Sign In

Phân biệt quy định của pháp luật về vấn đề “Chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án” để ban hanh Quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án hay ban hành Quyết định hoãn thi hành án

21/07/2015

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự sẽ có hiệu lực thi hành vào ngày 01/7/2015. Việc áp dụng pháp luật trong thực tiễn sẽ không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc. Sau đây là một nội dung cụ thể, rất dễ xảy ra việc áp dụng pháp luật không thống nhất được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 44a và điểm b khoản 1 Điều 48 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự.
Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 44a Luật sửa đổi, bổ sung một số điều củaLluật Thi hành án dân sự thì khi “chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án, người chưa thành niên được giao cho người khác nuôi dưỡng” thì Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự ban hành quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án. Tuy nhiên, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 48 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thi hành án dân sự cũng có quy định “Chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án hoặc vì lý do chính đáng khác mà người phải thành án không thể tự mình thực hiện nghĩa vụ theo bản án, quyết định” thì Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự ra Quyết định hoãn thi hành án.
Để hiểu đúng các quy định của pháp luật về vấn đề  này chúng ta cần phải phân tích sự cấu thành của nó.
Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 44a. Vế thứ nhất: trước hết cần phải phân biệt giữa khái niệm “địa chỉ” và “nơi cư trú”. Theo quy định của Luật cư trú thì “nơi cư trú” là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống, nơi cư trú có thể là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú. Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú.
Về khái niệm “địa chỉ”, theo Từ điển Tiếng việc thì địa chỉ là “thông tin cụ thể về chỗ ở của cá nhân, tổ chức….”. Như vậy, khái niệm “địa chỉ” sẽ có phạm vi rộng hơn khái niệm “nơi cư trú”; khi sử dụng khái niệm địa chỉ thì nó sẽ bao gồm: nơi thường trú, nơi tạm trú, nơi  mà người đó đang ở không phải là nơi thường trú, cũng không phải là nơi tạm trú. Như vậy, khái niệm “địa chỉ” và “nơi cư trú” là hoàn toàn khác nhau, khái niệm địa chỉ có phạm vi rộng hơn. Theo quy định này, việc chưa xác định được địa chỉ “,” nơi cư trú; thì trong trường hợp này đòi hỏi phải chưa xác định được cả địa chỉ và chưa xác định được nơi cư trú, cụ thể bao gồm: “nơi thường trú, nơi tạm trú, nơi  mà người đó đang ở không phải là nơi thường trú, cũng không phải là nơi tạm trú”.
Có thể thấy, quy định này có phần trùng lặp với quy định tại điểm b khoản 1 Điều 48 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thi hành án dân sự. Điểm b khoản 1 Điều 48 quy định “Chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án hoặc vì lý do chính đáng khác mà người phải thành án không thể tự mình thực hiện nghĩa vụ theo bản án, quyết định”. Theo quy định này có hai điều kiện để áp dụng ban hành Quyết định hoãn thi hành án được tách biệt rõ ràng bằng chữ “hoặc”. Theo tôi nhận thấy: điều kiện thứ nhất “Chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án” là trùng lặp với điểm c khoản 1 Điều 44a về việc xác định việc chưa có điều kiện thi hành án. Mặc dù, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 48 “chưa xác định được địa chỉ” không có cụm từ “ nơi cư trú” nối sau cụm từ “địa chỉ” như quy định tại điểm c khoản 1 Điều 44a “chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú”. Nhưng như tôi đã phân tích ở trên thì chỉ cần sử dụng cụm từ “địa chỉ” để điều chỉnh thì nó đã đầy đủ vì: địa chỉ sẽ bao gồm: (nơi thường trú, nơi tạm trú, nơi  mà người đó đang ở không phải là nơi thường trú, cũng không phải là nơi tạm trú).
Vế thứ hai tại điểm c khoản 1 Điều 44a là nội dung rất quan trọng để phân biệt việc ra quyết định hoãn thi hành án theo điểm b khoản 1 Điều 48 hay ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 44a của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự.
Khi chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú “của người phải thi hành án “,” người chưa thành niên được giao cho người khác nuôi dưỡng” thì Thủ trưởng Cơ quan Thi hành án dân sự ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án. Vấn đề đặt ra là hiểu như thế nào về quy định này? Chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án trong mọi trường hợp hay chỉ là trường hợp chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án đối với trường hợp người phải thi hành án này có nghĩa vụ thi hành án là phải giao người chưa thành niên cho người khác nuôi dưỡng.
Có quan điểm cho rằng: trường hợp này có hai điều kiện để áp dụng ban khi ban hành Quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án:
Thứ nhất: khi chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án.
Thứ hai: khi chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người chưa thành niên được giao cho người khác nuôi dưỡng.
Nếu theo cách hiểu này, khi xảy ra trường hợp chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án sẽ khó xác định trong việc ban hành Quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án theo quy định tại c khoản 1 Điều 44a hay là ban hành quyết định hoãn thi hành án theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 48. Vì nếu tách ra “chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án hoặc chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người chưa thành niên được giao cho người khác nuôi dưỡng” như trên sẽ có chung một căn cứ để áp dụng pháp luật đó là “chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án” được điều chỉnh ở hai điều luật khác nhau (điểm c khoản 1 Điều 44a và vế đầu điểm b khoản 1 Điều 48 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thi hành án dân sự). Từ đó sẽ dẫn tới việc áp dụng pháp luật tùy tiện, không thống nhất.
Theo quan điểm của cá nhân tôi nhận thấy: vấn đề chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án là có sự trùng nhau ở hai điều luật (điểm c khoản 1 Điều 44a và điểm b khoản 1 Điều 48 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thi hành án dân sự). Tuy nhiên, điều kiện đi kèm của hai trường hợp này là khác nhau. Đối với quy định tại điểm c khoản 1 Điều 44a chỉ quy định cho một trường hợp duy nhất đó là: chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án, nhưng người phải thi hành án này có nghĩa vụ phải thi hành án là giao “người chưa thành niên” cho người khác (người được thi hành án) trực tiếp nuôi dưỡng. Có nghĩa là, người phải thi hành án hiện đang trực tiếp quản lý “người chưa thành niên” nhưng không có quyền nuôi dưỡng, họ phải giao đối tượng này cho người có quyền nuôi dưỡng, nhưng chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án và người chưa thành niên là đối tượng phải giao cho người khác nuôi dưỡng và chỉ duy nhất khi gặp trường hợp này thì căn cứ điểm c khoản 1 Điều 44a ban hành Quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án. Một vấn đề đánh lưu ý để phân biệt với quy định tại điểm b Điều 48 đó là: nghĩa vụ thi hành án trong trường hợp này chỉ duy nhất là “nghĩa vụ giao người chưa thành niên” cho người khác nuôi dưỡng.
Còn vấn đề chưa xác định địa chỉ của người phải được quy định tại vế đầu của điểm b khoản 1 Điều 48 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự được áp dụng cho tất cả các trường hợp còn lại chẳng hạn như: người phải thi hành án có nghĩa vụ trả tiền, nghĩa vụ nộp tiền, trả tài sản, phải di dời tài sản, phải công khai xin lỗi……
Hiện nay, đang có rất nhiều cách suy luận khác nhau về áp dụng pháp luật trong việc chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 44a và vế đầu điểm b khoản 1 Điều 48 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Rất mong cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu có hướng dẫn cụ thể, chi tiết vấn để này.
(Nguồn: http://www.moj.gov.vn/tongcucthihanhan/Pages/home.aspx)

Các tin đã đưa ngày: