Kết quả đạt được trong lĩnh vực thi hành án dân sự sau 03 năm thi hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại và một số đề xuất, kiến nghị

12/09/2023


Ngày 08/01/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại (sau đây gọi là Nghị định số 08/2020/NĐ-CP) thay thế Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP. Nghị định số 08/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ 24/02/2020, hoàn thiện hơn về điều kiện tổ chức hoạt động của Thừa phát lại cũng như công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này, trong đó đã quy định cho phép Thừa phát lại bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ chính là “lập vi bằng” còn được thực hiện các hoạt động “mang tính hỗ trợ” cho công tác thi hành án dân sự như: tống đạt, xác minh điều kiện thi hành án, tổ chức thi hành bản án theo đơn yêu cầu. Đến nay, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, nhìn từ góc độ thi hành án dân sự, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP đã giúp hoạt động Thừa phát lại đạt được những kết quả tích cực nhất định, góp phần “hỗ trợ đắc lực”, nâng cao hiệu quả hoạt động thi hành án dân sự. Cụ thể:
1. Kết quả đạt được trong lĩnh vực THADS
Các cơ quan THADS đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tại địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật nói chung, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP nói riêng đến hệ thống chính trị, nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật nói chung, thực hiện các quyền và nghĩa vụ liên quan đến hoạt động Thừa phát lại nói riêng. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn, quán triệt các cơ quan THADS địa phương phối hợp với các Văn phòng Thừa phát lại trong việc ra Quyết định THA và các việc có nội dung có liên quan đến Văn phòng Thừa phát lại được các cơ quan THADS thực hiện đầy đủ qua các cuộc tập huấn cũng như ban hành văn bản chỉ đạo cụ thể.
a) Về tống đạt văn bản, giấy tờ liên quan đến thi hành án: Tổng cục THADS đã chỉ đạo các cơ quan THADS địa phương thực hiện việc chuyển giao văn bản về thi hành án cho các Văn phòng Thừa phát lại để thực hiện việc tống đạt cho các bên đương sự, cá nhân, tổ chức có liên quan theo quy định tại Điều 33 của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP. Trong 03 năm, Thừa phát lại đã tống đạt được 6.765 văn bản về THADS, cụ thể:
+ Từ 01/10/2019 đến 30/9/2020 đã tống đạt 5.411 văn bản về THADS, doanh thu tương ứng là trên 413.000.000 đồng;
+ Từ 01/10/2020 đến 30/9/2021 đã tống đạt 1.106 văn bản về THADS, doanh thu tương ứng là trên 59.000.000 đồng;
+ Từ 01/10/2021 đến 30/9/2022 đã tống đạt 248 văn bản về THADS, doanh thu tương ứng là 15.680.000 đồng.
b) Về xác minh điều kiện thi hành án: Các cơ quan THADS địa phương đã phối hợp với các Văn phòng Thừa phát lại trong việc xác minh điều kiện thi hành án và thanh toán tiền thi hành án theo quy định tại Điều 50 của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP. Trong 03 năm, Thừa phát lại đã tổ chức xác minh 12 việc THADS, cụ thể:
+ Từ 01/10/2019 đến 30/9/2020 đã xác minh 05 việc THADS, doanh thu tương ứng là trên 101.000.000 đồng;
+ Từ 01/10/2020 đến 30/9/2021 đã 05 việc THADS, doanh thu tương ứng là 31.000.000 đồng;
+ Từ 01/10/2021 đến 30/9/2022 đã xác minh 02 việc THADS, doanh thu tương ứng là 6.000.000 đồng.
c) Về ra quyết định và tổ chức thi hành án: Các Cục THADS tỉnh đã chỉ đạo ban hành quyết định THADS theo văn bản đề nghị của Văn phòng Thừa phát lại theo quy định tại Điều 55 của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP. Trong 03 năm, tổng số Quyết định thi hành án được các cơ quan THADS ban hành để Thừa phát lại tổ chức thi hành án là 26 Quyết định, cụ thể:
+ Từ 01/10/2019 đến 30/9/2020 các cơ quan THADS đã ban hành 14 Quyết định thi hành án, số tiền tương ứng là trên 737.930.000 đồng;
+ Từ 01/10/2020 đến 30/9/2021 ban hành 08 Quyết định thi hành án, số tiền tương ứng là trên 737.277.000 đồng;
+ Từ 01/10/2021 đến 30/9/2022 ban hành 04 Quyết định thi hành án, số tiền tương ứng là trên 1.720.000.000 đồng.
2. Đánh giá tác động của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP với hoạt động THADS
a) Tích cực:
Qua 3 năm triển khai thi hành Nghị định 08/2020/NĐ-CP đã có tác động tích cực nhất định đối với hoạt động THADS và đời sống xã hội nói chung, cụ thể:
- Nghị định số 08/2020/NĐ-CP đã tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về hoạt động Thừa phát lại, đảm bảo để người dân có thể lựa chọn cơ chế bảo vệ quyền, lợi ích của mình được hiệu quả; việc mở rộng một số dịch vụ pháp lý do Thừa phát lại thực hiện đã tạo thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận các dịch vụ pháp lý trên thực tế.
- Đối với hoạt động của Thừa phát lại: Nghị định số 08/2020/NĐ-CP đã bỏ sung các quy định nhằm đảm bảo hoạt động của Thừa phát lại được hiệu quả, hạn chế sai sót, vi phạm như: (1) Quy định nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Thừa phát lại; đơn giản hóa thủ tục đăng ký hoạt động Văn phòng thừa phát lại; (2) Quy định cụ thể về số lượng Văn phòng thừa phát lại tại đơn vị cấp huyện, bảo đảm các Văn phòng thừa phát lại hoạt động thực chất, hiệu quả, cạnh tranh lành mạnh; (3) Quy định rõ hơn phạm vi, nội dung hoạt động Thừa phát lại (các sự kiện, hành vi được lập vi bằng và mở rộng phạm vi lập vi bằng của Thừa phát lại)...
- Đối với các cơ quan Nhà nước: Các quy định của Nghị định góp phần quan trọng trong việc giảm tải công việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và cơ quan THADS: Đối với Cơ quan THADS, việc thực hiện tống đạt văn bản thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án, trực tiếp tổ chức thi hành án của Thừa phát lại đã nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan THADS, tạo cơ chế vừa phối hợp, hỗ trợ vừa cạnh tranh lành mạnh, góp phần nâng cao hiệu quả công tác này.
b) Hạn chế:
- Đến thời điểm này, trên toàn quốc mới có 182 Văn phòng Thừa phát lại và 396 Thừa phát lại là còn ít so với yêu cầu, mục đích của chủ trương xã hội hóa nêu trên.
- Các quy định của Nghị định đã thu hẹp phạm vi, thẩm quyền của Thừa phát lại: Theo quy định tại khoản 2 Điều 52 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại, khi tổ chức thi hành án, Thừa phát lại không được áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 66, Điều 71, Điều 72 của Luật THADS. Điều này gây khó khăn, giảm hiệu quả trong việc tổ chức thi hành án của các Thừa phát lại.
- Trên thực tế, hoạt động của Thừa phát lại liên quan đến THADS có chiều hướng giảm cả về số lượng công việc cũng như giá trị doanh thu: Hoạt động tổ chức thi hành án đến năm 2022 chỉ còn 02 việc; hoạt động xác minh điều kiện thi hành án, tống đạt văn bản THADS nhiều nơi gần như không thực hiện được dẫn đến mất cân đối trong hoạt động của Văn phòng và chưa hỗ trợ được người dân, doanh nghiệp, tổ chức trong việc tổ chức thi hành án dân sự cùng với cơ quan thi hành án dân sự các cấp.
- Mục đích hoạt động của Thừa phát lại trong những năm qua chưa đáp ứng được yêu cầu xã hội hóa công tác công tác THADS, chưa đạt được mục tiêu giảm tải công việc cho cơ quan THADS và nâng cao kết quả đối với công tác này.
c) Nguyên nhân:
- Một số quy định của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP chưa phù hợp với thực tế, hạn chế một số hoạt động của Thừa phát lại cũng như việc ký hợp đồng tống đạt của cơ quan Nhà nước với Thừa phát lại.
- Công tác phổ biến, tuyên truyền về Thừa phát lại chưa có chiều sâu, thiếu cán bộ có kỹ năng nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tiễn, thiếu cơ sở vật chất và kinh phí.
- Sự quan tâm phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức với Văn phòng Thừa phát lại có lúc, có nơi còn chưa đúng mức, hiệu quả.
3. Một số đề xuất, kiến nghị
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền về Thừa phát lại. Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng các hoạt động cụ thể như: Phối hợp với chính quyền địa phương, Phòng Tư pháp. Lồng ghép việc tuyên truyền về chế định Thừa phát lại vào kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương với những hình thức phù hợp hơn.
Hai là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và phòng ngừa các vi phạm, thiếu sót nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, cơ quan, tổ chức và của Nhà nước được pháp luật bảo vệ; hoàn thiện các quy định pháp luật về vấn đề quản lý, kiểm soát của Nhà nước đối với Thừa phát lại trong lĩnh vực THADS.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện thể chế và các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động của Thừa phát lại trong THADS, về lâu dài, cần nghiên cứu xây dựng Luật Thừa phát lại để tạo hành lang pháp lý đầy đủ, toàn diện, xác định rõ vị trí, vai trò của Thừa phát lại trong đời sống nói chung, công tác THADS nói riêng cho hoạt động này.
Huy Hùng-Vụ NV1