Do đó, khi ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản các bên phải tiến hành thỏa thuận, xây dựng điều khoản của hợp đồng đảm bảo việc tổ chức thực hiện đấu giá tài sản phải tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá được quy định của Luật Đấu giá tài sản và pháp luật có liên quan, đồng thời phải xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên khi thực hiện hợp đồng.
Luật Thi hành án dân sự quy định tài sản của người phải thi hành án bị kê biên phải được bán thông qua đấu giá (trừ một số trường hợp như tài sản có giá trị nhỏ hoặc không ký được hợp đồng với tổ chức đấu giá) và thủ tục bán đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản. Chấp hành viên có quyền ký hợp hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá để thực hiện việc đấu giá tài sản thi hành án.
Việc lựa chọn tổ chức đấu giá phải được thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của mình và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản. Mặc dù, Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực thi hành gần 2 năm nhưng trên thực tế nhiều Chấp hành viên khi ký kết các hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá vẫn làm theo “lối mòn đó” phát hành văn bản đề nghị tổ chức đấu giá ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản và kèm theo đó là thông tin về tài sản đấu giá để tổ chức đấu giá điền vào mẫu hợp đồng mà họ đã soạn sẵn mà không xem xét, thỏa thuận các điều khoản trong hợp đồng. Ngoài ra, một số Chấp hành viên vẫn cho rằng việc trình tự, thủ tục đấu giá là của tổ chức đấu giá nên thiếu sự giám sát tổ chức đấu giá trong việc thực hiện hợp đồng của các tổ chức đấu giá nên đã dẫn đến một số sai sót trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản thi hành án như sau:
1. Không thông báo công khai về việc lựa chọn tổ chức đấu giá trên Trang thông tin điện tử của Cục Thi hành án dân sự.
2. Hợp đồng không xác định thời gian tổ chức đấu giá hoặc để tổ chức đấu giá lựa chọn
ngày tổ chức đấu giá.
3. Hợp đồng không xác định rõ tài sản bán đấu giá đó có thuộc diện phải chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) hay không, giá khởi điểm đã bao gồm thuế VAT hay chưa ( theo quy định tại k5 điều 2 Thông tư liên tịch số 11, ngày 01/08/2016 của liên ngành BTP-TANDTC-VKSNDTC
4. Hợp đồng không quy định rõ trách nhiệm thực hiện niêm yết hoặc việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, việc bán, thu hồ sơ đăng ký đấu giá của tổ chức đấu giá.
5. Hợp đồng không quy định về việc nộp tiền đặt trước của người tham gia đấu giá vào tài khoản của tổ chức đấu giá (theo quy định tại k2 điều 39 Luật đấu giá tài sản).
6. Theo thỏa thuận thì việc bán đấu giá theo thủ tục rút gọn nhưng thời gian để tổ chức đấu giá vẫn là 45 ngày.
6. Hợp đồng không quy định việc tổ chức đấu giá cho người tham gia đấu giá đấu giá được quyền xem giấy tờ sở hữu, quyền sử dụng tài sản ( theo quy định tại k2 điều 36 Luật đấu giá tài sản).
7. Hợp đồng không quy định rõ trách nhiệm thực hiện niêm yết, thông báo công khai việc đấu giá tài sản trên phương tiện thông tin đại chúng, việc bán tiếp nhận hồ sơ tham gia tổ chức đấu giá (theo quy định tại k1,4 điều 35 và k2 điều 38 Luật đấu giá tài sản)
Trên thực tế một số Chấp hành viên khi ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản mà không cân nhắc, xem xét các điều khoản của hợp đồng dẫn đến trường hợp xảy ra khiếu nại, tranh chấp liên quan đến tài sản thi hành án thì dễ bị hủy hợp đồng và dễ dẫn đến việc phải bồi thường nhà nước, việc thi hành án phải kéo dài. Do đó, khi ký kết và thực hiện hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với các tổ chức đấu giá Chấp hành viên nên lưu ý những vấn đề nêu trên trể tránh những sai sót đáng tiếc xảy ra./.
Theo Đặng Quang Anh - Cục trưởng Cục THADS tỉnh Phú Yên