-PV: Thưa đồng chí, đâu là căn cứ để xác định trách nhiệm và nguyên tắc xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu?
Đồng chí LÊ VIẾT CHỮ: Quy định này áp dụng đối với các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy viên và cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Về căn cứ, xem xét trên cơ sở quy định về chức năng, nhiệm vụ; quyết định phân công nhiệm vụ; quy chế làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị. Nghĩa vụ, chức trách nhiệm vụ, quyền hạn của CB, CCVC; quy định những điều đảng viên không được làm; những việc CB, CCVC không được làm...
Về nguyên tắc xử lý, việc xử lý người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu phải được tiến hành công khai, minh bạch, khách quan; đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đúng trình tự, tính chất và mức độ hành vi vi phạm. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu có hành vi vi phạm pháp luật có tính chất và mức độ như nhau, thì người đứng đầu bị xử lý nặng hơn một mức so với cấp phó của người đứng đầu.
Khi giải quyết vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của tập thể lãnh đạo, nếu ý kiến của đa số thành viên trái với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước mà người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu được phân công lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý lĩnh vực đó không có ý kiến khác thì khi xử lý vi phạm, phải bị xử lý trách nhiệm ở mức cao hơn so với các thành viên khác trong tập thể lãnh đạo; trường hợp người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu có ý kiến khác và bảo lưu ý kiến thì được xem xét giảm nhẹ hoặc miễn trừ trách nhiệm.
-PV: Trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu được quy định thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí LÊ VIẾT CHỮ: Ngoài trách nhiệm đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, còn có trách nhiệm trong việc thực thi nhiệm vụ, công vụ. Cụ thể là: Chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về toàn bộ kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao lãnh đạo, quản lý. Giải quyết kịp thời, đầy đủ; bảo đảm chất lượng, hiệu quả; đúng thời gian, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các nội dung chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, các kiến nghị của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư; đơn thư khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân.
Căn cứ các quy định về phân công, phân cấp, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao; xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án vị trí việc làm của cơ quan, đơn vị; quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cấp phó, từng CB, CCVC và các tổ chức, đơn vị trực thuộc theo thẩm quyền; kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thi hành công vụ của CB, CCVC; không để tình trạng chồng chéo, trùng lắp về nhiệm vụ hoặc trách nhiệm không rõ ràng.
Chịu trách nhiệm về việc chỉ đạo CCHC; rà soát, tinh giảm, công khai, minh bạch TTHC liên quan đến tổ chức, cơ quan, đơn vị mình phụ trách. Thực hiện các biện pháp phòng, chống quan liêu, tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chịu trách nhiệm nếu để xảy ra quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, đơn vị.
-PV: Vậy theo đồng chí, những trường hợp nào chỉ xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu?
Đồng chí LÊ VIẾT CHỮ: Vi phạm một hoặc nhiều nội dung quy định tại Điều 3, Điều 4 Quy định 306. Khi phát hiện CB, CCVC, người lao động thuộc quyền quản lý vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; người đứng đầu không có biện pháp kiên quyết để chấm dứt hành vi vi phạm đó; không kịp thời áp dụng biện pháp khắc phục có hiệu quả.
Không giao nhiệm vụ hoặc giao nhiệm vụ nhưng không rõ ràng để cấp dưới hiểu và thực hiện; không kiểm tra hoặc thiếu kiểm tra, đôn đốc cấp dưới thực hiện. Cấp dưới đã báo cáo, xin ý kiến những vấn đề thuộc thẩm quyền của người đứng đầu nhưng không kịp thời giải quyết hoặc chỉ đạo không khả thi, không thực hiện được trong thực tế.
Đưa ra ý kiến chỉ đạo trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; không rõ ràng, không nhất quán; gây lãng phí ngân sách, tài sản của Nhà nước; tham mưu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản trái pháp luật (trừ các trường hợp pháp luật chưa quy định hoặc quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn của địa phương, lĩnh vực; các trường hợp vận dụng nhưng không trái với pháp luật); không thực hiện đúng thời hạn nhiệm vụ được giao; thiếu trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm cho cơ quan khác, người khác.
Cấp phó, người đại diện hoặc người được ủy quyền làm trái quy định của Đảng; pháp luật của Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ mà pháp luật giao cho người đứng đầu. Để cấp phó, CB, CCVC, người lao động thuộc quyền quản lý tham nhũng, lãng phí; vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước.
-PV: Thưa đồng chí, các hình thức và thẩm quyền xử lý kỷ luật được quy định ra sao?
Đồng chí LÊ VIẾT CHỮ: Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị của Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội vi phạm chế độ trách nhiệm quy định tại Quy định này, tùy theo tính chất và mức độ của vụ, việc sẽ xử lý kỷ luật như sau:
Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị là CB, CCVC thì bị xử lý kỷ luật bằng một trong những hình thức (khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức). Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật hiện hành và điều lệ của tổ chức đó.
Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu có biểu hiện bảo thủ, trì trệ, thiếu tinh thần trách nhiệm, làm việc hiệu quả thấp; đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; gây phiền hà cho tổ chức, công dân; cục bộ, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ; có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; để vợ, con tham gia những việc làm ảnh hưởng đến trách nhiệm bản thân; lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị hoạt động không hoàn thành nhiệm vụ trong năm nhưng chưa đến mức phải xử lý kỷ luật thì khuyến khích từ chức hoặc điều chuyển, bố trí công tác khác.
Thẩm quyền quyết định kỷ luật đối với người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra sai phạm theo quy định tại Quy định này được thực hiện theo phân cấp quản lý CB, CCVC hiện hành. Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, điều chuyển, bố trí công tác khác đối với những trường hợp vi phạm Quy định này và bị xử lý kỷ luật ở hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo.
-PV: Đâu là giải pháp để thực hiện hiệu quả quy định này, thưa đồng chí?
Đồng chí LÊ VIẾT CHỮ: Các cấp ủy, tổ chức đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh có trách nhiệm thực hiện quy định này. Trên cơ sở quy định này, tiến hành xây dựng quy định trách nhiệm người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu đơn vị trực thuộc diện cấp mình quản lý. Tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung quy định cho CB, CCVC và người lao động của cơ quan, đơn vị biết, giám sát và theo dõi việc thực hiện.
Người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị ký cam kết với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, với cấp trên trực tiếp vào năm đầu nhiệm kỳ, ký cam kết khi được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại; được bầu giữ chức vụ đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Ban Tổ chức Tỉnh ủy hướng dẫn thực hiện quy định này; phối hợp với Sở Nội vụ hướng dẫn công tác đánh giá, phân loại cán bộ hằng năm; tham mưu cho thôi giữ chức, từ chức, miễn nhiệm, điều chuyển, bố trí cán bộ đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi bị xử lý trách nhiệm theo quy định.
UBKT Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy và các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy thường xuyên theo dõi, đôn đốc và tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; định kỳ hằng năm báo cáo kết quả cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
-PV: Xin cảm ơn đồng chí!
PHÚ ĐỨC (thực hiện)
Theo Báo Quảng Ngãi