Phần 1
QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP VÀ NHỮNG KẾT QUẢ ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC CỦA
CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ TỈNH THÁI BÌNH
I. QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP
Trên cơ sở pháp lệnh THADS năm 1993 có hiệu lực kể từ ngày 17/4/1993, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 30/NĐ-CP ngày 02/6/1993 quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý công tác THADS, cơ quan THADS và chấp hành viên. Công tác THADS được chuyển giao hoàn toàn từ Tòa án nhân dân các cấp sang các cơ quan thuộc Chính phủ quản lý. Tháng 7/1993, công tác THADS trên địa bàn Thái Bình đã được chuyển giao từ TAND các cấp sang Sở Tư pháp và các phòng Tư pháp huyện, thị quản lý.
Để tiếp tục củng cố và hoàn thiện về tổ chức, bộ máy và cơ sở pháp lý, tạo điều kiện cho công tác THADS ngày càng đạt hiệu quả cao, ngày 14/11/2008, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật THADS năm 2008, văn bản có giá trị pháp luật cao nhất của THADS từ trước đến nay. Ngày 09/9/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS về cơ quan quản lý THADS và công chức làm công tác THADS.
Trên cơ sở Luật THADS năm 2008 và Nghị định 74/2009/NĐ-CP nêu trên, ngày 06/11/2009 Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định 2734/QĐ-BTP thành lập Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thái Bình. Theo Quyết định trên, Cục THADS tỉnh Thái Bình có 09 đơn vị hành chính gồm: Cục THADS tỉnh Thái Bình và 08 Chi cục THADS huyện Thành phố. Cục THADS tỉnh có 03 phòng chuyên môn: Văn phòng, phòng Nghiệp vụ và Tổ chức THA; phòng Giải quyết khiếu nại tố cáo.
II. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
1. Công tác quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND Tỉnh đối với công tác THADS
Ngày từ những ngày đầu thành lập các cơ quan THADS tđã thường xuyên nhận được sự quan tâm Lãnh đạo, chỉ đạo của các Ngành, Tổ chức đoàn thể xã hội toàn tỉnh
Trước khi có Chỉ thị 20/2001/CT-TTg ngày 11/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ, UBND Tỉnh đã ban hành Chỉ thị 15/CT-UBND ngày 27/4/2000 về tăng cường công tác THADS trên địa bàn toàn tỉnh. Tiếp theo Chỉ thị 15/2000/CT-UBND của UBND tỉnh, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã ban hành tiếp 02 chỉ thị đó là Chỉ thị số 08/2008/CT-UBND và đặc biệt là chỉ thị số 25/2014/CT-TU ngày 08/8/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác THADS. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh toàn tỉnh đã thành lập BCĐ-THADS tỉnh và 08 BCĐ-THADS huyện thành phố. Trưởng BCĐ-THADS đều do các đồng chí Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND tỉnh, huyện làm Trưởng ban.
Ngoài các Chỉ thị của Tỉnh ủy, UBND Tỉnh, các huyện thành phố cũng đã ban hành nhiều, văn bản chỉ đạo nhằm nâng cao hiệu quả công tác THADS trên từng địa bàn.
Nhờ có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trên mà công tác THADS trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã đạt được những kết quả cao.
2. Kiện toàn hệ thống tổ chức, cán bộ
2.1. Tổ chức bộ máy
Trước tháng 6/1993, công tác THADS do Tòa án nhân dân đảm nhiệm, sau tháng 6/1993 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, công tác THADS được chuyển giao sang các cơ quan Chính phủ quản lý. Các cơ quan THA của tỉnh chuyển từ TAND các cấp sang Sở Tư pháp và ở cấp huyện sang phòng Tư pháp quản lý, ở cấp tỉnh là phòng Thi hành án thuộc Sở tư pháp, ở cấp huyện là Đội Thi hành án thuộc phòng Tư pháp.
Từ giai đoạn năm 2004-2008 các cơ quan THADS đã có nhiều thay đổi căn bản về tên gọi và vị thế. Đặc biệt từ năm 2009 đến nay là giai đoạn có nhiều đổi mới quan trọng. Từ Thi hành án dân sự tỉnh, huyện, thành phố do Sở Tư pháp quản lý về mặt tổ chức đã thành lập Cục THADS tỉnh và 08 Chi cục THADS các huyện thành phố, ở Cục THADS tỉnh có 04 phòng chuyên môn: Văn phòng, phòng Nghiệp vụ và tổ chức THA, phòng Giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng Tổ chức cán bộ.
2.2. Công tác cán bộ
Tháng 7/1993, thực hiện hướng dẫn của Bộ Tư pháp và sự chỉ đạo của UBND Tỉnh, Ngành Tư pháp đã tiếp nhận toàn bộ số cán bộ làm công tác THA từ Tòa án sang với tổng số 39 đồng chí trong đó có 21 đồng chí là Chấp hành viên, 18 cán bộ Thủ kho, văn thư đánh máy. Từ đó đến nay, đặc biệt là từ khi thành lập Cục THADS số lượng biên chế không ngừng được bổ sung. Tổng số biên chế của toàn ngành được giao là 105, ngoài ra còn 30 hợp đồng 68 và 01 hợp đồng kế toán.
Trình độ về chính trị, nghiệp vụ chuyên môn không ngừng được nâng cao đáp ứng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Cụ thể:
+ Về trình độ lý luận chính trị:
- Tổng số Đảng viên: 88 người, chiếm 83,8%
- Trình độ cao cấp: 13 người, chiếm 12,3%
- Trình độ trung cấp: 38 người, chiếm 36,19%
+ Về trình độ chuyên môn:
- Trình độ đại học: 96 người, chiếm 91,42%
- Trình độ trên đại học: 05 người, chiếm 5%
+ Các chức danh Tư pháp:
- Chấp hành viên Trung cấp: 14 người, chiếm 13,37%
- Chấp hành viên sơ cấp: 30 người, chiếm 28,57%
- Thẩm tra viên: 09 người, chiếm 8,84%
- Thư ký THA: 18 người, chiếm 17,14%
Các chức danh lãnh đạo thường xuyên được kiện toàn, nếu trước kia mỗi đơn vị chỉ có 01 Trưởng, 01 Phó thì nay đã kiện toàn bổ sung thêm mỗi phòng chuyên môn, chi cục thêm 01 cấp phó.
2.3. Kết quả Thi hành án tăng về số việc và tiền (Số liệu từ khi thành lập Cục đến nay 2010 - 2015)
- Tổng số việc phải thi hành: 28.367 việc = 1.307.246.659.000đ
- Tổng số việc tiền đã giải quyết: 26.101 việc = 842.945.533.000đ
Trong đó đã thi hành xong: 22.792 việc = 223.958.905.000đ
2.4. Cơ sở vật chất trang thiết bị được tăng cường
Tại thời điểm Tháng 7/1993 khi nhận bàn giao công tác THADS từ Tòa án sang thì cơ sở vật chất như: Trụ sở, phương tiện làm việc hầu như không có gì. Đến nay, 9/9 đơn vị trụ sở làm việc đã được xây dựng, nhiều đơn vị đã được đầu tư xây dựng kho vật chứng, riêng phương tiện làm việc đã được trang bị khá đầy đủ ( ôtô, xe máy, máy vi tính, máy photo, máy fax)
2.5. Công tác phối hợp trong THADS
Việc phối hợp tốt với các cơ quan, tổ chức, ban, ngành có liên quan trong thi hành án dân sự là một trong những yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả công tác thi hành án dân sự. Do vậy, trong những năm qua công tác phối hợp của các Sở, ban, ngành đoàn thể tổ chức và các cơ quan liên quan với các cơ quan THADS ngày càng chặt chẽ và hiệu quả thể hiện như việc ký các quy chế phối hợp liên ngành (Quy chế phối hợp liên ngành trong giải quyết khiếu nại tố cáo, Quy chế phối hợp trong THADS giữa Công an, Viện kiểm sát, Tòa án và Cục THADS; Quy chế phối hợp liên ngành giữa Ngân hàng Nhà nước với Cục THADS tỉnh; Quy chế phối hợp liên ngành giữa BHXH tỉnh với Cục THADS tỉnh).
Hàng năm Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, Ủy ban MTTQ và VKSND các cấp thường xuyên thực hiện việc giám sát, khảo sát đối với các cơ quan THADS qua đó giúp nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự.
2.6. Công tác Thi đua khen thưởng
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác thi đua khen thưởng trong việc thực hiện nhiệm vụ, hàng năm, căn cứ vào Kế hoạch phát động thi đua của Bộ Tư pháp và Kế hoạch trọng tâm công tác thi hành án dân sự, Cục Thi hành án dân sự đã xây dựng Kế hoạch phát động phong trào thi đua, hướng dẫn đăng ký thi đua trong toàn tỉnh. Trên cơ sở đó, các cơ quan Thi hành án dân sự xây dựng Kế hoạch phát động phong trào thi đua gắn với việc thực hiện nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh đó, thường xuyên chú trọng phát động các phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Để kịp thời khích lệ, động viên đối với những nỗ lực, cố gắng không biết mệt mỏi của công chức, người lao động trong các cơ quan Thi hành án dân sự, trong những năm vừa qua Đảng, Nhà nước, Bộ Tư pháp, Tỉnh đã tặng nhiều phần thưởng cao quý cho các tập thể, cá nhân trong toàn ngành. Cụ thể là:
- Về hình thức khen thưởng: Từ năm 1993 đến nay, có 01 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động các hạng 3 và 05 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 40 lượt tập thể và 60 lượt cá nhân được tặng Bằng khen cấp Bộ, Ngành, tỉnh.
- Về danh hiệu thi đua: Từ năm 1993 đến nay, 05 lượt tập thể được tặng Cờ thi đua cấp Bộ, ngành, tỉnh; 05 lượt cá nhân được công nhận Chiến sĩ thi đua cấp Bộ, ngành, tỉnh và nhiều danh hiệu, hình thức khen thưởng khác. Ngoài ra, còn nhiều cá nhân được khen thưởng danh hiệu Chiến sỹ thi đua, tập thể lao động xuất sắc, nhiều tấm gương học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh.
- Để chào mừng 70 năm Ngành truyền thống Thi hành án dân sự, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thái Bình đã phát động đợt thi đua “cao điểm thi hành án” kết quả đã có 03 tập thể và 04 cá nhân được UBND tỉnh tặng bằng khen; 01 tập thể và 01 cá nhân được Tổng cục Thi hành án dân sự tặng giấy khen; Cục Thi hành án dân sự tỉnh tặng giấy khen cho 30 tập thể và các xã, phường, thị trấn.
Phần 2
ĐỊNH HƯỚNG, NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI
Phát huy truyền thống và những thành tựu đã đạt được trong những năm qua, trong thời gian tới, các cơ quan thi hành án dân sự trong tỉnh quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao.
1. Tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đại hội Đảng các cấp trong tỉnh; hoàn thành các yêu cầu, nhiệm vụ về thi hành án dân sự theo Nghị quyết số 111/2015/QH13 của Quốc hội khóa XIII về công tác Tư pháp, Nghị quyết số 107/2015/QH13 của Quốc hội khóa XIII về thực hiện chế định Thừa phát lại.
Triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh” tạo sự chuyển biến tích cực về rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm đối với xã hội, thực hiện nghiêm túc “Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức ngành tư pháp” và “Chuẩn mực đạo đức Chấp hành viên”.
2. Hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ về thi hành án dân sự năm 2016 và giai đoạn 2016 - 2021 theo Nghị quyết số 111/2015/QH13 của Quốc hội khóa XIII về công tác Tư pháp, Quyết định giao chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự hàng năm của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đặc biệt là chỉ tiêu thi hành án xong về việc, về tiền được Quốc hội giao; tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, phức tạp, kéo dài, những vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng, phấn đấu giảm án tồn đọng xuống mức thấp nhất;
3. Kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ công chức làm công tác thi hành án dân sự đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, nhất là chú trọng những địa bàn, đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém.
4. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra; khắc phục những vi phạm thiếu sót về chuyên môn, nghiệp vụ, những sai sót không đáng có; chủ động xử lý kịp thời, đúng pháp luật các vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân, hạn chế xảy ra các trường hợp khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp.
5. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng kinh phí để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và kiên quyết xử lý các sai phạm.
6. Tăng cường công tác phối hợp trong thi hành án dân sự, tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả công tác phối hợp liên ngành; tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự (Quy chế phối hợp liên ngành giữa Công an, Viện kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân tỉnh trong giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự; Quy chế phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước, Quy chế phối hợp giữ Bảo hiểm xã hội tỉnh với Cục Thi hành án dân sự tỉnh) nhằm nâng cao kết quả thi hành án dân sự.
7. Tiếp tục phát động các phong trào thi đua yêu nước đặc biệt là phong trào ngành “Tư pháp chung sức xây dựng nông thôn mới”, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, phong trào “Vì người nghèo”…. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhằm không ngừng nâng cao đời sống tinh thần vật chất cho cán bộ, công chức, người lao động.
8. Chú trọng, nâng cao chất lượng công tác tham mưu, tổng hợp, báo cáo, thống kê, công tác thi đua, khen thưởng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thi hành án dân sự; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khác theo Chương trình, Kế hoạch công tác năm 2016 của Bộ, Ngành và chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tư pháp./.
Nguyễn Thái Bình