Nhiều trường hợp không thể xử lý tài sản
Về tiêu chí xác định việc chưa có điều kiện THA: Theo Điều 44a Luật THADS, căn cứ kết quả xác minh điều kiện THA, thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định về việc chưa có điều kiện THA khi thuộc một trong các trường hợp sau: Người phải THA không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải THA, người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng và không có tài sản để THA hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản chỉ đủ để thanh toán chi phí cưỡng chế THA hoặc tài sản theo quy định của pháp luật không được kê biên, xử lý để THA; Người phải THA phải thi hành nghĩa vụ về trả vật đặc định nhưng vật phải trả không còn hoặc hư hỏng đến mức không thể sử dụng được; phải trả giấy tờ nhưng giấy tờ không thể thu hồi và cũng không thể cấp lại được mà đương sự không có thỏa thuận khác; Chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải THA, người chưa thành niên được giao cho người khác nuôi dưỡng.
Trong thực tế, có rất nhiều trường hợp khác ngoài các trường hợp được quy định tại Điều 44a Luật THADS mà cơ quan THADS không thể xử lý tài sản nhưng cũng không thể phân loại án sang dạng án chưa có điều kiện thi hành. Ví dụ như: Người phải THA có tài sản là nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất nhưng đất mà người đó đang sử dụng không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cũng không thuộc diện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật; có nhà xây trên thửa đất lấn chiếm, đất hành lang giao thông, hành lang sông hoặc hành lang bảo vệ công trình thủy…. Theo quy định tại Điều 44a Luật THADS thì các căn cứ để ra quyết định chưa có điều kiện THA không bao gồm những trường hợp mặc dù người phải THA có điều kiện thi hành (có tài sản) nhưng lại bế tắc trong việc xử lý tài sản. Do đó, đề nghị xem xét quy định mở rộng hơn về tiêu chí xác định việc chưa có điều kiện THA đối với một số trường hợp cá biệt này.
Cần lượng hóa đối với loại án không có điều kiện thi hành
Về việc xác minh định kỳ đối với việc chưa có điều kiện THA. Theo khoản 2 Điều 44 Luật THADS, trường hợp người phải THA chưa có điều kiện THA thì ít nhất 06 tháng một lần, chấp hành viên phải xác minh điều kiện THA; trường hợp người phải THA chưa có điều kiện THA là người đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ 02 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới của người phải THA thì thời hạn xác minh ít nhất 01 năm một lần. Tuy nhiên, để xác định thời hạn tiến hành xác minh tiếp trong thực tế cũng gặp nhiều khó khăn do thời gian bắt đầu chấp hành hình phạt tù thực tế của phạm nhân không thể hiện trong bản án mà được xác định theo quyết định THA phạt tù của cơ quan THA hình sự, nhiều trường hợp, cơ quan THADS không xác định được chính xác thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại của đương sự là bao lâu để tiến hành xác minh định kỳ theo quy định.
Khoản 2 Điều 44a Luật THADS và Điều 11 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP cũng quy định rõ về trách nhiệm của UBND cấp xã trong việc niêm yết quyết định chưa có điều kiện THA. Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng, quy định về việc gửi quyết định chưa có điều kiện cho UBND cấp xã niêm yết là chưa phù hợp. Theo khoản 3 Điều 35 Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015 quy định nhiệm vụ của UBND xã là “thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan nhà nước cấp trên phân cấp, ủy quyền cho UBND xã”. UBND chỉ có trách nhiệm phối hợp với cơ quan THADS do đó đây không phải là công việc mà UBND xã phải thực hiện.
Cần có sự phân biệt giữa việc THA “ chưa có điều kiện thi hành “và việc THA “ không có điều kiện thi hành”. Luật THADS chưa có quy định về loại án “không có điều kiện thi hành”. Trên thực tế, các việc đang được phân loại “chưa có điều kiện THA” hiện nay đang bao gồm cả các vụ việc “không có điều kiện THA” và việc chưa có điều kiện thi hành. Thực tiễn THADS cho thấy rất nhiều vụ việc thi hành án không thể có khả năng thi hành được như người phải THA là người nước ngoài đã về nước không xác định được địa chỉ, nơi cư trú; người phải THA là người già, neo đơn không nơi nương tựa, người ốm đau tàn tật, sống phụ thuộc vào người khác, không có khả năng thi hành nghĩa vụ….tồn đọng trong nhiều năm liền mà không thể thi hành được.
Vì vậy, cần xem xét hoàn thiện các quy định pháp luật theo hướng phân loại việc THA một cách triệt để hơn, cần lượng hóa đối với loại án không có điều kiện thi hành, như thời hạn kéo dài là bao nhiêu năm thì là khó, không thi hành được hoặc những việc THADS chưa có điều kiện thi hành, đã tồn đọng nhiều năm, trong đó bao gồm cả các khoản thu nộp cho ngân sách chưa có điều kiện thi hành (thực chất là không có điều kiện hoặc không đáp ứng được điều kiện miễn, giảm)….để có phương án giải quyết dứt điểm đối với các loại việc này.
Th.s Hoàng Thị Thanh Hoa (Nguồn m.baophapluat.vn)