Trong quá trình xử lý tài sản kê biên để thẩm định giá, bán đấu giá thu hồi tiền, tài sản để thi hành án. Có nhiều đương sự chây ì, không tự nguyện thi hành án, chống đối hoặc nại ra nhiều lý do khác nhau để kéo dài, trì hoãn việc thi hành án. Trong đó có nổi lên việc khiếu nại, tố cáo về kết quả thẩm định giá. Hiện nay, Luật thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này cũng như Luật giá năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật giá không quy định cụ thể, rạch ròi trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo về kết quả thẩm định giá của từng ngành, từng cơ quan dẫn đến các cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực thi hành án dân sự, lĩnh vực giá, tài chính còn nhiều chồng chéo, lúng túng trong việc giải quyết đơn. Đương sự cũng không biết phải thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của mình ở cơ quan nào, cấp nào.
Chấp hành viên của các cơ quan thi hành án dân sự nếu vi phạm phần trách nhiệm của mình liên quan đến nội dung định giá tài sản kê biên (Điều 98), định giá lại tài sản kê biên (Điều 99) Luật thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 và xác định giá đối với tài sản kê biên quy định tại Điều 26 Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự… như không cho đương sự thỏa thuận giá, thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá; kê biên tài sản không được kê biên dẫn đến thẩm định tài sản không đúng; không thông báo cho đương sự về kết quả thẩm định giá trước khi ký hợp đồng bán đấu giá tài sản; không thực hiện đúng quy định về yêu cầu thẩm định giá lại tài sản; việc sử dụng chứng thư thẩm định giá; việc xác định giá của Chấp hành viên trong trường hợp không thực hiện được việc ký kết hợp đồng thẩm định giá và tài sản kê biên thuộc loại tươi sống, mau hỏng hoạc có giá trị nhỏ mà đương sự không thỏa thuận được với nhau về giá … dẫn đến làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi ích của đương sự và những người có quyền và nghĩa vụ liên quan có đơn khiếu nại, tố cáo thì được các cơ quan THADS giải quyết theo thẩm quyền.Tóm lại Chấp hành viên của cơ quan THADS chỉ thực hiện một số công việc trước và sau khi có kết quả thẩm định giá và xác định giá trong những trường hợp pháp luật quy định liên quan đến đương sự chứ không có chức năng thẩm định giá tài sản kê biên để thi hành án nên các khiếu nại, tố cáo về kết quả thẩm định giá của các doanh nghiệp thẩm định giá không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan THADS mà thuộc thẩm quyền giải quyết của doanh nghiệp thẩm định giá và cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về giá, tài chính.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giá: Luật giá năm 2012, Nghị định 89/2013/NĐ-CP ngày 6/8/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật giá, Thông tư số 38/2014/TT-BTC ngày 28/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định 89/2013/NĐ-CP quy định Thẩm định viên về giá và các doanh nghiệp thẩm định giá phải tôn trọng và chấp hành đúng quy định của Luật giá, các văn bản hướng dẫn và cá quy định pháp luật khác có liên quan trong quá trình hành nghề thẩm định giá. Thẩm định viên phải là người có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung trực, khách quan khi tiến hành thủ tục thẩm định giá. Thẩm định viên ký báo cáo kết quả thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc doanh nghiệp thẩm định giá về kết quả thẩm định giá (Báo cáo kết quả thẩm định giá; Chứng thư thẩm định giá). Người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc doanh nghiệp thẩm định giá chịu trách nhiệm cuối cùng về tính đúng đắn, trung thực, khách quan của kết quả thẩm định giá trước pháp luật, khách hàng và bên thứ ba có liên quan do khách hàng thẩm định giá xác định và được doanh nghiệp thẩm định giá thống nhất ghi trong hợp đồng thẩm định giá.
Theo quy định tại khoản 7 Điều 7 Luật giá năm 2012 thì hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá gồm nhiều nội dung: ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giá; quản lý đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá; quản lý thi, cấp và thu hồi Thẻ thẩm định viên về giá, Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giá. Tại Điều 8 Luật giá quy định thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá trên phạm vi cả nước. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá trong lĩnh vực được pháp luật quy định.Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá tại địa phương theo quy định của pháp luật. Tại Điều 9 Luật giá năm 2012 quy định thanh tra chuyên ngành về giá: Cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về giá theo quy định của pháp luật về thanh tra; thanh tra chuyên ngành về giá là thanh tra việc chấp hành pháp luật về giá theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; quyền hạn, trách nhiệm của thanh tra chuyên ngành về giá; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra và tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.
Quy định tại khoản 12 Điều 2 Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BTC-BNV ngày 31/12/2015 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tài chính thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và phòng tài chính – kế hoạch thuộc UBND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì Sở Tài chỉnh tỉnh có chức năng thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc sử dụng tài sản, kinh phí được giao theo quy định của pháp luật. Đối chiếu quy định trên, việc khiếu nại, tố cáo về kết quả thẩm định giá thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về giá, tài chính.
Do đó, khi có phát sinh khiếu nại, tố cáo về kết quả thẩm định giá trên địa bàn thì cơ quan THADS không thụ lý giải quyết mà chuyển khiếu nại, tố cáo cho doanh nghiệp thẩm định giá trả lời theo chức năng, nhiệm vụ và chuyển cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về giá, tài chính giải quyết theo thẩm quyền.
Theo CHV - Nguyễn Tâm Hào Cục THADS tỉnh Phú Yên