Sign In

Một số vấn đề cần lưu ý khi ký hợp đồng bán đấu giá tài sản thi hành án

28/04/2016

     Bán đấu giá tài sản thi hành án là một giai đoạn tương đối khó khăn và mất rất nhiều thời gian trong quá trình giải quyết án của Chấp hành viên. Việc bán đấu giá tài sản thi hành án đuợc quy định cụ thể tại Điều 101 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 và Điều 27 Nghị định 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/7/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự.
     Điều 101 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định cụ thể về việc bán tài sản đã kê biên.
 
     Đương sự có quyền thoả thuận về tổ chức bán đấu giá trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày định giá. Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản với tổ chức bán đấu giá do đương sự thoả thuận. Trường hợp đương sự không thoả thuận được về tổ chức bán đấu giá thì Chấp hành viên lựa chọn tổ chức bán đấu giá để ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản.
 
     Việc ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản được tiến hành trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày định giá.

     Việc bán đấu giá đối với động sản phải được thực hiện trong thời hạn là 30 ngày, đối với bất động sản là 45 ngày, kể từ ngày ký hợp đồng.

     Luật đã quy định cụ thể các trường hợp khi chấp hành viên thực hiện ký hợp đồng bán đấu giá với trung tâm bán đấu giá. Tuy nhiên, khi chấp hành viên ký hợp đồng với trung tâm bán đấu giá cần lưu ý một số vấn đề sau:

     *Về chủ thể ký kết hợp đồng:

     -Trung tâm bán đấu giá hoặc Doanh nghiệp bán đấu giá tài sản mà chấp hành viên lựa chọn phải nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố thuộc trung ương nơi có tài sản bán đấu giá

     -Trung tâm bán đấu giá, Doanh nghiệp bán đấu giá tài sản phải có đủ hồ sơ năng lực pháp lý theo yêu cầu. Tại hồ sơ thi hành án, chấp hành viên cũng đồng thời phải lưu giữ đầy đủ các giấy tờ thể hiện năng lực pháp lý của trung tâm bán đấu giá, thẻ đấu giá viên. Tránh trường hợp ký hợp đồng với trung tâm bán đấu giá không đủ năng lực pháp lý, dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng.

     *Về nội dung hợp đồng:

     -Thứ nhất, Đối với các điều khoản trong hợp đồng, Chấp hành viên cần lưu ý về các điều khoản chi phí, đặc biệt trong trường hợp bán đấu giá không thành. Có những hợp đồng bán đấu giá tồn tại các điều khoản như:

     “Trường hợp bán đấu giá không thành: Bên A (cơ quan Thi hành án) chỉ phải thanh toán cho bên B (Trung tâm bán đấu giá) chi phí thực tế cho việc tổ chức bán đấu giá tài sản theo mục1.2 khoản 5 của hợp đồng và chi phí thực hiện hợp đồng là 3.000.000đ/1 lần (bằng chữ: ba triệu đồng)”

     Theo quy định tại Điều 43 Nghị định 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ quy định về bán đấu giá tài sản.

     1. Trong trường hợp bán đấu giá tài sản thành, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, người có tài sản bán đấu giá thanh toán cho tổ chức bán đấu giá các khoản phí và chi phí sau đây:

     a) Phí bán đấu giá theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí;

     b) Chi phí thực tế, hợp lý cho việc bán đấu giá tài sản do người có tài sản bán đấu giá và tổ chức bán đấu giá tài sản thỏa thuận.

     2. Trong trường hợp bán đấu giá tài sản không thành thì người có tài sản bán đấu giá tài sản thanh toán cho tổ chức bán đấu giá tài sản các chi phí thực tế, hợp lý quy định tại điểm b, khoản 1 Điều này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

     3. Đối với tài sản thi hành án, trong trường hợp bán đấu giá không thành thì cơ quan Thi hành án có trách nhiệm thanh toán chi phí bán đấu giá tài sản cho tổ chức bán đấu giá tài sản.

