Theo Quyết định số 721/QĐ-TC THADS ngày 01/7/2016 của Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, từ 15/7/2016 đến 15/02/2017, Cục Thi hành án dân sự và Chi cục Thi hành án dân sự trên địa bàn 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Sơn La, Bắc Giang, Nam Định, Thanh Hóa, Đồng Nai, An Giang, Kiên Giang đã tổ chức thực hiện thí điểm cơ chế một cửa. Với mô hình trên, sau 7 tháng triển khai, theo báo cáo của Bộ Tư pháp, các cơ quan Thi hành án dân sự 12 tỉnh, thành phố đã có 9.558 hồ sơ thủ tục hành chính trong lĩnh vực Thi hành án dân sự được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế này. Đối với cơ chế hỗ trợ trực tuyến, đơn yêu cầu thi hành án sau 7 tháng triển khai thí điểm các cơ quan Thi hành án dân sự đã tiếp nhận và hỗ trợ 11 yêu cầu hỗ trợ trực tuyến đơn yêu cầu thi hành án(2).Tuy số hồ sơ yêu cầu chưa nhiều, nhưng qua khảo sát thì đa phần người dân đều đánh giá cao và rất hài lòng với mô hình này, nhất là với những người dân ở xa cơ quan thi hành án. Quá trình thí điểm cho thấy bức tranh toàn diện về việc triển khai cơ chế một cửa tại các cơ quan Thi hành án dân sự. Mặc dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc và hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện, nhưng theo đánh giá của 12 Cục Thi hành án dân sự thí điểm, cơ chế một cửa đã tạo ra một số chuyển biến như: Trong công tác quản lý, bộ phận một cửa đã giúp lãnh đạo các cơ quan Thi hành án dân sự nắm bắt một cách toàn diện, cụ thể quá trình tiếp nhận hồ sơ, giải quyết công việc tại bộ phận một cửa, đảm bảo chính xác và quản lý chặt chẽ hơn so với trước khi áp dụng. Cơ chế một cửa tạo cơ chế giám sát trong hoạt động giải quyết công việc của cơ quan Thi hành án dân sự đối với cá nhân, tổ chức; nâng cao tinh thần trách nhiệm của công chức được phân công thực hiện nhiệm vụ. So với thời điểm trước khi áp dụng cơ chế một cửa thì việc giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân được thực hiện nhanh chóng, chính xác, trách nhiệm của từng bộ phận tham gia giải quyết công việc cho cá nhân, tổ chức được nâng cao. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ trực tuyến thi hành án đã tạo thuận lợi cho đương sự, mang lại nhiều lựa chọn và tiện lợi phù hợp với xu thế áp dụng công nghệ thông tin trong các thủ tục hành chính hiện nay, được người dân đánh giá cao và hài lòng, nhất là đối với những người ở xa cơ quan Thi hành án dân sự….
Trên cơ sở tổng kết, đánh giá việc triển khai thí điểm cơ chế một cửa, ngày 11/5/2017, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự đã ban hành Quyết định số 537/QĐ-TCThi hành án dân sự về việc ban hành Quy trình và triển khai thực hiện cơ chế một cửa tại các cơ quan Thi hành án dân sự. Theo đó, từ 01/6/2017, cơ chế một cửa được áp dụng tại các cơ quan Thi hành án dân sự trên toàn quốc. Thực tiễn thực hiện cơ chế một cửa trong công tác Thi hành án dân sự hiện nay đã và đang tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.
Thứ nhất: Mặc dù mô hình một cửa trong Thi hành án dân sự được người dân và Tổng cục Thi hành án dân sự đánh giá là đã giúp giảm phiền hà, thời gian, chi phí cho người có quyền yêu cầu thi hành án, đẩy nhanh tiến độ thi hành án, nhưng lượng khách hàng sử dụng dịch vụ chưa nhiều. Điều này có thể xuất phát từ nguyên nhân khách quan là do nhiều người dân còn chưa biết đến mô hình này. Ở các địa bàn miền núi, nông thôn, việc thực hiện scan giấy tờ, tài liệu để gửi kèm gặp không ít khó khăn, nên mô hình này còn ít được người dân quan tâm. Trong khi đó, việc triển khai thí điểm ở một số địa phương còn chậm, nhiều địa phương dù đã thành lập bộ phận một cửa nhưng vẫn giải quyết công việc theo nếp cũ.…Do đó, công tác tuyên truyền, phổ biến về việc thực hiện cơ chế một cửa trong thi hành án dân sự cần tiếp tục được quan tâm, phố biến rộng rãi hơn.
Thứ hai: Cần có sự phân biệt cơ chế một cửa tại cơ quan Thi hành án dân sự khác với cơ chế một cửa tại cơ quan hành chính đơn thuần. Thi hành án dân sự là quá trình tổ chức thi hành các bản án, quyết định có hiệu lực thi hành trên thực tế, trình tự thi hành án gồm nhiều thủ tục khác nhau, và có thể bị kéo dài do nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Vì vậy, những thủ tục hành chính được áp dụng cơ chế một cửa tại cơ quan Thi hành án dân sự cũng không hoàn toàn giống như thủ tục hành chính tại các cơ quan khác. Khi người dân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng cơ chế một cửa tại các cơ quan hành chính đơn thuần sẽ có thể nhận ngay kết quả là cái đích mong muốn cuối cùng của họ (ví dụ: người dân đề nghị qua bộ phận một cửa và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất); nhưng nếu sử dụng cơ chế một cửa tại cơ quan Thi hành án dân sự thì kết quả của thủ tục đó có thể chưa phải là cái đích cuối cùng người dân mong muốn (ví dụ: Người được thi hành án đề nghị ra quyết định thi hành án qua bộ phận một cửa và họ đã nhận được quyết định thi hành án, nhưng quyết định thi hành án chỉ là bắt đầu của quá trình thi hành án để người được thi hành án có thể nhận được kết quả theo phán quyết của bản án, quyết định đã có hiệu lực)(3).
Trình tự thủ tục theo cơ chế một cửa của thi hành án dân sự có những đặc thù riêng. Thực tế đã có những trường hợp khi tiếp nhận hồ sơ yêu cầu thi hành án theo cơ chế một cửa, mặc dù cán bộ hướng dẫn đã giải thích ngày trả kết quả là giao quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu đã nộp nhưng người dân lại hiểu rằng kết quả đó là quyền lợi họ được nhận theo bản án (không phải là quyết định thi hành án). Do đó, cần có những quy định hướng dẫn, giải thích cụ thể để người dân hiểu rõ hơn về hoạt động này.
Thứ ba: Các ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay vẫn chưa đáp ứng hoàn toàn các thủ tục hành chính một cửa, có phần chồng lấp trong thực hiện nhiệm vụ. Ví dụ: khi bộ phận một cửa trả kết quả đối với yêu cầu thi hành án theo cơ chế một cửa, người nhận kết quả đã ký nhận quyết định thi hành án vào phiếu lưu hẹn, sau đó cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện trả kết quả yêu cầu thi hành án dân sự thông qua việc giao quyết định thi hành án cho đương sự có yêu cầu, tuy nhiên, sau đó chấp hành viên vẫn tiếp tục thực hiện thủ tục giao quyết định thi hành án cho đương sự do trong hồ sơ thi hành án chưa thể hiện việc giao quyết định này(4). Đây cũng là một vấn đề cần được quy định rõ, tránh trùng lặp thủ tục và phát sinh thêm công việc cho chấp hành viên.
Thứ tư: Tại Phụ lục kèm theo Quyết định số 537/QĐ-TCTHADS, 05 thủ tục hành chính áp dụng cơ chế một cửa đã được Tổng cục Thi hành án dân sự hướng dẫn chi tiết, cụ thể bao gồm các thủ tục: Quyết định thi hành án theo yêu cầu (1); Xác nhận kết quả thi hành án (2); Yêu cầu thay đổi chấp hành viên (3); Đề nghị miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án (4); Đề nghị miễn, giảm phí thi hành án (5). Xét về bản chất, việc áp dụng cơ chế một cửa không làm thay đổi nội dung thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật. Do đó, ngoài trình tự thực hiện có sự tham gia của bộ phận một cửa trong các bước giải quyết thủ tục thì những nội dung khác cấu thành nên thủ tục hành chính nêu tại Phụ lục (hồ sơ, thời hạn giải quyết, cơ quan có thẩm quyền giải quyết, yêu cầu điều kiện...) chỉ là sự mô tả lại các quy định của pháp luật về thủ tục hành chính. Như vậy, những vướng mắc mà một số cơ quan thi hành án dân sự gặp phải liên quan tới hồ sơ cá nhân, tổ chức phải nộp tại bộ phận một cửa.
Ví dụ: Khi nộp hồ sơ xác nhận kết quả thi hành án, cá nhân tổ chức phải nộp đơn đề nghị kèm theo bản án, quyết định của Tòa án và quyết định thi hành án trong khi theo phần lớn các cơ quan Thi hành án dân sự, việc nộp bản án, quyết định của Tòa án đối với thủ tục này là không cần thiết, gây khó khăn cho đương sự vì khi ra quyết định thi hành án, cơ quan Thi hành án đã phải căn cứ vào bản án, quyết định của Tòa án.
Phân tích ví dụ nêu trên, có thể thấy hồ sơ thủ tục xác nhận kết quả thi hành án nêu tại Phụ lục kèm theo Quyết định số 537/QĐ-THADS được mô tả theo đúng nội dung mẫu Đơn đề nghị xác nhận kết quả thi hành án - Mẫu D10-Thi hành án dân sự kèm theo Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)(5). Do đó, đối với các thủ tục thực hiện theo cơ chế một cửa tại cơ quan Thi hành án dân sự, cần nghiên cứu quy định các trường hợp cụ thể, gắn với đặc thù của cơ chế một cửa tại các cơ quan Thi hành án dân sự để giảm bớt các thủ tục hành chính cho người dân.
Thứ năm: Bên cạnh việc đẩy mạnh cải cách hành chính, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giảm bớt thời gian, thủ tục, chi phí cho người dân. Việc nộp đơn yêu cầu thi hành án trực tuyến qua mạng internet vẫn chưa được thực hiện rộng rãi(6). Vẫn còn có một số phản hồi từ đương sự về việc không thể gửi yêu cầu hỗ trợ vào địa chỉ email hoặc có gửi nhưng kiểm tra hộp thư không nhận được nên họ phải liên hệ trực tiếp để hướng dẫn. Một số trường hợp biết được phương thức hỗ trợ trực tuyến nhưng vẫn trực tiếp liên hệ đến cơ quan Thi hành án dân sự để được hướng dẫn vì lý do không có điều kiện về công nghệ thông tin nên hầu hết các yêu cầu tiếp nhận hỗ trợ trực tuyến đều nhận từ các tổ chức, doanh nghiệp, nhất là tổ chức tín dụng.Về hỗ trợ trực tuyến yêu cầu thi hành án, tại Cục và các Chi cục Thi hành án dân sự cần bố trí công chức thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, thường xuyên truy cập hộp thư điện tử để kịp thời tiếp nhận thông tin của người dân yêu cầu, và cần ấn định rõ thời gian tiếp nhận (không quá 1 ngày làm việc).
Thứ sáu: Cần có sự giám sát, kiểm tra việc thực hiện cơ chế một cửa, đồng thời có sự tổng hợp, đánh giá học tập các mô hình thực hiện cơ chế một cửa thành công như tại Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh(7)…. Bằng việc học tập kinh nghiệm thực tiễn của các đơn vị đã áp dụng thành công sẽ góp phần nhân rộng mô hình và phát huy cách làm sáng tạo, hiệu quả.
