Thực hiện pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự của cơ quan thi hành án dân sự

11/09/2017
Để bảo đảm các bản án, quyết định của Toà án được tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân thì vấn đề nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật trong thi hành án dân sự nói chung, thực hiện pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự nói riêng có ý nghĩa quan trọng và là đòi hỏi khách quan; nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. 


Về mặt lý luận có thể thấy thực hiện pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự là quá trình hoạt động có mục đích nhằm làm cho các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự được thực hiện trong thực tế cuộc sống, trở thành những hoạt động thực tế, hợp pháp của các chủ thể pháp luật liên quan; qua đó bảo đảm các bản án, quyết định của Tòa án về dân sự được thi hành một cách nghiêm chỉnh. Trong phạm vi bài viết này, tác giả đề cập đến việc thực hiện các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực thi hành án dân sự của cơ quan thi hành án dân sự các cấp.
1. Thực hiện các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự của cơ quan thi hành án dân sự
Thực hiện pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự là thực hiện pháp luật trong một lĩnh vực cụ thể. Các chủ thể vừa phải thực hiện các quy định pháp luật khung về giải quyết khiếu nại, tố cáo, vừa phải thực hiện các quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong các văn bản pháp luật chuyên ngành thi hành án dân sự. Cơ chế thực hiện pháp luật về giải quyết khiếu nại trong thi hành án dân sự rõ ràng, cụ thể, chặt chẽ hơn so với cơ chế thực hiện pháp luật về giải quyết khiếu nại trong một số lĩnh vực khác.
Thực hiện pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sựlà hoạt động tuân theo trình tự thủ tục chặt chẽ được quy định tại Luật Thi hành án dân sự, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự, Thông tư số 02/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định quy trình giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sựvà pháp luật về khiếu nại, tố cáo, cụ thể:
+ Một là, về thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự phải tuân theo quy định cụ thể tại Điều 143 và Điều 157 Luật Thi hành án dân sự
Theo quy định tại Điều 143 Luật Thi hành án dân sự, trong hệ thống cơ quan thi hành án dân sự do Bộ Tư pháp quản lý có 4 chức danh có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo là: (1) Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện (Chi Cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện); (2) Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh (Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh), (3) Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp (Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự) và (4) Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Theo quy định trên thì thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong thi hành án dân sự chỉ là người có thẩm quyền chứ không bao gồm cả cơ quan, tổ chức như quy định trong Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo. Một điểm khác nữa về thẩm quyền so với quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo là trong lĩnh vực thi hành án dân sự, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chỉ có quyền giải quyết khiếu nại về quyết định, hành vi của cấp dưới chứ không có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi của chính mình; thẩm quyền này thuộc về thủ trưởng cơ quan cấp trên.
Điều 157 Luật Thi hành án dân sự quy định người bị tố cáo thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức nào thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó có trách nhiệm giải quyết. Quy định này cho thấy, tố cáo trong thi hành án dân sự có sự khác biệt so với Luật Tố cáo năm 2011. Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Tố cáo năm 2011, “Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó giải quyết”. Theo quy định của Luật Thi hành án dân sự thì Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự giải quyết tố cáo đối với Phó Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự giải quyết tố cáo đối với Phó Cục trưởng Cục thi hành án dân sự. Có sự khác biệt trên là do hoạt động thi hành án là hoạt động tư pháp, các hoạt động của Thủ trưởng cơ quan thi hành án, Chấp hành viên cơ quan thi hành án đều được giám sát bởi Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án đồng thời là Chấp hành viên, thực hiện các chức năng nhiệm vụ của Chấp hành viên. Mặt khác, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án thuộc thẩm quyền quản lý của người đứng đầu cơ quan đó nên người đứng đầu cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết tố cáo.
Việc áp dụng đúng các quy định của pháp luật về thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự không những nhằm bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà còn bảo đảm cho quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo được khách quan, tránh tình trạng khiếu nại, tố cáo tràn lan, hoặc đùn đẩy trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo …
+ Hai là, về trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo phải tuân theo các quy định mang tính chất khung trong Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, đồng thời phải áp dụng đúng các quy định cụ thể tại các điều từ Điều 143 đến Điều 158 Luật Thi hành án dân sự, Điều 38 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự và Thông tư số 02/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định quy trình giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự. Đây là những quy định pháp luật quan trọng nhất, mang tính trung tâm trong cả hệ thống quy phạm pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự. Bao gồm các quy định về hoạt động cụ thể của quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo (như đối thoại với đương sự, xác minh, giám định, kết luận, ra quyết định giải quyết kiếu nại, kết luận nội dung tố cáo …); trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại lần đầu và lần hai; trình tự thủ tục giải quyết tố cáo, xem xét lại Kết luận nội dung tố cáo của cấp dưới;  thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo … Gắn liền đó là quyền và nghĩa vụ cụ thể của người khiếu nại, tố cáo người bị khiếu nại, tố cáo, người giải quyết khiếu nại, tố cáo và cá nhân, tổ chức có liên quan. 
2. Những kết quả đạt được từ thực tiễn thực hiện các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan thi hành án dân sự
Thực tiễn thực hiện pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự ở Việt Nam thời gian qua, nhất là những năm gần đây cho thấy công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo có nhiều chuyển biến tích cực và dần đi vào nền nếp. Một số lượng không nhỏ đơn thư khiếu nại, tố cáo đã giải quyết kịp thời được,  chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo được nâng lên; nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, gay gắt, kéo dài đã được giải quyết dứt điểm. Các văn bản pháp luật có liên quan tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày càng đầy đủ hơn; tổ chức chuyên trách giúp thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo từng bước được hình thành từ trung ương đến cấp tỉnh. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức thực hiện và thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân ngày càng được quan tâm, chú trọng.  
Năm 2016, toàn Hệ thống Thi hành án dân sự đã tiếp nhận 8.822 đơn (bao gồm 7.559 đơn khiếu nại và 1.263 đơn tố cáo), giảm 303 đơn so với năm 2015. Trong đó, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tổng cục là 96 việc (09 việc tố cáo, 87 việc khiếu nại), đã giải quyết được 92/96 vụ việc đạt tỷ lệ 95,83%, tăng 1,83% so với năm 2015, số chuyển sang năm 2017 là 04 việc khiếu nại; thuộc thẩm quyền của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương là 3.517 việc (3.224 việc khiếu nại, 293 việc tố cáo), đã giải quyết xong 3.393 việc/ 3.517 việc thuộc thẩm quyền (3.130 việc khiếu nại, 263 việc tố cáo), đạt tỷ lệ 96,44%, số chuyển sang năm 2017 là 124 việc (có 94 việc khiếu nại và 30 việc tố cáo); đơn trùng và thuộc thẩm quyền của cơ quan khác là 5.209 đơn.
Trong 10 tháng đầu năm 2017, toàn Hệ thống Thi hành án dân sự đã tiếp nhận 8.417 đơn (bao gồm 7.201 đơn khiếu nại và 1.216 đơn tố cáo). Trong đó, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tổng cục là 79 việc (07 việc tố cáo, 72 việc khiếu nại), đã giải quyết được 79/79 vụ việc đạt tỷ lệ 100%; thuộc thẩm quyền của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương là 2.786 việc (2.533 việc khiếu nại, 253 việc tố cáo), đã giải quyết xong 2.526/2.786 việc (3.890 việc khiếu nại, 450 việc tố cáo), đạt tỷ lệ 94,3%, số chuyển sang kỳ sau là 260 việc (có 221 việc khiếu nại và 39 việc tố cáo); đơn trùng và thuộc thẩm quyền của cơ quan khác là: 5.552 đơn.
Đến nay, các vụ việc phức tạp, kéo dài trong nhiều năm được Lãnh đạo Bộ Tư pháp tiếp công dân đến nay đã giải quyết xong 20 vụ, đang tiếp tục theo dõi, chỉ đạo giải quyết 25 vụ việc. Toàn Hệ thống cơ quan thi hành án dân sự còn 102 vụ việc khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự phức tạp, kéo dài.
Để giúp Thủ trưởng các cơ quan thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo, Tổng cục Thi hành án dân sự đã thành lập Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo; các Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh thành lập Phòng kiểm tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo; các Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện đã quan tâm bố trí cán bộ tiếp công dân và giúp thủ trưởng cơ quan trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.  
Qua nghiên cứu tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự trên phạm vi cả nước thời gian qua cho thấy, hầu hết các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo đều được ban hành đúng thẩm quyền. Nhằm hạn chế việc giải quyết khiếu nại, tố cáo không đúng thẩm quyền, đồng thời cũng để tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo, những năm qua, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan thi hành án dân sự trong cả nước đã rất chú trọng công tác phân loại đơn khiếu nại, tố cáo.
Tại Bộ Tư pháp và Tổng cục thi hành án dân sự, công tác phân loại đơn thư khiếu nại, tố cáo hàng năm đã giúp thống kê việc khiếu nại, tố cáo được chính xác (loại bỏ đơn trùng lắp) và xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết. Đối với những đơn thuộc thẩm quyền giải quyết thì tập trung xác minh, giải quyết; những đơn thuộc thẩm quyền của cơ quan thi hành án dân sự cấp dưới thì chuyển, chỉ đạo giải quyết kịp thời, đồng thời theo dõi kết quả giải quyết và thực hiện chỉ đạo của cấp dưới.