     Theo quy định trên thì trong trường hợp bán đấu giá không thành, cơ quan Thi hành án chỉ phải thanh toán chi phí thực tế cho việc tổ chức bán đấu giá tài sản. Việc trung tâm bán đấu giá lại yêu cầu thêm cả chi phí thực hiện hợp đồng là 3 triệu đồng là không đúng. Do đó, khi ký kết hợp đồng Chấp hành viên cần lưu ý yêu cầu trung tâm bán đấu giá bỏ điều khoản trên trong hợp đồng. Cơ quan thi hành án chỉ thanh toán các chi phí thực tế phát sinh cho việc tổ chức bán đấu giá tài sản như chi phí đi lại, chi phí đăng báo…chứ không chấp nhận thanh toán khoản chi phí thực hiện hợp đồng nói trên.

     Mặt khác, đối với các hợp đồng đã ký kết, việc tiếp tục bán tài sản của các lần sau đó được thực hiện theo phụ lục hợp đồng. Phụ lục hợp đồng chỉ xác định giá trị tài sản, thời gian, địa điểm bán đấu giá của lần bán tiếp theo nhưng không chỉnh sửa các điều khoản trong hợp đồng chính, do đó số tiền chi phí thực hiện hợp đồng: 3.000.000đ/1 lần(ba triệu đồng) vẫn được duy trì. Sau khi thanh lý hợp đồng, số tiền phải thanh toán thực tế là rất lớn do tài sản phải bán đấu giá nhiều lần mới bán được (thực tế có những trường hợp tài sản chỉ  bán được hơn 300 triệu nhưng chi phí bán đấu giá đã lên tới 50 triệu). Bởi vậy, đối với các hợp đồng đã ký với điều khoản phải thanh toán các chi phí không hợp lý, cơ quan thi hành án cần phải thanh lý hợp đồng để ký kết lại, hoặc yêu cầu sửa lại điều khoản trong hợp đồng chính thì mới tiếp tục hợp đồng bán đấu giá tài sản.

     Thứ hai, đối với khoản tiền bán đấu giá thành, theo quy định tại khoản 3 Điều 27 Nghị định 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/7/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự,

     3. Người mua được tài sản bán đấu giá phải nộp tiền vào tài khoản của cơ quan thi hành án dân sự trong thời hạn không quá 15 ngày, kể từ ngày đấu giá thành.

     Trong thời hạn không quá 30 ngày, trường hợp khó khăn, phức tạp thì không quá 60 ngày, kể từ ngày người mua được tài sản nộp đủ tiền, cơ quan thi hành án dân sự phải tổ chức việc giao tài sản cho người mua được tài sản, trừ trường hợp có sự kiện bất khả kháng.

     Tổ chức bán đấu giá tài sản có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự trong việc giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá. Tổ chức, cá nhân cản trở, can thiệp trái pháp luật dẫn đến việc chậm giao tài sản bán đấu giá thành mà gây thiệt hại cho người mua được tài sản bán đấu giá thì phải bồi thường.

     Do đó điều khoản “Người mua được tài sản bán đấu giá phải nộp tiền vào tài khoản của cơ quan thi hành án dân sự trong thời hạn không quá 15 ngày, kể từ ngày đấu giá thành” phải được ghi rõ trong hợp đồng. Đối với khoản tiền đặt cọc mà người mua tài sản nộp tại cơ quan bán đấu giá, cần yêu cầu cơ quan bán đấu giá chuyển trả cơ quan thi hành án trong thời hạn 12 đến 15 ngày sau khi bán đấu giá thành để cơ quan thi hành án tổ chức giao tài sản cho người trúng đấu giá.

     Trong trường hợp cơ quan bán đấu giá chậm chuyển giao số tiền đặt cọc, cần có điều khoản ràng buộc trách nhiệm của cơ quan bán đấu giá, cả trách nhiệm bồi thường thiệt hại (nếu có) để tránh trường hợp các cơ quan bán đấu giá chậm chuyển tiền trả cơ quan thi hành án, dẫn đến việc thi hành án bị kéo dài.

     Trên đây là một số đề xuất về một số điều cần lưu ý khi ký hợp đồng bán đấu giá; đề nghị các Chấp hành viên và cơ quan thi hành án dân sự khi ký hợp đồng bán đấu giá cần nghiên cứu kỹ những điều khoản trong hợp đồng định giá, hợp đồng bán đấu giá, để tránh những điều khoản có thể gây thiệt hại đến Chấp hành viên, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự
Theo http://thads.moj.gov.vn/

Các tin đã đưa ngày: