-
PV: Xin cảm ơn ông Võ Văn Xông đã nhận lời tham gia cuộc trao đổi với chúng tôi. Thưa ông, nhân kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống thi hành án dân sự (19/7/1946-19/7/2021), với tư cách là người đứng đầu ngành THADS tỉnh Quảng Ngãi tại thời điểm hiện nay, xin ông hãy cho biết tại sao ngày truyền thống nghành THADS là ngày 19/7 thưa ông?
- Ông Võ Văn Xông – Quyền Cục trưởng Cục THADS tỉnh Quảng Ngãi: Sau cách mạng tháng Tám thành công, để khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác xét xử và thi hành án dân sự, ngày 24/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 13/SL, quy định về tổ chức các Tòa án và các ngạch Thẩm phán, có quy định: Ban Tư pháp xã có quyền
“Thi hành những mệnh lệnh của các Thẩm phán cấp trên”. Đây chính là văn bản pháp lý đầu tiên đánh dấu sự ra đời về tổ chức và hoạt động của Cơ quan Thi hành án dân sự trong chế độ mới; tiếp đó ngày 19/7/1946, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 130/SL quy định về thể thức thi hành mệnh lệnh hoặc bản án của Tòa án. Có thể nói, đây là văn bản của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa quy định riêng về công tác thi hành án, thẩm quyền và thể thức thi hành bản án.
Từ những văn bản pháp lý trên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, ngành thi hành án dân sự đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển của ngành trong suốt chặn đường qua, có thể thấy, ngành thi hành án dân sự đã từng bước phát triển và ngày càng lớn mạnh.
Để ghi nhận thành tích vẻ vang của Hệ thống Cơ quan Thi hành án dân sự và động viên các thế hệ cán bộ, công chức và người làm công tác Thi hành án dân sự cả nước tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, ngày 5/3/2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 397/QÐ-TTg lấy ngày 19/7 hàng năm là
"Ngày Truyền thống Thi hành án dân sự”, đánh dấu chặng đường lịch sử hình thành và phát triển của Cơ quan Thi hành án dân sự. Đây là dịp quan trọng để các thế hệ cán bộ, công chức và người làm công tác thi hành án dân sự trên phạm vi cả nước tổ chức ôn lại truyền thống vẻ vang và động viên khích lệ cán bộ, công chức nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, tiếp thu, kế thừa và phát huy truyền thống, đề ra những phương hướng, giải pháp mới, sáng tạo, hiệu quả nhằm xây dựng Cơ quan Thi hành án dân sự đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa
.
-
PV: Từ khi tái lập tỉnh đến nay, ngành THADS tỉnh Quảng Ngãi đã trưởng thành và lớn mạnh như thế nào thưa ông?
- Ông Võ Văn Xông – Quyền Cục trưởng Cục THADS tỉnh Quảng Ngãi: Tỉnh Quảng Ngãi được tái lập vào ngày 0
1 tháng 7 năm
1989, trên cơ sở tách ra từ
tỉnh Nghĩa Bình. Dấu ấn đậm nét về quá trình hình thành và phát triển của cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi được thể hiện rõ nét nhất từ năm 1993 (thời điểm bàn giao công tác thi hành án dân sự từ Toà án sang các cơ quan Tư pháp tổ chức và quản lý) đến nay và có thể khái quát ở các giai đoạn lịch sử như sau:
Thực hiện Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993 và Chỉ thị số 226-CT-TTg ngày 02/6/1993 của Thủ tướng Chính phủ triển khai việc bàn giao công tác thi hành án dân sự từ Toà án sang các cơ quan Tư pháp tổ chức và quản lý, ngày 08/6/1993 Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký quyết định số 14/QĐ-THA thành lập Phòng Thi hành án tỉnh Quảng Ngãi thuộc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi, đồng thời Đội thi hành án các huyện, thị xã (lúc đó thành phố Quảng Ngãi còn là thị xã Quảng Ngãi) cũng được thành lập thuộc Phòng Tư pháp các huyện, thị xã. Lúc mới nhận bàn giao công tác Thi hành án dân sự từ Tòa án nhân dân, toàn tỉnh chỉ có 23 cán bộ, công chức; đội ngũ cán bộ, công chức vừa yếu lại vừa thiếu, trong 23 công chức được bàn giao chỉ có 01 cử nhân Luật, 01 Cao đẳng Luật, một ít Trung học Luật, còn lại phần lớn không có chuyên môn nghiệp vụ; số lượng Đảng viên, Chấp hành viên ở các cơ quan Thi hành án trong toàn tỉnh chưa được 1/2 biên chế hiện có. Mỗi cơ quan Thi hành án huyện chỉ có 02 – 03 công chức, phần lớn các Đội Thi hành án ở các huyện miền núi chỉ có 01 công chức, không có trụ sở làm việc riêng, không có phương tiện hỗ trợ, kinh phí hoạt động ít đã làm cho tỉ lệ thi hành án đạt thấp, số lượng án tồn đọng, kéo dài không thể tổ chức thi hành ngày càng nhiều.
Thực hiện Pháp lệnh THADS năm 2004 và các văn bản hướng dẫn thi hành; Phòng Thi hành án tỉnh thuộc Sở Tư pháp được đổi tên thành Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi, Đội Thi hành án thuộc Phòng Tư pháp được đổi tên thành Thi hành án dân sự huyện, thành phố thuộc tỉnh Quảng Ngãi, từ đó các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi trở thành hệ thống cơ quan tương đối độc lập.
Thực hiện Luật THADS năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành, ngày 06/11/2009, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 2879/QĐ-BTP về việc thành lập Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự – Bộ Tư pháp, đồng thời đến nay Bộ trưởng cũng đã quyết định thành lập 13 Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện (11 huyện, 01 thị xã và 01 thành phố) thuộc Cục Thi hành án dân sự. Từ đây, công tác tuyển dụng, đào tạo, thu hút người có trình độ, năng lực đáp ứng nhu cầu công việc luôn được Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi chú trọng tham mưu đề xuất Tổng cục THADS thực hiện. Chính những nỗ lực không ngừng đó, đến nay số lượng cán bộ, công chức các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi hiện có 128 biên chế (chưa kể người lao động làm việc theo hợp đồng), trong đó có 95 đảng viên. Về trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức, đã có bước tiến nhảy vọt, từ chỗ phần lớn cán bộ, công chức không có chuyên môn nghiệp vụ, đến nay đã có 04 công chức có trình độ thạc sĩ, 113 công chức có trình độ đại học, 11 công chức có trình độ cao đẳng và trung cấp. Về trình độ lý luận chính trị và quản lý nhà nước, có 13 công chức có trình độ cao cấp lý luận chính trị, 30 công chức có trình độ trung cấp lý luận chính trị, 9 công chức đã qua bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính, 30 công chức đã qua bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên. Ngoài ra, cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, kinh phí hoạt động của các cơ quan Thi hành án dân sự cũng được tăng cường. Nhờ đó, công tác Thi hành án dân sự trong toàn tỉnh từ năm 1993 đến nay luôn hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ do Bộ Tư pháp giao, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Nhà nước và công dân
.
-
PV: Trong giai đoạn hiện nay, ngành THADS nói chung và của tỉnh Quảng Ngãi nói riêng đang phải đối mặt với những thuận lợi và khó khăn, thách thức như thế nào thưa ông?
