Sign In

Từ thực tiễn thi hành Luật đấu giá tài sản năm 2016 liên quan đến lĩnh vực Thi hành án dân sự

27/11/2017

Từ thực tiễn thi hành Luật đấu giá tài sản năm 2016 liên quan đến lĩnh vực Thi hành án dân sự
Luật đấu giá tài sản được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2016, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2017, với 8 chương, 81 điều đã đánh dấu mốc quan trọng trong việc hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đấu giá tài sản.  Những điểm mới của Luật đã góp phần nâng cao tính hiệu lực hiệu quả trong việc bán đấu giá tài sản theo hướng có lợi cho tổ chức, cá nhân có tài sản đấu giá, bảo vệ được quyền con người, quyền công dân theo tinh thần của Hiến pháp 2013.
Luật đấu giá tài sản năm 2016, quy định mở hơn về đối tượng và phạm vi điều chỉnh mà pháp luật đấu giá trước đây chưa điều chỉnh kịp thời và sẽ là cơ sở để các luật chuyên ngành hoàn thiện thể chế hơn, ví dụ như pháp luật chuyên ngành quy định biển số xe, quyền sở hữu trí tuệ, quyền khai thác cảng biển, sân bay... phải bán thông qua đấu giá thì được thực hiện theo trình tự, thủ tục của Luật đấu giá tài sản…
Tính khả thi áp dụng điểm mới vào thực tiễn thi hành
Trong những điểm mới của Luật có những ưu điểm khi áp dụng vào thực tiễn liên quan đến lĩnh vực đấu giá tài sản cưỡng chế, kê biên Thi hành án dân sự. Qua 03 tháng triển khai thực hiện Luật đấu giá tài sản, bước đầu đã đạt được hiệu quả mang tính khả thi cao hơn so pháp luật về đấu giá trước đây, những lợi thế đó đã góp phần bảo đảm cho việc bảo vệ kịp thời về quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, tổ chức. Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham gia đấu giá công bằng hơn, hạn chế tối đa tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, “móc nối, thông đồng, dìm giá”…như quy định về nộp tiền đặt cọc trước 03 ngày mở phiên bán đấu giá, khoản tiền này do tổ chức đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá thỏa thuận nhưng tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá (trước đây theo quy định tại Nghị định số 17/2010/NĐ-CP thì khoản tiền đặt trước chỉ tối thiểu là 1% và tối đa 15% giá khởi điểm). Tổ chức đấu giá tài sản chỉ được thu tiền đặt trước trong 3 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá và không được sử dụng tiền đặt trước vào bất kỳ mục đích nào khác, số tiền đặt trước lớn hơn 5 triệu bắt buộc phải chuyển khoản vào tài khoản của tổ chức đấu giá, tránh tình trạng “đấu giá mồm”, tạo điều kiện cho người tham gia đấu giá thay thế tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng hoặc là quy định về bước giá cũng thay đổi hơn do bên có tài sản ấn định (trong lĩnh vực thi hành án dân sự là do Cơ quan thi hành án dân sự quy định)… đáp ứng được cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu thực sự để mua tài sản bán đấu giá, đồng thời cải cách một bước về thủ tục hành chính. Luật đã rút ngắn thời gian niêm yết thông báo việc đấu giá bất động sản. Cụ thể, tại Điểm b, Khoản 1, Điều 35 Luật Đấu giá tài sản quy định đối với tài sản là bất động sản thì tổ chức đấu giá phải niêm yết việc đấu giá tài sản tại trụ sở của tổ chức mình, nơi tổ chức cuộc đấu giá và UBND cấp xã nơi có bất động sản đấu giá ít nhất là 15 ngày trước ngày mở cuộc đấu giá (trước đây Nghị định số 17/2010/NĐ-CP quy định là 30 ngày). Thời gian niêm yết thông báo việc đấu giá động sản vẫn được giữ nguyên như quy định trước đây là 7 ngày trước khi tiến hành đấu giá. Đây cũng là một bước phát triển và linh hoạt hơn trong việc xử lý tài sản bán đấu giá, nhất là trong lĩnh vực thi hành án dân sự sẽ rút ngắn thời gian xử lý tài sản, giải quyết được lượng án tồn đọng kéo dài cũng như đảm bảo giá trị tài sản sau khi cưỡng chế kê biên thi hành án.

Hình ảnh về bán đấu giá
 
Bên cạnh đó, khắc phục hạn chế của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP quy định những người không được tham gia đấu giá, theo Luật mới tại Khoản 4, Điều 38, Luật Đấu giá tài sản còn quy định về những người không được đăng ký tham gia đấu giá: “…Người làm việc trong tổ chức đấu giá tài sản thực hiện cuộc đấu giá; cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá; người trực tiếp giám định, định giá tài sản; cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của người trực tiếp giám định, định giá tài sản…”.
Hiệu quả từ thực tiễn áp dụng
Chính vì thế, những điểm mới của Luật liên quan đến lĩnh vực thi hành án dân sự đã kịp thời xử lý tài sản kê biên được nhanh gọn, hiệu quả trong công tác thi hành án dân sự do quy định mới về rút ngắn thời gian bán đấu giá cũng là điểm mới cần thiết nhất khắc phục tình trạng xử lý tài sản kéo dài không dứt điểm được do bán đấu giá không có cá nhân, tổ chức, cơ quan đăng ký mua…
Hơn 03 tháng qua, Chi cục Thi hành án dân sự TP Tuy Hòa, đã xử lý kịp thời tài sản kê biên góp phần nâng cao hiệu quả cho công tác thi hành án dân sự năm 2017. Có những vụ việc tổ chức bán đấu giá tài sản đã giảm giá lần thứ 12 không bán được đến khi Luật đấu giá tài sản năm 2016 đã ra đời và áp dụng đi vào thực tiễn đạt hiệu quả cao hơn. Chi cục THADS TP Tuy Hòa mới xử lý dứt điểm 04 vụ với tổng số tiền trên 5 tỷ đồng, góp phần thực hiện giải quyết tình trạng nợ xấu của Ngân hàng theo chủ trương của Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc Hội. Hoặc là tài sản kê biên là quyền sở hữu công trình gắn liền với quyền sử dụng đất của Nhà nước cho thuê cũng xử lý hiệu quả hơn, hạn chế được tình trạng móc nối, thông đồng, dìm giá hoặc gây khó khăn cho những doanh nghiệp có nhu cầu thực sự muốn mua tài sản đó để tiếp tục kinh doanh…
Luật giá đấu tài sản năm 2016 liên quan đến lĩnh vực Thi hành án dân sự qua thực tiễn áp dụng bước đầu đạt hiệu quả, tăng cao tính khả thi và tính hiệu lực của văn bản Luật hơn, đảm bảo quyền, lợi ích cho các bên đương sự, người có quyền và nghĩa vụ liên quan cũng như bảo vệ được quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp 2013 trong các quan hệ dân sự mua bán, chuyển nhượng tài sản, quyền tài sản…/.


Theo nguồn tin Lê Lanh

Các tin đã đưa ngày: