Sign In

Tây Ninh: Sơ kết công tác thi hành án dân sự 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác thi hành án dân sự 6 tháng cuối năm 2016

29/04/2016

Tây Ninh: Sơ kết công tác thi hành án dân sự 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác thi hành án dân sự 6 tháng cuối năm 2016
Vào ngày 22/4/2016, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị sơ kết công tác thi hành án dân sự 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác thi hành án dân sự 6 tháng cuối năm 2016. Tham dự Hội nghị, có đồng chí Lê Văn Tiễn - Cục trưởng, các Phó Cục trưởng, Trưởng phòng chuyên môn thuộc Cục, Chi cục trưởng, Phó chi cục trưởng Chi cục THADS huyện, thành phố; Chấp hành viên, Thẩm tra viên, Kế toán trưởng, Thư ký thi hành án thuộc các cơ quan Thi hành án dân sự trong toàn tỉnh, cùng chuyên viên tại Cục Thi hành án dân sự.
Hội nghị được nghe đồng chí Lê Văn Tiễn, Cục trưởng đánh giá kết quả công tác thi hành án dân sự 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng số việc các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh đã thụ lý là 24.133 việc ( đúng thứ 3 toàn quốc), trong đó thụ lý mới là 8.634 việc; tổng số tiền thụ lý là 1.547.815.501.000 đồng, số thụ lý mới là 415.790.721.000 đồng. Kết quả về việc đã giải quyết xong 7.225 việc, đạt tỷ lệ 36,45%, tăng 489 việc so cùng kỳ năm 2015; về tiền đã giải quyết xong 167.048.889.000 đồng, đạt tỷ lệ 12,85%. Đã xét miễn, giảm 74 việc với số tiền 127.468.000 đồng (tăng 70 việc và 95.193.000 đồng so với cùng kỳ năm 2015). Thụ lý giải quyết xong 55/65 đơn khiếu nại, tố cáo đạt tỷ lệ 84,6%.
Cục Thi hành án dân sự đã kiểm tra toàn diện và kết luận đối với 04 Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trảng Bàng, Hòa Thành, Gò Dầu, Dương Minh Châu; xây dựng kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với phòng Nghiệp vụ, tổ chức thi hành án và 05/9 Chi cục trực thuộc; Kiểm tra việc chấp hành nội quy làm việc, quy định của ngành tại 03 chi cục, sau khi kết thúc các cuộc kiểm tra đã có kết luận, thông báo và chỉ đạo các đơn vị khắc phục, sửa chữa các sai phạm.

Thực hiện điều động, chuyển đổi vị trí công tác 18 công chức trong ngành nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; các công tác về tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng, nâng lương... thực hiện đúng quy định; Xử lý kỷ luật 04 công chức có sai phạm.
Cục Thi hành án dân sự củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức như: hiệp y bổ nhiệm 3 Phó Chi cục trưởng, xem xét bổ nhiệm lại 3 phó chi cục trưởng, không bổ nhiệm lại 01 phó chi cục trưởng chi cục THADS huyện Dương Minh Châu do không hoàn thành nhiệm vụ trong nhiệm kỳ; đề nghị tiếp nhận và bổ nhiệm Trưởng phòng Kiểm tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo; bổ nhiệm vào ngạch 01 công chức; điều động 04 công chức; tuyển dụng 01 chuyên viên...
Với sự nổ lực, phấn đấu của CBCC, Bộ Tư pháp đã tặng bằng khen cho tập thể Cục, 01 cá nhân trong phong trào thi đua “Chung tay xây dựng nông thôn mới”.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh còn có những tồn tại, hạn chế như: còn thiếu 01 biên chế, 03 trưởng phòng, 05 phó trưởng phòng; 09 phó chi cục trưởng, 07 chấp hành viên; trong quá trình tổ chức thi hành án còn để xảy ra nhiều vi phạm bị khiếu kiện, cán bộ vi phạm bị xử lý kỷ luật…do những nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Tại Hội nghị, các đồng chí Phó Cục trưởng quán triệt các chuyên đề về công tác giải quyết đơn KNTC và công tác tiếp công dân; về Bồi thường Nhà nước trong lĩnh vực thi hành án dân sự; trao đổi về công tác chấp hành kỷ luật, kỷ cương công vụ; về công tác giải quyết án trọng điểm; cưỡng chế các vụ việc phức tạp; trao đổi và thống nhất biện pháp giải quyết 19 việc đã bán tài sản nhưng chưa giao được cho người mua trúng đấu giá. Thông qua các chuyên đề đã rút ra những bài học kinh nghiệm chung và chỉ đạo các đơn vị khắc phục hạn chế, vi phạm trong thời gian tới.
Hội nghị dành thời gian các thành viên tham dự thảo luận, trao đổi kinh nghiệm và nêu cách làm hiệu quả trong việc đẩy nhanh tiến độ thi hành án (Dương Minh Châu), công tác cưỡng chế như việc cưỡng chế giao tài sản (Tân Biên), góp ý với Tòa án về nội dung bản án tuyên khó thi hành (di dời cây), từ đó rút kinh nghiệm chung trong toàn tỉnh.
Đồng chí Lê Văn Tiễn, Cục trưởng chia sẽ những khó khăn, vất vả của đội ngũ CHV, công chức (trung bình mỗi Chấp hành viên phải thi hành 309 việc/6 tháng), phát biểu kết luận Hội nghị và đề ra các nhiệm vụ trọng tâm của 06 tháng cuối năm là:
- Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ Thi hành án dân sự được Tổng cục, Bộ Tư pháp giao, nhất là chỉ tiêu thi hành án xong về việc và về tiền.
- Rà soát, kiện toàn ngay tổ chức bộ máy, cán bộ, nhất là các Phòng thuộc Cục, các Chi cục đang thiếu Lãnh đạo.
- Rà soát những địa bàn, đơn vị yếu kém trong công tác tổ chức cán bộ, trên cơ sở đó có giải pháp, biện pháp tăng cường, nâng cao hiệu quả; tiếp tục chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, hạn chế các sai sót, vi phạm; cán bộ lãnh đạo nào đáp ứng thì tiếp tục quan tâm bồi dưỡng, cán bộ nào yếu kém về năng lực, phẩm chất đạo đức, vi phạm kỷ luật công vụ thì kiên quyết xử lý nghiêm, thậm chí thay thế; đặc biệt quan tâm công tác đào tạo nguồn cán bộ, nguồn Chấp hành viên, ưu tiên cán bộ trẻ, được đào tạo cơ bản, có năng lực, trình độ, có triển vọng phát triển.
- Tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi hành án, nhất là đối với hơn 12 ngàn việc có điều kiện thi hành, các vụ việc khiếu nại tố cáo phức tạp, kéo dài, các vụ án liên quan đến tín dụng ngân hàng, án trọng điểm. Cục THADS chỉ đạo xây dựng Kế hoạch giải quyết cụ thể đối với các vụ việc trọng điểm, phức tạp kéo dài đã báo cáo, trong đó cần phân công, phân nhiệm, xác định rõ thời hạn hoàn thành, báo cáo Ban chỉ đạo THADS và Lãnh đạo Tổng cục để theo dõi, chỉ đạo giải quyết dứt điểm.
- Tổ chức giao tài sản 19 việc đã bán đấu giá thành và người mua đã nộp đủ tiền.
- Trong quá trình tổ chức thi hành án cần đặc biệt lưu ý về trình tự, thủ tục (kê biên, định giá, bán đấu giá, cưỡng chế...) phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật, hạn chế để xảy ra trách nhiệm bồi thường nhà nước, bồi hoàn.
- Quan tâm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; đặc biệt chú ý việc phân công, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ trực tiếp tiếp công dân về kỹ năng, thái độ khi tiếp công dân; tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đúng quy định, tránh để phức tạp, kéo dài.
- Rà soát, tham mưu báo cáo, tranh thủ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ đất, kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trụ sở làm việc, kho vật chứng, có lộ trình, phương án đầu tư phù hợp, đáp ứng yêu cầu.
- Thường xuyên tranh thủ sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, tăng cường công tác phối hợp với các sở, ngành, cơ quan liên quan tại địa phương trên tất cả các mặt công tác THADS.
- Tuyên truyền, tổ chức hiệu quả các hoạt động hưởng ứng chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống THADS (trong đó có tổ chức Hội thi Chấp hành viên giỏi, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao....)./.
 
N.T.L

Các tin đã đưa ngày: