Liên quan đến công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 có một số nội dung cụ thể như sau:
1. Một số nội dung cơ bản của Nghị quyết số 01/NQ-CP
Ngày 01/01/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Đây là Nghị quyết hàng năm, mang tính chỉ đạo, điều hành, định hướng một cách toàn diện, xuyên suốt năm công tác của Chính phủ.
Đánh giá về tình hình kinh tế xã hội năm 2017, Nghị quyết nhận định, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, tình hình kinh tế - xã hội nước ta chuyển biến tích cực, toàn diện; đạt và vượt toàn bộ 13/13 chỉ tiêu kế hoạch. Kinh tế vĩ mô ổn định. Xếp hạng môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh được nâng cao. Thực hiện tốt các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng, chống tham nhũng, lãng phí…
Xác định năm 2018 là năm bản lề thực hiện các Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Bên cạnh những thuận lợi, đất nước cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, Chính phủ đề ra phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” và xác định trọng tâm chỉ đạo điều hành là: “Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng; hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thực hiện quyết liệt cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Chú trọng các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội; thực hành dân chủ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước”.
Trên cơ sở đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xây dựng hệ thống chỉ tiêu cụ thể phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, lĩnh vực công tác được giao. Đồng thời, tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả 09 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, bao gồm:
Một là, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững
Hai là, tập trung thực hiện quyết liệt và đồng bộ 3 đột phá chiến lược (Hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN; phát triển nhanh nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ)
Ba là, tạo chuyển biến rõ nét và thực chất trong cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế
Bốn là, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội
Năm là, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu
Sáu là, thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo
Bảy là, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, cứu hộ, cứu nạn; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế
Tám là, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông
Chín là, tăng cường công tác phối hợp giữa Chính phủ và các cơ quan của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể quyết tâm thực hiện thành công nhiệm vụ, mục tiêu và giải pháp đề ra.
Về tổ chức triển khai thực hiện, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, thống nhất quán triệt phương châm phát huy tối đa các mặt tích cực đã làm được trong năm 2017, nghiêm túc triển khai thực hiện nhanh hơn, hiệu quả hơn, thiết thực hơn và toàn diện hơn và trực tiếp chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã được Nghị quyết đề ra.
2. Một số nhiệm vụ trọng tâm về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính trong Nghị quyết
2.1. Lần đầu tiên Nghị quyết số 01 của Chính phủ trực tiếp ghi nhận và xác định thi hành án dân sự, thi hành án hành chính là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu (mục 7.3 của Nghị quyết) với các nội dung cơ bản sau:“Nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, nhất là liên quan đến thu hồi các khoản nợ của các tổ chức tín dụng; tập trung thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành án dân sự, bảo đảm thi hành dứt điểm các bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính còn tồn đọng”. Như vậy, Chính phủ đã đặt ra 03 nhiệm vụ trọng tâm đối với Bộ Tư pháp, Hệ thống Thi hành án dân sự năm 2018 là (1) Tập trung thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành án dân sự, (2) Nâng cao kết quả thu hồi các khoản nợ của các tổ chức tín dụng, và (3) Bảo đảm thi hành dứt điểm các bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính còn tồn đọng.
2.2. Nghị quyết tiếp tục coi thi hành án dân sự là một nội dung góp phần quan trọng vào cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao mức tín nhiệm của nền kinh tế và khuyến khích phong trào khởi nghiệp. Nghị quyết xác định “Phấn đấu năm 2018 cải thiện đáng kể về thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng của thế giới, đưa Việt Nam vào nhóm ASEAN - 4 về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh” (mục 1.10 của Nghị quyết).
Như chúng ta đã biết, đất nước ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN theo những chuẩn mực quốc tế, với những chỉ số, chỉ tiêu được đặt ra phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp. Mức độ tín nhiệm của nền kinh tế không chỉ là hình ảnh, vị thế quốc gia mà còn là thế mạnh trong thu hút đầu tư, cạnh tranh của nền kinh tế, trong đàm phán các cam kết thương mại quốc tế. Tín nhiệm quốc tế cao thì chi phí vốn của cả quốc gia và doanh nghiệp sẽ đều giảm, như vậy, kinh tế sẽ phát triển nhanh hơn, hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.
Theo báo cáo thường niên của Ngân hàng thế giới về xếp hạng mức độ tín nhiệm của các nền kinh tế (chỉ đánh giá trong lĩnh vực kinh tế tư nhân), trong 10 lĩnh vực đánh giá, bao gồm: Khởi nghiệp (Starting a business), Cấp phép xây dựng (Dealing with contruction permits), Bảo đảm nguồn điện (Getting electricity), Đăng ký tài sản (Registering Property), Bảo đảm tín dụng (Getting credit), Bảo vệ các nhà đầu tư thiểu số (Protecting minority investors), Thuế quan (Paying taxes), Hải quan (Trading across borders), Bảo đảm thực thi hợp đồng (Enforcing contracts) và Giải quyết phá sản (Resolving insolvency), thì có 2 chỉ tiêu quan trọng liên quan đến thi hành án dân sự là “Giải quyết tranh chấp hợp đồng” và “Phá sản doanh nghiệp”.
Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, thời gian thực thi phán quyết của tòa án tại Việt Nam là 150 ngày. Xếp hạng 6/10 trong khối ASEAN, cụ thể: Singapore: 40 ngày, Brunei: 90 ngày, Thái Lan: 120 ngày, Malaysia: 120 ngày, Lào: 135 ngày, Việt Nam: 150 ngày, Campuchia: 170 ngày, Indonesia: 180 ngày, Myanmar: 180 ngày, Philipines: 204 ngày. Điều đáng lưu ý là thời gian thi hành án dân sự của Việt Nam trong vòng gần 10 năm qua không có sự cải thiện nào đáng kể.
Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII của Đảng ta về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của KTTT định hướng XHCN vừa qua nhận định Với tỷ trọng 39-40% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, năng lực cạnh tranh ngày càng cao, phạm vi hoạt động rộng và đa dạng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực và vùng, miền, kinh tế tư nhân đang đóng góp ngày càng to lớn cho sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế là một yêu cầu khách quan, cấp thiết và lâu dài. Đây cũng chính là một phương sách quan trọng để giải phóng sức sản xuất, huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.
Thi hành án dân sự có vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ thượng tôn pháp luật, tạo nền tảng ổn định vững chắc để phát triển các quan hệ kinh tế, tạo lập một môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, ổn định và có tính tin cậy cao. thi hành án dân sự còn là cơ chế quan trọng góp phần bảo đảm các quyền sở hữu tài sản của nhà đầu tư phải được tôn trọng và có hiệu lực thực thi. Vấn đề các nhà đầu tư quan tâm khi đến làm ăn tại mỗi quốc gia là hiệu lực, hiệu quả bảo vệ quyền sở hữu tài sản trong trường hợp xảy ra tranh chấp, họ sẽ phải mất bao nhiêu thời gian và chi phí để có thể thu hồi thành công tài sản, đồng vốn của họ. Do đó, Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII của Đảng cũng như Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp, Hệ thống thi hành án dân sự phải có các biện pháp hiệu quả để giảm bớt thủ tục, tiết kiệm chi phí và rút ngắn thời gian thi hành án.
2.3. Về một số nội dung quan trọng khác
Một là, Nghị quyết yêu cầu tiếp tục triệt để tiết kiệm các khoản chi ngân sách, rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết; hạn chế mua sắm xe ô tô công và trang thiết bị đắt tiền; hạn chế tối đa tổ chức hội nghị, lễ hội, hội thảo, khánh tiết, công tác nước ngoài...
Hai là, Nghị quyết tiếp tục yêu cầu quản lý chặt chẽ số lượng biên chế công chức, biên chế sự nghiệp. Dừng việc giao bổ sung biên chế. Chấm dứt việc tự phê duyệt và giao biên chế vượt quá số đã được cấp có thẩm quyền giao; có kế hoạch và giải pháp để giải quyết dứt điểm số biên chế vượt quá số biên chế được giao. Các cơ quan, đơn vị chưa sử dụng hết số biên chế được giao phải xem xét, cắt giảm phù hợp. Trong năm 2018, giảm 1,7% biên chế công chức so với số giao năm 2015.
Ba là, Nghị quyết yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong xây dựng pháp luật, thực thi công vụ và hoạt động của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến cơ sở; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; tạo động lực và áp lực, chuyển biến thái độ xử lý gắn với trách nhiệm chính trị trong thực thi công vụ đối với cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu. Kịp thời thay thế các cán bộ, công chức trì trệ, cản trở, không hoàn thành nhiệm vụ. Xử lý nghiêm và kịp thời theo quy định của pháp luật các tổ chức và cá nhân có vi phạm trong thực thi công vụ. Đẩy mạnh đổi mới phương thức, lề lối làm việc của cơ quan hành chính nhà nước; giảm hội họp, giấy tờ hành chính và chế độ báo cáo, tăng cường họp trực tuyến và tin học hóa các hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước; khắc phục tình trạng thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chồng chéo; xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả; nhân rộng mô hình trung tâm hành chính công hoạt động hiệu quả, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ được giao; xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm pháp luật, sách nhiễu người dân và doanh nghiệp.
Xuân Bách