng chế kê biên đã là khó khăn và phức tạp rồi đến giai đoạn xử lý tài sản kê biên gặp nhiều cản trở, xử lý bán tài sản xong tưởng chừng đến hồi kết thúc mang lại kết quả thi hành án. Song lại càng rắc rối thêm không giao được tài sản bán đấu giá, phát sinh nhiều đơn, thư khiếu nại từ mọi phía của đương sự, của công dân…
Phối hợp nhịp nhàng dẫn đến sự thành công trong cưỡng chế thi hành án dân sự
Sau khi kê biên, xử lý xong tài sản và người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền nhưng người phải thi hành án không chịu giao tài sản. Lý do, trong thời gian chuẩn bị giao tài sản bán đấu giá thì có Quyết định Giám đốc thẩm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hủy Quyết định số 04/QĐ-KDTM- ST ngày 05/5/2015 của Toà án nhân dân thành phố Tuy Hòa, để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm. Chính vì thế mà làm cho hành vi của người phải thi hành án thêm bức xúc và sự chống đối quyết liệt hơn. Đó là sự tồn đọng và bế tắc mà lâu nay trong hệ thống thi hành án dân sự đã gặp phải đơn, thư khiếu nại, tố cáo xảy ra từ người mua được tài sản bán đấu giá, không giao được tài sản… thì hiện nay vướng mắc đó đã được tháo gỡ bỡi cơ chế thoáng và hợp lý của Luật thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014, quy định cụ thể tại Điều 103 “Trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền mua tài sản bán đấu giá nhưng bản án, quyết định bị kháng nghị, sửa đổi hoặc bị hủy thì cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục giao tài sản, kể cả thực hiện việc cưỡng chế thi hành án để giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp kết quả bán đấu giá bị hủy theo quy định của pháp luật hoặc đương sự có thỏa thuận khác” để tiến hành các trình tự thủ tục giao tài sản cho người mua trúng đấu giá thành, nhằm bảo vệ quyền lợi cho họ theo quy định pháp luật. Chi cục thi hành án vẫn phải vận dụng cả Công văn số 1075/TCTHADS-NV1 ngày 07/4/2016 của Tổng cục Thi hành án dân sự hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án, ra quyết định giao tài sản cho người mua trúng đấu giá tài sản thi hành án và có văn bản xin ý kiến chỉ đạo của Cục thi hành án dân sự tỉnh, sau đó mới tổ chức họp liên ngành và Ban chỉ đạo đều thống nhất tiến hành cưỡng chế đạt kết quả cao. Trong thành công đó, có vấn đề đổi mới về thể chế, sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Cục thi hành án dân sự tỉnh Phú Yên, Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa-Trưởng ban chỉ đạo thi hành án dân sự và sự đồng thuận, phối hợp nhịp nhàng,đầy trách nhiệm của chính quyền địa phương, các cơ quan hữu quan, lực lượng công an TP Tuy Hòa, luôn sẵn sàng bảo vệ cưỡng chế. Tính chất vụ cưỡng chế xét về vi mô khá phức tạp có gần 40 người tham gia vụ cưỡng chế, Kết thúc là sự thành công và đem lại niềm tin trong nhân dân đối với ngành thi hành án dân sự và đội ngũ chấp hành viên.
Bên cạnh đó, nhìn từ thực tiễn áp dụng biện pháp cưỡng chế giao nhà là rất phức tạp và khó khăn hơn khi gặp phải trường hợp cưỡng chế giao nhà theo Bản án tuyên mà pháp luật về lĩnh vực thi hành án dân sự không có quy định hỗ trợ tiền thuê nhà hoặc tạo điều kiện cho người phải thi hành án có nơi ở mới. Chính vì thế, chấp hành viên thực hiện nhiệm vụ cưỡng chế này rất băn khoăn và vướng mắc. Chấp hành viên phải vận dụng sáng tạo phương pháp vận động thuyết phục, giải quyết hợp lý, hợp tình và phù hợp quy định pháp luật mới thành công.
Để được hoàn thành nhiệm vụ chung của nhà nước, bảo vệ kịp thời quyền, lợi ích hợp pháp cho cá nhân, tổ chức thì luôn có sự phối hợp nhịp nhàng và đồng thuận của cả hệ thống chính trị địa phương thì tất nhiên sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hơn trong công tác thi hành án dân sự.
Lê Lanh- Chi cục thi hành án dân sự Tp Tuy Hòa, Phú Yên