Để tháo gỡ những vướng mắc trên và tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính trong điều kiện biên chế hạn hẹp như hiện nay, các cơ quan Thi hành án dân sự cần bố trí nhân sự thực hiện các khâu trong các thủ tục hành chính một cửa và hỗ trợ thi hành án theo hướng phù hợp, hiệu quả. Đặc biệt, cần chú trọng nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ và xây dựng các phần mềm chuyên nghiệp. Cùng với đó, cần tăng cường tuyên truyền để người dân sử dụng rộng rãi phương thức đổi mới này, khảo sát, lấy ý kiến các cá nhân, tổ chức, người dân và doanh nghiệp về sự phục vụ của các cơ quan Thi hành án dân sự làm cơ sở đánh giá kết quả thực hiện cải cách hành chính. Đồng thời, thường xuyên rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong thi hành án dân sự để đảm bảo thống nhất chung theo quy định pháp luật và phải được niêm yết công khai, minh bạch, rõ ràng, chính xác(8).
Trong điều kiện khối lượng công việc ngày càng tăng, để nâng cao hiệu quả giải quyết công việc, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phục vụ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, các cơ quan Thi hành án dân sự cần nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính. Cần tiếp tục nghiên cứu và có thêm nhiều hoạt động tạo chuyển biến về năng lực, thái độ phục vụ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ(9). Việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế một cửa trong Thi hành án dân sự có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ đem lại những lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp mà còn góp phần cải cách thủ tục hành chính, góp phần xây dựng nền hành chính văn minh, hiện đại, hiệu quả phù hợp với xu thế hội nhập.
Ths. Hoàng Thị Thanh Hoa
Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phú Xuyên, Hà Nội
1. Chuyên đề: Cơ chế một cửa và phối hợp thực hiện dịch vụ bưu chính công ích đôi với thủ tục hành chính trong thi hành án dân sự tại các cơ quan thi hành án dân sự, tài liệu tập huấn công tác thi hành án dân sự tại Cục thi hành án dân sự thành phố Hà Nội năm 2017, tr 284.
2. Lan Hương, Cơ chế một cửa trong Thi hành án dân sự: Vẫn còn ngại đổi mới, http://daidoanket.vn/phap-luat/co-che-mot-cua-trong-thi-hanh-an-van-con-tu-tuong-ngai-doi-moi-tintuc363992, trc: 13/9/2018
3. Tài liệu tập huấn công tác thi hành án dân sự năm 2017 của Cục thi hành án dân sự thành phố Hà Nội, trang 283
4. Điều 39 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014
5. Trên cơ sở tổng hợp khó khăn, vướng mắc của các cơ quan THADS trong thực tiễn thực hiện các thủ tục hành chính theo Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành, ngày 05/10/2017, Tổng cục THADS có Báo cáo số 3652/BC-TC THADS về kết quả rà soát, đánh giá thủ tục hành chính trong lĩnh vực THADS, trong đó nêu phương án đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về mẫu Đơn đề nghị xác nhận kết quả thi hành án tại Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
6. Lê Hồng, Thi hành án dân sự TP HCM tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; http://baophapluat.vn/tu-phap/thi-hanh-an-dan-su-tp-hcm-tiep-tuc-day-manh-cai-cach-hanh-chinh-390445.html; trc: 15/9/2018
7. Xem thêm: Lê Hồng, Thi hành án dân sự TP HCM tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; tlđd
8. Lê Hồng, Thi hành án dân sự TP HCM tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; tlđ d
9. Nguyễn Văn Lực, Cải cách hành chính trong thi hành án dân sự; http://www.nhandan.com.vn/phapluat/thoi-su-phap-luat/item/36144202-cai-cach-hanh-chinh-trong-thi-hanh-an-dan-su.html; ngày trc: 16/9/2018