- Ông Võ Văn Xông – Quyền Cục trưởng Cục THADS tỉnh Quảng Ngãi: Hiện nay, ngành THADS nói chung và tỉnh Quảng Ngãi nói riêng đang có được những thuận lợi vô cùng to lớn, đó là sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan. Vị thế của cơ quan Thi hành án dân sự trong hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước ngày càng được nâng lên. Đặc biệt, từ khi Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được ban hành, triển khai thực hiện từ ngày 01/7/2009 đến nay và mới đây nhất là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự đã được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2014 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2015), đã tạo được hành lang pháp lý cơ bản, bảo đảm cho công tác thi hành án dân sự hiệu quả hơn; hệ thống tổ chức thi hành án dân sự đã được tổ chức và quản lý tập trung thống nhất theo chuyên ngành, tương xứng chức năng, nhiệm vụ được giao, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, chỉ đạo chuyên ngành, thống nhất từ Trung ương đến cấp huyện, nhưng không xa rời sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự từ tỉnh đến huyện đã được kiện toàn, đảm bảo đúng thành phần và chức năng theo quy định của Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành. Điểm nổi bật nhất của Ban chỉ đạo THADS các cấp ở tỉnh Quảng Ngãi là tất cả Trưởng Ban chỉ đạo đều là Chủ tịch UBND cùng cấp. Ngoài ra, trên cơ sở các Quy chế phối hợp liên ngành được ký kết ở cấp Trung ương giữa Bộ Tư pháp với Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao; Quy chế phối hợp song phương giữa Tổng cục THADS với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bảo Hiểm xã hội Việt Nam... Cục THADS tỉnh Quảng Ngãi cũng đã ký kết các Quy chế phối hợp liên ngành với Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh và Quy chế phối hợp song phương với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi, Hội Luật gia tỉnh Quảng Ngãi, đã tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động chỉ đạo, điều hành và tổ chức phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong THADS trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Vì vậy, công tác thi hành án dân sự trong thời gian qua luôn đạt hiệu quả, hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ trên tất cả các mặt công tác, từ công tác tổ chức, cán bộ đến công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo và đặc biệt là công tác tổ chức thi hành án dân sự, góp phần tích cực vào những thành tựu chung của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được và những yếu tố thuận lợi nêu trên, các cơ quan Thi hành án dân sự nói chung và tỉnh Quảng Ngãi nói riêng cũng đang đối mặt với những khó khăn, thách thức, trong đó trăn trở nhất là số lượng các vụ việc phải thi hành án ngày càng tăng, tính chất của các vụ việc ngày càng phức tạp; nhiều vụ án có giá trị thi hành án rất lớn nhưng không thi hành được, đặc biệt là án của các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Nguyên nhân của những khó khăn, bất cập này mang cả yếu tố chủ quan của cơ quan thi hành án lẫn yếu tố khách quan tác động.
Về chủ quan, số lượng cán bộ, công chức hiện nay chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ; một số công chức, chấp hành viên năng lực chưa đáp ứng, còn ngại va chạm; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo các cơ quan Thi hành án dân sự đôi khi còn thiếu linh hoạt, chưa kịp thời; công tác đôn đốc, kiểm tra, theo dõi và xử lý của lãnh đạo Cục đối với cán bộ, chấp hành viên chưa thực hiện hết chức trách, nhiệm vụ được giao chưa kịp thời, thiếu sâu sát.
Về khách quan, số việc và tiền thụ lý mới trong những năm gần đây và đặc biệt là năm 2021 tiếp tục tăng cao, bên cạnh đó tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi diễn biến phức tạp, toàn tỉnh đang áp dụng biện pháp chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch Covid-19, trong đó nhiều đơn vị trọng điểm của tỉnh đang thực hiện cách ly y tế theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, trong thời gian này, nhiều đơn vị không thể thực hiện các vụ việc cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản để thi hành án và các vụ việc giao tài sản, dẫn đến việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ của toàn tỉnh năm 2021 gặp rất nhiều khó khăn; Việc thi hành án có liên quan đến các tổ chức Tín dụng, Ngân hàng tương đối nhiều, hiện nay các cơ quan thi hành án đã tổ chức thụ lý thi hành án cho các tổ chức Tín dụng, Ngân hàng, với tổng số hơn 600 việc, tương ứng với số tiền gần 1000 tỷ đồng, đa số án ở các địa bàn thuộc các xã ven biển như: Tịnh Khê, Tịnh Hòa, Tịnh Kỳ, Nghĩa An, Nghĩa Phú... thuộc thành phố Quảng Ngãi; Bình Châu, Bình Hải, Bình Thạnh... thuộc huyện Bình Sơn; Phổ Thạnh, Phổ Châu... thuộc thị xã Đức Phổ, với tài sản thế chấp chủ yếu là tàu thuyền và nhà ở duy nhất... Vì vậy, khi kê biên, bán đấu giá rất khó bán, nhiều vụ gảm giá đến lần thứ 10 mới có người mua, có rất nhiều vụ việc, đã bán tài sản thế chấp xong, nhưng số tiền thu được từ việc bán tài sản thế chấp nhỏ hơn rất nhiều so với nghĩa vụ thi hành án trả nợ vay cho ngân hàng.
Ngoài việc tổ chức thi hành án cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng thì việc tổ chức thi hành án cho công dân và các tổ chức khác cũng gặp nhiều khó khăn, mà chủ yếu nhất cũng chính từ nguyên nhân chậm bán được và có hàng chục vụ việc không bán tài sản đã cưỡng chế kê biên, trong khi đó chỉ tiêu, nhiệm vụ Quốc Hội, Bộ Tư pháp giao cho các cơ quan THADS tỉnh Quảng Ngãi trong những năm gần đây theo tiêu chí năm sau cao hơn năm trước, riêng năm 2021 chỉ tiêu nhiệm vụ giao phải thi hành xong đạt 83% về việc và 40,1% về tiền trên tổng số án có điều kiện thi hành, nhưng đến thời điểm hiện nay (09 tháng năm 2021), các cơ quan THADS tỉnh Quảng Ngãi đã thi hành xong được 3.566 việc trên 5.975 việc có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 60% (còn thiếu 23%), tương ứng với số tiền đã thi hành được gần 375 tỷ đồng trên 1.210 tỷ đồng có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 31% (còn thiếu 9,1%), nên việc phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ trong năm 2021 gặp rất nhiều khó khăn
.
-
PV: Việc hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2021 theo ông là rất khó khăn, vậy còn 03 tháng nữa là kết thúc năm công tác THADS, ông có những giải pháp gì để lãnh đạo, chỉ đạo ngành THADS tỉnh Quảng Ngãi hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ trong giai đoạn nước rút này?
- Ông Võ Văn Xông – Quyền Cục trưởng Cục THADS tỉnh Quảng Ngãi: Dự kiến được những khó khăn, thách thức trong năm 2021, ngay từ đầu năm, Cục trưởng đã phân công từng đồng chí Lãnh đạo Cục phụ trách từng đơn vị Chi cục, thường xuyên trực tiếp xuống tận địa bàn cơ sở để kiểm tra, chỉ đạo chấp hành viên thực hiện nhiệm vụ; chúng tôi đã chỉ đạo từng chấp hành viên tập trung xây dựng kế hoạch tổ chức xác minh điều kiện thi hành án để có cơ sở tập trung chỉ đạo giải quyết. Đối với việc thi hành án có điều kiện thi hành, nhưng đương sự không tự nguyện thi hành thì kiên quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế để thi hành, đồng thời tập trung giải quyết những vụ việc trọng điểm, phối hợp xử lý án của các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Vì vậy, đến thời điểm này, các vụ việc thi hành án có giá trị thi hành lớn đã được chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế, kê biên tài sản và đang tiến hành bán đấu giá, khi bán được tài sản sẽ nâng cao tỷ lệ giải quyết thi hành án và sẽ hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Trong những tháng còn lại của năm 2021, chúng tôi đang tiếp tục chỉ đạo từng chấp hành viên các cơ quan THADS tỉnh Quảng Ngãi không ỷ lại, trông chờ vào kết quả bán đấu giá của các tổ chức bán đấu giá tài sản đối với tài sản đã áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên, mà cùng phối hợp với các tổ chức bán đấu giá tài sản liên hệ, tìm đối tác có nhu cầu mua tài sản để bán cho bằng được tài sản, nhằm kịp thời giải quyết dứt điểm thi hành án trước thời điểm khóa sổ công tác THADS năm 2021 (ngày 30/9/2021); bên cạnh đó, đối với các vụ việc thi hành án đã áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên, bán đấu giá và đã giảm giá đến lần thứ 2 nhưng không bán được tài sản, chúng tôi đã có chủ trương chỉ đạo chấp hành viên các cơ quan THADS làm việc, động viên người được thi hành án (chủ yếu là các tổ chức tín dụng, ngân hàng) nhận tài sản để trừ vào số tiền thi hành án, nhằm giải quyết dứt điểm việc thi hành án.
Để hoàn thành được chỉ tiêu và nhiệm vụ năm 2021 và kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Ngành Thi hành án dân sự, tôi sẽ cùng với tập thể lãnh đạo Cục sẽ lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan Thi hành án dân sự Quảng Ngãi tiếp tục phát huy truyền thống, thế mạnh đã có, huy động mọi nguồn lực để khắc phục khó khăn, hạn chế, đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành mà Quốc hội, Lãnh đạo Bộ Tư pháp và nhân dân giao phó và góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế xã hội của tỉnh nhà theo Nghị quyết Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ lần thứ XX đề ra.
PV: Một lần nữa xin trân trọng cảm ơn ông Võ Văn Xông, với những chia sẻ về công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, chúc công tác Thi hành án dân sự nói chung và ngành Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục gặt hái được những thành công hơn nữa./.
Phạm Minh Quân (thực hiện)