Điều 120 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định trình tự, thủ tục biện pháp cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng. Đây là một biện pháp cưỡng chế đặc biệt hơn so với các biện pháp cưỡng chế khác bởi đối tượng cưỡng chế ở đây không phải là tiền, tài sản mà là con người, đặc biệt là người chưa thành niên. Do đó, quy định trình tự, thủ tục và biện pháp thực hiện cũng khác biệt hơn. Trong quá trình tổ chức cưỡng chế rất dễ ảnh hưởng đến tâm lý, tình cảm của người chưa thành niên và gặp phải sự chống đối từ người phải thi hành án. Kết quả áp dụng biện pháp thấy cưỡng chế này thường không cao.
Để giải quyết các việc giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Phổ Yên thường động viên, thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành. Trong năm 2020 Chi cục giải quyết 05 việc, trong đó đã động viên, thuyết phục, giải quyết xong 03 việc. Hiện tại đang thi hành 02 việc trong đó 01 việc người phải thi hành án không tự nguyện đã tổ chức cưỡng chế nhưng người phải thi hành án chống đối, mang con gửi ở nơi khác khi tiến hành cưỡng chế do đó buổi cưỡng chế không thành công (Vụ Nguyễn Văn Xuyên - xã Thành Công). Chấp hành viên đã lập hồ sơ đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Văn Xuyên.
Từ quy định pháp luật và thực tiễn áp dụng tại Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Phổ Yên cho thấy cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng còn tồn tại một số hạn chế, bất cập như:
Việc thông báo cưỡng chế cho người phải thi hành án là thủ tục bắt buộc theo quy định tại Điều 39 Luật Thi hành án dân sự, tuy nhiên đối với trường hợp này chưa thực sự phù hợp, không mang lại hiệu quả. Bởi lẽ người phải thi hành án hoặc người có nghĩa vụ liên quan khi biết trước thời gian cưỡng chế thường mang người chưa thành niên đi trốn hoặc gửi ở một nơi khác do đó không thực hiện được việc cưỡng chế. Pháp luật cũng chưa có quy định chế tài đối với trường hợp này, do đó hầu hết các cuộc cưỡng chế đều không thành.
Thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp này không phải của chấp hành viên giải quyết vụ việc hay Chi cục trưởng mà thuộc thẩm quyền của Cục trưởng. Do đó từ khi lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, đề nghị xử phạt, chuyển hồ sơ đến khi ban hành quyết định xử phạt sẽ mất tương đối nhiều thời gian thực hiện. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp này không có biện pháp đảm bảo và chế tài thực hiện cụ thể nên rất khó khăn trong quá trình đôn đốc thi hành.
Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện, các tài liệu cần thiết để đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý tội không chấp hành án. Do đó, gây khó khăn và không thống nhất trong áp dụng.
Để nâng cao hiệu quả biện pháp cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về biện pháp này.
Theo Chi cục THADS TX Phổ Yên