Sign In

Đoàn khảo sát Ban pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng làm việc tại Cục Thi hành án dân sự

04/11/2016

Đoàn khảo sát Ban pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng làm việc tại Cục Thi hành án dân sự
     Nhằm nắm được tình hình, công tác tổ chức thi hành án các vụ việc liên quan đến tính dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh, qua đó đánh giá những mặt làm được, chưa được, tìm nguyên nhân, kiến nghị đề ra giải pháp khắc phục để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới, đồng thời phục vụ cho công tác giám sát, thẩm tra của Ban pháp chế tại kỳ họp cuối năm 2016 Hội đồng nhân dân tỉnh.
     Theo Kế hoạch số 43/KH-HĐND ngày 17/10/2016 của Ban pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh, sáng ngày 04/11/2016, đoàn khảo sát Ban pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh do đồng chí Bùi Thị Tuyết Hạnh, Trưởng ban pháp chế làm trưởng đoàn cùng các thành viên và đại diện lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Sóc Trăng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng... đã có buổi làm việc với Cục Thi hành án dân sự về tình hình tổ chức thi hành án các vụ, việc liên quan đến nợ tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
     Tại buổi làm việc, đồng chí Lê Trọng Nguyên, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự đã báo cáo với Đoàn về tình hình tổ chức thi hành án các vụ, việc liên quan đến nợ tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh trong năm 2016 như sau:
     1. Tổng số việc và tiền đã thụ lý: 914 việc, tương đương với số tiền 584.011.087.000 đồng.
     - Số việc và tiền có điều kiện thi hành: 807 việc, tương đương với số tiền 554.974.813.000 đồng (đã ra quyết định thi hành án 807 việc. Trong đó: chủ động 518 việc, tương đương với số tiền 12.234.177.000 đồng; Theo đơn 396 việc, tương đương với số tiền 571.776.910.000 đồng).
     + Số hoãn thi hành: 10 việc, tương đương với số tiền 79.201.486.000 đồng.
     + Số tạm đình chỉ thi hành: 05 việc, tương đương với số tiền 5.079.277.000 đồng.
     - Số việc và tiền chưa có điều kiện thi hành: 74 việc, tương đương với số tiền 5.463.347.000 đồng.
     - Số lý do khác: 00 việc.
     - Số việc và tiền ủy thác thi hành án: 33 việc, tương đương với số tiền 23.572.927.000 đồng.
     2. Tổng số việc và tiền đã giải quyết: 295 việc, tương đương với số tiền 48.369.477.000 đồng.
     - Số việc và tiền thi hành xong: 257 việc, tương đương với số tiền 32.078.204.000 đồng.
     - Số việc và tiền đình chỉ thi hành: 38 việc, tương đương với số tiền 16.291.237.000 đồng.
     3. Số việc và tiền đang giải quyết: 586 việc, tương đương với số tiền 512.068.683.000 đồng.
     - Số việc và tiền đang thi hành: 497 việc, tương đương với số tiền 422.324.573.000 đồng
     - Số việc và tiền hoãn thi hành: Số hoãn thi hành: 10 việc, tương đương với số tiền 79.201.486.000 đồng.
     - Số việc và tiền tạm đình chỉ thi hành: 05 việc, tương đương với số tiền 5.079.277.000 đồng.
     - Số việc và tiền chưa có điều kiện thi hành: 74 việc, tương đương với số tiền 5.463.347.000 đồng.
     4. Số việc phải cưỡng chế thi hành án: 68 việc.
     Trong thời gian qua, Cục Thi hành án dân sự đã xây dựng và thực hiện tốt các quy chế phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc phối hợp liên ngành để giải quyết những vụ việc khó khăn, phức tạp liên quan đến án tín dụng, ngân hàng, góp phần hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị địa phương được giao.
     Tuy nhiên, bên cạnh đó trong quá trình giải quyết các vụ, việc liên quan đến án tín dụng, ngân hàng cũng còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như:
     - Một số tổ chức tín dụng, ngân hàng khi cho vay chỉ căn cứ trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không xác minh thực tế, có trường hợp tài sản thế chấp trên thực tế không đúng với giấy tờ hoặc người vay đã bán, tặng, cho người khác quản lý, sử dụng từ lâu, có nhiều trường hợp tài sản thế chấp có mồ mã, tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất nhưng thực tế trên đất có nhà…Từ đó, gây nhiều khó khăn cho cơ quan THADS trong việc kê biên, xử lý tài sản để đảm bảo thi hành án.
     - Một số tổ chức tín dụng, ngân hàng khi cho vay định giá tài sản cao hơn giá trị thực tế, do đó khi cơ quan thi hành án tiến hành xử lý tài sản thế chấp thì không đủ hoàn trả cho ngân hàng phần vốn gốc và tiền lãi.
     - Một số tổ chức tín dụng, ngân hàng chỉ cho vay số tiền nhỏ nhưng tài sản thế chấp có giá trị lớn hơn gấp nhiều lần số tiền vay và tiền lãi phát sinh, do đó khi đương sự không có khả năng thanh toán cơ quan thi hành án dân sự phải kê biên xử lý tài sản thế chấp để đảm bảo thi hành án, mà theo quy định của pháp luật thì phải kê biên tài sản tương đương với phần nghĩa vụ phải thi hành án, nhưng trong trường hợp này nếu kê biên tài sản tương đương số tiền phải thi hành án thì sẽ làm giảm giá trị tài sản hoặc phải kê biên toàn bộ tài sản thì người phải thi hành án phải chịu chi phí cưỡng chế lớn.
     - Một số bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật các tổ chức tín dụng, ngân hàng không làm đơn yêu cầu thi hành án mà trực tiếp tác động người phải thi hành án, tự bán tài sản để hoàn trả tiền cho ngân hàng, nhiều trường hợp người phải thi hành án đã tự bán tài sản để hoàn trả tiền cho ngân hàng, cơ quan thi hành án đang thi hành khoản án phí nên chưa thể xử lý được.
     - Ngân hàng yêu cầu, sau đó thỏa thuận bên ngoài với người phải thi hành án không thông báo cho cơ quan thi hành án (để tránh nộp phí thi hành án) cơ quan thi hành án rất bị động và gánh chỉ tiêu thi hành án, người phải thi hành án lợi dụng, kéo dài việc thi hành án.
     Cũng tại buổi làm việc, đồng chí Lê Trọng Nguyên đã nêu lên một số đề xuất, kiến nghị như:
    - Kiến nghị Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện giám sát chuyên đề: “Thẩm định, xác minh tài sản trước khi cho vay” đối với các tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh và chuyên đề : “Thẩm định giá tài sản thi hành án” đối với các tổ chức thẩm định giá trên địa bàn tỉnh.
     - Đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng:
     + Cần tăng cường công tác kiểm tra đối với hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh để kịp thời phát hiện, có hướng xử lý đối với các tổ chức tín dụng¸ ngân hàng chưa thực hiện đúng quy định về cho vay.
     + Cần có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh, thắt chặt hơn nữa khâu thẩm định, xác minh tài sản trước khi cho vay.
     - Đối với các tổ chức tín dụng, ngân hàng:
     + Cần có chính sách khoanh nợ, giảm một phần lãi hoặc có biện pháp hỗ trợ để giảm bớt một phần chi phí phát sinh cho người phải thi hành án nhằm tạo động lực giúp cho người phải thi hành án tích cực phối hợp với Cơ quan THADS trong việc tổ chức thi hành án góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người phải thi hành án có điều kiện trả nợ cho ngân hàng.
     + Đối với các vụ việc khi chưa làm đơn yêu cầu thi hành án mà đương sự tự nguyện hoàn trả tiền theo nội dung bản án, quyết định của Tòa án thì tổ chức tín dụng, ngân hàng cần tạo điều kiện để cơ quan thi hành án dân sự thu khoản tiền án phí.
      Thay mặt đoàn công tác, đồng chí trưởng đoàn đánh giá cao kết quả buổi làm việc bởi những nội dung, yêu cầu đề ra của Đoàn đã được các ngành trao đổi thẳng thắn, cụ thể; các báo cáo được chuẩn bị cơ bản, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu của Đoàn. Đồng thời, Đoàn cũng đã tiếp thu những ý kiến đề xuất, kiến nghị mà các cơ quan đã có ý kiến.
PhongQV
 

Các tin đã đưa ngày: