Từ ngày 01/10/2016 - 30/9/2017, tổng số bản án, quyết định Toà án về vụ án hành chính chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự là 132 bản án, quyết định (đã có hiệu lực thi hành). Trong đó, số bản án, quyết định có nội dung theo dõi là 55 vụ (kỳ trước chuyển sang 12 vụ; trong kỳ báo cáo 43 vụ), đã thi hành xong 36 vụ (gồm 26 bản án, 10 quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời), chưa thi hành xong 19 vụ; số bản án, quyết định không có nội dung theo dõi là 77 vụ.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song qua triển khai thực tế, công tác thi hành án hành chính, theo dõi thi hành án hành chính trên địa bàn thời gian qua vẫn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc. Trước hết là trong việc xác định thời hạn tự nguyện thi hành án. Cụ thể Khoản 2 Điều 311 Luật Tố tụng Hành chính năm 2015 quy định: Thời hạn tự nguyện thi hành án được xác định vnười phải thi hành án phải thi hành ngay bản án, quyết định; Người phải thi hành án phải thi hành bản án, quyết định của Tòa án quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều này trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án. Tuy nhiên tại Khoản 2 Điều 14 Nghị định 71 quy định: Khi nhận được bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự phân công Chấp hành viên thực hiện theo dõi việc thi hành án hành chính. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm ra văn bản thông báo về việc tự nguyện thi hành án gửi người phải thi hành án. Nội dung thông báo nêu rõ thời hạn tự nguyện, trách nhiệm tổ chức thi hành án, việc xử lý trách nhiệm nếu không chấp hành án. Đối với bản án, quyết định của Tòa án quy định tại điểm e và điểm g khoản 1 Điều 311 Luật tố tụng hành chính thì phải ra ngay thông báo về việc tự nguyện thi hành án. Do đó, cơ quan thi hành án dân sự khó khăn trong việc theo dõi án hành chính, khó xác định thời hạn tự nguyện thi hành án bắt đầu và kết thúc vào lúc nào vì không biết chính xác thời điểm người phải thi hành án nhận được bản án, quyết định của Toà án.
Bên cạnh đó, việc lập biên bản với người phải thi hành án và đề xuất xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án chậm thi hành án hoặc không chấp hành án cũng tồn tại một số vướng mắc. Cụ thể, Khoản 3 Điều 14 Nghị định 71/2016/NĐ-CP quy định: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định buộc thi hành án hành chính, Chấp hành viên được phân công theo dõi việc thi hành án phải làm việc với người phải thi hành án để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định của Tòa án. Nội dung làm việc phải được lập thành biên bản. Khoản 5 Điều 14 Nghị định này cũng quy định: Cơ quan thi hành án dân sự có văn bản kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Toà án theo quy định của Luật tố tụng hành chính và Nghị định này. Trong các vụ án hành chính phát sinh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, phần lớn người phải thi hành án là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận, huyện nên quá trình theo dõi việc thi hành án hành chính có phần khó khăn cho các cơ quan thi hành án dân sự trong việc thông báo, tống đạt Thông báo tự nguyện thi hành án và lập biên bản về buộc thi hành án hành chính theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 14 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP. Hầu hết các Chấp hành viên đều có tâm lý e ngại trong việc lập biên bản về việc buộc thi hành án hành chính đối với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp hoặc đề nghị xử lý trách nhiệm về việc chậm thi hành án, không chấp hành án hoặc chấp hành không đúng nội dung bản án, quyết định vì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện là Trưởng ban chỉ đạo thi hành án dân sự; Chủ tịch Uỷ ban có ý kiến bằng văn bản về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự; bên cạnh đó, định kỳ hàng tháng, quý, năm, cơ quan thi hành án dân sự phải báo cáo kết quả thi hành án cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.
Một số trường hợp, bản án, quyết định của Toà án tuyên không rõ nên cũng trở thành khó khăn cho việc thi hành án và theo dõi thi hành án hành chính. Ví dụ bản án không tuyên rõ có huỷ bỏ hay không huỷ bỏ quyết định hành chính dẫn đến khó khăn cho việc thi hành án và theo dõi thi hành án hành chính. Trình tự thủ tục tiến hành thi hành án hành chính là chưa được hướng dẫn cụ thể gây khó khăn cho công tác thi hành án. Hiện nay, theo quy định bản án tuyên huỷ toàn bộ hoặc một phần quyết định của cơ quan hành chính nhà nước nhưng chưa hướng dẫn cụ thể về việc thi hành nên dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, như có quan đểm cho rằng quyết định hành chính đã bị xét xử, tuyên huỷ nên phần bị huỷ đương nhiên không có giá trị pháp lý, công dân có quyền lợi nghĩa vụ liên quan phải liên hệ với cơ quan hành chính nhà nước để xem xét, giải quyết quan hệ hành chính lại từ đầu. Tuy nhiên, do có trường hợp sau khi có quyết định hành chính cá biệt đã bị cơ quan toà án huỷ thì cơ quan hành chính nhà nước không có động thái triển khai cụ thể nên lại bị cưỡng chế thi hành án theo trình tự của Nghị định 71. Khi cơ quan Toà án cưỡng chế thi hành án lại ghi lại nội dung huỷ quyết định hành chính nên dẫn đến quan điểm cho rằng người phải thi hành án cần ban hành quyết định hành chính thu hồi, huỷ bỏ quyết định hành chính đã bị Toà án tuyên huỷ.
Ngoài ra, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP không quy định về trình tự thủ tục thi hành đối với Quyết định Kháng nghi giám đốc thẩm, tái thẩm, Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Toà án nhân dân tối cao nên khi nhận được Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Toà án nhân dân tối cao, cơ quan thi hành án dân sự gặp khó khăn trong việc tổ chức thi hành.
Về báo cáo kết quả theo dõi thi hành án hành chính, Khoản 4 Điều 34 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP quy định:định kỳ 6 tháng, hàng năm hoặc đột xuất, UBND cấp tỉnh báo cáo Bộ Tư pháp và cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp với UBND cấp trên trực tiếp về tình hình, kết quả thi hành án hành chính của địa phương. UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản giao Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Thành phố tổng hợp, tham mưu cho UBND Thành phố về báo cáo định kỳ 06 tháng, hàng năm hoặc đột xuất về tình hình, kết quả thi hành án hành chính trên địa bàn thành phố gửi Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, nội dung Bộ Tư pháp yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo (theo yêu cầu tại công văn số 1038/BTP-TCTHADS ngày 29/3/2017 và nội dung Tổng cục yêu cầu Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo (theo yêu cầu tại công văn số 1062/TCTHADS-NV3 ngày 27/3/2017) không thống nhất nên Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh gặp khó khăn trong việc tham mưu, tổng hợp số liệu báo cáo.
Từ những khó khăn, vướng mắc trên, Cục Thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh có một số kiến nghị, đề xuất: Bộ Tư Pháp nghiên cứu, ban hành hướng dẫn chi tiết về trình tự thi hành án hành chính để đảm bảo tính thống nhất.Đề nghị Tổng cục Thi hành án dân sự sớm tổ chức tập huấn về việc theo dõi thi hành án hành chính theo quy định của Luật tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP cho công chức phụ trách công tác thi hành án hành chính của Cục Thi hành án dân sự Thành phố và các Chi cục Thi hành án dân sự quận, huyện và sớm sửa đổi, bổ sung biểu mẫu thống kê, báo cáo về việc theo dõi thi hành án hành chính.
Cẩm Tú