Thực hiện quy định về thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp tại điểm khoản 4 Điều 142 Luật Thi hành án dân sự, thời gian qua Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã trực tiếp chỉ đạo Thanh tra Bộ phối hợp với Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành xác minh, kết luận để trên cơ sở đó Bộ trưởng ký quyết định giải quyết khiếu nại hoặc văn bản trả lời đối với một số trường hợp khiếu nại, tố cáo kéo dài, phức tạp, dư luận quan tâm (mặc dù đã được giải quyết qua hai cấp nhưng đương sự vẫn tiếp tục khiếu nại, tố cáo).
Kết quả kiểm tra công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của Tổng cục Thi hành án dân sự đối với các cơ quan thi hành án dân sự địa phương trong những năm gần đây cho thấy, các cơ quan thi hành án dân sự địa phương thực hiện khá nghiêm túc, đúng quy định pháp luật. Về cơ bản, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo bảo đảm đúng thời hạn theo quy định; các quy định về ban hành quyết định giải quyết khiếu nại được tuân thủ;  công tác thiết lập, quản lý hồ sơ giải quyết khiếu nại, tố cáo được các cơ quan thi hành án dân sự thực hiện khá tốt; công tác báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại về thi hành án dân sự nhìn chung được thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Thực tiễn cũng cho thấy nếu vụ việc xảy ra mà cơ quan thi hành án dân sự địa phương xem xét giải quyết kịp thời và đúng chính sách, pháp luật có lý, có tình thì người dân đồng tình chấp thuận và chấm dứt khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở. Nếu cơ quan thi hành án dân sựđịa phương không giải quyết hoặc giải quyết không đúng thì người dân khiếu nại, tố cáo tiếp lên cấp trên, sự việc sẽ trở lên căng thẳng, phức tạp và khó giải quyết. Do đó, đặt ra yêu cầu đối với cơ quan thi hành án dân sự là cần phải giải quyết nhanh gọn, dứt điểm, đúng pháp luật không để vụ việc dây dưa, kéo dài hay đùn đẩy lên cấp trên (Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp).
3. Một số tồn tại, hạn chế trong giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự
Bên cạnh những kết quả đạt được như trên, tình hình thực hiện pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế. Tình trạng vi phạm về thẩm quyền giải quyết, áp dụng căn cứ pháp luật, thời hạn giải quyết, hình thức văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc công khai quyết định giải quyết khiếu nại, thông báo kết quả giải quyết tố cáo… còn diễn ra ở không ít cơ quan thi hành án dân sự địa phương; số vụ việc khiếu nại, tố cáo chưa giải quyết xong năm trước chuyển sang năm sau còn nhiều; số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo phát sinh mới tuy có xu hướng giảm nhưng vẫn tương đối lớn, nhất là đơn khiếu nại, tố cáo vượt cấp, cụ thể:
Một là, kỹ năng tiếp công dân còn hạn chế:
Công tác tiếp công dân ở một số nơi còn hình thức; vẫn còn không ít cơ quan thi hành án dân sự chưa bố trí được nơi tiếp công dân độc lập, phổ biến là ở cấp huyện. Một số Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự không trực tiếp tiếp công dân định kỳ và đột xuất, chưa gắn việc tiếp công dân với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Một số cán bộ làm nhiệm vụ tiếp công dân chưa ý thức được tầm quan trọng của công tác này, thiếu kỹ năng tiếp công dân, thái độ tiếp công dân chưa phù hợp, ứng xử không đúng mực khi thực hiện nhiệm vụ, để công dân phản ánh, thậm chí ghi âm, ghi hình tố cáo lên cấp trên về thái độ hách dịch khi làm việc tiếp xúc với công dân nên đã gây bức xúc cho người khiếu nại, tố cáo. Kỹ năng ứng xử, thái độ giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa phù hợp dẫn đến tình trạng công dân bức xúc với việc giải quyết của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương, tiếp tục đến Tổng cục và Bộ Tư pháp để khiếu nại, tố cáo.
Hai là, tồn tại, hạn chế trong việc phân loại, xử lý đơn
- Công tác phân loại đơn, thư còn nhiều thiếu sót, hạn chế; kỹ năng xử lý đơn thư đầu vào của cán bộ làm công tác này còn lúng túng. Đơn khiếu nại, tố cáo nhưng lại được phân loại thành đơn kiến nghị, phản ánh dẫn đến số liệu thống kê về tình hình xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa chính xác.
- Đương sự tố cáo nhưng lại xác định nội dung đơn là khiếu nại và giải quyết theo trình tự khiếu nại là không phù hợp với quy định tại điểm a, điểm c khoản 2 Điều 140 Luật Thi hành án dân sự.
Ba là, tồn tại, hạn chế trong thực hiện pháp luật về thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo:
Mặc dù Luật thi hành án dân sự (tại Điều 142, Điều 157) quy định rất rõ về thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự. Tuy nhiên quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo ở các cơ quan thi hành án dân sự địa phương vẫn xảy ra tình trạng vi phạm về thẩm quyền giải quyết, biểu hiện ở 5 dạng sau:
- Dạng thứ nhất: Thay vì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo thì Chấp hành viên bị khiếu nại, tố cáo lại ký công văn trả lời khiếu nại, tố cáo. Việc này không những vi phạm về thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo mà còn vi phạm cả hình thức văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo và nội dung giải quyết cũng không đảm bảo tính khách quan. Tương tự, còn có một tình trạng vi phạm khá phổ biến là Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo đối với những nội dung khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền thuộc trường hợp phải thụ lý giải quyết mà thay vào đó ban hành công văn trả lời khiếu nại, tố cáo.
- Dạng thứ hai: Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thụ lý, giải quyết cả những nội dung đương sự, công dân không khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự.
- Dạng thứ ba: Thụ lý giải quyết khiếu nại khi vụ việc đã hết thời hiệu khiếu nại; thụ lý giải quyết đối với khiếu nại của người không có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án, vi phạm quy định tại Điều 140 Luật Thi hành án dân sự; người khiếu nại không cung cấp giấy tờ chứng minh việc đại diện hợp pháp của minh theo khoản 1, 3 Điều 141 Luật Thi hành án dân sự.
- Dạng thứ tư: Giải quyết khiếu nại không đúng thẩm quyền, vi phạm quy định tại Điều 142 Luật Thi hành án dân sự như Cục Thi hành án dân sự giải quyết khiếu nại lần đầu đối với khiếu nại các quyết định, hành vi của Chấp hành viên Chi cục; giải quyết khiếu nại lần 2 đối với khiếu nại quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án.
Những trường hợp vi phạm thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo như trên ở các cơ quan thi hành án dân sự địa phương không nhiều nhưng cần phải được chấn chỉnh bởi hậu quả của việc giải quyết không đúng thẩm quyền, trái pháp luật là việc giải quyết khiếu nại, tố cáo sẽ phải thực hiện lại, là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo tràn lan, kéo dài.   
Bốn là, tồn tại, hạn chế trong thực hiện pháp luật về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo:
- Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo có biểu hiện nể nang, lòng vòng, né tránh, giải quyết lần một thiếu trách nhiệm, giải quyết cho xong, đùn đẩy cho cơ quan cấp trên giải quyết lần hai.
- Không giải quyết và chỉ đạo giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở dẫn đến đương sự khiếu nại, tố cáo vượt cấp đến Tổng cục với số lượng lớn, cụ thể: 10 tháng đầu năm 2017, Tổng cục Thi hành án dân sự tiếp nhận 3.817 đơn, tương đương 1.444 việc. Nhiều địa phương có đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp và Tổng cục Thi hành án dân sựcó Phiếu chuyển đơn, văn bản hướng dẫn, công văn đôn đốc, chỉ đạo, yêu cầu giải quyết. Số lượng vụ việc Tổng cục Thi hành án dân sự chấp nhận toàn bộ việc khiếu nại của đương sự có chiều hướng gia tăng (có 08 việc), tăng 05 việc so với năm 2016.
-  Vi phạm quy định về trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo như: vi phạm thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo; xác định đối tượng bị khiếu nại, hành vi bị khiếu nại, tố cáo không chính xác; vi phạm quy định về xử lý tố cáo trong trường hợp người tố cáo rút tố cáo; khiếu nại, tố cáo của đương sự là có cơ sở nhưng khi giải quyết khiếu nại, tố cáo áp dụng pháp luật không đúng, không nghiên cứu đầy đủ, toàn diện hồ sơ thi hành án và các tài liệu có liên quan; không tổ chức xác minh, đối thoại hoặc trưng cầu giám định khi cần thiết dẫn đến kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo không khách quan, chưa đúng pháp luật, đương sự bức xúc khiếu nại, tố cáo tiếp; giải quyết khiếu nại chưa đầy đủ, không đúng nội dung khiếu nại của đương sự; thực hiện không đúng, không đầy đủ quy định về thiết lập hồ sơ giải quyết khiếu nại, tố cáo... Thực tế, có không ít vụ việc khi Tổng cục thi hành án dân sự giải quyết lại đã hủy, sửa đổi kết quả đã giải quyết.  
