1. Tạm hoãn xuất cảnh đối với người nước ngoài
* Các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh đối với người nước ngoài:
Điều 28 Luật Xuất nhập cảnh quy định người nước ngoài có thể bị tạm hoãn xuất cảnh nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây: Đang là bị can, bị cáo, người có nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc đang là bị đơn, người bị kiện, người có nghĩa vụ liên quan trong vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính, hôn nhân và gia đình; Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án, quyết định của Tòa án, quyết định của Hội đồng xử lý cạnh tranh; Chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; Vì lý do quốc phòng, an ninh.
Các trường hợp quy định nêu trên không áp dụng đối với người đang chấp hành hình phạt tù bị dẫn giải ra nước ngoài để cung cấp chứng cứ theo quy định tại Điều 25 Luật Tương trợ tư pháp. Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh: không quá 03 năm và có thể gia hạn.
* Thẩm quyền tạm hoãn xuất cảnh:
Điều 29 Luật Xuất nhập cảnh quy định Thủ trưởng cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát, Chánh án Toà án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án, Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quyết định tạm hoãn xuất cảnh trong những trường hợp quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 28 của Luật Xuất Nhập cảnh, cụ thể là các trường hợp sau: Đang là bị can, bị cáo, người có nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc đang là bị đơn, người bị kiện, người có nghĩa vụ liên quan trong vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính, hôn nhân và gia đình; Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án, quyết định của Tòa án, quyết định của Hội đồng xử lý cạnh tranh
[1].
Người có thẩm quyền ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh thì có thẩm quyền gia hạn tạm hoãn xuất cảnh, giải tỏa tạm hoãn xuất cảnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Người ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh có trách nhiệm ra quyết định giải tỏa tạm hoãn xuất cảnh ngay sau khi điều kiện tạm hoãn không còn.
Quyết định tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn xuất cảnh, giải tỏa tạm hoãn xuất cảnh được gửi ngay cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và công bố cho người bị tạm hoãn xuất cảnh để thực hiện. Sau khi nhận được quyết định tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn xuất cảnh, giải tỏa tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện
[2].
2. Tạm hoãn xuất cảnh đối với công dân Việt Nam
* Các trường hợp chưa cho công dân Việt Nam xuất cảnh:
Theo Điều 21 Nghị định số 136/2007/NĐ-CP thì công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây: Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm; Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự; Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế; đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế; Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế và những nghĩa vụ khác về tài chính trừ trường hợp có đặt tiền, đặt tài sản hoặc có biện pháp bảo đảm khác để thực hiện nghĩa vụ đó; Vì lý do ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm lây lan; Vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; Có hành vi vi phạm hành chính về xuất nhập cảnh theo quy định của Chính phủ.
* Thẩm quyền quyết định chưa cho công dân Việt Nam xuất cảnh:
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 22 Nghị định số 136/2007/NĐ-CP thì Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án hoặc cơ quan thi hành án các cấp quyết định chưa cho xuất cảnh đối với những người nêu tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 21 Nghị định số 136/2007/NĐ-CP, cụ thể là các trường hợp sau: Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm; Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự; Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế; đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế…
Như vậy, cả Chi cục trưởng Chi cục THADS và Cục trưởng Cục THADS đều có thẩm quyền quyết định chưa cho công dân Việt Nam xuất cảnh trong trường hợp công dân Việt Nam đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế
[3].
* Trình tự, thủ tục quyết định chưa cho công dân Việt Nam xuất cảnh:
Theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 136/2007/NĐ-CP,
Thông tư số 21/2011/TT-BCA ngày 25/4/2011 của Bộ Công an quy định về trình tự, thủ tục thực hiện quyết định chưa cho nhập cảnh, chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh thì các cơ quan có thẩm quyền khi quyết định chưa cho công dân xuất cảnh phải gửi văn bản thông báo cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an, nêu rõ yếu tố nhân thân của người chưa được xuất cảnh và thời hạn chưa cho người đó xuất cảnh để thực hiện
[4]. Cơ quan quyết định chưa cho công dân xuất cảnh có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho công dân đó biết, trừ trường hợp vì lý do đảm bảo bí mật cho công tác điều tra tội phạm và lý do an ninh. Người
quyết định chưa cho công dân xuất cảnh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
Khi hủy bỏ quyết định quyết định chưa cho công dân xuất cảnh cũng phải thông báo bằng văn bản cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an để thực hiện.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP thì đối với trường hợp cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định thì quy định về tạm hoãn xuất cảnh được áp dụng đối với người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
3. Các trường hợp không bị xem xét tạm hoãn xuất cảnh
Theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP( đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 33/2020/NĐ-CP) thì người phải thi hành án đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định về tiền, tài sản mà thuộc một trong các trường hợp sau thì có thể không bị xem xét tạm hoãn xuất cảnh:
Thứ nhất: Có đủ tài sản để thực hiện nghĩa vụ và đã ủy quyền cho người khác thay mặt họ giải quyết việc thi hành án liên quan đến tài sản đó; việc ủy quyền phải có công chứng và không được hủy ngang.
Thứ hai: Đã ủy quyền cho người khác mà người được ủy quyền có đủ tài sản và cam kết thi hành thay nghĩa vụ của người ủy quyền; việc ủy quyền phải có công chứng và không được hủy ngang.
Thứ ba: Có sự đồng ý của người được thi hành án.
Thứ tư: Hết thời hiệu yêu cầu thi hành án mà không có căn cứ chấp nhận yêu cầu thi hành án quá hạn.
Thứ năm: Là người nước ngoài phạm tội ít nghiêm trọng đang bị bệnh hiểm nghèo hoặc không có tài sản, thu nhập tại Việt Nam, có đơn cam kết thực hiện nghĩa vụ sau khi về nước. Đơn cam kết phải có xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam của nước mà người đó có quốc tịch về việc đôn đốc người đó thực hiện nghĩa vụ thi hành khoản thu, nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Thứ sáu: Có văn bản của cơ quan Công an hoặc cơ quan đại diện ngoại giao đề nghị cho xuất cảnh trong trường hợp cá nhân là người phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đang bị bệnh hiểm nghèo hoặc không có tài sản, thu nhập tại Việt Nam nhưng không được người được thi hành án cho xuất cảnh hoặc không xác định được địa chỉ của người được thi hành án hoặc người được thi hành án là người nước ngoài đã về nước và các trường hợp đặc biệt khác.
4. Một số vướng mắc trong thực tiễn áp dụng quy định tạm hoãn xuất cảnh đối với người phải thi hành án
Thực tiễn áp dụng các quy định pháp luật về tạm hoãn xuất cảnh đối với người phải thi hành án còn gặp phải một số vướng mắc, cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện.
Một là: Luật THADS còn thiếu các quy định pháp luật điều chỉnh về vấn đề này.
Tạm hoãn xuất cảnh đối với người phải thi hành án là một vấn đề phức tạp và diễn ra khá phổ biến trong thực tiễn, tuy nhiên Luật THADS chưa có quy định riêng về vấn đề tạm hoãn xuất cảnh đối với người phải thi hành án. Mặc dù Điều 51 Nghị định số 62/2015/ NĐ-CP có quy định về việc xuất cảnh của người phải thi hành án. Tuy nhiên để nâng cao hiệu lực pháp lý và hiệu quả áp dụng, cần thiết phải quy định rõ về vấn đề này trong Luật THADS. Trong đó cần xác định cụ thể về thẩm quyền áp dụng, đối tượng bị áp dụng, nội dung và cách thức thực hiện việc tạm hoãn xuất cảnh.
Hai là: Trong trường hợp thay đổi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, việc tạm hoãn xuất cảnh cũng gặp khó khăn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả thi hành án.
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng, là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật
[5]. Do đó việc thay đổi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến việc tổ chức thi hành án.
Theo Điều 12 Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp phải báo cáo Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp có trụ sở chính trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày có thay đổi thông tin về họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của Thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần; Thành viên Ban kiểm soát hoặc Kiểm soát viên; Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc.
Để thuận lợi hơn cho công tác THADS, cần bổ sung quy định trong trường hợp doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức là người phải thi hành án dân sự thì phải thông báo về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật cho cơ quan THADS ngay từ khi bắt đầu đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật tại cơ quan có thẩm quyền. Mặt khác, Luật Doanh nghiệp và Luật THADS cũng nên bổ sung quy định hạn chế việc thay đổi người đại diện theo pháp luật trong trường hợp cơ quan, tổ chức đó đang là người phải thi hành án. Đặc biệt là trong trường hợp người đại diện theo pháp luật của cơ quan tổ chức đó đang bị cơ quan THADS áp dụng các biện pháp thi hành án như đang có quyết định tạm hoãn xuất cảnh, đang bị áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế… để tránh các hệ quả pháp lý phát sinh, gây ảnh hưởng đến quá trình tổ chức thi hành án.
Ba là: Một số quy định pháp luật về xuất nhập cảnh cần tiếp tục được hoàn thiện. Tại Điều 29 Luật Xuất nhập cảnh và Điều 22 Nghị định số 136/2007/NĐ-CP cần quy định rõ về thẩm quyền ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn xuất cảnh, giải tỏa tạm hoãn xuất cảnh gồm " Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự và Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự"
[6]. Đồng thời bổ sung quy định về nghĩa vụ của người nước ngoài khi nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam phải kê khai thông tin về nơi cư trú của mình và nghĩa vụ chấp hành bản án, quyết định của Tòa án, quyết định của Hội đồng xử lý cạnh tranh (nếu có) tại Điều 44 Luật Xuất nhập cảnh.
Bốn là: Luật Xuất nhập cảnh và luật thi hành án Dân sự cũng cần quy định rõ đối với trường hợp người phải thi hành án là người nước ngoài, khi Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh mà thời hạn cư trú tại Việt Nam đã hết hoặc đã chấp hành xong hình phạt tù thì người bị hạn chế xuất cảnh đó phải cư trú tại đâu để bảo đảm cho việc thi hành án dân sự
[7], tránh trường hợp người phải thi hành án thực hiện cư trú tại nhiều địa phương khác nhau, gây ảnh hưởng đến việc tổ chức thi hành án.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, việc tạm hoãn xuất cảnh đối với người phải thi hành án có ý nghĩa và hiệu quả pháp lý quan trọng, không chỉ hạn chế, ngăn chặn nguy cơ người phải thi hành án trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án mà còn là một biện pháp pháp lý hữu hiệu để nâng cao hiệu quả thi hành án. Do đó pháp luật THADS và các quy định pháp luật có liên quan cần có những bổ sung phù hợp về vấn đề tạm hoãn xuất cảnh để nâng cao hơn nữa hiệu quả áp dụng đối với biện pháp này.