Số hiệu
Số: 2840/TB-TCTHADS
 Trích yếu nội dung
V/v kết luận của Tổng cục trưởng tại cuộc họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm về công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Tổng cục
 Chi tiết văn bản

Qua theo dõi, đánh giá kết quả công tác 10 tháng (từ 01/10/2013 đến 31/7/2014) của toàn Ngành cho thấy, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thi hành án dân sự vẫn còn những tồn tại, hạn chế, kết quả thi hành án chưa có sự đột phá. Có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến những tồn tại, hạn chế, trong đó, có nguyên nhân xuất phát từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của đội ngũ Lãnh đạo Tổng cục, Lãnh đạo các đơn vị thuộc Tổng cục, cũng như Lãnh đạo các Cục và Chi cục Thi hành án dân sự địa phương. Nhằm đánh giá làm rõ những việc đã làm được, nhất là những hạn chế, tồn tại và bàn các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, trước hết là của Lãnh đạo Tổng cục, ngày 05/9/2014, Tổng Cục trưởng Hoàng Sỹ Thành đã chủ trì cuộc họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong Lãnh đạo Tổng cục. Tham dự cuộc họp có các Phó Tổng Cục trưởng: Nguyễn Thanh Thủy, Nguyễn Văn Sơn, Mai Lương Khôi; đ/c Nguyễn Quang Thái - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,  đ/c Nguyễn Văn Tuấn - Chánh Văn phòng.

Sau khi nghe báo cáo tổng hợp các ý kiến nhận xét, đánh giá của các đơn vị thuộc Tổng cục về công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của tập thể Lãnh đạo Tổng cục; ý kiến tự đánh giá, kiểm điểm của từng đồng chí Lãnh đạo Tổng cục, Tổng Cục trưởng Hoàng Sỹ Thành kết luận như sau:

1. Việc tổ chức kiểm điểm đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự vừa là công việc thường xuyên, vừa là giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Thời gian qua, tập thể Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự đã đoàn kết, thống nhất, tổ chức triển khai toàn diện các mặt công tác của Ngành và của Tổng cục. Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Tổng cục ngày càng bài bản, sâu sát và hiệu quả hơn. Từng đồng chí Lãnh đạo Tổng cục đã cơ bản bám sát Kế hoạch công tác, Quy chế làm việc của Tổng cục, chia sẻ, hỗ trợ nhau tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao; quyết liệt chỉ đạo các đơn vị thuộc Tổng cục và các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị của toàn Ngành.

2. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của đội ngũ cán bộ quản lý trong toàn hệ thống cơ quan thi hành án dân sự nói chung và của Lãnh đạo Tổng cục nói riêng vẫn còn những hạn chế, tồn tại, cần phải đánh giá làm rõ và kịp thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm. Đối với Lãnh đạo Tổng cục cần đánh giá sâu sắc về phương pháp, kỹ năng công tác và ý thức trách nhiệm. Qua đánh giá, kiểm điểm, công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Tổng cục trong 10 tháng qua còn một số hạn chế, tồn tại sau đây: (i) Chỉ đạo của Tổng cục chưa đáp ứng yêu cầu quản lý Ngành; một số sai phạm, tiêu cực xảy ra tại các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương nhưng nắm bắt chưa kịp thời; vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân trong việc thi hành án, nhưng chưa được giải quyết triệt để; (ii) Công tác quản lý, chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, đánh giá đối với đội ngũ cán bộ cấp dưới còn chưa sâu sát, thiếu thường xuyên, dẫn đến năng lực, trình độ, kỹ năng làm việc của nhiều cán bộ, công chức còn hạn chế, thậm chí là yếu kém, nhất là trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn bản, đề án, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, trong đó, có công chức của Tổng cục cũng như các cơ quan thi hành án dân sự địa phương. (iii) Thời gian qua chủ yếu mới tập trung giải quyết những vấn đề cụ thể, chưa tập trung nhiều vào việc đưa ra định hướng lớn trong quản lý, chỉ đạo Ngành; công tác quản lý, chỉ đạo đối với các cơ quan thi hành án dân sự địa phương vẫn còn nhiều bất cập và chưa thực sự chủ động; công tác chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, có lúc, có việc chưa kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương, mới dừng ở mức hướng dẫn nghiệp vụ (khi được xin ý kiến), chưa vươn tới tầm chủ động chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ, chưa tập trung cao độ chỉ đạo giải quyết những vụ án lớn, vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; (iv) Công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tuy đã có nhiều tiến bộ, song có nơi, có việc hiệu quả chưa cao, chưa thường xuyên giữ mối liên hệ công tác; một số đồng chí Lãnh đạo Tổng cục khi đi công tác địa phương chưa kết hợp làm việc với cấp ủy, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân để nắm bắt, trao đổi về công tác của Ngành, trong đó có công tác tổ chức cán bộ và chỉ đạo tổ chức thi hành án tại địa bàn; (v) Có lúc còn lúng túng trong định hướng giải quyết công việc; phương pháp làm việc chưa thực sự khoa học, hiệu quả thấp...

3. Về một số giải pháp chủ yếu trong thời gian tới:

Một là, Lãnh đạo Tổng cục nghiêm túc tiếp thu ý kiến nhận xét, góp ý của các đơn vị thuộc Tổng cục, nhất là những tồn tại, hạn chế để từng bước khắc phục, hoàn thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành. Từng đồng chí Lãnh đạo Tổng cục phải thường xuyên nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự rèn luyện nâng cao trình độ, kỹ năng công tác và phẩm chất đạo đức, qua đó, làm gương cho cán bộ cấp dưới noi theo, đồng thời, chủ động và quyết liệt hơn nữa trong quản lý, chỉ đạo đối với đơn vị, lĩnh vực, địa bàn phụ trách nhằm phát hiện và chỉ đạo tháo gỡ, giải quyết kịp thời vấn đề phát sinh.

Hai là, phát huy tốt hơn nữa công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Bộ, với cấp ủy và chính quyền địa phương; khi đi công tác, cần bố trí thời gian, nội dung làm việc với cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là với Trưởng ban Chỉ đạo THADS để trao đổi, nắm bắt tình hình công tác thi hành án dân sự tại địa bàn. Bên cạnh phối hợp chung, công tác phối hợp của Tổng cục tập trung vào một số đầu mối, như: Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; Văn phòng Chính phủ; Thanh tra Chính phủ; Viện KSNDTC; Tòa án nhân dân tối cao; cấp ủy và chính quyền địa phương; các đơn vị thuộc Bộ (Văn phòng Bộ; Thanh tra Bộ; Vụ TCCB; Vụ KHTC và các đơn vị xây dựng pháp luật)...

Ba là, Lãnh đạo Tổng cục phải thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng làm việc đối với đội ngũ công chức của Tổng cục thuộc đơn vị mình quản lý; thường xuyên quán triệt, yêu cầu nêu cao vai trò, trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục, từng đồng chí Lãnh đạo cấp Vụ thuộc Tổng cục cần phải tự rèn luyện, nâng cao trình độ mọi mặt, kết hợp với việc học hỏi kinh nghiệm, qua đó nâng tầm công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm và tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng công tác xây dựng văn bản, đề án của Tổng cục.

Bốn là, chấn chỉnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ; tập trung chỉ đạo giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài; phải nghiêm túc chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ, trong chỉ đạo cũng như trực tiếp giải quyết khiếu nại, tố cáo tại cơ quan Tổng cục cũng như tại các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương, vươn lên tầm chủ động nắm bắt, chỉ đạo về nghiệp vụ và giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài. Các đồng chí Lãnh đạo Tổng cục phụ trách nghiệp vụ và giải quyết khiếu nại, tố cáo phải thường xuyên bám sát và chịu trách nhiệm về lĩnh vực, địa bàn phụ trách.

Năm là, tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp, chuẩn mực đạo đức Chấp hành viên; phát huy dân chủ và sức mạnh tập thể, tăng cường đoàn kết nội bộ trong từng cơ quan, đơn vị, đồng thời, kiên quyết chống tiêu cực, tham nhũng trong thi hành án dân sự theo đúng tinh thần Chỉ thị số 01/CT-BTP ngày 11/02/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; kiên quyết xử lý nghiêm các cán bộ tại Tổng cục có vi phạm về phẩm chất đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm trong công việc.

4. Đề nghị các đồng chí Lãnh đạo Tổng cục, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao và phân công trong Lãnh đạo Tổng cục, trực tiếp chỉ đạo các đơn vị được giao phụ trách tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo đơn vị; chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật công tác, nâng cao trình độ, kỹ năng làm việc. Yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức đánh giá, kiểm điểm công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của tập thể Lãnh đạo đơn vị trong thời gian qua, trong đó, đánh giá cụ thể về ưu điểm, nhất là những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân, đồng thời, đưa ra các giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả công tác trong thời gian tới. Cục trưởng Cục THADS các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị thuộc Cục và các Chi cục trên địa bàn tổ chức đánh giá kiểm điểm, rút kinh nghiệm theo tinh thần trên (các đơn vị thuộc Tổng cục và các Cục thực hiện xong trước ngày 25/9/2014; các Chi cục thực hiện xong trước 30/9/2014). Kết quả đánh giá, kiểm điểm của các đơn vị, yêu cầu báo cáo Lãnh đạo Tổng cục (qua Văn phòng) trước ngày 10/10/2014.

Trên đây là kết luận của Tổng Cục trưởng tại cuộc họp ngày 05/9/2014, Tổng cục thông báo để các đơn vị và các đồng chí biết, thực hiện./.

 Ngày ban hành
11/09/2014
 Ngày có hiệu lực
11/09/2014
 
 Loại văn bản
Thông báo
 Cơ quan ban hành
Tổng cục Thi hành án dân sự
 Người ký duyệt
File đính kèm: