Thoả thuận là quyền dân sự của công dân được pháp luật công nhận và bảo vệ. Thoả thuận trong thi hành án dân sự được ghi nhận tại Điều 6 Luật Thi hành án dân sự, Điều 5 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự.
Thoả thuận trong thi hành án dân sự có ý nghĩa quan trọng và được xem là một trong những biện pháp rút ngắn quá trình tổ chức thi hành án dân sự. Việc thoả thuận trong thi hành án dân sự Chấp hành viên cần lưu ý đến tính hợp pháp, tính khả thi của thoả thuận để nội dung thoả thuận được thực hiện trên thực tế và việc tổ chức thi hành án mang lại hiệu quả.
Trong thực tiễn tổ chức thi hành án, khi Chấp hành viên vận dụng tốt các kỷ kỷ năng nghiệp vụ sẽ tạo nhiều thuận lợi cho việc tổ chức và kết thúc việc thi hành án nhanh chóng, hiệu quả. Bên cạnh, một số trường hợp Chấp hành viên chưa xem xét đến tính khả thi trong thoả thuận, chưa thực hiện việc giải thích pháp luật cho các đương sự dẫn dến việc tổ chức thi hành án gặp khó khăn, kéo dài thời gian thi hành án, cụ thể:
1. Theo quyết định số 56/QĐDS-ST ngày 17/9/2022 của TAND thị xã H, bà Trần Ngọc Sa phải trả cho ông Nguyễn Văn Thái số tiền 18.000.000 đồng. Qua xác minh điều kiện thi hành án, bà Sa có tài sản là QSDĐ diện tích 250,8m2 thửa số 53 tại xã P thị xã H. Để đảm bảo việc thi hành án, theo đơn yêu cầu của ông Thái, căn cứ điểm c khoản 3 Điều 66 Luật Thi hành án dân sự, Chấp hành viên ra quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển nhượng QSDĐ diện tích 250,8m2 thửa số 53 tại xã P, thị xã H. Ngày 20/02/2023, ông Thái và bà Sa đến cơ quan Thi hành án dân sự trình bày hai bên đương sự thoả thuận thống nhất ông Thái đồng ý cho bà Sa thi hành dần mỗi tháng 2.000.000 đồng cho đến khi hết số tiền phải trả, ông Thái đồng ý chấm dứt việc ngăn chặn việc đăng ký, chuyển nhượng QSDĐ diện tích 250,8m2 thửa số 53 tại xã P, thị xã H của bà Sa để bà Sa dùng QSDĐ trên thế chấp vay vốn tại ngân hàng.
Trước nội dung thoả thuận trên, Chấp hành viên đã giải thích các quy định pháp luật đối với ông Thái về việc chấm dứt quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển nhượng QSDĐ, việc xác định điều kiện thi hành án và hậu quả pháp lý về thoả thuận của 02 bên đương sự. Qua giải thích của Chấp hành viên, ông Thái nhận thấy những rũi ro trong nội dung thoả thuận và hậu quả pháp lý khi ông yêu cầu việc chấm dứt quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển nhượng QSDĐ nên đã huỷ bỏ nội dung thoả thuận. Ngày 24/02/2023, bà Sa đã nộp số tiền 18.000.000 đồng trả cho ông Thái, kết thúc việc thi hành án.
Như vậy, giải thích quy định pháp luật là một trong những kỹ năng chấp hành viên cần vận dụng trong quá trình tổ chức thi hành án. Trong trường hợp nêu trên nếu Chấp hành viên chỉ ghi nhận nội dung thoả thuận, không giải thích rõ các quy định pháp luật dẫn đến việc thi hành án kéo dài, khi người phải thi hành án chuyển nhượng hoặc thế chấp QSDĐ thì việc xử lý tài sản sau này sẽ gặp nhiều khó khăn.
2. Theo Bản án số 105/2010/DS-ST ngày 20/4/2010 của TAND thị xã H, bà Bùi Thị Nga phải trả cho bà Nguyễn Thị Mai số tiền 90.000.000 đồng. Qua xác minh điều kiện thi hành án, bà Nga có tài sản là QSDĐ diện tích 179m2 thửa 456 tại Phường T thị xã H. Để đảm bảo việc thi hành án, theo đơn yêu cầu của bà Mai, căn cứ điểm c khoản 3 Điều 66 Luật Thi hành án dân sự, Chấp hành viên ra quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển nhượng QSDĐ diện tích 179m2 thửa 456 tại Phường T, thị xã H.
Ngày 24/5/2012, bà Nga và bà Mai đến cơ quan Thi hành án dân sự trình bày, hai bên đương sự thoả thuận bà Mai thống nhất cho bà Nga trả dẫn mỗi tháng 3.000.000 đồng và đồng ý cho bà Nga chuyển nhượng QSDĐ diện tích 179m2 thửa số 456 tại Phường T, thị xã H cho bà Lê Thị Vui, bà Vui trình bày nếu bà Nga không trả tiền cho bà Mai thì bà Vui đồng ý để Chấp hành viên kê biên, xử lý QSDĐ 179m2 thửa số 456 mà bà đã nhận chuyển nhượng của bà Nga. Chấp hành viên ghi nhận việc thoả thuận và ra quyết định chấm dứt tạm dừng việc đăng ký chuyển nhượng QSDĐ thửa số 456 của bà Nga, đồng thời có công văn đề nghị Văn phòng Đăng ký đất đai thị xã H hỗ trợ cho bà Vui được chuyển QSDĐ đối với diện tích đất179m2 thửa số 456 tại Phường T, thị xã H.
Bà Nga thi hành được số tiền 49.000.000 đồng, sau đó thì không thi hành tiếp, vụ việc được bàn giao cho Chấp hành viên khác. Do bà Nga không tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, Chấp hành viên xác minh điều kiện thi hành án của bà Nga kết quả thể hiện bà Nga không còn tài sản để thi hành án, QSDĐ 179m2 thửa số 456 tại Phường T, thị xã H hiện đứng tên của bà Vui, bà Vui không đồng ý việc Chấp hành viên kê biên tài sản là QSDĐ của bà và Chấp hành viên không có căn cứ để xử lý tài sản thi hành án.
Trong thực tiễn, có trường hợp đương sự thoả thuận việc thi hành án tính khả thi của thoả thuận không cao, ảnh hưởng đến lợi ích của người được thi hành án nhưng vẫn được Chấp hành viên ghi nhận, không giải thích về hậu quả pháp lý trong thoả thuận thi hành án dẫn đến tính trạng vụ việc thi hành án tồn đọng.
3. Theo Bản án số 15/2022/DSST ngày 05/7/2022 của TAND thị xã H, ông Đặng Văn Son phải trả cho bà Trần Hồng Dung số tiền 500.000.000 đồng, trong quá trình tổ chức thi hành án, Chấp hành viên xác minh ông Son không có tài sản. Ông Đặng Văn Ban là cha của ông Son có thoả thuận với bà Dung là ông tự nguyện giao cho cơ quan Thi hành án dân sự QSDĐ diện tích 150m2 toạ lạc tại xã B, thị xã H để xử lý thi hành án cho bà Dung. Chấp hành viên tiến hành ra quyết định kê biên QSDĐ diện tích 150m2 toạ lạc tại xã B, thị xã H để xử lý thi hành án. Tuy nhiên, khi được Chấp hành viên thông báo thời gian tổ chức kê biên, do mâu thuẫn trong sinh hoạt gia đình với ông Son, ông Ban không đồng ý giao tài sản của mình là QSDĐ để thi hành án cho ông Son. Thoả thuận giữa ông Ban và bà Dung không được thực hiện.
Trong thực tiễn, việc áp dụng khoản 2 Điều 6 Luật Thi hành án dân sự “Trường hợp đương sự không thực hiện đúng thoả thuận thì có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thi hành phần nghĩa vụ chưa được thi hành theo nội dung bản án, quyết định” gặp khó khăn, vướng mắc do khi đương sự không thực hiện đúng thoả thuận thì bên còn lại có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thi hành phần nghĩa vụ chưa được thi hành theo nội dung bản án, quyết định. Tuy nhiên, có trường hợp đương sự không thực hiện đúng thoả thuận việc giải quyết vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện thoả thuận không thành chưa được pháp luật quy định hoặc hướng dẫn.
Trường hợp nêu trên, ông Ban không thực hiện nội dung thoả thuận chưa phát sinh các vấn đề khác, nếu đến giai đoạn tổ chức bán đấu giá hoặc giao tài sản bán đấu giá thành cho người mua trúng đấu giá tài sản mà nội dung thoả thuận không được thực hiện thì Chấp hành viên sẽ gặp khó khăn trong việc giải quyết các nội dung phát sinh (chi phí kê biên, xử lý tài sản, người mua trúng đấu giá không được nhận tài sản yêu cầu bồi thường…) và pháp luật chưa có quy định bắt buộc phải tiếp tục thực hiện thỏa thuận của các bên, chưa có quy định chế tài trong thực hiện thoả thuận cũng như chưa có hướng dẫn xử lý các nội dung, chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện thoả thuận.
Để thoả thuận của đương sự trong thi hành án dân sự đạt hiệu quả, Chấp hành viên cần xem xét, đánh giá tính hợp pháp, tính khả thi và các tình huống phát sinh, thực hiện tốt công tác giải thích pháp luật cho đương sự. Trong từng giai đoạn thực hiện thoả thuận lưu ý các hậu quả pháp lý khi các bên đương sự không thực hiện đúng nội dung đã thoả thuận.
Trên đây là một số nội dung trao đổi về thoả thuận thi hành án dân sự trong thực tiễn thi hành án.
Chi cục THADS thị xã Hòa Thành