Thi hành án dân sự là lĩnh vực công tác rất khó khăn, phức tạp và nhạy cảm, tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích có tính xung đột lẫn nhau giữa người phải thi hành án với người được thi hành án và với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Vì những lý do khác nhau, người phải thi hành án có thể có thái độ chống đối việc thi hành án bằng mọi cách, thậm chí cả việc tấn công Chấp hành viên và cán bộ thi hành án. Thực tế đã có những trường hợp Chấp hành viên, cán bộ thi hành án bị đương sự chống đối, dùng hung khí tấn công gây thương tích không chỉ ở giai đoạn cưỡng chế thi hành án mà trong cả các quá trình tác nghiệp khác như xác minh, giải quyết việc thi hành án, v.v.
Do vậy, hoạt động của Chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành bản án, quyết định, đặc biệt những vụ việc thi hành án mà có sự chống đối quyết liệt của đương sự thường tiềm ẩn yếu tố nguy hiểm do chính các bên có liên quan trong thi hành án gây ra. Để bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của Chấp hành viên, cán bộ thi hành án trong quá trình thực thi công vụ, nhằm bảo đảm việc tổ chức thi hành án đạt hiệu quả, cũng như bảo đảm giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ tài sản của nhà nước, tài sản công dân, ngăn chặn những hành vi chống đối quyết liệt của đương sự trong những trường hợp cần thiết, Luật THADS năm 2008, sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2014 đã quy định Nhà nước bảo đảm công cụ hỗ trợ thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự.
Khoản 11 Điều 3 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định
“Công cụ hỗ trợ là phương tiện, động vật nghiệp vụ được sử dụng để thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy; bảo vệ người thi hành công vụ, người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hoặc báo hiệu khẩn cấp”.
Việc sử dụng công cụ hỗ trợ thi hành án của Chấp hành viên và cơ quan thi hành án dân sự đã được quy định tại khoản 9 Điều 20; khoản 6 Điều 21 Luật THADS năm 2008, Mục 3 Chương III (từ Điều 74 đến Điều 77) của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/7/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự (Nghị định số 62/2015/NĐ-CP), cụ thể như sau:
Một trong những quyền quan trọng của Chấp hành viên khi sử dụng sức mạnh quyền lực của Nhà nước để tổ chức thi hành bản án, quyết định đó là Chấp hành viên được sử dụng công cụ hỗ trợ trong khi thi hành công vụ (khoản 9 Điều 20 Luật THADS năm 2008). Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Chấp hành viên phải tuân theo pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành án và được pháp luật bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và uy tín. Đồng thời để ngăn chặn, hạn chế việc sử dụng công cụ hỗ trợ sai mục đích, làm ảnh hưởng hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích của đương sự, của nhân dân, khoản 6 Điều 21 Luật THADS năm 2008 cũng đã quy định Chấp hành viên không được sử dụng công cụ hỗ trợ thi hành án để làm những việc không thuộc nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Ngoài ra, việc sử dụng công cụ hỗ trợ thi hành án của Chấp hành viên và cơ quan thi hành án dân sự còn được quy định chi tiết tại Mục 3 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, cụ thể như sau:
Một là, về đối tượng được trang bị, sử dụng công cụ hỗ trợ trong thi hành án dân sự
Khoản 1 Điều 74 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định Cục Thi hành án dân sự, Chi cục Thi hành án dân sự, Phòng Thi hành án cấp quân khu là đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ để cấp cho Chấp hành viên sử dụng theo quy định của pháp luật.
Hai là, về các loại công cụ hỗ trợ được trang bị, sử dụng trong thi hành án dân sự
Các loại công cụ hỗ trợ được trang bị, sử dụng trong thi hành án dân sự được quy định tại khoản 2 Điều 74 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, gồm có:
- Các loại dùi cui điện, dùi cui cao su, găng tay điện;
- Các loại phương tiện xịt hơi cay, chất gây mê;
- Các loại súng dùng để bắn đạn nhựa, đạn cao su, hơi cay, chất gây mê và các loại đạn sử dụng cho các loại súng này.
Ba là, việc lập kế hoạch và trang bị công cụ hỗ trợ thi hành án
Việc lập kế hoạch và trang bị công cụ hỗ trợ thi hành án cho các cơ quan thi hành án dân sự được quy định tại Điều 75 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, cụ thể như sau:
Căn cứ vào các loại công cụ hỗ trợ được trang bị, sử dụng trong thi hành án dân sự được quy định tại khoản 2 Điều 74 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, hàng năm, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự lập kế hoạch trang bị công cụ hỗ trợ cho cơ quan thi hành án dân sự thuộc quyền quản lý trình Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự xem xét, quyết định.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự quyết định số lượng, chủng loại công cụ hỗ trợ trang bị cho cơ quan thi hành án dân sự.
Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự giao công cụ hỗ trợ cho Chấp hành viên sử dụng khi thi hành công vụ. Khi giao công cụ hỗ trợ phải lập danh sách, có phiếu giao nhận của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cho người sử dụng.
Bốn là, việc mua, vận chuyển, sửa chữa, quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ thi hành án
Việc mua, vận chuyển, sửa chữa, quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ thi hành án, được quy định cụ thể tại Điều 76 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, như sau:
- Việc mua, vận chuyển, sửa chữa, quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ được thực hiện theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
- Việc trang bị, mua, vận chuyển, sửa chữa, quản lý công cụ hỗ trợ thi hành án đối với Phòng thi hành án cấp quân khu thực hiện theo quy định của Bộ Quốc phòng.
Năm là, về thanh lý, tiêu hủy công cụ hỗ trợ thi hành án
Điều 77 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định về việc thanh lý, tiêu hủy công cụ hỗ trợ thi hành án như sau:
- Hàng năm, cơ quan thi hành án dân sự phải kiểm tra, phân loại chất lượng từng loại công cụ hỗ trợ được trang bị. Trường hợp công cụ hỗ trợ không còn khả năng sửa chữa, khôi phục thì Cục Thi hành án dân sự tổng hợp các công cụ hỗ trợ cần thanh lý, tiêu hủy của Cục và các Chi cục trực thuộc, đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, phân loại, thanh lý, tiêu hủy công cụ hỗ trợ.
- Việc thanh lý, tiêu hủy công cụ hỗ trợ thực hiện theo quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục, thẩm quyền và kinh phí phục vụ việc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Kết quả thanh lý, tiêu hủy công cụ hỗ trợ của Cục Thi hành án dân sự báo cáo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự để theo dõi.
- Việc thanh lý, tiêu hủy công cụ hỗ trợ thi hành án đối với Phòng thi hành án cấp quân khu thực hiện theo quy định của Bộ Quốc phòng.
Các quy định pháp luật trên có ý nghĩa rất quan trọng, tạo hành lang pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi cho chấp hành viên và cơ quan thi hành án dân sự trong việc sử dụng công cụ hỗ trợ. Việc sử dụng công cụ hỗ trợ trong thời gian qua phần nào đã phát huy tác dụng, mục đích của nó trong việc ngăn chặn sự chống trả của các đương sự, góp phần bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe của Chấp hành viên và công chức trong quá trình tổ chức thi hành án. Tuy nhiên, việc sử dụng công cụ hỗ trợ tại các cơ quan thi hành án dân sự hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, chưa phát huy hết hiệu quả của việc sử dụng các công cụ hỗ trợ trong hoạt động thi hành án dân sự, đặc biệt là những yêu cầu mới, đòi hỏi cao hơn đối với người sử dụng công cụ hỗ trợ trong bối cảnh Quốc hội vừa mới ban hành Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017. Dưới đây là một số hạn chế trong việc sử dụng công cụ hỗ trợ trong lĩnh vực thi hành án dân sự và gợi mở một vài đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tác dụng của việc sử dụng công cụ hỗ trợ trong thời gian tới.
Thứ nhất, việc bảo quản công cụ hỗ trợ:
Việc bảo quản công cụ hỗ trợ tại các cơ quan thi hành án dân sự vẫn còn chưa được thực hiện thống nhất, đa phần các công cụ hỗ trợ được bảo quản tại kho vật chứng của các cơ quan Thi hành án dân sự, nhiều nơi còn chưa có kho vật chứng, và việc quản lý kho vật chứng nói chung, quản lý công cụ hỗ trợ nói riêng còn gặp rất nhiều khó khăn, v.v.
[1] việc bảo quản công cụ hỗ trợ chưa đảm bảo theo các tiêu chuẩn, yêu cầu theo quy định. Theo quy định tại Điều 9, Điều 10 Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 ngày 30 tháng 06 năm 2011 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợUBTVQH12 (đã được sửa đổi bởi pháp lệnh số 07/2013/UBTVQH13 ngày 12/7/2013) thì người được giao bảo quản kho, nơi cất giữ công cụ hỗ trợ phải có chứng chỉ chuyên môn về quản lý công cụ hỗ trợ, chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy; Nắm vững nội quy, chế độ quản lý, bảo quản kho, nơi cất giữ công cụ hỗ trợ. Kho, nơi cất giữ công cụ hỗ trợ phải được thiết kế, xây dựng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn về phòng, chống cháy, nổ và bảo đảm môi trường theo quy định; có nội quy, phương án bảo vệ, phương án phòng, chống cháy, nổ, phương tiện bảo đảm an toàn được cơ quan chủ quản và cơ quan chức năng phê duyệt
[2].
Tại điều 9 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 cũng quy định: Kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phải được bố trí, thiết kế, xây dựng đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, phòng, chống cháy, nổ, bảo đảm môi trường theo quy định; có nội quy, phương án bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy, kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và phương tiện bảo đảm an toàn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Về người được giao quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ: Theo Điều 8 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 thì người được giao quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ bên cạnh các điều kiện về năng lực hành vi dân sự, phẩm chất đạo đức.... phải đáp ứng điều kiện: Đã qua đào tạo, huấn luyện và được cấp chứng chỉ về quản lý vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy, kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ
[3];
Do đó, Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành trong thời gian tới cần phải tiếp tục được sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện có những quy định về quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ và thống nhất về vấn đề bảo quản, quản lý công cụ hỗ trợ trong Thi hành án dân sự phù hợp với các quy định mới của pháp luật về quản lý công cụ hỗ trợ.
Thứ hai, về việc sử dụng công cụ hỗ trợ:
Trong thời gian qua, phần lớn Chấp hành viên và các cơ quan thi hành án dân sự còn chưa được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng đầy đủ các kỹ năng, kỹ thuật để sử dụng các công cụ hỗ trợ một cách hiệu quả. Hiện nay, trước yêu cầu đòi hỏi mới của Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 đã yêu cầu người được giao sử dụng công cụ hỗ trợ ngoài các quy định về năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có phẩm chất đạo đức tốt, đủ sức khỏe phù hợp với công việc được giao; không đang trong thời gian bị áp dụng biện pháp hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, v.v. còn phải đáp ứng điều kiện quan trọng đó là đã qua đào tạo, huấn luyện và được cấp giấy chứng nhận về sử dụng công cụ hỗ trợ. Đây là yêu cầu mới đặt ra cho Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan và Tổng cục Thi hành án dân sự trong thời gian tới, nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu sử dụng công cụ hỗ trợ của cơ quan thi hành án, bảo đảm thực hiện quyền được sử dụng công cụ hỗ trợ hợp pháp và hiệu quả của Chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành án.
Do đó, các cơ quan có liên quan cần sớm có kế hoạch tổ chức các lớp đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ sử dụng công cụ hỗ trợ cho Chấp hành viên các cơ quan thi hành án dân sự để trang bị cho Chấp hành viên những kiến thức cơ bản về cách thức bảo quản công cụ hỗ trợ; tính năng, tác dụng, đặc điểm cấu tạo, kỹ thuật sử dụng các loại công cụ hỗ trợnhư dùi cui điện, dùi cui kim loại, dùi cui cao su, găng tay điện, bình xịt hơi cay, chất gây mê, súng bắn đạn nhựa, đạn cao su, cũng như việc dự liệu, thực hành các tình huống được sử dụng công cụ hỗ trợ, và các tình huống không được sử dụng công cụ hỗ trợ, v.v. nhằm nâng cao tác dụng, hiệu quả của việc sử dụng công cụ hỗ trợ trong thi hành án dân sự. Sau khi đào tạo cần cấp giấy chứng nhận về sử dụng, công cụ hỗ trợ cho Chấp hành viên theo quy định. Đồng thời cũng cần tổ chức các lớp tập huấn về việc quản lý, bảo quản công cụ hỗ trợ cho cán bộ, công chức các cơ quan thi hành án dân sự để việc bảo quản công cụ hỗ trợ được thực hiện theo đúng quy định pháp luật, đáp ứng yêu cầu về bảo quản, quản lý công cụ hỗ trợ trong thi hành án dân sự.
Mặt khác, cần phải tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc sử dụng công cụ hỗ trợ tại các cơ quan thi hành án dân sự, nhằm đảm bảo chất lượng của các công cụ hỗ trợ, chất lượng quản lý công cụ hỗ trợ, kịp thời thu hồi các công cụ hỗ trợ đã cũ, hỏng… để thực hiện việc thanh lý, tiêu hủy theo đúng quy định của pháp luật.
Nâng cao chất lượng quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ trong thi hành án dân sự là yêu cầu cần thiết hiện nay nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của Chấp hành viên để họ yên tâm, hoàn thành nhiệm vụ tổ chức thi hành án theo quy định của pháp luật và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thi hành án dân sự trong tình hình mới.