Một số hướng dẫn mới về quản lý, xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ trong thi hành án dân sự

25/01/2017
Việc quản lý, xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ trong thi hành án dân sự là những vấn đề quan trọng trong quá trình thi hành các bản án, quyết định hình sự. Việc quản lý, xử lý vật chứng của các cơ quan thi hành án dân sự mặc dù đã được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật.Tuy nhiên, do số lượng các văn bản liên quan đến quá trình chuyển giao, tiếp nhận, quản lý và xử lý vật chứng thi hành án dân sự nhiều. Điều này gây không ít khó khăn cho cơ quan Thi hành án dân sự trong việc áp dụng pháp luật, đặc biệt là khi nội dung các quy định của những văn bản này khá cắt khúc và thiếu tính liên kết; một số quy định chưa thật sự thống nhất; những văn bản quy phạm pháp luật liên quan chưa quy định đầy đủ các nội dung cần thiết trong việc quản lý kho vật chứng đặc thù của cơ quan thi hành án dân sự.


Bên cạnh đó, thực tiễn quản lý vật chứng trong thi hành án dân sự cũng còn không ít vấn đề khó khăn, vướng mắc, bất cập như về kho vật chứng: nhiều cơ quan thi hành án dân sự chưa có kho vật chứng, phải thuê, mượn dẫn đến khó khăn trong việc tiếp nhận, quản lý, xử lý vật chứng, tài sản, dễ gây mất mát, thất lạc vật chứng; chưa có các công cụ, máy móc, phương tiện cần thiết để cân, đong, đo, đếm, kiểm tra vật chứng, tài sản tạm giữ; các trang thiết bị bảo quản vật chứng; chưa có quy chuẩn kỹ thuật sắp xếp kho vật chứng nên khó khăn trong việc quản lý, bảo quản các loại vật chứng, tài sản; về thủ kho vật chứng: chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn nghiệp vụ; việc đào tạo bồi dưỡng chưa được thực hiện thường xuyên; về xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ thì chưa có quy trình xử lý thống nhất và phù hợp đối với những vật chứng, tài sản đặc thù, vật chứng tồn đọng; kinh phí thực hiện việc bảo quản, xử lý vật chứng quy định chưa cụ thể v.v...Để giải quyết các khó khăn vướng mắc, bất cập và thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực thi hành án dân sự, ngày 23/01/2017 Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký ban hành Thông tư số 01/TT-BTP về quản lý kho vật chứng, tài sản tạm giữ trong thi hành án dân sự.
Thông tư gồm 03 chương, 16 điều, với nội dung cơ bản như sau:
Thông tư quy định về nguyên tắc quản lý, xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ mọi hành vi xâm phạm, phá hủy niêm phong, sử dụng trái phép, chuyển nhượng, thêm bớt, đánh tráo, cất giấu, hủy hoại và các hành vi khác làm hư hỏng hoặc thay đổi hiện trạng vật chứng, tài sản tạm giữ trong thi hành án dân sự đều bị xử lý theo quy định; quy định về kho vật chứng như quy mô tiêu chuẩn, nội quy kho vật chứng; những loại vật chứng tài sản  được bảo quản tại kho gồm: vật chứng, tài sản tạm giữ trong thi hành án dân sự do cơ quan có thẩm quyền chuyển giao và tài sản do cơ quan thi hành án dân sự kê biên, tạm giữ;  những loại vật chứng không bảo quản tại kho của cơ quan thi hành sn dân sự; trách nhiệm của các công chức có liên quan trực tiếp đến việc quản lý kho vật chứng như trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên, Kế toán, Thủ kho. Bảo vệ; quy định việc tiếp nhận, xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ trong một số trường hợp đặc thù như đối với vật chứng, tài sản tạm giữ không thể di chuyển về kho vật chứng trong trường hợp vật chứng lớn, kho vật chứng không đủ diện tích để lưu giữ; không thể di chuyển được vật chứng; việc di chuyển tốn kém… đối với vật chứng cần có điều kiện bảo quản đặc biệt tại cơ quan, tổ chức chuyên trách ; về xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ trong một số trường hợp đặc thù: số lượng nhiều, việc tiêu hủy ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường thì có thể phối hợp với cơ quan chuyên môn, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xử lý để tiến hành tiêu hủy hoặc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ xử lý, tiêu hủy; đối với vật chứng, tài sản tạm giữ tồn đọng Thông tư quy định về cách thức xử lý các loại vật chứng này trong các trường hợp mà vụ án bị đình chỉ; các vật chứng mà Tòa án chưa chuyển giao bản án, quyết định; Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra chưa chuyển giao các tài liệu liên quan; các vật chứng không có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ hoặc không có tài liệu liên quan đến vật chứng, tài sản tạm giữ; ngoài ra Thông tư cũng quy định việc xử lý đối với  các trường hợp vật chứng, tài sản tạm giữ bị mất, hư hỏng.
Hy vong, với các quy định hướng dẫn cụ thể Thông tư số 01/TT-BTP ngày 23/01/2017 của Bộ Tư pháp sẽ góp phần giải quyết những khó khăn vướng mắc trong việc quản lý xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ trong thi hành án dân sự, góp phần nâng cao hiệu quản của công tác thi hành án dân sự.
Nguyễn Thị Trang