- Chậm khắc phục sai phạm và tổ chức thực hiện các Quyết định giải quyết khiếu nại, Kết luận tố cáo đã có hiệu lực. Một số địa phương chưa chủ động, kịp thời áp dụng pháp luật để khắc phục những sai phạm, thiếu sót đã được phát hiện qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các Quyết định giải quyết khiếu nại, Kết luận nội dung tố cáo còn nhiều hạn chế. Thậm chí, Thủ trưởng một số cơ quan thi hành án dân sự còn có biểu hiện chưa nghiêm khắc đối với những cán bộ, Chấp hành viên và công chức có sai phạm trong quá trình tổ chức thi hành án, giải quyết khiếu nại, tố cáo dẫn đến tình trạng công dân bức xúc, khiếu nại gay gắt, kéo dài, vượt cấp hoặc chuyển từ khiếu nại sang tố cáo, làm cho vụ việc càng phức tạp hơn.  
- Chưa thực hiện công bố quyết định giải quyết khiếu nại theo lần hai theo khoản 2 Điều 14 Thông tư  02/2016/TT-BTP ngày  01 tháng  02  năm 2016 của Bộ Tư pháp quy định quy trình giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự1.
4. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế
Tồn tại, hạn chế trong thực hiện pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự xuất phát từ những nguyên nhân chủ yếu sau đây:
* Nguyên nhân khách quan:
Một là, pháp luật về thi hành án dân sự còn chồng chéo, mâu thuẫn, thủ tục thi hành án dân sự rườm rà, phức tạp. Các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự vẫn còn khá nhiều bất cập. Thực tiễn hiện nay cho thấy công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do có những vấn đề pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự chưa quy định, cụ thể:
- Chưa quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với một số trường hợp như: người bị khiếu nại, tố cáo đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án là những người nào; cơ chế giải quyết đối với quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật không thuộc khoản 2 và khoản 3 Điều 142 Luật Thi hành án dân sự; cơ chế giải quyết đối với khiếu nại về trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại; quy định trình tự, thủ tục ra Thông báo chấm dứt khiếu nại, tố cáo và Thông báo không thụ lý đối với vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài về thi hành án dân sự đã được giải quyết đúng  pháp luật, thấu tình, đạt lý; biểu mẫu, sổ theo dõi công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa đầy đủ…
Hai là, một số địa phương có lượng vụ việc thi hành án nhiều nên Chấp hành viên, cán bộ thi hành án rơi vào tình trạng quá tải công việc, dẫn đến chậm trễ trong việc tổ chức thi hành án, do đó quyền lợi của người được thi hành án không được đảm bảo, phát sinh khiếu nại, tố cáo. Mặt khác, cũng vì quá tải công việc nên việc xác minh theo đơn khiếu nại, tố cáo và nghiên cứu nội dung vụ việc khiếu nại, tố cáo của Thẩm tra viên, cán bộ thi hành án chưa đảm bảo chất lượng, dẫn đến hạn chế trong tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Ba là, biên chế của các cơ quan thi hành án dân sự hạn chế nên việc phân công bộ phận, công chức làm công tác tiếp công dân gặp khó khăn, đặc biệt, một số địa phương có lượng án nhiều, giá trị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, ... Ở một số địa phương (nhất là cấp huyện) cán bộ, công chức làm công tác tiếp dân còn kiêm nhiệm nên quá trình thụ lý, xác minh, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa chuyên nghiệp. Lực lượng cán bộ trực tiếp tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo trong các cơ quan Thi hành án còn mỏng: ở Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc Tổng cục thi hành án dân sự và Phòng Kiểm tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc các Cục thi hành án dân sự địa phương tuy được ưu tiên phân bổ chỉ tiêu biên chế nhưng hầu như đều chưa tuyển đủ theo chỉ tiêu, nhất là ở các địa phương.
Bốn là, các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài trong nhiều năm, trong khi điều kiện kinh tế, xã hội và các quy định của pháp luật liên quan có nhiều thay đổi dẫn đến khó khăn cho việc giải quyết; Có nhiều vụ việc án tuyên không rõ hoặc phải chờ kết quả giải quyết của Tòa án, chờ trả lời của cơ quan có thẩm quyền hoặc có quan điểm khác nhau giữa các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương, địa phương và giữa các ban ngành có liên quan.
Năm là, cơ sở vật chất phục vụ cho việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự chưa đáp ứng được nhu cầu đặt ra, nhất là vấn đề bố trí phòng tiếp công dân ở các cơ quan thi hành án dân sự địa phương cấp huyện.
* Nguyên nhân chủ quan:
- Nghiệp vụ tổ chức thi hành án của Chấp hành viên còn hạn chế dẫn đến khi thực hiện việc cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản; cưỡng chế giao tài sản bán đấu giá bị khiếu nại, tố cáo nhiều, có chiều hướng ngày càng phức tạp. Thống kê đến 16/8/2017[2], toàn quốc có 488 vụ việc khiếu nại, tố cáo quyết định, hành vi cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản; 116 vụ việc khiếu nại, tố cáo quyết định, hành vi cưỡng chế giao tài sản của Chấp hành viên.
- Có nhiều sai phạm, thiếu sót trong quá trình tổ chức thi hành án, thậm chí là sai phạm nghiêm trọng, khó khắc phục, gây thiệt hại cho Nhà nước và công dân. Do năng lực, trình độ Chấp hành viên, Thủ trưởng cơ quan thi hành án chưa đồng đều thì còn có hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực, lợi dụng việc thi hành án để trục lợi, … dẫn đến bức xúc của đương sự. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản  làm phát sinh khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài trong thời gian vừa qua.
- Có hiện tượng bắt tay giữa Chấp hành viên với tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá tài sản; có một số vụ việc đương sự khiếu nại, tố cáo Chấp hành viên câu kết với tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá tài sản.  
- Còn tình trạng người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo nể nang, lòng vòng khi giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thậm chí, Thủ trưởng một số cơ quan thi hành án dân sự còn có biểu hiện xử lý chưa nghiêm khắc đối với những cán bộ, Chấp hành viên và công chức có sai phạm trong quá trình tổ chức thi hành án.
- Công tác tuyên truyền pháp luật thi hành án dân sự nói chung, pháp luật về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự nói riêng chưa được các cơ quan thi hành án dân sự thực sự chú trọng. Một số địa phương chưa thực hiện tốt công tác tiếp công dân, tổ chức đối thoại với đương sự, Thủ trưởng cơ quan thi hành án không trực tiếp tiếp dân mà ủy quyền cho cấp dưới tiếp dân.
- Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chưa nhận thức đúng tầm quan trọng nên chưa quan tâm kiện toàn, củng cố bộ phận làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; không bố trí cán bộ có năng lực, kinh nghiệm thực tiễn làm công tác này; Không chủ động giải quyết dứt điểm các vụ việc có khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở; chưa quyết liệt trong chỉ đạo, đôn đốc tổ chức thi hành án đối với các vụ việc loại này. Buông lỏng, không kiểm tra việc thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận tố cáo, các kết luận kiểm tra; việc xử lý kỷ luật các sai phạm còn chưa nghiêm.
- Nhận thức của một số Chấp hành viên, cán bộ công chức thi hành án dân sựvề ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chưa đầy đủ; trình độ năng lực của một số cán bộ trực tiếp làm công tác tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo ở các cơ quan thi hành án dân sựcòn hạn chế.
- Bên cạnh đó, cấp ủy Đảng, chính quyền ở một số địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức đến việc chỉ đạo công tác thi hành án dân sự ở địa phương, trong đó có công tác giải quyết khiếu nại về thi hành án dân sự. Trong một số trường hợp giải quyết khiếu nại, các cơ quan hữu quan còn thiếu sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả thậm chí đùn đẩy, né tránh trách nhiệm giải quyết khiếu nại.
- Về ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận đương sự còn thấp, nhiều trường hợp hiểu rõ khiếu nại, tố cáo của mình là thiếu căn cứ pháp luật nhưng vẫn cố tình khiếu nại, tố cáo để kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ thi hành án của mình hoặc gây rối, cản trở quá trình thi hành án, khiến cho bản án, quyết định của tòa án chậm được thi hành. Trong khi đó, pháp luật mới chỉ có chế tài đối với hành vi cố tình tố cáo sai sự thật (vu cáo), còn đối với hành vi cố tình khiếu nại không có căn cứ để trì hoãn thi hành án hoặc gây rối quá trình thi hành án thì chưa có biện pháp hữu hiệu để xử lý.
5. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan thi hành án dân sự các cấp
- Thời gian qua, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo đảm thực hiện pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự, cụ thể là:
+ Ban hành Thông tư số 02/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định quy trình giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự và pháp luật về khiếu nại, tố cáo, tạo cơ sở pháp lý giúp Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan thi hành án dân sựđịa phương tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự; thống nhất thực hiện việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đối với đơn khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự.
+ Để nhận diện, tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự đã ban hành Quyết định số 1397/QĐ-TCTHADS ngày 30/12/2016 quy định về tiêu chí xác định các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; xây dựng kế hoạch chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sựđịa phương rà soát, giải quyết và định kỳ hoặc đột xuất báo cáo Lãnh đạo Tổng cục, Lãnh đạo Bộ kết quả giải quyết các vụ việc này.
+ Đối với các vụ việc mà công dân đã được Lãnh đạo Bộ Tư pháp tiếp, Tổng cục trưởng Tổng cục thi hành án dân sự đã ban hành Quyết định số 112/QĐ-TCTHADS ngày 23/01/2017 về việc thành lập Tổ rà soát, tham mưu giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự được Lãnh đạo Bộ Tư pháp tiếp công dân; ban hành Kế hoạch số 449/KH-TCTHADS ngày 09/02/2017 nhằm tập trung giải quyết dứt điểm vụ việc.
- Để công tác này đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới, Tổng cục Thi hành án dân sự tiếp tục thực hiện một số giải pháp nhằm bảo đảm thực hiện pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự, cụ thể là:   
+ Tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự, gắn với hoàn thiện thể chế về công tác thi hành án dân sự và đổi mới quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo. Vì nếu thể chế về công tác thi hành án dân sự có bất cập sẽ là một trong những nguyên nhân làm hạn chế hiệu quả công tác này, từ đó khiếu nại, tố cáo khó giải quyết dứt điểm được, thậm chí có thể tiếp tục phát sinh. Trước mắt, cần nghiên cứu chế định xử lý kiên quyết đối với những trường hợp lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để kích động, gây rối; trường hợp đã được người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo giải quyết dứt điểm, đúng quy định pháp luật nhưng vẫn tiếp tục khiếu nại, tố cáo đến nhiều cơ quan chức năng ở Trung ương, địa phương, đặc biệt là trường hợp cố tình khiếu nại, tố cáo nhằm kéo dài, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án; quy định các biện pháp chế tài đối với các trường hợp lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo xúc phạm cơ quan và người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là những đối tượng xúi giục công dân thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo.
+ Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự, cụ thể:
Một là, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các vi phạm trong thi hành án dân sựđể hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, thực hiện công tác hậu kiểm việc thực hiện Quyết định giải quyết khiếu nại, Kết luận nội dung tố cáo, Kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ, Kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân các cấp.
Hai là, xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức có sai phạm trong tổ chức thi hành án, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết bồi thường. Lưu ý: Lỗi nhẹ thì bố trí công tác khác; vi phạm nghiêm trọng phải xử lý nghiêm.
Ba là, tăng cường kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ trong nội bộ Ngành thi hành án dân sự về công tác quản lý giải quyết khiếu nại, tố cáo. Quy định cụ thể hơn về chế độ quản lý cán bộ của Ngành thi hành án dân sự và cơ chế xử lý kiên quyết đối với những trường hợp cố tình vi phạm pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, động viên khuyến khích, khen thưởng kịp thời đối với những cơ quan, cá nhân thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự; nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo để áp dụng chung.
+ Thực hiện công quyết định giải quyết khiếu nại theo lần hai theo khoản 2 Điều 14 Thông tư  02/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp quy định quy trình giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự.
+ Tăng cường công tác tiếp công dân, tổ chức đối thoại với đương sự, từ ngày 01/10/2017, Thủ trưởng cơ quan thi hành án phải trực tiếp tiếp dân, hạn chế việc ủy quyền cho cấp dưới.
+ Tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật nói chung và pháp luật về thi hành án dân sựnói riêng để người dân hiểu và chấp hành pháp luật.
- Thường xuyên tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ thi hành án dân sự và giải quyết khiếu nại, tố cáo để nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực của Thủ trưởng và công chức các cơ quan thi hành án dân sự về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự nói riêng.
+ Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, huy động sức mạnh của hệ thống chính trị tham gia vào công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự. Các cấp ủy đảng, trước hết là cấp ủy các tổ chức đảng trong hệ thống cơ quan thi hành án dân sự, tiếp đó là cấp ủy đảng ở địa phương phải quan tâm lãnh đạo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự, coi đây là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và cần thiết trong công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị; góp phần đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, ổn định tình hình để phát triển kinh tế - xã hội địa phương và toàn quốc.
+ Đối với các yêu cầu, kiến nghị của Ủy ban Tư pháp và các Đoàn Đại biểu Quốc hội, Tổng cục Thi hành án dân sự tiếp tục chỉ đạo cơ quan thi hành án dân sự địa phương kịp thời xem xét, trả lời các đơn của cử tri do Đại biểu Quốc hội chuyển. Cơ quan thi hành án dân sự giải quyết vụ việc đảm bảo dân chủ, khách quan, đầy đủ, kịp thời và đúng trọng tâm. Tăng cường quan hệ phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội với các cơ quan Tư pháp. Các cơ quan thi hành án dân sự cần phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương mình, thường xuyên rà soát kết quả giải quyết đơn thư do Đại biểu Quốc hội chuyển đến; kịp thời giải quyết dứt điểm các vụ việc có đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, các Cơ quan Tư pháp định kỳ báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị do Đại biểu Quốc hội chuyển.
+ Kiến nghị Ủy ban Tư pháp và các Đoàn Đại biểu Quốc hội tăng cường đôn đốc, theo dõi, giám sát cơ quan thi hành án dân sự các cấp trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, các yêu cầu, kiến nghị. Bên cạnh đó, các Đại biểu Quốc hội tăng cường hướng dẫn, giúp đỡ công dân thực hiện đúng quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo; gửi đơn khiếu nại, tố cáo đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
+ Phát huy vai trò giám sát của các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc các cấp đối với công tác thi hành án dân sự nói chung, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự nói riêng. Nâng cao vai trò giám sát thực hiện pháp luật về thi hành án dân sự, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự của Hội đồng nhân dân các cấp. Đổi mới hình thức giám sát của Hội đồng nhân dân, việc giám sát không chỉ dừng lại ở việc chất vấn tại các kỳ họp mà khi cần thiết thì các ban của Hội đồng nhân dân yêu cầu các cơ quan thi hành án dân sự giải trình những vi phạm trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự. Có như vậy, công tác giám sát hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự S mới được thường xuyên, kịp thời và hiệu quả.    
+ Đề nghị nghị cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, chỉ đạo phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị ở địa phương trong giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài.  
+ Kiến nghị Viện kiểm sát nhân dân các cấp cũng cần từng bước đổi mới phương thức kiểm sát hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự. Công tác kiểm sát không chỉ tập trung vào kiểm sát hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo của Thủ trưởng các cơ quan thi hành án dân sự các cấp, mà còn cần phải chú ý đến việc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự.
+ Tăng cường công tác phối hợp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự. Thực tế cho thấy, để giải quyết dứt điểm, thấu tình, đạt lý một số vụ khiếu nại, tố cáophức tạp, kéo dài trong thời gian qua luôn cần phải có sự phối hợp giải quyết của nhiều ban, ngành, đoàn thể. Trong thời gian tới, vấn đề tăng cường sự phối hợp liên ngành trong quá trình giải quyết khiếu nại là một giải pháp quan trọng và rất cần thiết. Trong mối quan hệ phối hợp ấy, các cơ quan thi hành án dân sự phải giữ vai trò chủ động. Về lâu dài cần phải nghiên cứu xây dựng các quy chế phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể theo cấp hành chính.
+ Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý giải quyết khiếu nại, tố cáo phù hợp với chủ trương cải cách hành chính.
Từ thực tiễn thực hiện pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự nêu trên, có thể thấy trong thời gian qua Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Tư pháp rất quan tâm đến công tác thi hành án dân sự. Cùng với sự quyết liệt vào cuộc của Tổng cục, phối hợp tích cực của các ban ngành có liên quan từ Trung ương đến địa phương và nỗ lực của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương, trong thời gian tới công tác thi hành án dân sựnói chung và công tác giải quyết khiếu nại trong thi hành án dân sự nói riêng sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế. Giảm tối đa tình trạng công dân khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp đến Tổng cục, đề nghị được Lãnh đạo Bộ Tư pháp tiếp dân để phản ánh, khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự. Đưa công tác này đạt kết quả ngang tầm với kết quả tổ chức thi hành án.
Nguyễn Hằng
Vụ Giải quyết Khiếu nại, tố cáo
 
1. “2. Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày ra quyết định giải quyết khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai có trách nhiệm công khai quyết định giải quyết khiếu nại theo một trong các hình thức sau đây:
a) Công bố tại cuộc họp cơ quan nơi người bị khiếu nại công tác;
b) Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc Cổng/Trang thông tin điện tử của cơ quan giải quyết khiếu nại;
c) Niêm yết tại trụ sở làm việc hoặc nơi tiếp công dân của cơ quan ban hành quyết định giải quyết khiếu nại”.
 
2. Theo yêu cầu tại Công văn số 3023/TCTHADS-GQKNTC ngày 15/8/2017