Sign In

NGHỀ CHẤP HÀNH VIÊN

18/07/2019

     Pháp luật về thi hành án dân sự là một bộ phận trong hệ thống pháp luật thống nhất của nước ta. Vì vậy, các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của các cơ quan Nhà nước nói chung, cơ quan tư pháp nói riêng cũng được áp dụng cùng với những nguyên tắc đặc thù của tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự. Theo đó, quy định: Chỉ có Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự là người được Nhà nước giao nhiệm vụ thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo quy định pháp luật. Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Chấp hành viên phải tuân theo pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành án và được pháp luật bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và uy tín.
    Với việc chuyển giao công tác  thi hành án dân sự từ Tòa án sang cơ quan Chính phủ quản lí, thi hành án dân sự hoạt động mang tính quyền lực Nhà nước, nhằm thực hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án trong thực tiễn. Với ý nghĩa là giai đoạn cuối cùng của quá trình giải quyết một vụ án, chỉ khi nào việc thi hành án được giải quyết xong thì quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, công dân mới được đảm bảo, phán quyết của Tòa án mới được thực thi trong thực tiễn đời sống, quyền tư pháp của Nhà nước mới được thực hiện một cách trọn vẹn, công lí mới trở thành hiện thực và trật tự pháp luật mới thực sự được bảo vệ. Chính vì vậy, Điều 106 Hiến pháp 2013 quy định: “ Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”. Đây cũng chính là nguyên tắc mang tính chỉ đạo, xuyên suốt trong  mọi hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Để đảm bảo tính thượng tôn pháp luật, đặc biệt trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của dân, do dân và vì dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt nam, có thể nói, vấn đề đảm bảo hiệu lực của Bản án, quyết định của Tòa án là yêu cầu tất yếu khách quan trong hoạt động Nhà nước, là nguyên tắc Hiến định.
    Như vậy, có thể nói Chấp hành viên là một nghề, đó là khẳng định tính chuyên trách của hoạt động thi hành án dân sự, mặt khác thể hiện trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Trong cơ chế kinh tế thị trường hiện nay thì việc coi Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự là một nghề càng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thực tế khi tình trạng “hợp đồng” thuê Chấp hành viên thi hành bản án, “ăn chia” tâm lí coi hoạt động thi hành án dân sự, đặc biệt là Chấp hành viên là “dịch vụ” “đòi nợ thuê” đang hàng ngày tác động tiêu cực đến cơ chế thi hành án và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của Chấp hành viên, thì hơn lúc nào hết việc đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kĩ năng thi hành án, phẩm chất  và đặc biệt là bản lĩnh của người Chấp hành viên phải được đặt lên hàng đầu.
    Nguyên tắc phải tuân thủ pháp luật, thi hành đúng đắn bản án, quyết định của Tòa án. Vì vậy, không hạn chế tính chủ động của Chấp hành viên cơ quan thi hành án và ngược lại tạo điều kiện cho Chấp hành viên có cơ sở, công cụ pháp lí để hoàn thành nhiệm vụ của mình, tránh được những sai sót, tùy tiện không đáng có. Tuy nhiên, trong thực tế nghề Chấp hành viên cũng thật lắm gian lao vất vả và áp lực. Công tác thi hành án là giai đoạn cuối cùng trong chuỗi các hoạt động tố tụng, là việc thực thi phần công lí còn lại của Bản án, làm phát huy kết quả công tác xét xử. Một bản án được tuyên dù nghiêm khắc, đúng pháp luật nhưng không được thi hành trên thực tế thì không những không phát huy được tác dụng mà còn làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật. Đến giai đoạn thi hành án, Chấp hành viên là người động trạm đến đời sồng kinh tế, vật chất và  tinh thần của người phải thi hành án và quyền lợi hợp pháp của người được thi hành án, cho nên, đây là giai đoạn cam go phức tạp nhất, bùng nổ nhiều mâu thuẫn nhất, đặc biệt là sự chống đối quyết liệt nhất của đương sự. Vì vậy, không ít những trường hợp người phải thi hành án (kể cả người nhà) chửi bới, lăng mạ, thậm chí đánh gây thương tích cho Chấp hành viên. Một số đối tượng còn ngang nhiên thách thức pháp luật, đe dọa sẽ trả thù. Có vụ, Chấp hành viên phải đi hàng chục cây số đường rừng đến nhà đương sự, khi đến nơi đang lúc làm việc với đương sự thì người nhà ở ngoài đã đâm bục lốp xe, đến nước này thì “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông” đành phải “của đi thay người” để lại xe.
    Có trường hợp người được thi hành án coi Chấp hành viên cơ quan thi hành án như “con nợ” của mình, hết đến cơ quan yêu cầu, tối về lại đến nhà “sinh sự” nếu không thi hành được thì “đừng có trách”. Thậm chí có vụ không thi hành được vì đương sự không có tài sản để thi hành án lại cho rằng Chấp hành viên đã “ăn cơ chế” không chịu tổ chức thi hành án vvv…
     Xuất phát từ nguyên tắc Hiến định, tính chủ động, phát huy tinh thần trách nhiệm của Chấp hành viên cơ quan thi hành án và sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp Ủy đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp của cơ quan, tổ chức có liên quan. Cơ quan thi hành án dân sự được Nhà nước giao tổ chức thi hành các Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, nó thể hiện quyền lực Nhà nước trong một hoạt động đặc thù chỉ có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình trên cơ sở phát huy được sức mạnh tổng hợp, sự phối kết hợp chặt chẽ của bộ máy Nhà nước, sự tuyên truyền vận động, giáo dục thuyết phục của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể xã hội và của cả cộng đồng. Vì vậy, công tác thi hành án dân sự đòi hỏi Chấp hành viên không chỉ là người nắm vững pháp luật, thông thạo chuyên môn nghiệp vụ mà còn phải là người tổ chức chỉ đạo giỏi, am hiểu vấn đề xã hội và là người “ Hòa giải viên giỏi”. Nếu coi thi hành án là công việc thuần túy chuyên môn của Chấp hành viên cơ quan thi hành án thì sẽ dẫn đến việc “đơn phương, độc mã” công việc khó hoàn thành.
     Vì vậy, phải đặt công tác thi hành án dân sự trong tổng thể việc triển khai nhiệm vụ chính trị tại địa phương, trực tiếp liên quan đến công tác giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Cần sớm sửa đổi Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành đây cũng chính là điểm mấu chốt, trọng tâm của công cuộc cải cách tư pháp, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có yêu cầu về thi hành án, tránh phiền hà, sách nhiễu, trong khi Nhà nước ta đang xây dựng một Nhà nước pháp quyền thì ngoài mong muốn được đáp ứng về quyền lợi vật chất, họ còn có niềm khát khao về sự công bằng xã hội, kỉ cương phép nước. Những công chức Nhà nước của dân, do dân và vì dân phải giỏi về chuyên môn, tinh thông về nghiệp vụ, vô tư, khách quan, đúng pháp luật là phẩm chất không thể thiếu của người Chấp hành viên trong giai đoạn hiện nay./.


Theo Hoàng Thảo Hà

Các tin đã đưa ngày: