Chi tiết văn bản
|
Ngày 11/02/2014, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BTP về việc tăng cường phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong thi hành án dân sự. Thực hiện Chỉ thị của Bộ trưởng, ngày 13/02/2014, Tổng cục đã có văn bản số 356/TCTHADS-TCCB triển khai thực hiện trong toàn Ngành. Tuy nhiên, trong thời gian qua, vẫn còn tình trạng một số cán bộ công chức làm công tác thi hành án dân sự có biểu hiện xuống cấp về đạo đức, có hành vi vi phạm pháp luật, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của Ngành, giảm sút lòng tin của nhân dân đối với cơ quan Thi hành án dân sự, trong đó, có những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng như vụ 04 CBCC thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An bị khởi tố về tội trộm cắp tài sản; vụ Thẩm tra viên Chi cục THADS quận Thanh Khê, Đà Nẵng bị bắt quả tang nhận hối lộ; vụ cán bộ Chi cục THADS huyện Cao Phong, Hòa Bình vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông, chống người thi hành công vụ…
Để kịp thời chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, ngăn chặn các hành vi vi phạm của CBCC, người lao động trong Ngành, Lãnh đạo Tổng cục yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Tăng cường phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện nội dung Chỉ thị số 01/CT-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về tăng cường phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong thi hành án dân sự; các Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của CBCC, viên chức ngành Tư pháp; Chuẩn mực đạo đức Chấp hành viên tới toàn thể CBCC, người lao động trong toàn Ngành. Thường xuyên quan tâm bồi dưỡng, giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị của CBCC, người lao động trong cơ quan, đơn vị.
2. Thủ trưởng, lãnh đạo đơn vị phải chịu trách nhiệm và nêu cao vai trò đầu tàu, gương mẫu, tự rèn luyện, đồng thời rèn luyện và khích lệ tinh thần tự rèn luyện của công chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị trở thành những công dân gương mẫu, có ý thức kỷ cương, kỷ luật, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xứng đáng là công chức, người lao động trong cơ quan thực thi pháp luật.
Thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm với hành vi vi phạm của các cá nhân trong đơn vị và phải kiểm điểm, không được xét thi đua, khen thưởng nếu để xảy ra tình trạng CBCC, người lao động trong đơn vị vi phạm pháp luật.
3. Đặc biệt chú trọng công tác phòng ngừa, thường xuyên phối hợp với cấp ủy và các tổ chức đoàn thể trong đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội tại nơi cư trú của CBCC, người lao động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và diễn biến tâm lý của CBCC, người lao động, kịp thời phát hiện các biểu hiện tiêu cực, sai trái, lệch lạc của CBCC, người lao động, từ đó có biện pháp ngăn chặn, chấn chỉnh, uốn nắn kịp thời.
4. Tạo môi trường làm việc công khai, minh bạch, quy tụ, xây dựng tập thể đơn vị đoàn kết, quyết tâm đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm Chuẩn mực đạo đức. Kịp thời khen thưởng hoặc đề xuất khen thưởng những cá nhân tích cực đấu tranh chống tiêu cực. Kiên quyết xử lý kỷ luật nghiêm những cá nhân có hành vi vi phạm hoặc che dấu cho các hành vi vi phạm.
5. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm tạo điều kiện để CBCC, người lao động và nhân dân tham gia kiểm tra, giám sát các hoạt động của CBCC, người lao động trong việc tổ chức thi hành án dân sự và trong mọi mặt của đời sống xã hội.
Nhận được Công văn này, yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục, Cục trưởng Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc triển khai thực hiện và gửi văn bản triển khai về Tổng cục để theo dõi, tổng hợp, đồng thời, báo cáo kết quả thực hiện trong các báo cáo định kỳ theo quy định./.
|