Sign In

Cần quy định rõ trách nhiệm trong thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế

14/06/2021

(PLVN) - Trả lời phỏng vấn của TS. Nguyễn Quang Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) về triển khai Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư.
 
Vừa qua, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Đây là một Chỉ thị quan trọng với nhiều giải pháp tổng thể đòi hỏi cả hệ thống chính trị vào cuộc để nâng cao hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác này.
Kết quả thu hồi tài sản có chuyển biến tích cực
- Thưa Tổng cục trưởng, những năm qua công tác thu hồi tài sản tham nhũng được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm và sau thời gian triển khai đạt nhiều kết quả tích cực. Xin Tổng cục trưởng cho biết rõ hơn về vấn đề này?
Đúng là như vậy. Thời gian qua và đặc biệt là thời gian gần đây, Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng công tác phòng, chống tham nhũng nói chung và công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế nói riêng. Sự quan tâm này bắt đầu bằng các chủ trương, đường lối nhất quán của Đảng với việc chú trọng công tác phòng ngừa; tập trung phát hiện, xử lý nghiêm người có hành vi tham nhũng; đồng thời phải xác minh rõ, chính xác tài sản tham nhũng; áp dụng kịp thời các biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; xử lý nghiêm minh những cán bộ cản trở hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng.
Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành đã không ngừng quan tâm, hoàn thiện thể chế liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng và thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Nhiều đạo luật quan quan trọng như Luật phòng chống tham nhũng; Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017; Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi năm 2015; Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi năm 2015; Luật Thi hành án dân sự sửa đổi năm 2014; Luật giám định tư pháp sửa đổi năm 2020, Luật Tương trợ tư pháp, Luật kiểm toán, Luật Thanh tra, Luật phòng chống rửa tiền, Luật các tổ chức tín dụng…. và các văn bản hướng dẫn thi hành các luật này đã được ban hành. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng đoàn, Ban cán sự đảng trực thuộc Trung ương đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hành động để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan từ thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án dân sự trong việc thu hồi tài sản trong vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành chức năng ở Trung ương, địa phương ngày càng được tăng cường. Các cơ quan tiến hành tố tụng cũng đã chủ động hơn trong việc áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, hạn chế việc tẩu tán, che giấu, hợp pháp hóa tài sản tham nhũng. Cơ quan Thi hành án dân sự đã đẩy mạnh việc xác minh, áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế để thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Nhờ đó, công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, kết quả thu hồi tài sản có chuyển biến tích cực, hằng năm thu hồi hàng ngàn tỷ đồng cho Nhà nước. Riêng năm 2020, đã thi hành xong là 15.417 tỷ 098 triệu 348 nghìn đồng (trong đó số vụ việc do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi trên 14 ngàn tỷ đồng).
- Tuy nhiên, thực tế cho thấy kết quả công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế vẫn chưa được như mong đợi. Vậy nguyên nhân do đâu, thưa Tổng cục trưởng?
Chúng ta đã cố gắng nhưng kết quả vẫn chưa được như mong muốn, trong đó đáng lưu ý nhất là kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế còn thấp so với tổng số tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát phải thu hồi. Vấn đề này có nhiều nguyên nhân, trong đó có thể kể đến một số nguyên nhân chủ yếu như: nhận thức về công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế của một số cấp ủy, tổ chức Đảng, một số cơ quan, người thẩm quyền liên quan đến công tác này chưa đầy đủ.
Cùng với đó thì thể chế, chính sách pháp luật mặc dù đã được quan tâm, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, khả thi nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới là rào cản để các cơ quan chức năng thực hiện thu hồi tài sản.
Một yếu tố khác và theo tôi có vai trò quan trọng nhất chính là việc tổ chức thực hiện pháp luật trong lĩnh vực này của các cơ quan có thẩm quyền. Thời gian qua các cơ quan từ thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án dân sự đã có rất nhiều cố gắng để thu hồi tài sản tham nhũng nhưng vẫn chưa đáp ứng so với yêu cầu của tình hình mới. Cuối cùng thì sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và cơ quan thi hành án có lúc cũng chưa chặt chẽ, hiệu quả.
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp là nhiệm vụ quan trọng
-Như ông vừa nói, vấn đề đầu tiên là nhận thức về công tác thu hồi tài sản. Đây cũng là giải pháp được đặt lên hàng đầu trong Chỉ thị số 04-CT/TW Ban Bí thư mới ban hành, vấn đề này có ý nghĩa như thế nào trong giai đoạn hiện nay?
Ai cũng biết mọi việc đều bắt đầu từ nhận thức. Từ nhận thức sẽ tới hành động. Chỉ thị số 04-CT/TW Ban Bí thư đã xác định yếu tố đầu tiên đó là “Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng”.
Tôi cho rằng đây là một yêu cầu rất quan trọng. Chúng ta không thể xem trọng vấn đề tìm ra tội phạm mà xem nhẹ vấn đề hậu quả của tội phạm gây ra thất thoát tiền, tài sản của Nhà nước. Ngược lại cũng không thể chỉ nghĩ đến thu hồi tiền, tài sản mà không chú ý đến tìm ra tội phạm. Hai vấn đề này có mối quan hệ khăng khít. Lẽ dĩ nhiên trong trường hợp đó, phải rà soát thể chế, quy định để vừa bổ sung những vấn đề còn thiếu, đồng thời sửa đổi, bổ sung những vấn đề hạn chế, bất cập, không phù hợp.
Ngoài ra, cũng phải xác định trách nhiệm thù hồi tiền tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế không phải chỉ riêng của một cơ quan nào mà cần có sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án dân sự giữ vai trò nòng cốt.
- Chỉ thị 04-CT/TW của Ban Bí thư cũng nêu rõ giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này là hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật. Từ thực tiễn thi hành các vụ án thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế, theo ông cần hoàn thiện pháp luật theo hướng như thế nào?
Theo Chỉ thị của Ban Bí thư thì cần có nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, trong đó việc nghiên cứu rà soát, sửa đổi, bổ sung pháp luật về thanh tra, kiểm toán, tố tụng hình sự, thi hành án dân sự và các quy định pháp luật liên quan theo hướng bổ sung cho thanh tra viên, kiểm toán viên thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế; xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong việc truy nguyên, truy tìm, kê biên tài sản, phong toả tài khoản ngay từ giai đoạn thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử là giải pháp qua trọng. Còn việc hoàn thiện theo hướng nào thì đây là vấn đề cần phải có sự tính toán phù hợp. Chúng ta cần phải xác định những vấn đề ưu tiên trước mắt, đồng thời phải tính toán đến những vấn đề mang tính chiến lược lâu dài.
Trước mắt, việc quan trọng đầu tiên đó là Tỉnh ủy, Thành ủy, ban đảng, Ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương tổ chức phổ biến, quán triệt và xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư. Với việc xây dựng chương trình, kế hoạch của từng cấp, từng ngành sẽ là cơ hội để tính toán đến việc rà soát các cơ chế, chính sách, pháp luật có liên quan đến từng cấp, từng ngành.
Cùng với đó, theo tôi ưu tiên lớn nhất đó là các quy định (từ cấp vi mô đến vĩ mô) cần hướng tới nâng cao nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng cơ quan trong thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế và là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt của quá trình thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng.
-Trân trọng cám ơn Tổng cục trưởng!
PV Thu Hằng (thực hiện)
Nguồn: baophapluat.vn


Theo CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG CỤC THADS - BỘ TƯ PHÁP

Các tin đã đưa ngày: