Sign In

Hội nghị giao ban công tác thi hành án dân sự, hành chính Quý III năm 2019

08/07/2019

Hội nghị giao ban công tác thi hành án dân sự, hành chính Quý III năm 2019
  Sáng ngày 08/07/2019, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác thi hành án dân sự quý III, năm 2019 dưới sự chủ trì của đồng chí Cục trưởng Đinh Khắc Khang. Tham dự Hội nghị, còn có các Phó Cục trưởng; Trưởng, Phó trưởng các phòng chuyên môn; Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng chi cục Thi hành án dân sự các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
 

  

 
Về kết quả thi hành án : Tổng thụ lý đưa ra thi hành 9.311 việc với số tiền 1.600 tỷ 103 triệu đồng (tăng 15 việc và giảm 26 tỷ 383 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2018).  Đã thi hành xong 5.439 việc trên 7.436 việc có điều kiện thi hành đạt tỷ lệ 73,14% (vượt 0,14 % so với chỉ tiêu Bộ giao, cao hơn 4,01% so với cùng kỳ năm 2018); về tiền thi hành xong 193 tỷ 911 triệu đồng trên 770 tỷ 361 triệu đồng, đạt tỷ lệ 25,17% (đạt 76,27% kế hoạch năm so với chỉ tiêu Bộ Tư pháp giao, cao hơn 0,13% so với tỷ lệ cùng kỳ năm 2018)  Số tiền chuyển kỳ sau là 1.326.292.154.000 đồng trong đó số có điều kiện là: 576.450.032.000 đồng, tăng 44.199.417.000 đồng (8,3%) so với cùng kỳ năm 2018.  
   Các đơn vị cơ bản đã giải quyết thi hành án đạt tỷ lệ cao về việc, đảm bảo tiến độ giải quyết án; thực hiện đầy đủ các văn bản chỉ đạo về triển khai nhiệm vụ ngay từ ngày đầu năm công tác 2019 theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự và của Cục THADS tỉnh.
    Để đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ  trong hơn 02 tháng còn lại của năm công tác 2019, đồng chí Đinh Khắc Khang – Cục trưởng kết luận và chỉ đạo một số nội dung chính như sau:
  - Tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ giải quyết án, tăng cường hướng về cơ sở, tiếp tục duy trì tổ công tác, do đồng chí Phó Cục trưởng làm tổ trưởng, trực tiếp chỉ đạo giải quyết thi hành án đối với những vụ việc có điều kiện thi hành, đặc biệt là các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng, Bảo hiểm xã hội, các vụ việc trọng điểm phức tạp, kéo dài, các vụ việc có số tiền phải thi hành lớn, các vụ việc thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước, nhất là trong các vụ án về kinh tế, chức vụ, tham nhũng có giá trị thi hành lớn, dư luận xã hội quan tâm;
  - Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, nhất là phát huy vai trò người đứng đầu; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, lề lối làm việc; chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng, phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức, nhất là đối với đội ngũ lãnh đạo, quản lý, chức danh pháp lý; xử lý nghiêm những trường hợp nhũng nhiễu, gây phiền hà, vi phạm đạo đức, lối sống và chuyên môn nghiệp vụ.
  - Tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng, phổ biến, giáo dục về thi hành án dân sự, các văn bản pháp luật có liên quan và các văn bản hướng dẫn thi hành, sâu rộng tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong toàn Hệ thống, các cơ quan, tổ chức đoàn thể đặc biệt là các tổ chức đoàn thể ở cơ sở trực tiếp phối hợp tham gia công tác thi hành án dân sự và các tầng lớp nhân dân hiểu và chấp hành.
  - Triển khai thực hiện tốt các Quy chế phối hợp liên ngành đã ký kết trong thi hành án dân sự từ Cục đến các Chi cục: Quy chế phối hợp 04 ngành giữa Cục Thi hành dân sự với Công an, Viện kiểm sát, Tòa án; Quy chế phối hợp 03 ngành giữa Cục Thi hành dân sự với Trại giam, Trại tạm giam; Quy chế phối hợp 02 ngành với Viện kiểm sát, Với Bảo hiểm xã hội; Kế hoạch phối hợp Ngân hàng Nhà nước...
  - Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, các tổ chức đoàn thể các cấp nhất là các tổ chức đoàn thể ở cơ sở; đặc biệt là các tổ chức chính trị xã hội đã ký kết Chương trình phối hợp trong việc động viên, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án và người nhà đương sự nộp cho đương sự các khoản tiền phải thi hành án.
  - Kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các Chấp hành viên và Chi cục; kiên quyết tổ chức cưỡng chế thi hành các trường hợp có điều kiện nhưng đương sự cố tình chây ỳ, chống đối không chịu thi hành án.
  - Tăng cường, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra và tự kiểm tra; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra tiến độ giải quyết án, việc thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ của các Chi cục, Chấp hành viên và cán bộ, công chức; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thi hành án dân sự; kiểm tra việc thực hiện Chủ đề năm của tỉnh Quảng Ninh.
  - Chú trọng công tác về tổ chức, cán bộ; quan tâm công tác quy hoạch cán bộ và đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức; Tiếp tục điều động, luân chuyển, biệt phái cán bộ, Chấp hành viên từ đơn vị ít việc đến đơn vị nhiều việc để thực hiện nhiệm vụ.
  - Đẩy mạnh cải cách hành chính, tổ chức thực hiện có hiệu quả Bộ phận một cửa và hỗ trợ trực tuyến yêu cầu thi hành án tại Cục và các Chi cục; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và chuyên môn nghiệp vụ thi hành án dân sự; tăng cường sử dụng hệ thống thư điện tử, văn bản điện tử, thực hiện chữ ký số.
  - Tiếp tục phối hợp với Báo Quảng Ninh, các cơ quan truyền thông tăng cường công tác truyền thông viết các tin, bài, các hoạt động về thi hành án dân sự nhằm tuyên tuyền sâu rộng về công tác thi hành án dân sự; đăng tải kịp thời đầy đủ danh sách người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành trên Trang thông tin điện tử của Cục theo quy định, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, tạo sự minh bạch công khai trong hoạt động thi hành án.
   


Theo Văn Phòng Cục

Các tin đã đưa ngày: