Cục Thi hành án dân sự tỉnh tổ chức tập huấn ứng dựng phần mềm Quản lý quá trình thụ lý,
tổ chức thi hành án và báo cáo thống kê THADS.
Đồng chí Hoàng Đức Nam, Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh cho biết: Mặc dù số vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh hàng năm chỉ chiếm tỷ lệ thấp nhưng số tiền phải thì hành lại rất lớn. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, số vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng chiếm 5,2% (248 việc) về số việc nhưng số tiền phải thi hành lại rất lớn và chiếm đến 51,1% (khoảng 621,7tỷ đồng). Do vậy, việc thi hành các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng có ảnh hưởng rất lớn đến việc hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch và nhiệm vụ được giao của ngành. Chính vì vậy, để thực hiện tốt công tác thi hành án dân sự liên quan đến tín dụng, ngân hàng, thời gian qua, Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để tập trung giải quyết dứt điểm những vụ việc có điều kiện thi hành.
Thực tế trong công tác thi hành án dân sự cho thấy, các vụ việc phải thi hành án liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng thường khó khăn, thời gian kéo dài. Có trường hợp phải thi hành nhiều năm mới xong quyết định của tòa án. Theo đánh giá của Cục Thi hành án dân sự tỉnh, nguyên nhân của tình trạng trên là do thời gian qua việc xử lý tài sản thế chấp, đặc biệt là bất động sản còn nhiều khó khăn. Thực tế hiện nay hầu hết các công ty, doanh nghiệp, cá nhân vay vốn ngân hàng đều lấy bất động sản là tài sản để thế chấp, cầm cố, bảo lãnh. Tuy nhiên, trong quá trình thẩm định, cho vay, có những cán bộ ngân hàng không thực hiện đúng quy trình, quy định; không xác định đúng hiện trạng, giá trị tài sản. Do vậy, khi công ty, doanh nghiệp, cá nhân rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, tài sản thế chấp thường thấp hơn giá trị vay rất nhiều lần nên không đảm bảo trả nợ vay. Thêm vào đó, lợi dụng kẽ hở về quyền được tự thỏa thuận bán đấu giá tài sản, nhiều trường hợp đương sự với bên ngân hàng đã tự thỏa thuận với nhau về giá bán đấu giá tài sản và đẩy giá tài sản lên rất cao. Do vậy, khi đem gia bán đấu giá, chấp hành viên phải hạ giá nhiều lần mới có người mua... Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến việc THADS liên quan đến tín dụng, ngân hàng tồn đọng nhiều năm.
Cục Thi hành án dân sự và Viện KSND tỉnh ký kết chương trình phối triển khai công tác
thi hành án dân sự.
Nhận thức rõ những khó khăn cho công tác thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hành, thời gian qua, Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã tích cực triển khai các giải pháp để tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành. Cụ thể, Cục Thi hành án dân sự tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai phần mềm Quản lý quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án và báo cáo thống kê thi hành án dân sự. Qua đó, giúp đơn vị thực hiện tốt hơn công tác quản lý, phân loại các vụ việc để rà soát, đánh giá, khắc phục kịp thời các vướng mắc; đồng thời kiên quyết cưỡng chế các vụ việc phức tạp, kéo dài, chây ỳ để đảm bảo thi hành án. Cùng với đó, Cục còn chủ động phối hợp với các ngành chức năng nhất là phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn trao đổi, cung cấp thông tin về xử lý nợ xấu. Đồng thời, triển khai vận động, giáo dục, thuyết phục các đương sự tự giác thực hiện nghĩa vụ thi hành án...
Với các giải pháp phù hợp, hiệu quả, thời gian qua, công tác thi hành án dân sự liên quan đến tín dụng, ngân hàng nói riêng đã có những chuyển biến tích cực. Nổi bật từ đầu năm đến nay, các cơ quan thi hành án dân sự tỉnh đã thụ lý 284 vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng, tương ứng với số tiền phải thi hành án là 621,793 tỷ đồng. Kết thúc 6 tháng đầu năm, đơn vị đã giải quyết được 21/207 vụ việc có điều kiện thi hành; thu được số tiền 53,052/436,199 tỷ đồng có điều kiện thi hành.
Đồng chí Hoàng Đức Nam, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh cho biết thêm: Thời gian tới, dự báo số lượng vụ việc phải thi hành án liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng tiếp tục có xu hướng gia tăng. Để giải quyết vấn đề này, Cục sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các ngành chức năng liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp thi hành án. Nhất là tăng cường phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong công tác trao đổi, cung cấp thông tin về xử lý nợ xấu, hướng dẫn nghiệp vụ, đôn đốc, kiên quyết xử lý nghiêm đối với những việc chậm thi hành án dân sự liên quan đến án tín dụng, ngân hàng… Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án, củng cố niềm tin của nhân dân đối với việc thực thi pháp luật của các cơ quan tư pháp.
Nguồn Báo Quảng Ninh điện tử (www.baoquangninh.com.vn)