Sign In

Tài sản bán đấu giá đảm bảo an toàn, hợp pháp và giá trị hợp lý

25/07/2017

Tài sản bán đấu giá đảm bảo an toàn, hợp pháp và giá trị hợp lý
     Tài sản kê biên, bán đấu giá nhiều lần, có rất nhiều trường hợp giảm giá đến lần thứ 15, 16 vẫn không có người mua. Có phải tài sản này thiếu tính hợp pháp hay giá cao hay còn những nguyên nhân nào khác... Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Sóc Trăng đã có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Trọng Nguyên - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (THADS) Sóc Trăng.
     Tình hình kê biên, bán đấu giá tài sản hiện nay trong THADS?
     Bán đấu giá là hoạt động cuối cùng và quan trọng trong quá trình xử lý tài sản của người phải thi hành án để bảo đảm cho việc thi hành nghĩa vụ trả tiền trong THADS. Thực tế, nếu việc bán đấu giá tài sản thi hành án được thực hiện tốt thì sẽ góp phần cho việc thi hành án nhanh chóng. Tuy nhiên, ngành THADS đang vướng phải một thực trạng là tài sản kê biên, bán đấu giá không có người mua và hiện toàn tỉnh có trên 690 vụ với giá trị gần 400 tỉ đồng. Xét về số vụ việc chiếm không đến 5% số có điều kiện thi hành nhưng lại chiếm 50,21% giá trị có điều kiện phải thi hành. Điều này, ảnh hưởng rất lớn đến chỉ tiêu của ngành mà các cơ quan THADS cùng ngành chức năng có liên quan đang phải cố gắng hết sức mình tìm hướng giải quyết.
     Nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng tài sản kê biên, bán đấu giá nhiều lần không có người mua?
     
Việc kê biên, bán đấu giá tài sản nhiều lần không có người mua có nhiều nguyên nhân: do thị trường bất động sản trầm lắng, nhu cầu giao dịch bất động sản thấp; có thể thông tin tài sản bán đấu giá chưa được thông báo rộng rãi đến nhiều đối tượng, nhất là đối tượng có nhu cầu mua... Nhưng quan trọng hơn hết, do người dân có tâm lý e ngại khi mua tài sản liên quan đến thi hành án. Vì nhiều người cho rằng, khi mua tài sản bán đấu giá phải trải qua các thủ tục pháp lý phức tạp; người có tâm lý không muốn liên quan tới cơ quan pháp luật; có người kiên kỵ cho rằng tài sản này không may mắn; người thì sợ bên phía bị thi hành án làm khó, không chịu giao tài sản... Trong khi, pháp luật đã có quy định chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi của bên mua được tài sản bán đấu giá.
     Quyền lợi của người mua được tài sản bán đấu giá được pháp luật bảo vệ như thế nào?
     
Theo quy định tại Khoản 3, Khoản 5, Điều 27 Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18-7-2015 của Chính phủ thì người mua được tài sản bán đấu giá nộp tiền vào tài khoản của cơ quan THADS trong thời hạn không quá 15 ngày, kể từ ngày đấu giá thành. Trong thời hạn không quá 30 ngày, trường hợp khó khăn, phức tạp thì không quá 60 ngày kể từ ngày người mua được tài sản nộp đủ tiền, cơ quan THADS phải tổ chức việc giao tài sản cho người mua được tài sản (trừ trường hợp có sự kiện bất khả kháng) và tổ chức bán đấu giá tài sản phải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan THADS trong việc giao tài sản. Tổ chức, cá nhân nào cản trở, can thiệp trái pháp luật dẫn đến việc chậm giao tài sản bán đấu giá thành mà gây thiệt hại cho người mua được tài sản bán đấu giá thì phải bồi thường. Trong thời gian chưa giao được tài sản, cơ quan THADS sẽ làm thủ tục đứng tên gửi số tiền đó vào ngân hàng theo hình thức gửi tiền có kỳ hạn 1 tháng cho đến khi giao được tài sản.
     Ngoài ra, theo Nghị định số 17/2010/NĐ - CP của Chính phủ quy định về bán đấu giá tài sản (nay là Luật Đấu giá tài sản) pháp luật còn quy định bảo vệ quyền lợi cho người được mua tài sản bán đấu giá trong trường hợp có người thứ ba tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bán đấu giá và cả trường hợp bản án bị hủy, sửa. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo đảm việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của người mua được tài sản bán đấu giá.
     Giá trị tài sản kê biên, bán đấu giá cao dẫn đến rất ít người mua?
     Tài sản kê biên được định giá theo quy định hoặc đương sự thống nhất giá với nhau và giá này có thể thấp hơn nhiều so với giá thị trường nhưng khi hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá vẫn không có người đăng ký. Ví dụ, có những căn nhà giá trị thực tế khoảng 1,2 tỉ đồng nhưng khi giảm giá nhiều lần chỉ còn 730 triệu đồng hoặc có những căn nhà cấp 4 (mới xây dựng, ngang 4 dài 20m) lại không đầy 200 triệu đồng…
     Giá trị tài sản bán đấu giá thấp so với giá trị thực tế, bởi theo quy định tại Điều 104 Luật THADS: “Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày bán đấu giá không thành mà đương sự không yêu cầu định giá lại thì chấp hành viên ra quyết định giảm giá tài sản để tiếp tục bán đấu giá. Mỗi lần giảm giá không quá 10% giá khởi điểm của lần bán đấu giá liền kề trước đó”.
     Giải pháp cho thực trạng tài sản kê biên, bán đấu giá không người mua?
     
Cục THADS đang chỉ đạo cơ quan THADS hai cấp tập trung quyết liệt trong tổ chức thi hành các vụ việc bán đấu giá tài sản, đảm bảo đúng theo đúng trình tự, thời gian luật định. Đối với chấp hành viên tiếp tục xây dựng kế hoạch tổ chức từng việc bán đấu giá cụ thể báo cáo lãnh đạo đơn vị; phối hợp thực hiện niêm yết thông tin bán đấu giá rộng rãi công khai trên Trang Thông tin điện tử của Cục THADS và đề nghị các đơn vị bán đấu giá tài sản thực hiện đúng quy định về công khai thông tin tài sản bán đấu giá. Tổ chức tập huấn bán đấu giá tài sản cho cán bộ, công chức THADS hai cấp trong năm 2017.
     Cơ quan THADS hai cấp tranh thủ sự quan tâm hỗ trợ của UBND trong việc cho tạm ứng kinh phí bán đấu giá tài sản; tiếp tục đề nghị Tổng cục THADS cấp bổ sung kinh phí cưỡng chế cho những năm tiếp theo. Đồng thời, chỉ đạo các chấp hành viên hướng dẫn đương sự lựa chọn hoặc tự mình lựa chọn các tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá tài sản có uy tín thực hiện việc thẩm định, bán đấu giá, đảm bảo công việc này được thực hiện chuyên nghiệp, công khai, minh bạch. Khi thực hiện giảm giá tài sản, cần nghiên cứu tình hình thực tế, các giao dịch dân sự tại địa phương để thu hút người có nhu cầu đăng ký mua tài sản trong lần tổ chức bán đấu giá tài sản tiếp theo; tăng cường giải thích, thuyết phục người được thi hành án đặc biệt là các tổ chức tín dụng, ngân hàng nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án, đảm bảo kịp thời quyền lợi cho người được thi hành án.
     Bên cạnh đó, Cục THADS sẽ kiến nghị Tổng cục THADS có ý kiến đối với Hội sở chính của các tổ chức tín dụng, ngân hàng xem xét có chủ trương nhận tài sản để khấu trừ nghĩa vụ thi hành án; khoanh nợ, giảm một phần lãi cho người phải thi hành án, để tạo động lực cho tích cực cho họ trong việc thi hành án, tìm người mua tài sản thi hành án, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết án.
        
SỚM MAI

Các tin đã đưa ngày: