1. Vấn đề bất cập
Luật THADS hiện hành chưa quy định đủ cơ chế thúc đẩy cũng như các chế tài đủ tính răn đe để buộc người phải thi hành án tự nguyện, nhanh chóng thi hành án; chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của người được thi hành án; một số nội dung chưa đảm bảo thống nhất với Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự, cụ thể:
a) Đối với người phải thi hành án
- Người phải thi hành án thường không kê khai trung thực, không cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án nên gây khó khăn cho hoạt động xác minh của Chấp hành viên.
- Chưa có cơ chế và chế tài phù hợp để buộc người phải thi hành án phải tự giác thực hiện nghĩa vụ của mình.
Theo thông lệ quốc tế đã được nhiều nước công nhận và thể hiện tại Bộ luật Thi hành án toàn cầu, trách nhiệm của người phải thi hành án được quy định rất nghiêm khắc. Theo đó, họ phải có trách nhiệm với nghĩa vụ thi hành án của mình bằng tất cả các tài sản của mình ở bất cứ nơi nào khi xác minh làm rõ. Luật quốc gia có thể yêu cầu người phải thi hành án phải thông báo những tài sản mà mình có. Luật phải đưa ra các chế tài hình phạt để áp dụng trong trường hợp này. Những người phải thi hành án cố tình đưa mình vào trạng thái phá sản để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
[1]
b) Đối với người được thi hành án
Chưa thể hiện đúng nguyên tắc và tạo điều kiện, đề cao trách nhiệm của người được thi hành án chủ động thu thập chứng cứ chứng minh và tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW; chưa phát huy được hiệu quả của việc xã hội hóa một số hoạt động THADS theo chủ trương của Nghị quyết số 49-NQ/TW và Nghị quyết số 27-NQ/TW. Cụ thể:
- Về xác minh điều kiện thi hành án: Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định Chấp hành viên chịu trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành án và ngân sách nhà nước phải chịu chi phí. Đương sự vẫn có quyền cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án và được xét miễn, giảm phí thi hành án nếu thông tin chính xác. Quy định này mặc dù tháo gỡ được một phần khó khăn cho đương sự so với Luật THADS năm 2008, nhưng lại chưa thực sự phù hợp với thông lệ quốc tế
[2], nguyên tắc chung về dân sự
[3] và tạo ra áp lực lớn đối với Chấp hành viên, cơ quan THADS và ngân sách nhà nước
[4]. Đồng thời, quy định trên làm cho người được thi hành án trông chờ vào hoạt động xác minh của Chấp hành viên, không chủ động tìm kiếm các thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án và không sẵn sàng chi trả chi phí cho dịch vụ xác minh của Thừa phát lại. Điều này phần nào chưa kịp thời thể chế hóa chủ trương xã hội hoá một số hoạt động THADS được ghi nhận trong Nghị quyết số 49-NQ/TW và Nghị quyết số 27/NQ-TW.
- Một số quy định của Luật THADS chưa phát huy vai trò, trách nhiệm và sự chủ động của người được thi hành án nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong quá trình thi hành án mà thay vào đó lại giao trách nhiệm thực hiện cho Chấp hành viên. Ví dụ:
+ Người được thi hành án ít khi thực hiện quyền yêu cầu tuyên bố vô hiệu liên quan đến giao dịch đối với tài sản thi hành án nhằm trốn tránh thi hành án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình; thực tế loại việc này hầu như đều phải do Chấp hành viên thực hiện.
[5]
+ Luật THADS quy định để tổ chức cưỡng chế thì cơ quan THADS tạm ứng kinh phí từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, nguồn kinh phí tạm ứng từ ngân sách Nhà nước có hạn, trong một số trường hợp gây ảnh hưởng phần nào đến tiến độ thi hành án. Trong khi nhiều trường hợp người được thi hành án có khả năng kinh tế (như các tổ chức tín dụng) sẵn sàng tự nguyện nộp tạm ứng chi phí cưỡng chế.
- Chưa quy định về cơ chế kết thúc việc tổ chức thi hành án trong trường hợp cơ quan THADS đã thông báo quyền của người được thi hành án nhưng họ không thực hiện để bảo vệ quyền của mình.
c) Đối với người tham gia THADS khác
- Luật THADS hiện chưa quy định định rõ, đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong quá trình thi hành án, dẫn đến còn cách hiểu, áp dụng khác nhau. Chẳng hạn như việc chuyển hóa vai trò từ người thứ ba có tài sản bảo đảm thành người phải thi hành án.
[6]
- Bên cạnh đó, Luật THADS hiện hành chưa quy định cụ thể vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của Thừa phát lại trong THADS; chưa có quy định cụ thể về những người tham gia THADS khác, như: Người đại diện, Người phiên dịch, Người chứng kiến…
d) Quy định về hậu quả pháp lý trong trường hợp đương sự không thực hiện nghĩa vụ chưa nghiêm, chưa đủ tính răn đe
- Việc quy định các chế tài trong hoạt động thi hành án còn rất hạn chế và chưa hiệu quả, chỉ mới dừng lại ở việc phạt hành chính hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng rất khó thực hiện do chưa bảo đảm tính đồng bộ.
- Chưa có cơ chế xử lý trong trường hợp người phải thi hành án là pháp nhân, doanh nghiệp phải thi hành nghĩa vụ buộc thực hiện hoặc buộc không thực hiện công việc nhất định (phải do chính người phải thi hành án thực hiện, người khác không thể thực hiện thay ) nhưng họ không chấp hành. Cụ thể: Điều 76 Bộ luật hình sự năm 2015 giới hạn những trường hợp pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, nếu các pháp nhân không thực hiện nghĩa vụ đã được tuyên trong bản án, thì cơ quan THADS không có cơ sở đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân đó. Do đó, cần nghiên cứu có chế tài đối với các trường hợp pháp nhân không chấp hành án liên quan đến quyền kinh doanh, huy động vốn.
đ) Chưa có các quy định để phục vụ việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của đương sự sang các hình thức trực tuyến theo yêu cầu chuyển đổi số, nhất là việc thực hiện các thủ tục tống đạt, thông báo.
2. Nguyên nhân
- Luật THADS hiện hành chưa tạo được đầy đủ cơ sở pháp lý để thu hút các nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động THADS và thực hiện chủ trương xã hội hóa một số hoạt động THADS theo Nghị quyết số 49-NQ/TW và Nghị quyết số 27-NQ/TW.
- Luật THADS, Luật Xử lý vi phạm hành chính và Bộ luật Hình sự chưa có chế tài đủ nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm của người phải thi hành án, như không kê khai, kê khai không trung thực, cố ý tẩu tán, che giấu tài sản nhằm trốn tránh thi hành án; các hành vi chống đối, chây ỳ, không thi hành án...
3. Đề xuất giải pháp
Cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật THADS để quy định mới về quyền, nghĩa vụ của đương sự, người tham gia THADS khác theo hướng tăng tính chủ động và trách nhiệm của đương sự trong THADS, tăng chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm, chống đối, chây ỳ thi hành án. Cụ thể:
a) Đối với quy định chung về người được thi hành án, người phải thi hành án, người tham gia THADS khác
- Thiết kế một Chương về đương sự, người tham gia THADS khác theo hướng: Hoàn thiện cơ sở pháp lý để người được THADS có quyền và nghĩa vụ chủ động xác minh, chứng minh điều kiện thi hành án, đề nghị áp dụng các biện pháp bảo đảm THADS. Cơ quan THADS có trách nhiệm xác minh đối với các đối tượng chính sách và có trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong việc xác minh và chỉ tiến hành xác minh điều kiện THADS trong trường hợp do pháp luật quy định.
Đặc biệt, quy định quyền, nghĩa vụ của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc cung cấp thông tin dữ liệu và sử dụng các ứng dụng CNTT để tiếp nhận các văn bản tống đạt, thông báo của cơ quan THADS trong quá trình tổ chức thi hành án.
- Hoàn thiện các quy định về thủ tục THADS theo các nguyên tắc về quyền, nghĩa vụ của đương sự và bổ sung các vấn đề chưa được luật điều chỉnh:
+ Tương ứng với nghĩa vụ của đương sự trong cung cấp thông tin dữ liệu và sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin, quy trình THADS cần hoàn thiện các quy định để đương sự thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình, như thực hiện thủ tục thông báo, tống đạt trực tuyến, tiếp nhận và trả kết quả xử lý yêu cầu của đương sự trực tuyến trên môi trường mạng.
+ Hoàn thiện quy định về xác minh điều kiện thi hành án: Tham khảo kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, Luật THADS có thể bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm, vai trò của người được thi hành án trong quá trình xác minh điều kiện thi hành án và nghĩa vụ của người phải thi hành án trong kê khai thông tin. Theo đó, có thể quy định theo hướng tạo cơ chế xác minh song hành của đương sự (đương sự có thể tự mình hoặc ủy quyền cho Thừa phát lại
[7]) và của cơ quan THADS. Theo đó, quy định việc xác minh điều kiện thi hành án là quyền của đương sự để hỗ trợ cơ quan THADS và thực hiện chủ trương xã hội hóa một số hoạt động THADS được ghi nhận trong Nghị quyết số 49-NQ/TW và Nghị quyết số 27/NQ-TW. Trách nhiệm chính trong việc xác minh điều kiện thi hành án vẫn là của Chấp hành viên và cơ quan THADS sẽ là người quyết định việc lựa chọn và sử dụng kết quả xác minh để làm căn cứ tổ chức thi hành án.
Cơ quan THADS đóng vai trò đại diện cho quyền lực nhà nước để buộc người phải thi hành án kê khai thông tin và cơ quan, tổ chức quản lý tài sản, tài khoản cung cấp thông tin; kiểm định tính chính xác của thông tin do người phải thi hành án, cơ quan, tổ chức cung cấp; tổ chức thi hành trên cơ sở kết quả đã được kiểm định và ý kiến của người được thi hành án
[8]. Người phải thi hành án nếu không kê khai, hoặc khai báo gian dối có thể phải chịu chế tài nghiêm khắc, như phạt tù hoặc phạt tiền. Người được thi hành án chịu một khoản phí nhất định đối với yêu cầu cơ quan THADS hỗ trợ xác minh điều kiện thi hành án.
Luật THADS sửa đổi có thể thiết kế: i) trình tự, thủ tục để người được thi hành án thực hiện quyền xác minh; trách nhiệm chi trả chi phí khi yêu cầu xác minh bổ sung; ii) cách thức để người phải thi hành án thực hiện nghĩa vụ kê khai; iii) trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan trong cung cấp thông tin về tài sản, tài khoản của người phải thi hành án; iv) bổ sung các quy định để làm rõ hơn trình tự, thủ tục thi hành để thực hiện xác minh kịp thời, hiệu quả.
+ Về tạm ứng chi phí cưỡng chế thi hành án: theo Điều 5 Bộ luật Thi hành án toàn cầu, chi phí thi hành án do người phải thi hành án chi trả, nhưng người được thi hành án phải tạm ứng số tiền đó trước, trừ trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
[9] Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay, việc yêu cầu người được thi hành án tạm ứng trong mọi trường hợp là khó khả thi, mà chỉ nên quy định mang tính khuyến khích những người được thi hành án có điều kiện kinh tế thực hiện tạm ứng nhằm đẩy nhanh tiến độ thi hành án và giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
b) Tăng cường trách nhiệm của đương sự trong THADS, tăng chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm, chống đối, chây ỳ thi hành án
- Hoàn thiện cơ chế người phải thi hành án phải chịu trách nhiệm thi hành đối với toàn bộ tài sản của mình; có nghĩa vụ kê khai tài sản và pháp luật có chế tài để yêu cầu người phải thi hành án kê khai tài sản, thu nhập; trường hợp cố tình đưa mình vào tình trạng phá sản để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án, che giấu hoặc làm hư hỏng tài sản, cản trở sai trái, đe dọa, bạo lực, chống đối người thi hành công vụ trong THADS phải bị xử lý nghiêm theo quy định. Được bảo đảm những quyền lợi cơ bản của mình như bảo đảm sinh kế cho bản thân họ và gia đình, được duy trì một số loại tài sản mà không thể bị kê biên; có cơ chế phù hợp xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án, hoặc đình chỉ thi hành.
- Quy định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của đương sự phải thực hiện các thủ tục để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong quá trình thi hành án và hậu quả pháp lý đối với trường hợp đương sự không thực hiện các nghĩa vụ theo quy định. Ví dụ, hết thời hạn khởi kiện mà không khởi kiện thì cơ quan THADS xử lý tài sản theo quy định; người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành hoặc cơ quan THADS đã hướng dẫn, yêu cầu đương sự thực hiện quyền của mình để bảo vệ quyền lợi mà cố tình không thực hiện thì cơ quan THADS có cơ chế kết thúc việc thi hành án.
- Quy định rõ những hành vi vi phạm, cố tình chống đối, trì hoãn, trốn tránh, kéo dài việc tổ chức thi hành án làm cơ sở để xem xét trách nhiệm hành chính, hình sự theo quy định của pháp luật liên quan; rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của đương sự phải thực hiện các thủ tục để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong quá trình thi hành án.
Để tăng cường các chế tài xử lý hành vi vi phạm trong THADS, có thể dẫn đến việc đề xuất sửa đổi một số quy định của Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 82/2020/NĐ-CP
[10].
Do nguồn luật hình sự của Việt Nam chỉ có Bộ luật Hình sự
[11], nên không thể quy định chế tài hình sự trực tiếp trong Luật THADS. Vì vậy, đề xuất 03 phương án:
Phương án 1: Rà soát, hoàn thiện các quy định đồng bộ giữa hành vi vi phạm quy định của Luật THADS với các hành vi liên quan đến tội phạm được quy định trong Bộ Luật hình sự như tội không chấp hành án quy định tại Điều 380, Tội cản trở việc thi hành án quy định tại Điều 381 và Tội vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản quy định tại Điều 385 Bộ Luật hình sự
[12], v.v;
Phương án 2: Theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì
“Một văn bản quy phạm pháp luật có thể được ban hành để đồng thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ nội dung trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật do cùng cơ quan ban hành”. Do vậy, trong Luật THADS (sửa đổi), sẽ có quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính; Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật THADS (sửa đổi) sẽ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP.
Phương án này sẽ đảm bảo tính kịp thời trong hoàn thiện thể chế về THADS và vẫn đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật mà không nhất thiết phải chờ sửa riêng từng bộ luật, luật.
Phương án 3: Đề xuất cụ thể sửa đổi, bổ sung khi các bộ luật, luật, nghị định trên được sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, phương án này sẽ không đảm bảo tính kịp thời như phương án 1.
c) Đối với người tham gia THADS khác
Bổ sung quy định đầy đủ tư cách, quyền và nghĩa vụ của người thứ ba bảo đảm bằng tài sản của mình thực hiện nghĩa vụ cho người phải thi hành án. Đồng thời, bổ sung một số quy định về người tham gia THADS khác như người đại diện, người phiên dịch…
Hoàng Thu Thủy, Vụ NV1
[2] Quy trình của một số nước như Singapore, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc: người được thi hành án có trách nhiệm cung cấp, tìm kiếm thông tin về tài sản của người phải thi hành án để yêu cầu Toà án/cơ quan THADS/thừa phát lại xử lý. Trường hợp không có hoặc không tự mình tìm được thông tin thì người được thi hành án có đơn đề nghị Toà án/cơ quan THADS ra lệnh cho các cơ quan, tổ chức cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; buộc người phải thi hành án đến tòa để tuyên thệ và kê khai trước tòa án... Người được thi hành án phải chịu chi phí để Toà án/cơ quan THADS thực hiện các thủ tục này.
[3] Về nguyên tắc, khi thực hiện các giao dịch dân sự, các đương sự tự do ý chí, tự nguyện cam kết, thỏa thuận, không ai có quyền ép buộc và khi xảy ra hậu quả các bên phải tự chịu trách nhiệm, tự chứng minh các điều kiện để khắc phục các hậu quả, thực hiện quyền và nghĩa vụ, cơ quan nhà nước không có nghĩa vụ chứng minh, thực hiện thay.
[4] Theo thống kê, trung bình Ngân sách nhà nước phải chi trả cho khoản chi bồi dưỡng cho những người trực tiếp xác minh điều kiện thi hành án khoảng 500.000 đồng/một vụ việc THADS cho 01 lần xác minh. Giai đoạn 2020-2023, hệ thống THADS phải thi hành 901.682 việc theo yêu cầu. Với mức chi trung bình nêu trên, ngân sách nhà nước đã phải chi 450 tỷ 841 triệu đồng để xác minh cho người được thi hành án. Trong khi đó, với 2.610.069 việc chủ động phải thi hành trong giai đoạn 2020-2023, ngân sách nhà nước đã phải chi 1.305 tỷ 034 triệu 500 nghìn đồng cho công tác xác minh việc chủ động.
[5] Theo số liệu từ tháng 10/2018 đến tháng 6/2023, Chấp hành viên yêu cầu Tòa án giải quyết 1.660 việc; trong đó, 104 yêu cầu không được Tòa án thụ lý, phần lớn do Chấp hành viên không thể cung cấp được các tài liệu chứng cứ để chứng minh. Đồng thời, đến thời điểm lấy số liệu, Tòa án mới giải quyết được 571 việc, còn lại chưa giải quyết xong 985 việc cũng xuất phát từ việc đối tượng là Chấp hành viên yêu cầu nên không thể phối hợp với Tòa án làm rõ được nguồn gốc pháp lý cũng như thực tế của tài sản); việc nhận tài sản để trừ vào tiền thi hành án; việc áp dụng biện pháp bảo đảm…
[6] Một số bản án, quyết định về tín dụng, ngân hàng tuyên xử lý tài sản bảo đảm của người thứ ba (người có quyền, nghĩa vụ liên quan) do người phải thi hành án không có khả năng thực hiện nghĩa vụ. Trường hợp người thứ ba không hợp tác trong việc xử lý tài sản, cơ quan thi hành án phải áp dụng biện pháp cưỡng chế. Khi đó về bản chất, vai trò của người thứ ba có nghĩa vụ liên quan đã chuyển hóa thành người phải thi hành án.
[7] với các cơ chế bảo đảm, hỗ trợ cho họ trong việc thực hiện quyền của mình như quy định buộc người phải thi hành án kê khai thông tin và cơ quan, tổ chức quản lý tài sản, tài khoản cung cấp thông tin; xác minh tính chính xác của thông tin do người phải thi hành án, cơ quan, tổ chức cung cấp; kèm theo chế tài xử lý nghiêm minh nếu không thực hiện hoặc gian dối
[8] Quy trình của một số nước như Singapore, Anh, Nhật, Hàn: Người phải thi hành án được hướng dẫn khai thông tin thu nhập, tài sản theo mẫu và cung cấp các tài liệu liên quan đến tài sản như ô tô, bất động sản, tài khoản ngân hàng và bảng kê trong 6-12 tháng trước v.v… Bản thông tin tự kê khai này được gửi tới người được thi hành án, chấp hành viên để nghiên cứu trước và chuẩn bị các câu hỏi chất vấn, khai thác thông tin xác minh tài sản của người phải thi hành trong buổi tường trình trước tòa.
[9] Điều 5 Bộ luật Thi hành án toàn cầu quy định nguyên tắc cơ bản trong THADS liên quan đến chi phí thi hành án: Chi phí thi hành án do người phải thi hành án chi trả, nhưng người được thi hành án phải tạm ứng số tiền đó trước, trừ trường hợp khác theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp thi hành án phá sản của người phải thi hành án, các chi phí thi hành án do người được thi hành án chi trả. Trường hợp thẩm phán cho rằng người được thi hành án đã lạm quyền khi cưỡng chế thì có thể hướng dẫn người được thi hành án chi trả chi phí cưỡng chế và bồi thường những tổn thất mà bên phải thi hành án gánh chịu. Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm rằng các chi phí thi hành án phải được ấn định, ổn định, minh bạch và hợp lý.
[10] Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
[11] Singapore, Nhật Bản có nguồn luật hình sự đa dạng, trong đó Luật Thi hành dân sự đã quy định chế tài hình sự (phạt tiền, phạt tù) đối với các hành vi vi phạm trong THADS.
[12] Điều 380. Tội không chấp hành án
1. Người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Chống lại chấp hành viên hoặc người đang thi hành công vụ;
b) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
c) Tẩu tán tài sản.
3. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Điều 381. Tội cản trở việc thi hành án
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý cản trở việc thi hành án thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án bỏ trốn;
b) Dẫn đến hết thời hiệu thi hành án;
c) Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án tiếp tục thực hiện tội phạm;
c) Dẫn đến người bị kết án, người phải thi hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền 200.000.000 đồng trở lên;
d) Gây thiệt hại 200.000.000 đồng trở lên.
3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 385. Tội vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản
1. Người nào được giao giữ, quản lý tài sản bị kê biên, bị niêm phong hoặc vật chứng bị niêm phong, tài khoản bị phong tỏa mà thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phá hủy niêm phong, giải tỏa việc phong tỏa tài khoản mà không có quyết định của người có thẩm quyền;
b) Tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc hủy hoại tài sản bị kê biên.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Dẫn đến việc giải quyết vụ án, vụ việc bị sai lệch;
b) Dẫn đến bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải thi hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền 100.000.000 đồng trở lên.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.