Sign In

“Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án” từ quy định của pháp luật đến thực tiễn áp dụng tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên

23/09/2020

Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án là một trong các biện pháp cưỡng chế được quy định tại Điều 71, Điều 78 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014 (Luật THADS); Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT-BTP-BTC-BLĐTBXH-NHNNVN hướng dẫn việc cung cấp thông tin về tài khoản, thu nhập của người phải thi hành án và thực hiện phong tỏa, khấu trừ để THADS. Tuy nhiên, việc thực hiện biện pháp cưỡng chế này còn nhiều khó khăn. 
Theo quy định tại Điều 78 Luật THADS, thu nhập của người phải thi hành án (THA) gồm tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động và thu nhập hợp pháp khác. Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận. Tiền công: là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo sự thỏa thuận hoặc theo hợp đồng lao động. Tiền lương hưu hoặc trợ cấp mất sức lao động: là khoản tiền trả cho cán bộ, công chức, viên chức đã làm việc trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị và chính trị xã hội sau khi đã đủ năm công tác và đã đủ tuổi nghỉ hưu hoặc theo quy định của pháp luật, họ được hưởng theo chế độ hưu trí hoặc mất sức lao động. Các thu nhập hợp pháp khác là các khoản thu nhập của người phải thi hành án ngoài khoản tiền lương, tiền công do các cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức đang quản lý thu nhập chi trả. Tuy nhiên, trong thực tiễn việc trừ vào thu nhập của người phải THA còn gặp một số khó khăn. 
Cụ thể theo Quyết định thi hành án số 418/QĐ-CCTHADS ngày 24/4/2019, người phải thi hành án là ông Vương Sỹ Tiệp và Phạm Quỳnh Nga có địa chỉ thường trú; Tiểu khu Cầu Trắng, thị trấn Đu, huyện Phú Lương. Phải thanh toán cho chị Nguyễn Thị Thanh Thủy và anh Vi Văn Hòa trú tại xóm Na Long, xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên số tiền: 860.000.000đ (Tám trăm sáu mươi triệu đồng). Quá trình thi hành án theo các Quyết định trên, Chấp hành viên  đã tiến hành xác minh và được biết bà Phạm Quỳnh Nga hiện là giáo viên trường tiểu học xã Tức Tranh, huyện Phú Lương được hưởng chính sách hỗ trợ cán bộ thôi việc theo Quyết định số 1677/QĐ-UBND ngày 03/6/2019 của Chủ tịch UBND huyện Phú Lương với số tiền được trợ cấp: 71.787.810đ (Bao gồm khoản trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm và khoản trợ cấp 1.5 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội). Ngoài thu nhập trên bà Nga không còn tài sản nào khác để đảm bảo thi hành án.
Căn cứ Điều 71; 81 Luật THADS sửa đổi năm 2014 Chấp hành viên Chi cục THADS huyện Phú Lương đã ban hành Quyết định về việc “Thu tiền của người phải thi hành án do người thứ ba giữ”. Để thu số tiền bà Nga được trợ cấp thôi việc là giáo viên trường Tiểu học Tức Tranh hiện đang do trường tiểu học Tức Tranh quản lý. Số tiền 52.000.000đ/tổng số tiền bà Nga được nhận 71.787.810đ. Số tiền còn lại 19.787.810đ Chấp hành viên không khấu trừ mà chi trả cho người phải thi hành án để đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu của người đó và người được nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên quan điểm của VKSND huyện Phú Lương cho rằng đối với trường hợp trên Chấp hành viên cần ban hành Quyết định Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án được quy định tại Điều 78 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014 (Luật THADS). Với lập luận số tiền trợ cấp thôi việc bà Nga được nhận là “thu nhập hợp pháp khác”. Việc chấp hành viên ban hành Quyết định về việc “Thu tiền của người phải thi hành án do người thứ ba giữ” là áp dụng sai điều luật.
Đối với vấn đề này, quan điểm của tác giả như sau:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 78 Luật Thi hành án dân sự năm 2014 thì thu nhập của người phải thi hành án gồm: Tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động và các thu nhập hợp pháp khác. Các khoản thu nhập hợp pháp của người phải thi hành án ngoài tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động có thể là tiền thưởng, tiền phụ cấp chức vụ… do cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý thu nhập của người phải thi hành án trả cho người phải thi hành án.
Thu nhập khác của người phải thi hành án trong trường hợp này là những khoản được nhận gắn liền với tiền lương, tiền công từ các tổ chức, cơ quan, cá nhân đang quản lý thu nhập đó. Trong trường hợp này chúng ta không được coi việc được nhận một khoản tiền do tặng cho, thừa kế, trúng sổ số, trợ cấp 1 lần… là khoản thu nhập thường xuyên. Tuy nhiên, những khoản thu nhập này đều được coi là thu nhập hợp pháp của một cá nhân nhưng không thể được coi là thu nhập thường xuyên của người phải thi hành án để áp dụng việc khấu trừ thu nhập của họ.
Vì vậy, khi xác minh người phải thi hành án có tài sản là những khoản tiền trên thì Chấp hành viên không được áp dụng biện pháp cưỡng chế trừ vào thu nhập mà lựa chọn biện pháp cưỡng chế khác phù hợp với quy định của Luật Thi hành án dân sự, như biện pháp khấu trừ tiền, thu hồi, xử lý tiền của người phải thi hành án theo khoản 1 Điều 71 Luật Thi hành án dân sự.
Khoản 4 Điều 78 Luật THADS quy định Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động, Bảo hiểm xã hội nơi người phải THA nhận tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp và các thu nhập hợp pháp khác có trách nhiệm thực hiện quyết định cưỡng chế khấu trừ vào thu nhập của chấp hành viên.
Tuy nhiên, trên thực tế thì sự phối hợp của các cơ quan có liên quan trong việc cưỡng chế này vẫn còn hạn chế. Mặc dù Điều 14 Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT-BTP-BTC-BLĐTBXH-NHNNVN có quy định Cơ quan, tổ chức, cá nhân không cung cấp thông tin mà không có lý do chính đáng hoặc cung cấp không đúng, không đầy đủ thông tin về tài khoản, thu nhập của người phải THA hoặc tiết lộ thông tin để người phải THA chuyển, rút tiền khỏi tài khoản làm ảnh hưởng đến quá trình THA hoặc không thực hiện quyết định phong tỏa, khấu trừ để THA thì tùy từng trường hợp mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Điều 52 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24 / 9/ 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính cũng quy định mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không chấp hành quyết định của người có thẩm quyền thi hành án về việc trừ vào thu nhập là 5 đến 10 triệu đồng. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm hành chính đối với những trường hợp này trong thực tế còn gặp nhiều khó khăn. 


Theo Chi cục THADS huyện Phú Lương

Các tin đã đưa ngày: