Chi tiết văn bản
|
Thực hiện Kế hoạch số 2281/KH-TCTHADS ngày 21/7/2016 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự về việc kiểm tra, chỉ đạo công tác thi hành án dân sự 3 tháng cuối năm 2016, ngày 29/7/2016, Đoàn công tác Tổng cục do đồng chí Nguyễn Văn Lực, Phó Tổng cục trưởng làm Trưởng đoàn đã trực tiếp kiểm tra, làm việc tại Cục THADS tỉnh An Giang. Tham gia Đoàn công tác có đồng chí Vũ Tiến Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo và Chuyên viên Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo. Về phía địa phương, đại diện Lãnh đạo tỉnh An Giang có đồng chí Nguyễn Văn Thạnh, Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy, đại diện TAND tỉnh, đại diện VKSND tỉnh, đại diện Công an tỉnh và đại diện một số Ngân hàng trên địa bàn tỉnh; về phía cơ quan THADS có tập thể Lãnh đạo Cục, Lãnh đạo các phòng thuộc Cục, Chi cục trưởng các Chi cục trên địa bàn tỉnh An Giang.
Tại buổi làm việc, sau khi nghe Cục trưởng Cục THADS tỉnh An Giang báo cáo kết quả công tác THADS 9 tháng đầu năm 2016, những khó khăn, vướng mắc, tồn tại hạn chế, giải pháp và các đề xuất kiến nghị; ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự họp; ý kiến của các thành viên trong Đoàn công tác; ý kiến phát biểu của các đồng chí Lãnh đạo Cục, Chi cục trưởng, các phòng chuyên môn thuộc Cục; ý kiến phát biểu của đồng chí Nguyễn Văn Thạnh, đồng chí Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Lực kết luận:
1. An Giang là một tỉnh lớn của khu vực đồng bằng sông Cửu Long có số việc, tiền phải thi hành án lớn trong khu vực nói riêng và trong cả nước nói chung, số tiền phải thi hành án thuộc tốp 10 trên toàn quốc. Do đó, kết quả thi hành án của tỉnh An Giang ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thi hành án của toàn Ngành. Trong thời gian qua, với sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương, cộng với sự nỗ lực cố gắng của cán bộ, công chức người lao động các cơ quan THADS tỉnh An Giang, sự phối hợp có hiệu quả của các cơ quan có liên quan, công tác THADS tỉnh An Giang đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, những năm qua xếp hạng các cơ quan THADS tỉnh An Giang đều chưa cao, (năm 2014 xếp loại B, năm 2015 xếp loại C); trong 09 tháng đầu năm 2016, kết quả thi hành án về việc xếp thứ 53/63 tỉnh, thành phố và về tiền, xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố; số việc, số việc tiền phải thi hành án cho Ngân hàng còn tồn đọng rất lớn (trên 1000 tỷ đồng). Trong 2015, năm 2016, THADS tỉnh An Giang còn để xảy ra một số vi phạm pháp luật nghiêm trọng; công tác tổ chức cán bộ đã đi vào nề nếp nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, còn thiếu nhiều vị trí chủ chốt (Cục THADS tỉnh An Giang hiện tại mới có 01 Phó Cục trưởng, một số phòng chuyên môn, Chi cục THADS có cấp phó phụ trách); kỷ luật, kỷ cương hành chính còn chưa nghiêm, đặc biệt là một số Chi cục.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên có cả khách quan lẫn chủ quan: Về khách quan, An Giang là tỉnh lớn của Đồng bằng sông Cửu Long với đặc thù địa hình nhiều đồi núi, sông nước, biên giới phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến tác nghiệp của Chấp hành viên, nhiều vụ việc có tính chất đặc thù của địa phương, rất khó xử lý; số lượng biên chế của các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh An Giang là chưa tương xứng với khối lượng công việc phải xử lý; nhiều vụ việc thi hành án liên quan đến tín dụng ngân hàng (chiếm 62,99% về giá trị), nhiều vụ việc có giá trị lớn nhưng tính chất phức tạp, khó thi hành, nhiều trường hợp đương sự chống đối quyết liệt, trong khi đó biên chế, điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn. Về nguyên nhân chủ quan, công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Cục và Lãnh đạo một số Chi cục còn hạn chế, chậm đổi mới, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của nhiệm vụ trong tình hình mới; một bộ phận Chấp hành viên còn thiếu tích cực, chậm tổ chức thi hành án; một số Chi cục còn chưa chủ động, tranh thủ sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy địa phương; công tác phối hợp với các đơn vị, ban, ngành còn nhiều hạn chế, chưa tạo được sự đồng thuận của hệ thống chính trị trong một số vụ việc phức tạp; năng lực, trình độ của một bộ phận Chấp hành viên, Thẩm tra viên còn hạn chế, chưa đồng đều, còn để xảy ra vi phạm; công tác quản lý, kiểm tra ở một số Chi cục còn hạn chế.
2. Một số yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Cục THADS tỉnh và các Chi cục THADS trên địa bàn tỉnh An Giang cần thực hiện trong 02 tháng cuối năm 2016 và thời gian tiếp theo:
a) Lãnh đạo, công chức cơ quan THADS tỉnh An Giang cần nêu cao ý thức trách nhiệm, tập trung cao độ, phát huy tinh thần 70 năm ngày truyền thống THADS, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thi hành án năm 2016, đặc biệt quan tâm đến chỉ tiêu thi hành án về tiền, phấn đấu cải thiện vị trí xếp hạng của cơ quan THADS tỉnh An Giang trong năm 2016 và các năm tiếp theo.
b) Khẩn trương kiện toàn tổ chức cán bộ, đặc biệt là cán bộ Lãnh đạo Cục, Lãnh đạo các Chi cục, Lãnh đạo các phòng chuyên môn.
c) Tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi hành án, nhất là đối với các vụ việc có điều kiện thi hành, những vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài. Cục THADS tỉnh chỉ đạo xây dựng Kế hoạch giải quyết cụ thể đối với từng vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài, trong đó cần phân công, xác định rõ thời hạn hoàn thành, kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc đến Ban Chỉ đạo THADS, Lãnh đạo Tổng cục để chỉ đạo giải quyết dứt điểm.
d) Phối hợp với chặt chẽ với các tổ chức tín dụng Ngân hàng trên địa bàn tỉnh, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng để thu hồi nợ xấu cho Ngân hàng.
đ) Trong 02 tháng cuối năm 2016, tạm dừng các cuộc kiểm tra, tập trung mọi nguồn lực cho việc tổ chức thi hành án. Tuy nhiên, trong thời gian này, phải xây dựng cụ thể kế hoạch kiểm tra để ngay sau khi kết thúc năm công tác, tiến hành kiểm tra (trong đó, chú trọng kiểm tra về tình hình thực hiện chỉ tiêu, kiểm tra tính trung thực của báo cáo thống kê; kiểm tra việc tổ chức thi hành án trọng điểm, phức tạp kéo dài; kiểm tra việc thi hành án liên quan đến các tổ chức tín dụng ngân hàng và các nội dung khác theo yêu cầu quản lý của từng đơn vị).
e) Quan tâm công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đúng quy định, tránh phát sinh khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài.
f) Quan tâm công tác quản lý tài chính kế toán, xử lý vật chứng, tài sản, tránh để sai phạm trong lĩnh vực này.
g) Thường xuyên tranh thủ sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, tăng cường công tác phối hợp với các sở, ngành, cơ quan liên quan tại địa phương trên tất cả các mặt công tác THADS.
h) Cục THADS tỉnh An Giang chủ động tranh thủ sự quan tâm, báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ kinh phí hoạt động, kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trụ sở làm việc, kho vật chứng, có lộ trình, phương án đầu tư phù hợp, đáp ứng yêu cầu.
i) Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tăng cường, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi hành án dân sự, chủ động thực hiện việc hỗ trợ trực tuyến nộp đơn yêu cầu thi hành án và cơ chế một cửa đối với một số thủ tục hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự; tăng cường công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, quy chế làm việc, nâng cao văn hóa công sở.
3. Đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh An Giang tiếp tục quan tâm phối hợp cùng Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác THADS; chỉ đạo cấp ủy trực thuộc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác THADS; chỉ đạo các cấp, các ngành của tỉnh phối hợp với các cơ quan THADS, nhất là trong phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân, doanh nghiệp, trong giải quyết các vụ án lớn, phức tạp, các đợt thi hành án cao điểm, trong công tác tổ chức cán bộ.
Trên đây là Kết luận của đồng chí Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Văn Lực tại buổi làm việc với Cục THADS tỉnh An Giang về công tác thi hành án dân sự 09 tháng đầu năm 2016, Tổng cục Thi hành án dân sự thông báo để các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan biết, thực hiện./.
|