Đương sự chây ỳ, chống đối
Việc đương sự cố tình chống đối có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như: Đương sự không đồng tình với nội dung bản án mà Tòa án tuyên xử hoặc vì “miếng mồi ngon” bị đụng chạm... Vì thế, khi thi hành án các chấp hành viên thường phải hứng chịu sự lăng mạ, sỉ nhục thậm tệ; có trường hợp còn bị vu khống, cản trở, bao vây người thi hành công vụ để tạo áp lực; nặng hơn thì dùng hung khí đe dọa, hành hung và nằm vạ. Nếu công chức, chấp hành viên ngành THADS không “đủ mạnh” thì khó lòng thi hành được nội dung bản án theo quy định pháp luật. Một chấp hành viên tại Cục THADS chia sẻ: “Nhiều trường hợp đương sự còn tìm đến tận cơ quan THADS để chửi cho thỏa cơn tức, vì chấp hành viên đã thi hành theo đúng nội dung bản án. Chứng kiến những cảnh đó, một số công chức, chấp hành viên trẻ mới vào nghề cảm thấy rất sốc và có tư tưởng muốn bỏ việc, nếu không được sự động viên kịp thời”.
Lạ ở chỗ, phần lớn các đương sự có thái độ thiếu hợp tác, chây ỳ, chống đối thường rơi vào trường hợp có điều kiện thi hành án và để trốn tránh nhiệm vụ của mình, họ dùng đủ mọi chiêu trò như muốn “thách thức” sự kiên nhẫn của cán bộ THADS. Một trong những vũ khí đắc lực giúp họ trì hoãn việc thi hành án là lợi dụng quyền tự do dân chủ của công dân nhằm khiếu nại, tố cáo không đúng sự thực. Trong khi, các cơ quan THADS đã giải quyết nhiều lần, giải quyết hết thẩm quyền mà đương sự vẫn liên tục khiếu nại, tố cáo đến nhiều ngành, nhiều cấp gây ra vô vàn khó khăn cho ngành THADS. Đặc biệt, trong thời gian gần đây lại xuất một vài trường hợp có hành vi khiếu nại, tố cáo “tấp nập, gay gắt” nhưng bản thân họ không hề liên quan đến vụ việc thi hành án. Họ tự mệnh danh là công dân “gương mẫu” nên “thấy chuyện bất bình, ra tay nghĩa hiệp”. Nhưng thực chất, họ đang cố tình gây rối, khiến các ngành chức năng phải mất nhiều thời gian, công sức trong xử lý.
Án khó thi hành, không thể thi hành
Một trong những nguyên nhân làm cho công tác thi hành án gặp khó khăn là nội dung bản án còn thiếu tính khả thi; có những bản án tuyên không rõ khiến cơ quan THADS “ngẩn ngơ” chẳng biết phải thi hành sao… Từ đó, dẫn đến việc phát sinh khiếu nại, tố cáo trong THADS gia tăng. Không những thế, việc các bản án tuyên không rõ, không thể thi hành còn tạo sự chây ỳ trong nếp nghĩ của người dân dẫn đến việc coi thường luật. Vì họ cảm thấy hoan man và mất lòng tin đối với các cơ quan tư pháp.
Thêm vào đó, ngành THADS hiện đang phải “gánh” chịu trên 500 vụ việc kê biên, thông báo bán đấu giá không có người mua nhưng chẳng thể tìm đâu ra giải pháp. Theo thống kê của Cục THADS, phần lớn các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng đều phải tổ chức bán đấu giá. Tuy án liên quan đến tín dụng, ngân hàng chỉ chiếm khoảng 10% về việc nhưng lại chiếm đến gần 50% về giá trị trong tổng số giá trị thi hành án làm ảnh hưởng rất lớn đến chỉ tiêu của ngành. Việc thông báo bán đấu giá không có người mua có khá nhiều nguyên nhân như: Thị trường bất động sản trầm lắng; nhu cầu giao dịch bất động sản thấp; người dân có tâm lí e ngại khi mua tài sản liên quan đến thi hành án…
“Mệt mỏi” từ sự phối hợp
Trong quá trình thi hành nhiệm vụ, cơ quan THADS luôn gặp phải sự chống đối quyết liệt từ phía đương sự. Chính vì thế, luôn cần sự phối hợp của các ngành chức năng trong thi hành án, nhất là đối với vụ việc phức tạp, kéo dài. Đồng thời, phải nhìn nhận đúng vấn đề, việc phối hợp với cơ quan THADS trong thi hành nhiệm vụ cũng chính là một trong nhữngnhiệm vụ của các ngành chức năng. Thế nhưng một số cá nhân, đơn vị cứ thờ ơ, lập lờ và đẩy THADS vào thế khó khăn, bị động. Cụ thể, trước khi thi hành bản án, cơ quan THADS đã gửi công văn đến các cơ quan có liên quan để phối hợp nhưng vẫn phải cứ nhắc đi, nhắc lại nhiều lần mà đôi lúc các cơ quan vẫn ”quên”. Đáng nói, có vụ việc đã đến “giờ” cưỡng chế thi hành án nhưng lại thiếu bóng lực lượng bảo vệ thì sao có thể thi hành?... Cán bộ THADS đã phải luôn sẵn sàng ứng phó với thái độ bất hợp tác của người phải thi hành án mà thực tế còn phải mệt mỏi vì công tác phối hợp từ cơ quan chức năng thì khó mà hoàn thành được nhiệm vụ!
Bên cạnh đó, pháp luật quy định cụ thể, sau khi cơ quan THADS tiến hành cưỡng chế và giao xong tài sản cho đương sự theo bản án là đã hoàn thành nhiệm vụ. Nếu trường hợp đương sự tái chiếm, thẩm quyền thuộc về chính quyền địa phương nhưng một số nơi không những không can thiệp kịp thời mà còn đùn đẩy tránh nhiệm cho nhiệm cho cơ quan THADS.
Khó khăn từ chính bản thân cán bộ, cơ quan THADS
Do lượng án “năm sau cao hơn năm trước” và tính chất ngày càng phức tạp nhưng đội ngũ công chức, chấp hành viên của ngành THADS vẫn còn thiếu so yêu cầu. Đó là chưa kể đáng những chấp hành viên yếu kém về chuyên môn nghiệp vụ và tư tưởng hoan man trước những khó khăn trong công việc. Chính vì thế, việc án tồn đọng, chưa được thi hành một phần cũng do sự dây dưa, nhũng nhiễu của chấp hành viên và cán bộ THADS. Một lãnh đạo cơ quan tư pháp tỉnh nhận định: Khi thi hành nhiệm vụ một số chấp hành viên cứ lừng khừng ngại "đụng trên, đụng dưới" và ngại khó nên làm trậm trễ hoặc mất đi quyền lợi chính đáng của đương sự; có những việc kéo dài do sự trục lợi của công chức THADS. Từ đó, dẫn đến hao hục cán bộ, ảnh hưởng đến niềm tin, uy tín đối với nhân dân và chính họ đã tạo ra hố sâu cho mình bằng sự “thiếu trong sạch”.
Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo, điều hành của một số lãnh đạo đơn vị THADS chưa quyết liệt, chưa cao và chưa tham mưu kịp thời Ban chỉ đạo THADS chỉ đạo các ngành có liên quan trong công tác THADS. Đồng thời, chưa quan tâm đến việc kiểm tra, đôn đốc giải quyết án và tạo động lực để các chấp hành viên cố gắng, nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Còn một vài công chức, chấp hành viên thì yếu kém về chuyên môn, nghiệp vụ và thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực hiện công tác. Ngoài ra, ngành THADS vẫn còn khó khăn về cơ sở vật chất (2 chi cục THADS chưa được đầu tư xây dựng trụ sở làm việc; một số đơn vị không có kho vật chứng phải thuê tạm…) và nhiều khó khăn khác đang “vây” cơ quan THADS.
Cần phải tháo gỡ khó khăn
Luật pháp đã quy định cụ thể các hình thức xử lý đối với người cố tình không thi hành án, thậm chí là xử lý hình sự nhưng nhiều trường hợp cơ quan chức năng thẳng tay cũng không hẳn đã mang lại kết quả tốt, chưa kể còn phát sinh hậu quả đáng tiếc. Để thi hành thành công một bản án thì chấp hành viên cần tạo được niềm tin đối với đương sự, Đồng chí Dương Văn Buồl - Chi cục trưởng chi cục THADS huyện Cù Lao Dung, từng chia sẻ: “Sự bức xúc của đương sự xuất phát từ nhiều nguyên nhân và có thể trút giận lên chấp hành viên bất cứ lúc nào. Vì vậy, chấp hành viên cần biết mềm mỏng trước đương sự và tăng cường giải thích, thuyết phục để đạt được kết quả có lợi cho cả đôi bên. Thông qua đó, chấp hành viên sẽ không bị nghi ngờ là thiên vị bên này, bên kia. Đồng thời, phải biết lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đương sự thì mọi chuyện sẽ trở nên đơn giản hơn”.
Đặc biệt, để tháo gỡ những khó khăn từ chính bản thân cán bộ, đơn vị ngành, Cục THADS đã đề ra nhiều biện pháp, nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong năm 2017 như: tập trung tổ chức THADS đúng trình tự, thủ tục, rà soát, phân loại án chính xác 100% về việc, về tiền có điều kiện và chưa có điều kiện thi hành; tập trung cao độ giải quyết án ngay từ những tháng đầu năm 2017, tổ chức thi hành án đối với các vụ việc có điều kiện thi hành từ năm 2016 chuyển sang, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao; thực hiện tốt công tác tiếp công dân và giải quyết dứt điểm đơn, thư khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài đảm bảo đúng trình tự, thủ tục quy định; kiện toàn tổ chức, cán bộ; quản lý, sử dụng kinh phí, tài sản cơ sở, vật chất trang thiết bị, phương tiện hoạt động đúng quy định; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành... Nhưng chỉ phía THADS không là chưa đủ, đồng chí Lê Trọng Nguyên - Cục trưởng Cục THADS tỉnh nhấn mạnh:” Để công tác THADS đạt kết quả cao, bên cạnh sự quyết tâm, phấn đấu của mỗi công chức, chấp hành viên trong ngành THADS thì cần phải có sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ giữa liên ngành tư pháp, các cơ quan hữu quan và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, UBND các cấp. Đặc biệt, là rất cần sự hiểu biết, chấp hành pháp luật về THADS của cán bộ, nhân dân, nhất là các đương sự”.
Đúng vậy, việc giải quyết những vấn đề “muôn hình vạn trạng” trong THADS không phải chỉ hô hào bằng những lý thuyết suông mà phải từng bước tháo gỡ và chung tay cải thiện toàn diện, từ các ngành chức, cả ngành THADS. Dù công tác THADS hết sức khó khăn, phức tạp nhưng công tác này lại có một vị trí rất quan trọng, đảm bảo tính công bằng và nghiêm minh của pháp luật khi các bản án, quyết định Tòa án được thực thi trên thực tế. Chính vì thế, khắc phục những khó khăn trong THADS là điều rất cần thiết hiện nay.
S.M